Giới thiệu
Ý chí (Willpower) đề cập đến các vấn đề tự kiểm soát bản thân trong công cuộc tìm đến thành công. Cuốn sách đem những nghiên cứu khoa học đương đại ra mổ xẻ do nhiều chuyên gia cho rằng ý chí thực ra có thể được tận dụng và rèn luyện để tạo ra những thay đổi trong cuộc sống như bạn hằng mong muốn.
Ai nên đọc cuốn sách này
- Bất cứ ai hứng thú với bộ môn khoa học hành vi
- Bất cứ ai bị sự thiếu kiên định xen vào con đường dẫn đến thành công
- Bất cứ ai quan tâm đến quá trình làm việc của não bộ
Về tác giả
Tiến sĩ Roy F. Baumeister – một nhà tâm lí học nổi tiếng thế giới – làm việc không ngừng nghỉ với 450 bài viết về khoa học được xuất bản và cho ra đời 28 đầu sách. Hiện tại ông đang giảng dạy bộ môn tâm lí học tại Đại học bang Florida (Florida State University).
John Tierney là phóng viên của New York Times, từng được nhận giải của Hội đồng Phát triển khoa học Mĩ và Viện Vật lí Mĩ.
Tận dụng triệt để sức mạnh ý chí của bản thân và bạn sẽ đạt được những mục tiêu cao nhất trong cuộc đời.
Khái niệm ý chí đã trải qua rất nhiều sự thay đổi căn bản trong lịch sử. Từ sự bắt ép bản thân một cách nghiêm khắc vào thời Victoria hay một nguồn lực bí ẩn trong suy nghĩ đương đại, con người đã nhận thức được tầm quan trọng của thứ sức mạnh tinh thần này trong việc theo đuổi mục tiêu của mình và không ngừng tìm hiểu nguồn gốc của nó bằng nhiều cách khác nhau.
Và rồi, những thí nghiệm khoa học hiện đại cuối cùng đã đưa cho chúng ta một cách hiểu hoàn thiện hơn về khái niệm ý chí, nó hoạt động như thế nào và nó từ đâu đến: ý chí không đơn thuần là khả năng kiểm soát hành động của bản thân; sự thật là, nó rất quan trọng cho hoạt động của não bộ, và gắn kết chặt chẽ với hóa học não bộ.
Với kiến thức khoa học ngày càng được mở rộng của loài người, chúng ta không chỉ học được ý chí hoạt động như thế nào mà còn biết cách nó sụp đổ như thế nào. Ý chí của con người không hoàn hảo và không thể giải quyết mọi vấn đề chúng ta gặp phải, nhưng những dòng tóm tắt dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn chân thực vào các cách mà con người sử dụng nguồn sức mạnh này để thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp.
Sau khi đọc bản tóm tắt này, bạn sẽ hiểu được:
- Tại sao những học sinh có sự tự tôn cao lại đạt điểm thấp;
- Tại sao người Mĩ gốc Á với chỉ số IQ thấp lại kiếm được công việc tốt hơn những người Mĩ gốc Âu;
- Tại sao Oprah Winfrey gặp khó khăn trong việc ăn kiêng.
Ý chí giống như cơ bắp – sẽ rã ra qua năm tháng sử dụng.
Hãy tưởng tượng rằng bạn vừa mới rời khỏi phòng gym sau một bài tập nặng. Đôi chân của bạn sẽ run run khi bạn đi ra bãi gửi xe và cánh tay rã rời đến mức chỉ mở cửa thôi cũng tốn cả đống sức lực. Ý chí của bạn cũng hoạt động y như vậy.
Quan trọng là, chúng ta có một “nguồn” ý chí có hạn để dùng ngày qua ngày – từ việc chọn ăn bông cải xanh thay vì bánh quy cho tới việc đối xử tốt với bố mẹ chồng. Mỗi hành động trên đều tiêu tốn sức mạnh ý chí của chúng ta.
Điều này được xác minh trong một công trình nghiên cứu của một trong hai tác giả, trong đó những người tham gia ở trong một căn phòng có mùi bánh quy và sau đó được chia thành hai nhóm: một nhóm phải ăn bánh quy, trong khi nhóm còn lại được yêu cầu ăn củ cải.
Trong nửa sau của thí nghiệm, những người tham gia phải chơi trò xếp hình. Thật ngạc nhiên, những người ăn củ cải hoàn thiện các miếng ghép tốn ít thời gian hơn đáng kể những người ăn bánh quy: ít hơn 12 phút, sự thực là như vậy.
Nói cách khác, sử dụng sức mạnh ý chí để cưỡng lại sự thèm ăn khiến nhóm thứ nhất có ít sức chịu đựng hơn để đối phó với những nhiệm vụ khó khăn sau đó.
Thêm vào đó, ý chí của chúng ta và việc đưa ra quyết định gắn kết chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhau. Ví dụ, những người mà hay phải đưa ra quyết định như thủ tướng, thị trưởng và những người nắm nhiều quyền lực khác có vẻ dễ đầu hàng trước sự quyến rũ về xác thịt và dính vào những bê bối tình dục.
Điều này khả năng cao là do sự mệt mỏi quyết định. Việc phải đưa ra quá nhiều quyết định quan trọng trong khi sức lực có hạn làm hao mòn sức mạnh ý chí sẵn có của họ, và do đó khiến việc chống lại những cám dỗ cũng trở nên khó khăn hơn.
Tương tự như thế, chúng ta có xu hướng đưa ra quyết định không chính xác khi tinh thần mệt mỏi. Với nhiều người điều này được biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày, khi họ kiệt sức vì công việc và thấy bản thân mình thà cãi nhau với người yêu hơn là ngồi lại và cùng suy nghĩ để giải quyết mâu thuẫn.
Bạn có thể rèn luyện ý chí trở nên mạnh mẽ hơn, giống như cơ bắp.
Một vài người tin rằng ý chí là một thứ gì đó bẩm sinh, với sức mạnh và chất lượng không thể bị thay đổi hay mài dũa. Tuy nhiên, điều này không đúng chút nào!
Sử dụng sức mạnh ý chí của bạn để tạo nên những thay đổi tích cực trong hành vi của bản thân, có thể tôi luyện tăng khả năng tự kiểm soát bản thân ở các mặt khác trong cuộc sống. Thậm chí cả những thay đổi nhỏ, như quyết định nói “Đồng ý” và “Phản đối” thay vì “Ừm” và “Không” cũng có thể khiến ý chí của bạn mạnh mẽ và dồi dào hơn.
Chúng ta có thể hiểu quy luật này một cách sống động hơn trong một nghiên cứu mà những người tham gia không có thói quen tập thể dục nhưng muốn cải thiện vóc dáng của mình được đưa cho một lộ trình tập luyện với những bài tập đơn giản.
Bằng việc làm theo kế hoạch đơn giản này ở phòng gym, sức mạnh ý chí được cải thiện ở khắp nơi, trong phòng thí nghiệm nơi họ thực hiện các nhiệm vụ mà không bị mất tập trung bởi ti vi ở ngay cạnh và cả ở ngoài đời thực khi họ ăn uống lành mạnh và chăm làm việc nhà hơn, v.v…
Khi rèn luyện sự kiểm soát bản thân bằng việc tuân thủ kế hoạch tập luyện, những người tham gia cuộc nghiên cứu này cũng rèn luyện luôn cả sức mạnh ý chí, cũng như họ đã làm với cơ thể mình vậy.
Ở một nghiên cứu khác, một nhóm học sinh được yêu cầu siết chặt dụng cụ tập cơ tay lâu nhất có thể. Thí nghiệm này được lặp lại với những học sinh đó sau khi một vài người được gọi riêng ra và yêu cầu sửa lại tư thế của mình.
Thật ngạc nhiên, những người có ý thức về tư thế tiến bộ trong bài kiểm tra với dụng cụ tập cơ tay nhưng theo một cách rất thú vị: họ chỉ làm tốt hơn ở lần thử thứ hai, không phải lần thứ nhất. Bài tập cải thiện tư thế giúp họ phát triển khả năng kiểm soát bản thân, có nghĩa là sau lần thử thứ hai họ chịu ít áp lực về tinh thần hơn trong lần thử thứ nhất của bài kiểm tra đó.
Hãy nghĩ về ẩn ý của điều này: ngân quỹ eo hẹp thực sự có thể giúp bạn bỏ thuốc lá.
Glucose, chứ không phải sự thư giãn, là thứ cho chúng ta sức mạnh để kiểm soát bản thân.
Các nhà tâm lí học từng đưa ra giả thuyết rằng sức mạnh ý chí có thể cải thiện sau khi thư giãn. Cách nghĩ này dựa trên sự tồn tại của các lễ hội như Mardi Gras, trong lễ hội mọi người được phép ăn uống thả ga trước khi phải kiêng những thứ mình thích vào tuần ăn chay.
Luận điểm này có nghĩa rằng nuông chiều bản thân sẽ khiến bạn có nhiều sức mạnh ý chí hơn để cưỡng lại trước những cám dỗ khác như sôcôla hay rượu bia.
Tuy nhiên, giả thuyết này được cho là không đúng: sức mạnh ý chí không liên quan gì đến sự thỏa mãn mà đến lượng đường trong thức ăn chúng ta tiêu thụ.
Ví dụ, nhiều người nạp vào một loại đồ uống nhạt nhẽo nhưng khi có đường sẽ thể hiện tốt trong các bài kiểm tra về sức mạnh ý chí như những người ăn kem và tốt hơn nhiều so với những người trước đó thư giãn bằng cách đọc báo.
Như chúng ta có thể thấy, không phải sự thỏa mãn khi được ăn một món ngọt ngào đầy hấp dẫn mà bản thân đường là thứ giúp chúng ta kiểm soát bản thân.
Một bằng chứng khác cho luận điểm này có thể kể đến sự thực là những người bị chứng hạ đường huyết, thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Hạ đường huyết cũng rất phổ biến ở tội phạm và những người có tiền án bạo lực.
Vào năm 2011, giáo sư tâm lí học Todd Heathertion công bố phim chụp cắt lớp não và những thí nghiệm cho thấy não bộ không dừng hoạt động khi sức mạnh ý chí bị hao mòn. Thay vào đó, nó chỉ hoạt động khác đi, trên thực tế, giống như não của một người bị hạ đường huyết.
Phim chụp cắt lớp não bộ cũng chỉ ra rằng sự chuyển giao hoạt động giữa các phần của não bộ phụ thuộc vào việc sức mạnh ý chí của bạn có bị hao mòn hay không. Một vài chuyên gia tin rằng chúng ta trải qua những cảm xúc mạnh hơn khi sức mạnh ý chị bị rút cạn vì lúc đó những phần của não chịu trách nhiệm kiểm soát bản thân sẽ kém linh hoạt hơn, trong khi những phần khác vẫn phải tiếp tục công việc bận rộn của mình.
Điều quan trọng là, bất kể chúng ta bị hạ đường huyết do gen hay chế độ ăn, lượng đường trong máu càng thấp thì chúng ta thể hiện sự tự kiểm soát bản thân càng kém.
Bây giờ bạn đã hiểu được sức mạnh ý chí đến từ đâu, những trang tóm tắt tới sẽ dạy bạn làm thế nào để kiểm soát bản thân tốt hơn.
Sự tự kiểm soát bản thân bắt đầu bằng việc thiết lập những mục tiêu đúng đắn.
Chúng ta thường kết nối ý chí với việc đạt được những mục tiêu nhất định. Ví dụ như, nếu bạn muốn giảm cân (mục tiêu), thì bạn sẽ phải hạn chế ăn bánh sôcôla mỗi tối (ý chí).
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thành công bằng cách tập trung vào ý chí để chạm tới mục tiêu thì hãy để tâm đến mức độ và bản chất của những mục tiêu đó.
Đã quá nhiều lần, chúng ta không có đủ ý chí để đạt được những tầm cao mới trong tương lai vì những mục tiêu cụ thể mâu thuẫn với nhau, trong khi lại dựa vào cùng một nguồn lực hay động lực.
Ví dụ, trong khi nhiều người muốn tập trung sức lực vào gia đình và công việc, những mục tiêu này thường xung khắc với nhau, bởi lẽ không thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn khi cùng lúc làm thêm giờ ở cơ quan. Đơn giản là không có đủ thời gian trong một ngày để ta có thể làm như vậy.
Ngược lại, những mục tiêu như chi tiêu tiết kiệm và bỏ hút thuốc không mâu thuẫn với nhau và trên thực tế chúng còn hòa hợp là đằng khác. Bạn tiết kiệm tiền bằng cách không mua thuốc lá, từ đó cắt giảm chi tiêu.
Những mục tiêu mâu thuẫn không chỉ khó đạt được, chúng còn trực tiếp dẫn đến sự phiền não chứ không phải là hành động. Những nghiên cứu chỉ ra rằng con người dành nhiều thời gian bận tâm về việc họ sẽ sửa lại những mục tiêu mâu thuẫn đó như thế nào hơn là theo đuổi chúng, và sự trì trệ này đem lại áp lực và sự lo lắng không cần thiết.
Để có đủ ý chí đạt được mục tiêu, bạn phải chắc chắn rằng chúng được lập nên rõ ràng mà không quá chi tiết.
Bạn có thể sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng từ phép thử gồm một nhóm học sinh được hướng dẫn lập kế hoạch về việc họ sẽ học khi nào, ở đâu và sẽ học cái gì. Những học sinh này đạt điểm cao hơn những người tỉ mỉ lên kế hoạch hàng ngày, nhưng nếu họ quyết định không lên kế hoạch nữa, sẽ hoàn thành công việc chậm trễ hơn rất nhiều so với những người lên kế hoạch hằng ngày.
Lí do đằng sau việc này là kế hoạch theo tháng – đối lập với kế hoạch hàng ngày tỉ mỉ – vừa hiệu quả vừa bớt chán nản hơn. Lập kế hoạch cho từng ngày chính xác đến từng giây rất mất thời gian và thiếu tính linh động. Trái lại kế hoạch theo tháng cho phép chúng ta được chậm trễ.
Tuy nhiên, chỉ sức mạnh ý chí thì không đủ để bạn đạt được thứ mình muốn.
Bạn cần phải có những chiến lược thay thế khi sức mạnh ý chí thất bại
Không phải người nào cũng có một ý chí sắt đá, và thậm chí cả những người có thì ý chí của họ cũng dễ bị hao mòn sau những bài kiểm tra khó nhằn về khả năng kiểm soát bản thân. May mắn là, bạn không phải luôn luôn cần ý chí để đạt được mục tiêu: những chiến lược thay thế, ví dụ như phát triển những thói quen hay chống lại những cám dỗ, cũng giúp ta có được điều mình muốn.
Ví dụ như thay vì sử dụng nguồn sức mạnh ý chí giới hạn của mình để cưỡng lại cám dỗ, bạn có thể dự đoán trước và có những biện pháp để chống lại nó. Nếu bạn biết rằng bạn không thể cưỡng lại sự mát lạnh của một cốc bia và những cuộc tán gẫu xung quanh bàn rượu thì tốt hơn hết là đừng đi đến quán bar.
Một cách khác để giữ mình là công khai những mục tiêu của bạn và quá trình bạn thực hiện nó. Chẳng hạn như bạn đang muốn giảm cân, bằng việc bước lên bàn cân hằng ngày hoặc hàng tuần và đăng kết quả lên mạng xã hội, bạn có thể tìm thấy sức mạnh và động lực từ bạn bè và người thân nếu bạn thấy mình đang thất bại.
Hơn nữa, bạn có thể tránh việc não bộ cạn kiệt vĩnh viễn bằng việc tạo nên những thói quen tích cực. Trong khi nó chắc chắn sẽ tiêu tốn sức mạnh ý chí khi tạo lập một thói quen mới, nhưng khi nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì bạn sẽ không cần cố gắng để duy trì nó nữa.
Chúng ta có thể lại nhìn sang những học sinh chăm chỉ để rút ra bài học: những người làm tốt không phải những người có sức mạnh ý chí học ngày học đêm mà là những người hình thành thói quen học hàng ngày.
Nếu bạn biết rằng có một thứ gì đó mà bạn có thể làm hàng ngày giúp bạn đạt được những mục tiêu cao hơn, hãy biến nó thành một thói quen. Rèn luyện sức mạnh ý chí của mình một chút để tạo nên một thói quen tích cực, giảm bớt rất nhiều áp lực và nỗi lo sau này.
Tôn giáo và các hình thức quyền lực bên ngoài khác giúp chúng ta phát triển bộ máy kiểm soát bản thân.
Nghe thật lạ nhưng bạn cần ý chí để phát triển ý chí. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn thiếu đi một nguồn sức mạnh ý chí nền tảng cần thiết để rèn luyện? Trong những trường hợp này, có thể tin rằng một “đấng tối cao” đang dõi theo bạn sẽ có một sức ảnh hưởng lớn.
Quả thực, những người sùng đạo có nhiều sức mạnh ý chí hơn những người vô thần. Ví dụ, những người theo đạo thường làm những việc yêu cầu sự kiểm soát bản thân tốt, như cài dây an toàn, uống vitamin hàng ngày và tránh quan hệ tình dục không an toàn.
Điều này có thể được giải thích là do họ bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát từ bên ngoài, nghĩ rằng có ai đó hoặc cái gì đó đang điều khiển hành vi của mình. Ví dụ, những tín đồ Công giáo không muốn bị xấu hổ trước cộng đồng của họ hay Chúa vì có một đứa con ngoài giá thú, vì vậy nên họ ít sa vào những hành vi dẫn đến hậu quả này.
Tuy nhiên, sự kiểm soát từ bên ngoài lại không liên quan lắm đến tôn giáo như sự thật có một ai đó đang theo dõi bạn và hành vi của bạn. Trong hầu hết các tôn giáo, điều này được thực thi bởi các vị thánh thần và giáo đoàn.
Sự thật là không chỉ có tôn giáo mà trên thực tế, sức mạnh ý chí khi tăng lên cũng được thể hiện rất rõ trong những cộng đồng không phải tôn giáo mà bị chi phối bởi quyền lực từ bên ngoài. Ví dụ, thành công của chương trình “Những kẻ nghiện rượu nặc danh” (Alcoholics Anonymous) là do những người đã cai nghiện đối mặt với áp lực phải kiềm chế trước rượu bia trong cộng đồng mới của mình – những người khát khao sự chấp nhận từ xã hội.
Quan trọng nhất, bị cuốn hút bởi những điều tốt trong cộng đồng hay bởi một “quyền năng tối cao” nào đó trong khi thực hiện những nguyện vọng chung không chỉ chứng minh rằng bạn chịu ảnh hưởng từ những người cùng chí hướng. Khát khao được chấp nhận cũng là điều dẫn đến những thay đổi trong hành vi của bạn – và hi vọng đó là những thay đổi theo chiều hướng tích cực!
Các bậc cha mẹ nên tập trung vào khả năng tự kiểm soát bản thân hơn là lòng tự tôn của con trẻ bằng việc trở nên quyết đoán hơn.
Đã bao lần bạn nghe được rằng chìa khóa đến thành công của một đứa trẻ là sự tự tôn? Quan điểm này đã phổ biến từ lâu, nhưng điều gì khiến nó trở nên có lí vậy?
Mặc dù hầu hết những bậc cha mẹ ở các nước phương Tây đều cố gắng đẩy mạnh sự tự tôn của con cái họ, có rất ít lí do để tin rằng phong cách giáo dục này là hợp lí. Sự thật là, không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào củng cố ý kiến phương pháp này tạo ra tác động tốt hơn về mặt xã hội và trí tuệ cho trẻ.
Ví dụ như, có những người tin rằng lòng tự tôn và điểm cao có liên quan đến nhau nhưng tự tôn thực chất được tạo nên từ điểm tốt, chứ không phải ngược lại.
Điều này được thể hiện trong một nghiên cứu, trong đó những học sinh bị điểm C trong bài thi giữa kì nhận được tin nhắn có những lời khen hàng tuần. Nhưng khi họ làm bài thi cuối kì, họ vẫn đạt điểm thấp hơn nhóm học sinh có khả năng tự kiểm soát bản thân và thậm chí còn kém hơn cả bài thi giữa kì.
Sự phát triển của trẻ nếu tập trung vào sự tự tôn sẽ chỉ tạo nên những kẻ tự luyến, luôn luôn tâm niệm rằng mình là nhất.
Mặt khác, những đứa trẻ biết kiểm soát bản thân đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống. Điều này được thể hiện rõ trong những gia đình người Mĩ gốc Á, nơi mà ngay cả những người có IQ thấp vẫn có thể có được việc làm tốt hơn những người Mĩ gốc Âu có IQ cao hơn bởi vì nền văn hóa của họ có những quy định và mục tiêu khắt khe từng được miêu tả chân thực bởi nhà nhà tâm lí học Ruth Chao.
Một vài cách nuôi dạy trẻ theo kiểu “quân phiệt” hà khắc, chẳng hạn như “Mẹ Hổ” (phụ huynh bao bọc con cái và dõi theo từng bước đi của chúng) bị coi là cực đoan và không lành mạnh. Vậy mà những chú hổ con lại thường trở thành những cá nhân xuất chúng.
Chúng ta có thể rút ra được một vài bài học quý giá từ cách dạy bảo nghiêm khắc này: cha mẹ nên đề ra những mục tiêu rõ ràng, thắt chặt kỉ luật, thưởng phạt công tâm.
Khía cạnh quan trọng nhất trong việc nâng cao khả năng tự kiểm soát bản thân của trẻ là thực thi những hình phạt thống nhất cho các hành vi sai trái. “Thống nhất” ở đây có nghĩa là mức độ của những hành vi ấy sẽ có từng mức hình phạt tương đương, rồi dần dà trẻ sẽ học được cách kiểm soát bản thân tốt hơn.
Những người có ý chí mạnh mẽ không hẳn sẽ giỏi ăn kiêng.
Bạn sẽ nghĩ rằng người có ý chí mạnh mẽ dễ giảm cân hơn người dễ bị khuất phục trước hoàn cảnh. Nhưng hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Chỉ có sức mạnh ý chí thì không thể dẫn đến việc ăn kiêng thành công. Trên thực tế, điều này đã được kiểm nghiệm trong một nghiên cứu mà ở đó những học sinh thừa cân có khả năng tự kiểm soát tốt được quan sát thấy chỉ có một lợi thế rất nhỏ so với bạn của họ trong cùng chương trình giảm cân.
Ngay cả những người có sức mạnh ý chí tuyệt vời và thành công lớn như Oprah Winfrey cũng rơi vào những thói quen ăn uống không lành mạnh sau khi ăn kiêng rồi tăng cân trở lại.
Nhưng tại sao? Không phải ý chí nên cho chúng ta nhiều động lực để đạt được mục tiêu giảm cân của mình hay sao? Cơ mà, có những điều còn mạnh hơn cả ý chí, có tên là sinh học.
Loài người được sinh ra có sức chịu đựng qua những thời điểm thiếu thốn lương thực như mùa đông hay nạn đói. Để bù lại sự thiếu thức ăn, cơ thể chúng ta cố gắng tích trữ chất béo để đốt cháy như một biện pháp để sinh tồn.
Và hơn nữa, những phương pháp ăn kiêng của chúng ta thi thoảng lại phản chủ. Rất nhiều người khuyên rằng hãy tiêu thụ ít glucose để giảm cân, nhưng như bạn đã học được ở phần trước, glucose rất cần thiết cho sức mạnh ý chí.
Vậy làm thế nào để cân bằng chế độ ăn với nhu cầu về sức mạnh ý chí?
Mặc dù ý chí là một nguồn năng lượng mạnh mẽ và phần nhiều bị đánh giá thấp trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, điều này không có nghĩa là ý chí có thể quyết định mọi thứ!
Thông điệp chủ đạo của cuốn sách
Sức mạnh ý chí không phải là một khái niệm trừu tượng. Trên thực tế, nó gắn liền với sinh học. Hiểu được điều này, các nhà khoa học giờ đây có thể nghiên cứu về sức mạnh và giới hạn của ý chí giúp bạn có thể hiểu sâu hơn để tận dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Lời khuyên hành động:
Sử dụng công nghệ sẵn có để giúp ý chí của bạn phát triển.
Như bạn có thể học được trong bản tóm tắt của chúng tôi, lập kế hoạch và áp lực từ xã hội là những công cụ hiệu quả để rèn luyện ý chí. Tìm kiếm những ứng dụng mà đo được sự tiến bộ của bạn – trong việc giảm cân, luyện tập hay học hành – và đăng kết quả của mình lên mạng xã hội. Bạn sẽ không chỉ biết được mình đang ở đâu mà bạn bè và người thân còn có thể biết được để cho bạn thêm sức mạnh để bước tiếp.
Tóm tắt sách Ý Chí
Dịch từ Blinkist