Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

“Vượt qua bản ngã” (2016) chỉ ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa vị kỷ. Theo đó, chúng ta dễ bị che khuất tầm nhìn, dễ bị ngủ quên trên chiến thắng nếu để cái tôi của mình dẫn dắt. Nhận thức rõ tác hại của nó, tác giả Ryan Holiday đã mượn sức mạnh của ngôn từ để cảnh báo chúng ta về điều này. Đồng thời, ông còn hướng dẫn bạn đọc cách kiểm soát cái tôi, để từ đó, chúng ta có thể hoàn thiện bản thân và tiến gần hơn với thành công đích thực. 

Quyển sách này dành cho ai? 
  • Những ai đang mất phương hướng trong cuộc sống và cần truyền động lực 
  • Các doanh nhân 
  • Những nhà quản lý 
Về tác giả 

Ryan Holiday là tổng biên tập của tờ New York Observer và là cựu giám đốc marketing của American Apparel. Ông ấy đã chấp bút cho nhiều cuốn sách bán chạy, bao gồm: Tin tôi đi, tôi đang nói dối đấy và Vượt qua chướng ngại.

 

1

Quyển sách này sẽ giúp bạn học cách chế ngự cái tôi của mình

Một cái tôi vừa phải, lành mạnh thường là yếu tố cốt lõi mang lại thành công trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta cạnh tranh, thuyết phục người khác về điểm mạnh của mình. Và quan trọng nhất, nó giúp ta hoàn thiện bản thân. 

Nhưng hiếm khi chúng ta kiểm soát được cái tôi của mình. Nhiều người bị cái tôi chi phối và trở nên hung hăng mỗi khi họ bị ai đó chỉ trích. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta đều cần học cách chế ngự cái tôi của mình. Và đây chính là điều mà tác giả Ryan Holiday đang nỗ lực giúp bạn thông qua quyển sách “Vượt qua bản ngã”. 

Qua đây, bạn sẽ biết được: 

  • Tại sao bạn nên khiêm tốn ngay cả khi bạn rất giỏi; 
  • Tại sao nghệ sĩ ghi ta Kirk Hammett từng từ chối gia nhập một trong những ban nhạc đình đám nhất mọi thời đại; 
  • Ta nên làm gì khi mọi chuyện diễn ra không như ý muốn.

2

Cái tôi luôn mong muốn được công nhận mà không cần làm việc vì điều đó

Ông cha ta có câu: Hành động ý nghĩa hơn lời nói! Nhưng nếu điều đó là sự thật thì tại sao chúng ta lại thích được nổi tiếng, hoặc thích được người khác khen ngợi cho những điều mà ta thậm chí còn chẳng làm? Lý do là vì mỗi người đều có một bản ngã, một cái tôi ở bên trong. 

Cái tôi luôn khao khát được công nhận, khao khát có được danh tiếng mà chẳng cần quan tâm đến việc ta có xứng với điều đó hay không. Dù sự công nhận có thể là biểu hiện của sự thành công, nhưng thực tế, nhiều người đã cố gắng nổi tiếng trước cả khi họ đạt được thành công thực thụ. 

Hãy xem thử câu chuyện của cựu tổng thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant. Ông ấy từng là một vị tướng nổi tiếng trong quân đội Hoa Kỳ. Sau cuộc Nội chiến, Grant ra tranh cử tổng thống và đã giành chiến thắng. Bạn có thể nghĩ ông ấy thật tuyệt vời. Nhưng điều đó chỉ đúng trong quân đội. Sự thật là Grant không am hiểu và cũng chẳng có nhiều tiếng tăm trong lĩnh vực chính trị. Bởi vậy, hành động theo đuổi vị trí cao nhất trên chính trường của ông chỉ được xem như một ví dụ về chủ nghĩa ích kỷ. 

Có thể, ai đó sẽ biện minh cho hành động của Grant là tham vọng. Nhưng khác với cái tôi, tham vọng dựa trên nền tảng vững chắc là những thành tựu thực tế. Ví dụ, William Tecumseh Sherman là một vị tướng tham vọng. Ông ấy phục vụ trong quân đội cùng với Grant. Sherman cũng thành công trong công việc của mình. Nhưng, không giống như Grant, ông ấy không phải một người tự cao tự đại. Khi những người đồng nghiệp đang mải mê chạy theo danh vọng trên chính trường, Sherman lại nỗ lực để đạt thành tựu trong quân ngũ. Ông ấy cũng không chú trọng việc mình có được tán dương hay không. 

Trong những buổi nói chuyện cùng với Abraham Lincoln, Sherman thể hiện rõ quan điểm rằng ông không quan tâm đến việc trở thành tổng thống. Sherman đơn giản là muốn tiếp tục làm việc chăm chỉ trong quân đội. Ông ấy đã nỗ lực thành công mà không tập trung vào việc được công nhận. Đó chính là điểm khác biệt giữa cái tôi và tham vọng.

3

Hãy kiềm chế bản ngã bằng cách tự nhắc nhở bản thân rằng trên thế giới còn rất nhiều điều cần học hỏi

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epictetus từng nói: “Người ta sẽ không học được điều mà họ cho rằng mình đã biết”. Ý nghĩa của câu nói này liên quan trực tiếp đến bản ngã của chúng ta. Bản ngã thường nói với ta rằng ta đủ thông minh để học bất cứ điều gì mới. Và dù giả định này có vẻ khó hiểu với nhiều người nhưng sự thật là chúng ta có thể vượt qua nó nếu ta chấp nhận hạ thấp cái tôi của mình xuống một chút. 

Cách tốt nhất để kiểm soát cái tôi là tự xem mình như một sinh viên không ngừng học hỏi. Ngay cả khi bạn đã rất giỏi trong công việc nào đó, thì cái tôi cũng chỉ biến bạn thành một người tự phụ. Để ngăn chặn điều này, bạn nên nhắc nhở bản thân rằng thế giới này rất rộng lớn, luôn có người giỏi hơn mình. 

Như trường hợp của nghệ sĩ ghi ta Kirk Hammett, năm 1980, ông ấy được Metallica mời vào nhóm. Đó là một cơ hội hiếm có bởi nhóm của Metallica được xem là một trong những ban nhạc rock nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, Hammett nghĩ rằng mình vẫn còn một chặng đường dài cần học hỏi. Bởi vậy, ông ấy đã theo học nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng thế giới Joe Satriani. Nhờ đó, Hammett đã đưa kỹ năng chơi đàn của mình lên một tầm cao mới. 

Từ câu chuyện của Hammett, ta thấy rằng việc học hỏi những người đồng nghiệp tài năng là một trong những cách tốt để kiềm chế bản ngã. Tức là, khi tìm một cố vấn có kỹ năng cao, bạn sẽ được nhắc nhở rằng mình còn nhiều điều để học hỏi, để không bao giờ ngủ quên trong chiến thắng. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể kiềm chế cái tôi bằng cách tự mình trở thành một người cố vấn. Đây là điều mà chuyên gia võ thuật Frank Shamrock đã làm. Ông ấy tin rằng, để giữ được sự khiêm tốn thì học hỏi người giỏi hơn và chỉ dẫn những người kém hơn chính là chìa khoá. Thông qua việc cho và nhận như vậy, một võ sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ lỗ hồng trong kỹ năng từ cấp độ thấp tới cấp độ cao. Từ đó, họ vừa kiểm soát được bản ngã, vừa có thể tiến bộ từng ngày.

4

Thói kiêu ngạo khiến ta chạy theo hư vinh một cách mù quáng

Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu một số phát minh vĩ đại không được ra đời chỉ bởi vì người phát minh ra nó đã lỡ ngủ quên trên chiến thắng? Ví dụ, thời điểm Apple mới ra đời, Steve Jobs rất thành công với chiếc máy tính Apple II. Nếu ông ấy hài lòng với chiếc vòng nguyệt quế của mình thì có lẽ, thế giới đã chẳng có iPhone và iPad. 

Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều có xu hướng “sớm thoả mãn”. Tức là, khi đã đạt được thành công nào đó, ta hài lòng và ngủ quên trên chiến thắng. Nhưng tại sao lại vậy? Chắc bạn cũng đoán được, điều này liên quan mật thiết tới cái tôi của mỗi người. 

Kiêu ngạo và cái tôi không giống nhau. Nhưng chắc chắn, chúng chẳng thể tách rời. Kiêu ngạo giúp chúng ta biện minh cho cái tôi của mình, khiến chúng ta nhìn nhận thành công như một dấu hiệu cho thấy ta đặc biệt như thế nào. Khi đạt được một thành công nào đó, dù nhỏ, ta cũng bận rộn vỗ về cái tôi đang kiêu ngạo. Bởi thế mà ít ai đủ tỉnh táo để xem xét lại và cải thiện những thiếu sót của bản thân. 

Đáng buồn là kiêu ngạo không giúp ích gì cho ta. Nó ngăn chúng ta tiếp tục học hỏi. Nó tạo thành một cái lồng nhốt ta ở trong đó. Dần dần, ta trở nên nhạy cảm với những lời chỉ trích và không chịu lắng nghe những lời khuyên chân thành. 

Những người kiêu ngạo rất bảo thủ. Họ sống trong cái lồng kiêu hãnh của mình quá lâu và chẳng còn tha thiết bước ra ngoài để tiếp thu, để học hỏi. Nếu ai đó nói rằng, họ chẳng hề đặc biệt như họ vẫn nghĩ thì chắc chắn, cái tôi sẽ phản ứng dữ dội và biến họ thành một người hung hăng. 

Khi bị cái tôi xui khiến, chúng ta không dám đối mặt với sự thật rằng mình chẳng phải người giỏi nhất thế giới. Và nhiều người sẽ sẵn sàng “chiến đấu” với bất cứ ai, bất cứ điều gì đang làm tổn hại đến lòng kiêu hãnh của họ. 

Ngay cả Benjamin Franklin cũng có lúc bị chi phối bởi “cái lồng” đầy dụ hoặc này. Một lần nọ, khi Franklin về Boston, một trong những nhân vật được kính trọng nhất của thị trấn, Cotton Mather, đã lớn tiếng gọi ông ấy “Cúi xuống! Cúi xuống!”. Franklin nghĩ rằng việc “khom lưng” không hề phù hợp với mình và phớt lờ lời cảnh báo. Dĩ nhiên, đây là một quyết định thiếu sáng suốt! Franklin đi thẳng tới khung cửa thấp và bị đập đầu vào nó 

5

Kiểm soát cái tôi của bạn bằng cách ủy quyền và tin tưởng vào đồng đội

Bạn có cảm thấy khó khăn trong việc tin tưởng đồng đội không? Chẳng hạn, mỗi khi định giao nhiệm vụ nào đó cho họ, bạn lại do dự. Bạn thường xuyên lo sợ rằng họ không thể làm tốt như mình. Nếu gặp phải tình huống trên thì có vẻ bạn cần cải thiện cái tôi của mình đấy! 

Thông thường, khi thăng tiến trong sự nghiệp, chúng ta sẽ xung đột với bản ngã của mình. Vì đã quen với việc được công nhận về chuyên môn, chúng ta gặp khó khăn khi đảm nhận vai trò giám sát công việc của người khác. 

Điều này không hề hiếm gặp. Trên thực tế, mọi người thường có xu hướng giữ lại những phần việc mà lẽ ra, họ nên giao phó cho cấp dưới hoặc đồng đội. Tại sao lại vậy? Bởi vì bản ngã nói với ta rằng, chẳng ai có thể làm công việc đó tốt hơn chính bản thân ta. Và uỷ quyền đồng nghĩa với việc, bạn buộc phải tin tưởng, phải công nhận năng lực của người khác. Nên dù nhận thức rõ rằng uỷ quyền sẽ giúp bạn có thời gian để làm những việc lớn lao, quan trọng hơn, bạn vẫn khó lòng chấp nhận điều đó. 

Nếu vẫn gặp khó khăn trong vấn đề này, bạn hãy ghi nhớ rằng chi phí cho việc từ chối uỷ quyền khá là đắt! Thậm chí, cái giá phải trả có thể là phá sản doanh nghiệp. Ví dụ, John DeLorean từng bỏ việc tại General Motors để lập công ty riêng với niềm tin rằng, mình hiểu rõ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xe hơi hơn các ông chủ. Vấn đề là, ông ấy thiếu nhiều cơ sở để củng cố cho giả định này. Và quả thực, mọi thứ dần trở nên rõ ràng ngay sau đó. 

Tại công ty mới, DeLorean gần như né tránh việc uỷ quyền. Bản ngã của ông ấy luôn thầm thì rằng bản thân ông phải có tiếng nói trong mọi quyết định của công ty. Đây là phong cách quản lý độc tài thiếu bền vững! Kết quả là, DeLorean thất bại và công ty của ông cũng phá sản. 

6

Mỗi khi đạt được một thành tựu nào đó, ta luôn nợ người khác một lời cảm ơn

“Một cây làm chẳng nên non” – đó là triết lý muôn thuở mà cha ông ta truyền lại. Quả thực, gần như chẳng có thành tựu lớn nào lại được làm nên bởi một cá thể duy nhất. Nhưng trên thực tế, nhiều người luôn tự cho rằng thành công của họ chỉ đến từ nỗ lực của chính họ mà thôi. Đây là một tư duy rất nguy hiểm! 

Đồng ý rằng rất nhiều người đã vươn lên từ nghịch cảnh nhờ vào sự chăm chỉ không ngừng nghỉ. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc họ đã tạo ra một thành công trọn vẹn, một thành công không chịu ảnh hưởng từ bất kỳ ai khác, ngoại trừ họ. 

Chẳng hạn, Shaquille O’Neal và Kobe Bryant đều là những vận động viên bóng rổ đẳng cấp trên thế giới. Họ đã cùng với đội LA Lakers giành vô địch ba lần liên tiếp vào các năm 2000, 2001 và 2002. Mọi người đều công nhận họ là một bộ đôi tuyệt vời. Nhưng thật kỳ lạ khi cả hai đều chối bỏ điều này. O’Neal thường phàn nàn với giới truyền thông về những thiếu sót của Bryant. Còn Bryant đã từ chối việc tái ký kết hợp đồng với Lakers cho đến khi họ quyết định chuyển O’Neal sang một đội bóng khác. 

Còn bạn, bạn sẽ làm gì nếu ở vị trí tương tự? Khi được truyền thông săn đón và có quá nhiều người hâm mộ, liệu bạn còn giữ được tâm trí sáng suốt để nhìn thấu đáo mọi vấn đề? Rất có thể, bạn sẽ dễ sa vào suy nghĩ cho rằng mình giỏi hơn người khác. Và thành công ngày hôm nay là do bạn đã “còng lưng” gánh vác cả những người đồng đội đầy thiếu sót. 

Nhưng đó là một sai lầm lớn! Sẽ chẳng có chức vô địch hay sự nổi tiếng nào cả nếu một người thiếu đi sự đóng góp, hỗ trợ từ đồng đội. Bởi vậy, thay vì nỗ lực kéo sự ngợi ca về phía mình, tại sao chúng ta không chia sẻ điều đó với những người khác? Thông thường, quy luật có qua có lại sẽ hoạt động trong tình huống này. Nếu chúng ta dành lời khen cho đồng đội thì rất có khả năng, lần sau họ sẽ làm điều tương tự. 

Tất nhiên, ca sĩ hoạt động cá nhân thì chẳng có “đồng đội” chính thức. Nhưng chẳng phải thành công của họ có sự đóng góp từ đội ngũ ekip, những người tài trợ và cả những người hâm mộ trung thành đó sao? Và nghĩ rộng ra, với cả những nghề nghiệp khác, sự khiêm tốn luôn có lợi hơn một cái tôi đang bị khoá chặt trong niềm kiêu hãnh quá mức. 

Vì thế, hãy học cách nói lời cảm ơn! Hãy thừa nhận rằng chúng ta thành công là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người, trong cả một quá trình trước khi đến được như ngày hôm nay. Nếu có thể nghĩ thông suốt, mọi người sẽ yêu quý bạn, sẽ làm việc tốt hơn, sẽ luôn mong muốn được gia nhập và đồng hành cùng với bạn đấy!

7

Khi đã cố gắng hết sức nhưng không thành công, hãy tìm hiểu lý do để bạn có thể làm tốt hơn vào lần sau!

Giả sử, bạn vừa tham gia ứng tuyển, hoặc vừa đề xuất một ý tưởng nào đó nhưng bị từ chối, bạn có cảm thấy bị tổn thương và thất vọng không? Điều này rất khó tránh khỏi. Xét cho cùng thì cái tôi bên trong vẫn luôn nói rằng bạn xứng đáng, bạn có quyền được tưởng thưởng bởi giá trị của mình. Nhưng không phải lúc nào thế giới này cũng diễn ra theo cách bạn mong muốn. 

Trong tình huống trên, chúng ta nên đối mặt với nó như thế nào? Thay vì thất vọng tràn trề, tốt nhất là ta nên học cách chấp nhận thực tế. Tức là, hãy thừa nhận rằng không phải khi nào chúng ta cũng có thể dự đoán chính xác kết quả hoặc kiểm soát những gì mọi người nghĩ về mình. Và một kết quả bất ngờ như vậy nên được chúng ta đón nhận như một cơ hội để phản ánh trung thực khả năng của mình. 

Ở một khía cạnh khác, ta nên nhớ rằng, một kết quả dựa trên may rủi không hề giống với một kết quả dựa trên sự chăm chỉ. Nên đôi khi, nó không phản ánh chính xác thực tế. Có thể, bạn thất bại vì bạn không may. Nhưng cũng có thể, bạn thành công chỉ vì bạn may mắn! 

Ví dụ, đội bóng bầu dục New England Patriots đã chọn Tom Brady tại lượt thứ sáu của một đợt tuyển quân entry draft (entry draft là hình thức tuyển quân ngăn chặn việc đấu giá cầu thủ và cho phép cầu thủ tự do ký kết hợp đồng với đội khác khi đã hết hạn hợp đồng với đội cũ). Chẳng ngờ rằng, sau này Brady lại là một trong những hậu vệ biên vĩ đại nhất trong lịch sử giải NFL. Ông ấy đã dẫn dắt đội để giành sáu chức vô địch và bản thân mình thì ẵm bốn giải cầu thủ hay nhất Super Bowl! 

Tuy nhiên, thay vì cảm ơn sự may mắn khi tìm được một cầu thủ tuyệt vời như Brady, đội Patriots lại quyết tâm cải thiện chương trình tìm kiếm tài năng mới của mình. Họ đang nỗ lực để có thể tìm ra một Tom Brady thứ hai. 

Tóm lại, lần tới, khi có điều gì đó không diễn ra như cách bạn nghĩ, hãy ngồi xuống và thử nghĩ xem tại sao nó lại xảy ra như vậy. Bằng cách suy ngẫm cẩn thận, bạn sẽ biết được vấn đề ở đâu. Và nhớ rằng, đừng từ bỏ! Hãy cải thiện bản thân để bạn có thể nắm bắt những cơ hội tốt hơn trong tương lai.

Tổng kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này: 

Chúng ta không phát triển bản ngã theo cách có chủ đích. Thay vào đó, nó bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, cả trong lẫn ngoài. Dẫu vậy, với một cái tôi không được kiểm soát tốt, nó có thể gây bất lợi cho cuộc sống của bạn. Vì vậy, bạn cần phải suy xét kỹ để đảm bảo rằng mình không bị cái tôi chi phối. 

Nhưng bạn cũng cần giữ sự cân bằng! Việc liên tục phán xét hoặc nhận hết chỉ trích về mình có thể biến bạn thành một người nhu nhược và thiếu niềm tin. Điều quan trọng là bạn phải giữ bản thân ở một trạng thái cân bằng và lắng nghe một cách chọn lọc. Đừng quá tự mãn, và cũng đừng quá tự ti. Hãy học cách phát triển một mối quan hệ tốt với cái tôi của mình! 

Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Vượt qua trở ngại” của Ryan Holiday 

Ryan Holiday là một cây bút trẻ có khả năng truyền cảm hứng. Ông ấy đã mượn sức mạnh của ngôn từ để đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực trong cuộc sống. Bên cạnh việc bàn luận về cái tôi, Holiday còn diễn giải những khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống như một “con đường” thực thụ để đi đến thành công. Tức là, khác với những gì ta thường nghĩ, rất nhiều vĩ nhân trong lịch sử đã biến đau thương thành sức mạnh. Họ không chỉ vượt qua mà còn biến khó khăn thành lợi thế cho mình. Đây chính là điều mà tác giả trẻ tuổi muốn truyền đạt thông qua quyển sách “Vượt qua trở ngại”.