Giới thiệu
Quyển sách này nói về điều gì?
“Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari” (1997) là một trong những ấn phẩm kinh điển về đề tài truyền cảm hứng, theo đuổi lý tưởng sống và hướng đến một cuộc sống hạnh phúc. Cuốn sách kể lại hành trình đi tìm sự giác ngộ của Julian Manter – một người đàn ông “có tất cả nhưng lại không có gì”. Sau khi đọc tác phẩm, bạn sẽ ngộ ra: “Thành công đúng là điều tuyệt vời, nhưng sống một cuộc đời ý nghĩa lại càng tuyệt vời hơn”.
Quyển sách này dành cho ai?
- Những người yêu thích thể loại sách self-help (phát triển bản thân)
- Những người quan tâm đến chủ nghĩa thần bí phương Đông
- Bất kỳ ai đang có cảm giác mình bị “nghiện” công việc đến mức không thoát ra được
Về tác giả
Robin S. Sharma là một cựu luật sư, sinh năm 1964 tại Canada. Ông hiện là Giám đốc điều hành của Công ty Sharma Leadership International Inc., chuyên về lĩnh vực đào tạo, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển và lớn mạnh.
Sharma là tác giả của nhiều cuốn sách thuộc hàng kinh điển, trong đó có “Ba người thầy vĩ đại”, “Nhà lãnh đạo không chức danh”, “Đời ngắn đừng ngủ dài”… Và “Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari” chính là tác phẩm làm nên tên tuổi của Sharma, giúp ông trở thành nhà diễn thuyết có sức ảnh hưởng toàn cầu.
1
Cuốn sách sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn cuộc sống thông qua một câu chuyện ngụ ngôn
Chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”. Vào một buổi sáng mùa thu mát mẻ, trông thấy Rùa đang tập chạy, Thỏ bèn lên tiếng mỉa mai và thách đấu. Biết mình chậm chạp, Rùa đã cố sức chạy thật nhanh, còn Thỏ vì quá tự tin nên cứ nhởn nhơ nhìn trời, nhìn đất. Cuối cùng, Rùa về đích trước và giành chiến thắng.
Người xưa thường sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn dễ nhớ, dễ hiểu như thế để răn dạy con cháu, giúp chúng “giác ngộ” để sống tốt hơn. Nhưng truyện ngụ ngôn đâu chỉ dành riêng cho trẻ em! Trong cuốn sách “Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari”, tác giả Robin S. Sharma sẽ kể cho chúng ta nghe một câu chuyện có sức mạnh tương tự dành cho… người trưởng thành. Nó giúp bạn có động lực từ bỏ những thứ phù phiếm, xa hoa để sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa.
Nhưng trước khi đến với câu chuyện đó, chúng ta hãy cùng làm quen với nhân vật chính – Julian Mantle. Trong con mắt của nhiều người, ông đang sống một cuộc sống trong mơ: tốt nghiệp trường Luật Harvard, được ca ngợi là một trong những luật sư giỏi nhất nước Mỹ, thu nhập 7 chữ số, sống trong căn biệt thự sang trọng, sở hữu một chiếc Ferrari màu đỏ mới toanh.
Nhưng mấy ai biết được, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy là một tinh thần héo úa, rệu rã. Mantle “sa lầy” trong mớ hỗn độn, làm việc từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác như một cỗ máy. Mỗi khi tiếp nhận vụ án mới, ông quên ăn quên ngủ, quên cả việc bản thân đang mệt mỏi, kiệt sức và căng thẳng. Mantle luôn có cảm giác mình đang thiếu thốn một thứ gì đó to lớn, nhưng ông lại không thể điểm mặt gọi tên thứ ấy.
Sức người có hạn! Một ngày nọ, Mantle lên cơn đau tim nặng và ngã quỵ ngay tại phòng xử án. Sau sự cố đó, ông không bao giờ trở lại hành nghề luật sư nữa và quyết tâm “biến mất” khỏi thế giới này. Những người trong công ty cũng không biết rốt cuộc Mantle đã đi đâu. Có tin đồn nói rằng vị luật sư tài ba ấy đã chuyển đến Ấn Độ để sống một cuộc đời khác. Trước khi đi, Mantle đã bán căn biệt thự và chiếc Ferrari màu đỏ – niềm kiêu hãnh một thời của ông.
3 năm sau, Mantle bất ngờ xuất hiện ở văn phòng cũ. Những đồng nghiệp của ông vừa vui mừng, vừa bỡ ngỡ. Không còn là một Mantle mệt mỏi, rệu rã, trước mặt họ là một người đàn ông tươi trẻ, vui tươi, trên môi luôn nở nụ cười hiền từ như Đức Phật. Họ chưa bao giờ thấy Mantle hạnh phúc đến thế.
Rốt cuộc trong 3 năm, Mantle đã đi đâu, đã làm gì? Đúng như lời đồn, ông đã đến Ấn Độ, đi bộ từ làng này sang làng khác để để gặp gỡ các bậc thầy tâm linh. Tại Kashmir, Mantle tình cờ nghe được câu chuyện về những hiền nhân Sivana. Không chần chừ, ông thẳng tiến đến dãy núi Himalaya với hi vọng gặp được họ. Cũng tại đây, Mantle đã tỉnh thức và học được những bí quyết “có một không hai” – những bí quyết giúp ông sống một cuộc đời thật sự hạnh phúc và ý nghĩa.
2
Câu chuyện ngụ ngôn ẩn chứa 7 đức tính cơ bản của Hệ thống Sivana
Trên núi, Mantle đã gặp được một nhóm tu sĩ, họ chính là những hiền nhân Sivana. Trong số đó có một tu sĩ đặc biệt tên là Yogi Raman. Người này đồng ý truyền thụ giáo lý Hệ thống Sivana cho Mantle với một điều kiện: ông phải trở về nơi mình từng sống và tiếp tục truyền bá tư tưởng này.
Hệ thống Sivana bao gồm 7 đức tính cơ bản. Trước khi nói cụ thể về 7 đức tính này, Yogi Raman đã kể cho Mantle nghe một câu chuyện ngụ ngôn.
“Trong một khu vườn yên tĩnh có rất nhiều bông hoa xinh đẹp. Giữa vườn có một ngọn hải đăng đỏ khổng lồ. Nhưng sự tĩnh lặng đã biến mất khi một đô vật bước ra từ cửa ngọn hải đăng. Anh ta cao 2.7m, nặng 400 kg, không mặc gì trên người ngoài một sợi dây quấn quanh bộ phận nhạy cảm. Trong lúc đi lang thang quanh khu vườn, đô vật tìm thấy một chiếc đồng hồ bằng vàng. Tò mò, anh ta đeo nó vào tay. Ngay lập tức, đô vật gã gục xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Thật may mắn, nhờ hương thơm của hoa hồng vàng, anh ta dần lấy lại ý thức và cảm thấy tràn đầy năng lượng. Đô vật đứng bật dậy, nhìn sang bên trái và thấy một con đường phủ đầy kim cương. Bị mê hoặc, anh ta quyết định đi dọc theo nó và cuối cùng, anh đã tìm được hạnh phúc bất diệt”.
Đối với một số người, câu chuyện trên nghe có vẻ nực cười. Nhưng bạn biết không, mỗi yếu tố được đề cập trong truyện đang đại diện cho một khía cạnh, một đức tính của Hệ thống Sivana. Cụ thể, khu vườn đại diện cho tâm trí, ngọn hải đăng là mục đích sống, dây quấn là sự kỷ luật, còn chiếc đồng hồ đại diện cho sự quý trọng thời gian. Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về những đức tính này.
3
Đức tính đầu tiên của Hệ thống Sivana là làm chủ tâm trí của mình
Khu vườn trong câu chuyện ngụ ngôn của Yogi Raman đại diện cho tâm trí của chúng ta, những bông hoa xinh đẹp, đầy màu sắc đại diện do những suy nghĩ tích cực. Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều người đang tự xả rác vào khu vườn của mình – họ nhồi nhét những suy nghĩ tiêu cực vào đầu mỗi ngày.
Để khu vườn có diện mạo hoàn hảo, tốt nhất bạn nên chăm chỉ trồng hoa, đồng thời xây một bức tường chắn thật kiên cố để ngăn “rác” lọt vào bên trong. Hãy nhớ rằng: “Bạn là kết quả của tất cả những gì bạn suy nghĩ trong ngày”. Muốn sống tích cực, trước tiên bạn phải suy nghĩ tích cực.
Nhưng làm thế nào để tâm trí chỉ tập trung vào những điều tích cực? Tất cả chúng ta đều có khả năng lựa chọn những gì chúng ta nghĩ về, chỉ cần bạn chăm chỉ tập luyện (giống như việc bạn tập gym mỗi ngày để tăng cơ bắp).
Bước đầu tiên – cơ bản nhất và đơn giản nhất – chính là tăng cường sự tập trung. Có một kỹ thuật cải thiện khả năng tập trung được các hiền nhân Sivana gọi là “Trái tim của Hoa hồng”. Để thực hiện kỹ thuật này, bạn cần một không gian yên tĩnh và một bông hoa hồng xinh đẹp. Khi bắt đầu, bạn chỉ cần nhìn chằm chằm vào tâm của bông hoa, chú ý đến màu sắc, kết cấu của nó và lấp đầy tâm trí bạn bằng những suy nghĩ liên quan đến vẻ đẹp của nó.
Lúc đầu, những suy nghĩ miên man có thể xâm nhập vào tâm trí bạn. Nhưng đừng lo lắng, cứ để chúng trôi qua và tập trung vào bông hoa trở lại. Sau một thời gian luyện tập, bạn sẽ thấy tâm trí dần đi vào khuôn khổ, có kỷ luật hơn và dễ điều khiển hơn.
Cố gắng thực hiện bài tập này mỗi ngày. Cuối cùng, bạn sẽ thấy việc làm chủ tâm trí hoá ra không hề khó. Lúc đó, khu vườn của bạn sẽ ngập tràn những bông hoa xinh đẹp và rác thải sẽ không có hội xâm nhập vào bên trong.
4
Đức tính thứ hai của Hệ thống Sivana là theo đuổi mục đích của đời mình
Mục đích sống giống như ngọn hải đăng – nó chỉ đường, dẫn lối, giúp bạn không đi sai hướng. Và đức tính thứ hai của Hệ thống Sivana là theo đuổi mục đích của đời mình.
“Khi bạn có một khao khát hoặc một ước mơ, nghĩa là bạn có năng lực tương ứng để thực hiện nó. Trung bình một ngày chúng ta có 60.000 ý nghĩ. Bằng cách viết xuống những mong muốn, mục tiêu của mình trên một mảnh giấy, bạn đã gửi một lá cờ đỏ đến tiềm thức của mình, rằng ý nghĩ này quan trọng hơn nhiều so với 59.999 ý nghĩ còn lại. Tâm trí bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm tất cả các cơ hội để hiện thực hóa sứ mệnh của mình”.
Khi đề cập đến đức tính này, các hiền nhân Sivana thường sử dụng từ Dharma. Trong tiếng Phạn, nó có nghĩa là “mục đích của cuộc đời”. Phật pháp cổ xưa cho rằng, khi đến Trái đất, mỗi người chúng ta đều có một sứ mệnh phải hoàn thành. Nhiệm vụ của bạn là khám phá sứ mệnh đó và vạch ra một mục tiêu rõ ràng để thực hiện nó, dũng cảm theo đuổi nó. Nếu làm được, bạn sẽ đạt được sự hài lòng lâu dài.
Dưới đây là Phương pháp 5 bước được các hiền nhân phát triển, giúp mọi người theo đuổi mục đích sống:
– Đầu tiên, bạn phải tự tạo ra một hình ảnh tinh thần về kết quả mà mình mong muốn. Nếu bạn là giảm cân, bạn phải hình dung ra một phiên bản gầy hơn, thon gọn hơn của mình.
– Thứ hai, bạn phải tạo áp lực cho bản thân, nhưng theo chiều hướng tích cực. Áp lực có thể là một nguồn cảm hứng tuyệt vời vì nó thường thúc đẩy chúng ta nhận ra toàn bộ tiềm năng của bản thân. Cách tốt nhất để tạo ra áp lực tích cực là kể cho người khác nghe kế hoạch của mình. Tuy nhiên, hãy đảm bảo những người này có thiện chí, góp ý một cách thẳng thắn, rõ ràng.
– Thứ ba, bạn phải quy định thời gian hoàn thành mục tiêu.
– Thứ thứ, bạn phải tuân theo Quy tắc 21 ngày kỳ diệu. Nói đơn giản, một hành vi mới sẽ trở thành thói quen nếu bạn thực hiện nó trong 21 ngày liên tiếp.
– Cuối cùng, bạn hãy tận hưởng quá trình này!
5
Đức tính thứ ba của Hệ thống Sivana là không ngừng cải thiện bản thân
Người Nhật có một phương pháp nổi tiếng gọi là Kaizen. Về cơ bản, họ sẽ chuyển đổi thói quen bằng cách thực hiện một hành động nhỏ tại một thời điểm, sau đó lặp lại nó cho đến khi đạt được kết quả như mong đợi. Kaizen có rất nhiều điểm tương đồng với đức tính thứ ba của Hệ thống Sivana – không ngừng cải thiện bản thân.
Các hiền nhân Sivana đã tạo ra 10 bước – gọi là “10 nghi thức sống rực rỡ” – giúp bạn rèn luyện đức tính thứ ba.
– Đầu tiên là Nghi thức Cô đơn. Bạn phải luôn dành chỗ cho “sự im lặng thuần khiết”. Nó giúp bạn xoa dịu tâm trí và tiếp cận khả năng sáng tạo vô tận của mình.
– Thứ hai là Nghi thức Thể lý. Muốn tâm trí khoẻ mạnh, bạn phải có một cơ thể khoẻ mạnh trước.
– Thứ ba là Nghi thức Nuôi dưỡng sự sống. Bạn chỉ nên ăn thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt nhất là ăn chay.
– Thứ tư là Nghi thức Tri thức dồi dào. Hãy giữ cho tâm trí luôn ở trong trạng thái “được kích thích” bằng cách đọc sách hoặc nghiên cứu.
– Thứ năm là Nghi thức Phản ánh cá nhân. Hãy xem xét cách bạn cư xử hàng ngày và luôn tự hỏi bản thân: “Hôm nay tôi có thể làm điều gì tốt hơn?”.
– Thứ sáu là Nghi thức Dậy sớm. Bạn chỉ cần ngủ khoảng 6 giờ mỗi ngày và hãy cố gắng thức dậy cùng lúc với Mặt trời.
– Thứ bảy là Nghi thức Âm nhạc. Hãy hòa mình theo các giai điệu để cảm xúc được khai mở.
– Thứ tám là Nghi thức Lời nói. Hãy tạo ra một câu “thần chú” độc đáo, ngắn gọn của riêng mình để truyền cảm hứng cho bản thân mỗi ngày.
– Thứ chín là Nghi thức Phát triển tính cách. Hãy tạo ra những thói quen tích cực nhỏ, cố gắng tuân thủ mỗi ngày và từ từ biến chúng thành một đặc điểm cá nhân.
– Cuối cùng là Nghi thức Đơn giản. Hãy sống cuộc sống giản dị và học cách ưu tiên cho những điều, những người quan trọng nhất.
6
Đức tính thứ tư và thứ năm của Hệ thống Sivana là sống có kỷ luật và biết trân trọng thời gian
Hãy nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn của tu sĩ Yogi Raman. Đô vật bước ra từ ngọn hải đăng không mặc gì trên người, chỉ có một sợi dây quấn màu hồng dùng để che bộ phận nhạy cảm! (chúng ta hay gọi là chiếc khố).
Sợi dây quấn đại diện cho đức tính thứ tư của Hệ thống Sivana – sống có kỷ luật và biết kiểm soát bản thân. Giống như sự tập trung, sự kỷ luật có thể được hình thành thông qua quá trình luyện tập. Yogi Raman nói với Mantle rằng: một trong những bài tập yêu thích của ông ấy là “im lặng hoàn toàn trong vòng 1 ngày”. Theo các hiền nhân Sivana, im lặng trong một thời gian dài là cách tuyệt vời nhất giúp con người điều chỉnh ý chí của mình.
Hãy nhớ thêm một chi tiết nữa: đô vật tìm được một chiếc đồng hồ bằng vàng. Chiếc đồng hồ này tượng trưng cho đức tính thứ năm của Hệ thống Sivana – thái độ quý trọng thời gian. Các hiền nhân Sivana sống tách biệt với xã hội nhưng họ không bao giờ để thời gian của mình trôi qua một cách vô nghĩa. Họ đã dạy Mantle rằng: làm chủ thời gian là làm chủ cuộc sống. Mỗi người luôn có một khoản thời gian hữu hạn trên cuộc đời này, vì vậy, hãy sống theo cách trọn vẹn nhất có thể.
Điều quan trọng là bạn sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả. Hãy dành 15 phút trước khi đi ngủ để lập kế hoạch cho ngày hôm sau. Vào Chủ nhật, hãy dành 1 giờ để lập kế hoạch cho tuần sau.
Đừng quên học cách “nói không”. Hãy nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống trên cõi đời này. Suy nghĩ này giúp bạn tránh lãng phí thời gian cho những người, những việc không đáng. Hãy tự hỏi bản thân rằng: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ làm gì, sẽ gặp ai?”.
7
Đức tính thứ sáu và thứ bảy của Hệ thống Sivana là sống vị tha và biết trân trọng hiện tại
Trong câu chuyện, đô vật bất ngờ ngã xuống đất và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh ta cảm thấy tràn đầy năng lượng nhờ hương thơm của hoa hồng vàng. Vậy những bông hoa này tượng trưng cho điều gì?
Ngạn ngữ có câu: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất mùi hương”. Hoa hồng tượng trưng cho đức tính thứ sáu trong Hệ thống Sivana – sống vị tha. Hãy luôn tử tế và từ bi với người khác, nó sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống của chính mình.
Hãy dành một chút thời gian vào mỗi buổi sáng để nghĩ về những điều tốt đẹp mà bạn có thể làm cho thế giới và cách bạn có thể cải thiện cuộc sống của những người xung quanh. Rất đơn giản, hãy khen ngợi người khác một cách chân thành, giúp đỡ bạn bè khi họ gặp khó khăn và thể hiện tình cảm với cha mẹ, anh chị em của mình.
Sau khi được hồi sinh bởi những bông hoa hồng, đô vật đã nhìn thấy một con đường phủ đầy kim cương – con đường dẫn anh ta đến với hạnh phúc và niềm vui bất tận. Đối với các hiền nhân Sivana, hạnh phúc không phải là đích đến, nó là hành trình chúng ta đang đi. Và “sống trọn vẹn với hiện tại” chính là đức tính thứ bảy – cũng là đức tính cuối cùng của Hệ thống Sivana.
Hãy tận hưởng từng giai đoạn trong cuộc sống, từng việc xảy đến, xem chúng là những viên kim cương lấp lánh trên đường. Và để làm được điều đó, bạn phải thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Tóm lại, không có gì quan trọng hơn “bây giờ”.
Khi trở về quê hương, Mantle đã giúp đỡ một đồng nghiệp cũ bằng cách kể cho người này nghe câu chuyện ngụ ngôn của tu sĩ Yogi Raman. Hành trình truyền cảm hứng và lan toả những điều tích cực đã bắt đầu!
Tổng kết
Tất cả mọi người đều có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời mình. Hãy tự nhủ rằng: những nhiệm vụ chúng ta phải thực hiện không hề vượt quá khả năng, những vất vả, khổ đau chúng ta phải chịu cũng không hề vượt quá ngưỡng chịu đựng. Điều quan trọng là bạn phải tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết và phải học cách buông bỏ được những ràng buộc không đáng có. “Điều tạo nên sự khác biệt giữa những người lạc quan và những người khốn khổ là cách họ xử lý các tình huống trong cuộc sống”.
Lời khuyên hữu ích:
Để tâm trí của bạn luôn tập trung vào những suy nghĩ tích cực, hãy thực hành Tư duy Đối lập.
Đức tính đầu tiên trong Hệ thống Sivana là làm chủ tâm trí. Để làm được điều này, các hiền nhân thường khuyên mọi người thực hành Tư duy đối lập.
Bất cứ khi nào một suy nghĩ tiêu cực hiện diện trong đầu bạn, hãy chủ động thay thế nó bằng một suy nghĩ tích cực. Ví dụ, một người lạ bình luận trên Facebook, chê bai ngoại hình quá khổ của bạn. Ngay khi lời chê đó xuất hiện trong đầu, hãy thay thế nó bằng một lời khen do chính bạn tạo ra, chẳng hạn như: “Tôi có một mái tóc thật mượt mà”.
Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Kỹ thuật nội tâm” của tác giả Sadhguru Jaggi Vasudev
“Bạn có muốn sống hạnh phúc không?”, “Làm thế nào để tìm được hạnh phúc?”. Cuốn sách “Kỹ thuật nội tâm” (2016) của Sadhguru Jaggi Vasudev sẽ cho bạn câu trả lời. Theo tác giả, hạnh phúc vốn dĩ ở rất gần và bạn chính là “kiến trúc sư” thiết kế niềm vui cho chính bạn.
Tóm tắt sách Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari
Wiki Sách tóm tắt