Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Cuốn sách chủ yếu giải thích về khuynh hướng tư duy của những người điều khiển hướng đi của thị trường. Ví dụ như “làm sao những mẩu quảng cáo hay giới thiệu sản phẩm lại có thể khuyến khích bạn mua hàng nhiều tới vậy?” hay “tại sao các mặt hàng đều có thể sản xuất được ở một mức giá nhất định nào đó?”. Từ đây một vài vấn đề nảy sinh: vai trò đúng đắn nhất của thị trường ngày nay là gì, và chúng ta phải làm gì để giữ vững đạo đức buôn bán (thứ mà tiền không mua được).

Giới thiệu về tác giả

Michael J. Sandel là giáo sư triết học chính trị làm việc tại đại học Harvard, Mỹ. Ông vô cùng nổi tiếng trong giới tác giả viết sách về chủ đề công lý và đạo đức trong suốt 30 năm gần đây. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là Phải Trái Đúng Sai (Justice: What’s the right thing to do?).

Đối tượng hướng tới

Mọi phê bình về đạo đức buôn bán hay sự vận hành của thế giới kinh doanh sẽ được tiết lộ trong cuốn sách này. Nếu bạn hứng thú với kinh tế và mong muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì từng trang sách này đang chờ bạn khám phá. 

Tư duy thị trường dần xuất hiện trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội – đó là thử thách với chúng ta

Trong khoảng thời gian 30 năm đổ lại, những nhà kinh tế học chính thống vẫn giữ vững niềm tin vào thị trường tự do. Nhưng từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, lòng tin này đã bị thử thách một cách mãnh liệt qua nhiều cuộc tranh cãi. Những cuộc tranh luận này chủ yếu hướng về tư duy thị trường đã điều khiển nền kinh tế như thế nào khi nó bãi bỏ những quy định của thị trường truyền thống và hoạt động với nguyên tắc mới: “Mọi thứ đều có thể giao và bán”.

Hơn thế nữa, tư duy thị trường đã ăn sâu vào ngày một nhiều hơn các lớp của xã hội trong suốt 30 năm đổ lại đây. Tư duy thị trường ảnh hưởng lớn tới đời sống con người nhiều hơn chúng ta vẫn hằng nghĩ, từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh v.v… Ví dụ ở Mỹ, bạn có thể trả một khoản tiền khoảng 1500 đô la để có bác sĩ riêng và số điện thoại cá nhân của anh ta. Một ví dụ khác là cảnh sát ở Mỹ và Anh Quốc. Họ hầu như ít tham gia vào công tác an ninh vì các tổ chức tư nhân can thiệp rất sâu vào việc duy trì và củng cố các biện pháp an ninh, các nhà tù. Tại Dallas, Texas, nhà trường khuyến khích học sinh đọc sách bằng cách trả chúng $2 mỗi quyển. 

Sự nhân rộng của hướng tư duy này bắt nguồn từ khoảng thời gian kết thúc chiến tranh lạnh vào những năm 1980, khoảng thời gian mà thị trường tự do là “công cụ” hàng đầu để kiếm lời. Ví dụ khi người ta bãi bỏ quy định về thị trường cổ phiếu, giá cổ phiếu lập tức tăng ngút trời. Khi các nước dần tự do hóa nền kinh tế thì chất lượng đầu ra sản phẩm ngày một được nâng cao, dẫn tới tổng sản lượng thế giới tăng gấp ba lần trong giai đoạn đó. 

Vì những lợi ích mà tư duy thị trường mang lại, mọi người liền có xu hướng chấp nhận thị trường tự do mà không hề biết rằng mô hình tư duy này đang chiếm chỗ nhiều hơn trong cuộc sống. Sự phát triển này buộc chúng ta phải tự hỏi rằng mình muốn sống trong loại xã hội nào.

Thành tựu của tư duy thị trường – mối lo ngại về công lý

Sự lan rộng của mô hình tư duy thị trường dấy lên trong ta ba mối lo ngại chính: công bằng xã hội, sự suy đồi giá trị nhân văn và sự tiến cử những tư tưởng lầm lỗi. Nhưng vấn đề chính mà ta bàn tới vẫn là công bằng xã hội. Điều mà ai cũng có thể thấy rõ, khi càng nhiều thứ được mang ra buôn bán thì bất kỳ ai có tiền cũng mua được những thứ họ muốn, suy rộng hơn đồng tiền là bàn đạp cho địa vị. 

Ví dụ ở sân bay hay công viên giải trí, để có chỗ ưu tiên trong hàng check-in, bạn chỉ cần trả thêm một khoản phí nhỏ. Hay liên hệ với bác sỹ ngoài giờ làm việc cũng vậy, tất cả đều trôi chảy nếu nó đi đôi với tiền.

Hơn thế nữa, khi mọi thứ điều được mang ra buôn bán, người nghèo hầu như rơi vào tình trạng trao đổi rẻ mạt để có được thứ họ muốn. 

Các nhà kinh tế chưa có đủ nhận thức về đạo đức thị trường

Bạn đã bao giờ chấp nhận phải làm một công việc chán ngán chỉ vì thiếu tiền tiêu chưa? Nếu chưa thì tạm coi là bạn may mắn, nhưng nếu mọi sự đã an bài thì bạn có cảm thấy điều đó thật bất công không? Bạn có bao giờ ước mình giàu có để thoát khỏi hoàn cảnh éo le ấy?

Nghe có vẻ phũ phàng nhưng ở một góc độ nào đó công sức lao động mà bạn bỏ ra chỉ là một “thứ hàng hóa” có thể mua bán được. Đây chính là tư duy thị trường. Hướng tư duy này là nhiên liệu để nền kinh tế phát triển trong suốt ba thập kỷ qua, và nó đang xâm lấn vào một số khía cạnh khác của cuộc sống, dấy lên trong chúng ta những quan ngại về vấn đề đạo đức. 

Ví dụ, tư duy thị trường giúp người nghèo kiếm tới $7500 nếu họ tham gia thử nghiệm độ an toàn cho các loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Vấn đề về đạo đức ở đây là vô vùng đáng quan ngại: lương tâm con người liệu có cho phép chúng ta lợi dụng sự sinh tồn của người khác để kiếm lời? Có quá bất công khi bắt những người nghèo khó lựa chọn giữa vấn đề sinh tồn của bản thân và sự nguy hiểm tiềm tàng cho cộng đồng?

Các nhà kinh tế học dù đã liên tục nghiên cứu và cải cách nhưng họ vẫn chưa thực sự chạm tới được phần chìm của tư duy thị trường. Nếu không sớm được điều chỉnh, sẽ ngày càng có nhiều hơn những điều vô đạo đức xảy ra trong xã hội.

Trái lại với thuyết thị trường, ta nên chú tâm hơn tới lòng vị tha

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao những cửa hiệu bánh ở góc phố lại háo hức muốn bán bánh tới vậy? Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học hiện đại, cho rằng buôn bán không dựa vào lòng nhân từ mà là sự ham muốn với đồng tiền. Ông tin rằng chính sở thích và ham muốn của từng cá nhân chính là yếu tố khiến nền kinh tế dần hình thành nền tảng tư duy thị trường ngày nay. 

Để khuyến khích cư dân ở một khu phố đi hiến máu, những nhà kinh tế học sẽ chọn bồi dưỡng cho những người này một khoản tiền thay vì tác động đánh vào lòng trắc ẩn vốn có của con người. Như ta có thể thấy, việc lạm dụng tiền bạc hoặc gán cho bất kỳ một thể vật chất nào một bảng giá chưa hẳn đã hiệu quả. Với công việc hiến máu, chúng ta hiến tặng vì cộng đồng, hành động cao cả này mang trong nó nhiều ý nghĩa hơn chỉ là nhận tiền bồi dưỡng. 

Từ đó, khi tư duy thị trường càng mở rộng, vấn đề phải đối mặt đầu tiên chính là sự suy đồi của ý niệm nhân văn.

Không phải thứ gì cũng để mua bán

Chúng ta định giá những thứ trong cuộc sống dựa trên nhiều lý do, không hẳn vì giá cả của chúng. Nhưng sẽ như thế nào nếu tất cả mọi thứ đều có một mức giá riêng? Bạn có cảm thấy những thứ đó rẻ mạt không?

Hãy thử cân nhắc về tầm quan trọng của pháo hoa trong ngày Quốc Khánh Mỹ – ngày 4/7. Sẽ ra sao nếu một thành phố nào đó bắt người dân phải trả phí để xem pháo hoa? Tất nhiên việc này sẽ đánh mất sự công bằng trong các tầng lớp xã hội, những người nghèo khó ắt hẳn sẽ không đủ tiền để mua tấm vé. Nhưng hơn cả, việc tính phí để được xem pháo hoa vào ngày Quốc Khánh sẽ làm giảm giá trị và ý nghĩa của ngày lễ này vì đó là ngày cả một dân tộc lớn mạnh kỷ niệm độc lập và tự do. 

Hay tại một chương trình từ thiện nổi tiếng tại Mỹ: “Dự án phòng ngừa” (Project Prevention), các nhà hảo tâm trả tiền cho những người phụ nữ nghiện thuốc để họ chấp nhận triệt sản. Mục đích chính của dự án là giảm thiểu tối đa số lượng các em bé sơ sinh nghiện thuốc và chương trình đã thành công rực rỡ. Dù mang lại kết quả khả quan, giới truyền thông và người dân Mỹ vẫn đặt ra một câu hỏi: “Liệu làm như vậy có phù hợp với đạo đức con người?”

Như các bạn có thể thấy, có những thứ khi được quy đổi là giá trị vật chất sẽ mang lại kết quả vô cùng tích cực nhưng có những “mặt hàng” lại không nên, thậm chí là không thể quy đổi. Cũng như câu hỏi về đạo đức sẽ luôn được đặt ra, vì đạo đức luôn hiện hữu trong suốt quá trình phát triển và hoàn thiện của xã hội loài người. 

Tư duy thị trường có nên được chấp nhận

Cách duy nhất để tìm ra thứ mà chúng ta có thể mang ra trao đổi và những thứ ta không thể là mở một cuộc bàn luận trên các lệnh báo đài. Tuy việc đó sẽ dấy lên trong cộng đồng những dư luận trái chiều nhưng chỉ có như vậy, tư duy thị trường mới được chọn lọc để áp dụng phù hợp với đạo đức con người. 

Bàn luận về tính xứng đáng của hướng suy nghĩ này còn dẫn chúng ta tới một câu hỏi gốc rễ hơn: “Cái gì mới là tốt cho cuộc sống?”. Bên cạnh đó, ta cũng phải tự hỏi rằng chúng ta muốn xã hội này phát triển và hình thành ra sao? Công lý và mục đích quan trọng như thế nào? Giá trị nào trong hai điều trên đáng quý hơn?

Thông điệp truyền tải

Tư duy thị trường đã xuất hiện và phát triển trong suốt 30 năm qua, nó hiện hữu trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, thậm chí ở cả những nơi mà nó đáng ra không nên thuộc về. Điều này có thể dẫn tới sự bất công trong xã hội và làm giảm giá trị của nhiều yếu tố trong cuộc sống. Vì thế chúng ta cần bàn luận một cách rõ ràng xem liệu hướng tư duy này có nên được “hoan nghênh” trong xã hội ngày càng hiện đại ngày nay.

Tóm tắt sách Tiền không mua được gì?
Dịch từ Blinkist