Giới thiệu
Tóm tắt sách Gorilla vô hình (The Invisible Gorilla – 2010).
Cuốn sách giải mã việc trực giác không phải là ánh đèn chỉ lối như chúng ta luôn nghĩ. Thực tế, nó thường sai lầm khi dựa trên những ảo tưởng. Bằng việc vạch trần một vài ví dụ về tri thức thông thường, Chabris và Simons đã chứng minh tại sao trực giác của chúng ta thường không đáng tin cậy.
Cuốn sách này dành cho những ai hứng thú với tâm lí học nói chung và với những hoạt động diễn ra bên trong tâm trí nói riêng. Nếu là nhà quản lí bạn cũng sẽ tìm thấy phương pháp mới để đưa ra quyết định thông qua quyển sách thú vị này.
Về tác giả
Christopher Chabris là một giáo sư tâm lí học và cũng là giám đốc điều hành của một chương trình về khoa học thần kinh tại Đại học Union ở Schenectady, New York. Ông cũng là một tay chơi cờ cừ khôi và thường viết về trò chơi này trên báo Wall Street Journal.
Chuyên nghiên cứu về tâm lí học thí nghiệm, Daniel Simons là một giáo sư trong cả khoa tâm lí học và Viện Beckman về Phát triển khoa học và công nghệ tại Đại học Illinois.
Chabris và Simons đã cùng nhau thắng giải Nobel (được trao cho nghiên cứu “Khiến con người cười, sau đó phải suy nghĩ”) cho công trình nghiên cứu của họ về con gorilla vô hình.
Bằng cách nào trực giác có thể đánh lừa bạn?
“Sự tự tin con người thể hiện thường phản ánh tính cách của họ hơn là kiến thức, trí nhớ hay khả năng.”
Bạn có nhìn nhận bản thân là một người thông minh, chu đáo và có chừng mực? Dù bạn có tự miêu tả bản thân như thế nào đi nữa, bạn có thể thường đánh giá quá cao khả năng của não bộ.
Rất nhiều quyển sách phát triển bản thân muốn chúng ta “hãy đi theo trực giác” để đưa ra quyết định đúng đắn trong đời. Trong cuốn sách này bạn sẽ hiểu được tại sao đây là một lời khuyên tồi tệ. Thực tế, có thể dễ dàng phản biện rằng bạn không thể tin tưởng trực giác một chút nào – bạn thậm chí còn không thể tin vào nó để phát hiện một chú gorilla bước ngang qua phòng.
Trực giác của chúng ta thường không hề đáng tin dù chúng ta có được dạy điều ngược lại.
Bạn có từng thử định hướng vượt qua một tình huống bằng việc lắng nghe trực giác mách bảo nhưng rồi cuối cùng lại nhận được một mớ hỗn độn còn rắc rối hơn? Nếu vậy thì bạn không hề cô đơn. Thỉnh thoảng trực giác của chúng ta có thể sai lầm. Đây là lí do:
Chúng ta thường được dạy hãy để trực giác mách bảo bởi vì “đó là lẽ tự nhiên”. Những câu nói này thường dựa trên suy nghĩ rằng trực giác của chúng ta – khả năng hiểu được điều gì đó theo bản năng – là một công cụ lí tưởng để đưa ra quyết định và đánh giá về những tình huống và sự kiện.
Trong những năm gần đây, sách phát triển bản thân về quản trị và tâm lí học thường đề cao quyết định dựa theo trực giác hơn những quyết định dựa trên phân tích. Trong cuốn sách của Malcolm Gladwell – Sức mạnh của việc suy nghĩ mà không suy nghĩ, tác giả đề cao trực giác hơn phân tích. Ông đã cố gắng thể hiện điều này bằng cách kể lại câu chuyện một tượng đài của người Hy Lạp xuất hiện trên chợ nghệ thuật và sau đó được tuyên bố là hàng giả bởi những chuyên gia tin tưởng vào trực giác của họ. Ngược lại, một vài phân tích đã không thể chỉ ra nó là đồ giả.
Nhưng trực giác của chúng ta có những giới hạn và có thể thực sự không đáng tin. Có rất nhiều ví dụ về những vụ giả mạo đã bị bỏ qua mà không bị phát hiện bởi trực giác của các chuyên gia.
Ví dụ, một người buôn bán sách tên là Thomas J.Wise tìm được và bán lại nhiều bản thảo của những quyển sách vô danh với tên các tác giả nổi tiếng. Các thư viện và người sưu tầm sách đều bị thuyết phục rằng chúng là đồ thật, nhưng sau khi hai nhà buôn người Anh phân tích và xem xét những thông tin về cuộc đời của tác giả, những cuốn sách đều được phát hiện là giả.
Hãy nhớ rằng chúng ta cũng có những thành ngữ nói về sự giới hạn của trực giác. Ví dụ, nhiều người nói “đừng đánh giá một quyển sách bằng bìa của nó” bởi vì chúng ta biết chúng ta không thể đánh giá điều gì chỉ qua cái nhìn đầu tiên.
Chúng ta thực sự không nhìn thấy và chú ý nhiều như chúng ta vẫn nghĩ.
Nếu ai đó bị đánh trên phố, bạn sẽ nhận ra ngay đúng không?
Mặc dù chúng ta có xu hướng chú ý những điều bất thường, nhưng khi chúng ta đang tập trung cẩn thận vào thứ gì đó khác, chúng ta có thể bỏ lỡ những thứ không bình thường kia.
Hai tác giả đã nghĩ ra thí nghiệm Gorilla vô hình và nó trở thành một ví dụ kinh điển để miêu tả làm thế nào chúng ta có thể để lỡ được những điều hiển hiện ngay trước mắt. Trong thí nghiệm, những người tham gia được yêu cầu xem một video của những người chơi bóng rổ và đếm số bàn thắng của một trong các đội. Nhưng đến giữa video có một điều kì lạ xảy ra: một người đàn ông trong bộ đồ gorilla bước vào sân, ở đó khoảng chín giây và vỗ ngực. Chắc chắn là những người tham gia phải nhìn thấy sự kiện kì quặc đó. Nhưng sự thực là không. Khoảng một nửa những người trong thí nghiệm đó không nhận ra chú gorilla bởi vì họ quá tập trung đếm số bàn thắng.
Hơn thế nữa, cũng không có gì lạ khi một cảnh sát ở Boston tên là Kenny Conley không nhận ra một viên cảnh sát da đen đang bị đánh gần hàng rào khi anh đang trèo lên để bắt một tên tội phạm. Hầu hết sự chú ý của anh đã dồn vào việc truy đuổi.
Nhưng chúng ta không chỉ bỏ lỡ nhiều thứ vì chúng ta tập trung việc khác – chúng ta không nhận ra những thứ chúng ta đang không tìm kiếm.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở trong một siêu thị tìm kiếm những thứ trong danh sách mua sắm của bạn. Trong khi bạn làm điều này, có thể bạn đang không để tâm rất nhiều những thứ khác trên các gian hàng. Dĩ nhiên điều này không có gì to tát cả, nhưng chúng ta có thể bỏ qua điều gì đó lớn và nguy hiểm thì sao? Vâng. Sự thực là chúng ta thậm chí có thể dễ dàng bỏ lỡ một chiếc xe mô tô.
Hơn một nửa những vụ tai nạn xe mô tô đều liên quan đến ô tô, và 65% là kết quả của việc một chiếc ô tô rẽ trái và người lái xe không nhìn thấy chiếc mô tô. Điều này xảy ra bởi vì họ đang để ý những chiếc xe ô tô khác hơn là những chiếc xe mô tô.
Trí nhớ của chúng ta không hề rõ ràng và hiệu quả như chúng ta nghĩ.
Rất nhiều người trong chúng ta thường tự tin nhớ về một kí ức tuổi thơ sống động rồi chỉ để được một thành viên trong gia đình nói rằng đó không thực sự là điều đã xảy ra. Vậy tại sao chúng ta nghĩ chúng ta có thể nhớ mọi thứ chính xác như thế?
Trong một nghiên cứu bởi các tác giả, 47% mọi người tin rằng kí ức không thay đổi, và 69% bảo rằng kí ức giống như những video ghi lại hiện thực một cách chính xác, không đổi qua thời gian và có thể kiểm tra lại nếu muốn.
Nhưng sự thực không phải vậy, bởi vì trí nhớ của chúng ta thường chứa nhiều thông tin hơn là những điều thực sự tồn tại trong thế giới bên ngoài. Trong một thí nghiệm, những học sinh đọc 15 từ có liên quan với nhau như “ngủ” (Slumber), “buồn ngủ” (drowsy) và “mệt mỏi”(tired). Mười phút sau, chúng được yêu cầu nhắc lại các từ. Một điều thú vị là những người tham gia đều nhắc đến từ “ngủ” (sleep) mặc dù không có nó trong danh sách. Tại sao?
Bởi vì tất cả các từ đều liên quan đến từ “sleep”, những người tham gia chỉ đơn giản chèn thêm một từ khác cùng nhóm nghĩa mà không nhận thức được nó. Thay vì ghi nhớ chính xác trật tự của mọi vật hay sự việc, trí nhớ của chúng ta lại bận rộn hơn với việc ghi nhớ ý nghĩa của chúng.
Hơn thế nữa, một vài kí ức không đến từ nơi chúng ta nghĩ. Ken, một người bạn của tác giả, thường kể một câu chuyện thú vị về việc ngồi cạnh diễn viên Patrick Stewart ở một nhà hàng. Ông nhớ cả cách người diễn viên gọi một chiếc bánh Alaska và kí tên cho vài người. Chắc chắn là ông ấy không bịa ra câu chuyện này. Nhưng thực ra điều này chưa từng xảy ra với ông mà với một trong hai tác giả. Ken đã không cố tình nói dối – câu chuyện đã được kể với ông quá chi tiết đến nỗi ông tưởng rằng đó là câu chuyện của mình!
Hiện tượng này được gọi là “sự thất bại của nguồn kí ức” và cũng là một cách khác trí nhớ đánh lừa chúng ta.
Sự tự tin có thể đánh lừa chúng ta
“Sự kém cỏi thường gây ra sự tự tin thái quá.”
Bạn có thể nghĩ rằng bạn thông minh, thậm chí có lẽ là thông minh hơn người bình thường. Đây chính là một cách sự tự tin có thể trở thành ảo tưởng.
Đúng là chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của bản thân, khiến chúng ta tự tin dù cho nhiều lúc chẳng có lí do gì.
Thực tế, những cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng 69% người Mỹ và 70% người Canada tin rằng họ thông minh hơn một người bình thường. Điều này có chút kì quặc vì hơn 50% đã nằm ở mức trung bình hoặc dưới trung bình rồi. Vậy là khoảng 20% đã quá kiêu ngạo về bản thân.
Hai tác giả cũng tìm thấy kết quả tương tự khi phỏng vấn những người chơi cờ ở một cuộc thi quốc gia. Những người chơi cờ có thứ hạng khác nhau nhưng hầu hết vẫn nghĩ rằng họ bị đánh giá thấp hơn 100 điểm. Tại sao? Bởi vì kĩ năng càng kém, con người càng đánh giá cao khả năng của họ.
Hóa ra những người chơi cờ với thứ hạng thấp hơn thì càng đánh giá quá cao kĩ thuật chơi của họ.
Nhưng không chỉ có sự tự tin thái quá của chúng ta có thể bóp méo sự thật – chúng ta cũng hiểu sai về sự tự tin của người khác khi cho rằng đó là biểu hiện đáng tin về khả năng của họ.
Trong một nghiên cứu tại Trường Đại học Rochester năm 1986, những người tham gia đã xem một video của một cuộc hẹn khám bệnh. Vị bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh trong cả hai clip, nhưng trong clip đầu tiên người đàn ông hành động rất tự tin và trong clip thứ hai người kia phải tra cứu lại bệnh để chắc chắn rằng mình đúng trước khi kê đơn. Hầu hết mọi người tham gia đều tin tưởng vị bác sĩ đầu tiên hơn người thứ hai.
Điều này chỉ ra rằng khi chúng ta nhìn thấy ai đó hành động một cách tự tin, chúng ta có xu hướng cho rằng họ giỏi hơn những người không chắc chắn về bản thân.
Chúng ta không biết nhiều như chúng ta nghĩ
Bạn có biết toilet vận hành như thế nào không? Khả năng lớn là bạn không đâu. Thường thì những thứ đơn giản thường ngày đều nằm ngoài hiểu biết chung của chúng ta.
Chiếc xe đạp là một ví dụ. Hầu hết chúng ta đều bảo là biết nó vận hành như thế nào nhưng liệu đó có phải là sự thật? Nhà tâm lí học Rebecca Lawson thực hiện một thí nghiệm với những người tham gia phải đánh giá kiến thức của họ về chiếc xe đạp, sau đó tự họ phải vẽ một chiếc.
Nhiệm vụ này có vẻ phù hợp hơn với học sinh tiểu học, tuy nhiên rất nhiều người thất bại thảm hại. Trong thang bậc một đến bảy, những người tham gia đánh giá kiến thức của mình ở mức 4.5, mặc dù một vài người trong số họ vẽ dây xích nối hai bánh xe và như thế thì không thể lái được, hoặc không thể nối pê-đan với dây xích, như thế cũng không thể bẻ lái được. Hầu hết chúng ta biết một vật làm gì nhưng không biết tại sao nó lại như thế. Một thứ càng quen thuộc với chúng ta thì chúng ta càng tin tưởng là mình hiểu nó.
Chúng ta cũng sai lầm tin rằng chúng ta hiểu những thứ phức tạp nếu chúng ta nhận được rất nhiều thông tin về chúng.
Ví dụ, trong một nghiên cứu bởi nhà kinh tế học hành vi Richard Thaler, những người tham gia đầu tư tiền vào quỹ chung A và B.
Thí nghiệm kéo dài 25 năm và những người tham gia nhận được thông tin về các hoạt động của hai quý mỗi tháng, mỗi năm và năm năm một lần. Giữa những khoảng nghỉ họ được lựa chọn thay đổi sự đầu tư của họ.
Rõ ràng là càng được cập nhật nhiều thông tin càng tốt đúng không? Không! Những người được cập nhật thông tin sau mỗi năm năm cuối cùng đạt được doanh thu nhiều hơn gấp đôi
bởi vì họ có cái nhìn dài hạn về sự đầu tư của mình. Ngược lại những người nhận được thông tin cập nhật hàng tháng thay đổi sự đầu tư của họ thường xuyên hơn và cuối cùng họ đánh mất cơ hội đạt doanh thu trong dài hạn.
Rõ ràng là càng được cập nhận nhiều thông tin càng tốt đúng không? Không! Những người được cập nhật thông tin sau mỗi năm năm cuối cùng đạt được doanh thu nhiều hơn gấp đôi bởi vì họ có cái nhìn dài hạn về sự đầu tư của mình. Ngược lại những người nhận được thông tin cập nhật hàng tháng thay đổi sự đầu tư của họ thường xuyên hơn và cuối cùng họ đánh mất cơ hội đạt doanh thu trong dài hạn.
Điều này chỉ ra rằng có nhiều thông tin không có nghĩa là hiểu rõ hơn, thậm chí nó có thể làm mờ đi bức tranh toàn cảnh.
Chúng ta có những ảo tưởng về những mối liên hệ và nguyên nhân không thực sự tồn tại.
“Sự kì vọng từng giây từng phút của bạn quyết định điều bạn thấy và điều bạn bỏ lỡ nhiều hơn sự khác biệt sống động của vật thể.”
Chúng ta thường nghe thành ngữ “không có lửa làm sao có khói”, nhưng liệu nó có thực sự đúng? Không hề, chúng ta thường tin rằng điều đó là đúng vì những câu chuyện tường thuật và những hậu quả đã ăn sâu trong xã hội con người.
Một ví dụ phổ biến chứng minh cho điều này chính là nhiều người nghĩ rằng nghe những bài hát có lời thể hiện xu hướng tình dục quá rõ ràng sẽ khiến giới trẻ có những hành vi tình dục nguy hiểm. Chẳng có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này cả.
Chúng ta cũng có xu hướng nhìn ra những sự tương quan trong khi nó không tồn tại.
Con người xem những kiểu mẫu như một cách để hiểu về thế giới, nhưng những kiểu mẫu này thường không tồn tại. Ví dụ, để kiểm tra liệu người ta có tin rằng tồn tại sự liên quan giữa thời tiết và chứng đau khớp, bác sĩ Donald Redelmeier và nhà tâm lí học Amos Tversky đã yêu cầu những bệnh nhân bị viêm khớp ghi lại mức độ đau mỗi ngày. Sau khi so sánh những mức độ nỗi đau với thời tiết mà họ thấy ngày hôm đó, họ nhận ra không có mối liên hệ nào giữa hai cái cả.
Vậy là họ quyết định tiến hành thí nghiệm thứ hai, lần này với những sinh viên chưa tốt nghiệp. Những người tham gia được hỏi liệu họ có nhận thấy bất kì sự phù hợp ngẫu nhiên nào giữa mức độ đau và thông tin thời tiết. Thật thú vị là 87% họ thực sự đã tìm ra được mối liên hệ. Tại sao? Bởi vì họ tập trung vào những dữ liệu bổ trợ cho nhận thức trước đó của họ rằng việc đau khớp và thời tiết có liên quan.
Vậy chúng ta còn tìm thấy những mối liên hệ lệch lạc trong những lĩnh vực nào nữa?
Khi hai việc xảy ra cùng một lúc, chúng ta thường tin rằng việc này dẫn đến việc kia. Hãy xem xét câu đố kinh điển sau đây: Tỉ lệ chết đuối cao thường xảy ra cùng lúc doanh thu bán kem nhảy vọt. Liệu có phải hai thứ có tác động lẫn nhau không? Không, nhưng những mùa hè nóng bức là lí do cho cả hai việc trên: chết đuối là một hiện tượng có nguy cơ xảy ra cao hơn khi nhiều người thích đi bơi và kem thường là một cách vui vẻ để làm mát cơ thể trong mùa hè nóng bức.
Chúng ta tin tưởng vào ảo tưởng về những khả năng tiềm ẩn có thể dễ dàng được khai phá.
Nếu bạn không dán mắt vào Facebook suốt ngày, bạn có thể trở thành một nghệ sĩ thành công hay thông minh như Albert Einstein đúng không? Có lẽ là không.
Sự thực là, chúng ta thích nghĩ rằng não bộ có nhiều tiềm năng hơn thực tế. Chúng ta sẵn sàng giữ chặt niềm tin rằng chúng ta chỉ sử dụng 10% khả năng não bộ của chúng ta. Nhưng điều này có thực sự đúng?
Chẳng có cách nào đo lường khả năng tiềm tàng của não bộ, và nếu chúng ta thực sự chỉ sử dụng 10% não bộ, những tế bào không được dùng đến sẽ teo đi và chết, có nghĩa là 90% não bộ của chúng ta chết hẳn! Ngay cả khi đây là sự thực, việc sở hữu hộp sọ lớn nhưng gần như rỗng hoàn toàn sẽ ra sao ? Việc sinh con sẽ nguy hiểm đối với phụ nữ bởi vì những cái đầu quá lớn. Nếu những cái đầu này có đến 90% phần chất xám không dùng được, sự mạo hiểm để sinh con chẳng có ý nghĩa tiến hóa gì cả. Và mặc dù thế, trong một khảo sát được thực hiện bởi hai tác giả, 72% vẫn nghĩ rằng 90% não bộ của họ không được dùng đến!
Chúng ta không chỉ bị thuyết phục về tiềm năng chưa được khai phá của mình, chúng ta còn nghĩ rất dễ dàng để khai phá nó.
Một ví dụ về điều này là hiệu ứng Mozart, một lí thuyết được đưa ra bởi nhà vật lí học Gordon Shaw, khẳng định rằng việc nghe nhạc Mozart khiến chúng ta thông minh hơn bởi vì cấu trúc của nó khá giống với cấu trúc não bộ con người. Shaw đã thực hiện một thí nghiệm để những người tham gia nghe nhạc Mozart trong vòng 10 phút, những người khác nghe những loại nhạc dễ nghe hơn và một vài người chỉ ngồi yên lặng. Sau đó họ phải thực hiện những bài kiểm tra liên quan đến nhận thức để xem âm nhạc ảnh hưởng IQ của họ như thế nào. Những người nghe nhạc Mozart có IQ tăng từ tám đến chín điểm. Tuy nhiên, kể từ thí nghiệm đó, một vài nhà nghiên cứu đã cố gắng lặp lại bài kiểm tra, nhưng không ai tìm thấy bằng chứng nào về hiệu ứng Mozart.
Hơn 40% những người trong nghiên cứu của hai tác giả vẫn tin rằng nghe nhạc Mozart khai phá tiềm năng với trí thông minh của họ.
Kết luận
Trực giác của chúng ta và những chức năng nhận thức mà chúng ta dựa vào không phải lúc nào cũng đáng tin. Trong thực tế, chúng ta không thực sự chú tâm và thông minh như chúng ta tưởng và cũng không có nhiều mối liên hệ trong thế giới như chúng ta nghĩ.
Bài học rút ra:
Hãy cẩn trọng với những gì bạn tìm kiếm.
Khi bạn đang tập trung sự chú ý vào một thứ gì đó cụ thể, bạn có thể bỏ lỡ những thứ khác. Đó có thể là điều gì đó đẹp đẽ hay thú vị, nhưng cũng có thể vô cùng đắt giá, đặc biệt là khi bạn đang lái xe trên đường. Vì vậy bạn nên chú ý hơn những thứ xung quanh và dự đoán những điều bất ngờ có thể xảy ra.
Ngay cả trong kinh doanh, việc tập trung vào một thứ có nghĩa là bạn có thể mất rất nhiều cơ hội tuyệt vời ngay trước mắt mình.
Tóm tắt sách Gorilla Vô Hình
Dịch từ Blinkist