Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Kĩ năng xã hội và con người là điều quan trọng trong quá trình bạn leo cao trên nấc thang danh vọng. Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai (2007) sẽ giải thích một số thói quen xấu cản trở thành công và giúp bạn thay đổi những thói quen đó.

Cuốn sách này dành cho:

  • Những nhà quản lí muốn thành công hơn;
  • Những người muốn có được sự tín nhiệm và cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp;
  • Những nhà lãnh đạo tự hào về khiếm khuyết trong tính cách.

Về tác giả:

Marshall Goldsmith là một nhà đào tạo lãnh đạo hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phân tính hành vi trong tập thể. Đã từng làm việc với hơn 100 nhà lãnh đạo hàng đầu, Marshall được đánh giá một trong mười nhà đào tạo lãnh đạo tốt nhất theo báo Wall Street Journal.

1

Bí quyết để trở thành một lãnh đạo, một đồng nghiệp, một con người tốt hơn.

Hãy nghĩ đến hình ảnh một vị giám đốc comple cà vạt điển hình. Bây giờ thì hãy thử hình dung tính cách của anh ta. Hầu hết mọi người sẽ chọn những tính từ như từ tốn, cạnh tranh, bận rộn và có chút ám ảnh về bản thân. Thật sự thì chúng cũng không sai lắm.

Người cực kỳ thành công cũng có đầy những thói hư tật xấu như ai. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ lại tự hào về những tật xấu đó. Họ cho rằng chúng đã phần nào giúp họ trở nên thành công.

Đó là khi những kinh nghiệm của Marshall Goldsmith trở nên hữu dụng. Ông đã làm việc với rất nhiều người thành công, và ông cho rằng chính những thói xấu đó đang cản trở thành công của họ. Bài tóm tắt lần này sẽ bàn luận về những thói quen thiếu lành mạnh của những người thành công, và làm cách nào để loại bỏ chúng ngay tức khắc.

Trong tóm tắt, bạn sẽ hiểu được:

  • Gerald Levin của hãng Time Warner đã làm tổn hại danh tiếng của mình như thế nào;
  • Tại sao những khuyết điểm của bạn không phải là đức tính đáng giữ gìn;
  • Làm thế nào để nói “cảm ơn” nhiều hơn.

2

Càng thành công thì chúng ta thường càng trở nên mê tín

Mặc dù không phải lúc nào vận may cũng đến với bạn, nhưng bạn vẫn sẽ luôn có xu hướng “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Đừng lo, không phải chỉ có mình bạn như vậy đâu. Hầu hết chúng ta đều có chút máu “mê tín” trong người, lầm tưởng một vài thói quen tai hại đã mang đến thành công cho chúng ta.

Chỉ vì chúng ta đạt được thành quả sau khi ta cư xử theo một cách nhất định, ta tự động nghĩ rằng mình nên tiếp tục hành vi đó. Chúng ta tin rằng nhờ nó mà mình mới thành công, trong khi rất có thể mọi chuyện hoàn toàn không phải như vậy.

Tác giả đã từng được quan sát trực tiếp lối mòn tư duy này. Khi đó ông đang làm việc với một vị giám đốc cực kỳ tài năng, nhưng lại có một khuyết điểm vĩ đại, đó là anh ta hoàn toàn không có kĩ năng lắng nghe. Chỉ vì năng lực của anh ta xuất sắc nên cấp dưới đành chấp nhận tính cách đó của anh và cho rằng có ý kiến cũng vô ích.

Trong khi đó, vì giám đốc lại đinh ninh rằng chính sự “thiếu lắng nghe” của mình là chìa khóa dẫn tới sự thành công, giúp anh loại bỏ những ý tưởng tệ hại và bảo toàn sự sáng tạo của bản thân.

Thật sự rất khó để loại bỏ được lỗi tư duy này, vì những người thành công sẽ phòng vệ rất mãnh liệt mỗi khi bị chỉ trích. Thử hình dung xem anh giám đốc đó sẽ hành xử ra sao nếu có người bảo anh ta rằng “phải học cách lắng nghe đi”? Nhất là khi anh ta vẫn luôn tin tưởng thói quen từ chối lắng nghe là vũ khí đặc biệt của mình.

Tuy nhiên, trong tương lai, thứ vũ khí đó sẽ biến thành con dao hai lưỡi và gây hại cho anh ta. Đó là lí do tại sao việc gán những thói quen xấu cho sự thành công là rất nguy hiểm.

Thử nghĩ xem, cho dù anh ta có tiến được cao hơn trên nấc thang danh vọng của mình, liệu đồng nghiệp sẽ chịu đựng sự thờ ơ của anh ta trước ý kiến đóng góp của họ được bao lâu nữa?

3

Có một sự thật cần được thừa nhận trong công việc, đó là muốn được việc thì phải tránh mắc lỗi.

Giả sử bạn vừa thỏa thuận xong được một hợp đồng rất béo bở, và chỉ ít phút nữa thôi là bạn sẽ được sếp khen ngợi thành quả của mình.

Nhưng nếu trong quá trình đàm phán, bạn chợt nhận ra rằng cuộc giao dịch này có thể không đem lại chút lợi ích nào cho công ty, và quyết định từ chối ký hợp đồng? Bạn có mong rằng sếp vẫn sẽ khen ngợi bạn khi nghe chuyện này không? Có lẽ là không.

Chúng ta quen với việc nhận được lời khen khi đạt được thành quả, nhưng lạ thay điều tương tự lại không xảy ra khi bạn ngăn cản được mối nguy. Nói cách khác, người ta sẽ không tung hô bạn vì bạn đã tránh mắc lỗi.

Đó là vì trong môi trường làm việc cạnh tranh và chuyên nghiệp hiện nay, ta luôn phải đối mặt với áp lực trở nên thành công, và hầu hết chúng ta đều tin rằng để thành công thì phải đột phá.

Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày chúng ta lại không hành xử như vậy. Nếu bạn bỏ được thuốc lá, tất nhiên là bạn sẽ động viên bản thân một chút vì thành tựu đó rồi!

Và chúng ta cũng nên làm điều tương tự đối với công việc, vì việc ngăn cản được một cuộc giao dịch tệ hại có thể mang tới những lợi ích lớn về lâu về dài hơn là ký được một hợp đồng màu mỡ trước mắt.

Thử lấy Gerald Levin, cựu Chủ tịch tập đoàn truyền thông Time Warner làm ví dụ. Vào những năm 1990s, danh tiếng của ông thật đáng ghen tị khi ông sáng lập ra kênh truyền hình HBO và biến Time Warner trở thành “ông lớn” trong ngành truyền thông. Nhưng ngay sau đó ông đã mắc sai lầm trầm trọng khi cho công ty sáp nhập với AOL, và điều này đã gần như hủy hoại Time Warner. Giá như Levin bình tĩnh hơn và từ bỏ phi vụ đó, ông đã có thể bảo toàn được tài sản này của mình.

Vậy bài học rút ra ở đây là gì? Đó là các công ty nên khuyến khích nhân viên tránh xa khỏi những hành vi có hại. Nếu muốn văn hóa làm việc thay đổi, thì sự thay đổi phải bắt đầu từ cấp cao nhất.

4

Thói hư tật xấu vẫn còn tồn tại là bởi chúng ta có một niềm tin mãnh liệt rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”

Trong những phần trước, chúng ta đã biết được rằng kể cả những người thành công cũng bị cản trở bởi thói xấu của mình. Và một trong những lí do khiến họ không thể từ bỏ những thói xấu đó, là bởi họ tin rằng chúng là một phần tính cách của họ. Dù cho đó là điểm mạnh (ví dụ như sự trung thành) hay điểm yếu (thói quen ngắt lời người khác), chúng ta thường có xu hướng cho rằng những đặc điểm đó là không thể thay đổi. Vì vậy ta thường tự an ủi bản thân rằng: “Tôi còn có thể làm gì đây khi mà tôi sinh ra đã như thế rồi!”

Điều này lại càng đúng ở những người thành công, họ thường tin rằng “lắm tài” thì “nhiều tật”. Nhưng chúng là “tật”, không phải đức tính gì đáng quý báu! Và sự thật là, những thói xấu đó khiến ta xa cách mọi người và cản trở ta về mặt lâu dài.

Ví như câu chuyện về một vị CEO này, nhân viên chưa bao giờ nhận được một lời phản hồi tích cực nào từ ông ta. Không phải vì ông nghĩ rằng họ xứng đáng được khen ngợi; ông chỉ nói rằng ông không phải kẻ giả tạo và không muốn nịnh nọt một cách thừa thãi. Nhưng sau khi làm việc với tác giả, vị CEO rốt cục đã nhận ra là thói quen đó sẽ không thể giúp nhân viên đạt được hiệu quả làm việc tối đa. Vì vậy ông đã từ bỏ sự cố chấp của mình và bắt đầu động viên nhân viên của mình nhiều hơn. Và ngay lập tức, ông đã thấy được những kết quả rất khả quan.

Một lí do khác khiến những người thành công mắc kẹt trong những tật thói của mình, đó là họ không nhận ra được hành vi của mình có thể dễ dàng bị hiểu lầm tới mức nào.

Ví dụ, có một chuyên gia tài chính đã giành được cơ hội làm việc với một doanh nghiệp lớn. Trong buổi phỏng vấn sơ bộ, anh ta rất hào hứng quảng cáo cho bản thân và những thành tích trong quá khứ của mình. Thế nhưng anh không nhận ra rằng trong lúc mình còn đang thao thao bất tuyệt về bản thân, anh ta đã hoàn toàn bỏ quên khách hàng và không hề đặt một câu hỏi nào liên quan đến nhu cầu của họ. Vì vậy, cuối cùng anh ta đã đánh mất cơ hội việc làm quý giá của đời mình.

5

Khát khao chiến thắng tạo ra động lực thành công, nhưng đừng để nó che lấp lí trí của bạn

 Đã có quá nhiều người thành công không thể phân biệt thế nào là khát khao chiến thắng quá đà. Khát khao ấy đúng là một động lực hiệu quả, nhưng khi bị lạm dụng quá mức, nó cũng có thể dễ dàng cản trở sự thành công.

Thực chất bản thân chúng ta ai cũng hiếu thắng, nhưng điều quan trọng là không được để nó lấn át mình. Đây không phải chỉ là vấn đề chuyên môn, mà còn là vấn đề cá nhân.

Nó giống như việc bạn và người yêu tìm chỗ ăn vậy. Hai bạn tranh luận kịch liệt giữa hai lựa chọn, nhưng rốt cuộc bạn vẫn sẽ chọn nhà hàng mà người kia thích. Thật không may khi đồ ăn chỗ đó lại không ngon lắm. Bạn sẽ xử lý thế nào? Phàn nàn cả tối và ngấm ngầm ngụ ý là chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nếu bạn là người chọn quán ăn? Hay bạn sẽ im lặng và cố gắng vượt qua bữa tối đó?

Khi tác giả mang câu chuyện này ra hỏi các khách hàng của mình thì 75% trong số họ đều trả lời là họ sẽ quay ra chỉ trích nhà hàng.

Đó là bởi những người thành công luôn hiếu thắng kể cả những lúc không cần thiết. Vì vậy kiềm chế bản năng đó, không để nó lấn át lý trí của bạn là rất quan trọng.

Ví dụ, bạn quay về nhà sau một ngày dài. Khi đó vợ/ chồng bạn cũng vừa về tới nhà và bắt đầu phàn nàn về một ngày của họ. Ngay lập tức bạn cảm thấy rất muốn ngắt lời người kia và chứng tỏ rằng ngày làm việc của bạn còn mệt mỏi hơn nhiều. Bạn thấy tính hiếu thắng xấu xí như thế nào chưa? Thậm chí ở khía cạnh “khổ sở”, bạn cũng muốn vượt mặt người thân yêu nhất của mình!

Nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi mọi thứ. Kể từ bây giờ, mỗi lần bạn cảm thấy muốn chiến thắng và chứng tỏ bản thân, hãy suy nghĩ là xem mong muốn đó có hợp lý hay không, có xứng đáng để bạn bỏ công sức tới như vậy không? Nếu việc kiềm chế nó mang lại được kết quả tốt hơn, thì tội gì mà không kiềm chế?

6

Học cách lắng nghe người khác mà không chỉnh sửa ý tưởng của họ

Trong đoạn trích trước chúng ta đã thấy được là người thành công luôn muốn vượt mặt người khác, và mong muốn đó cũng sẽ khiến họ muốn “chỉnh” ý kiến của người ngoài. Thế nhưng thói quen đó sẽ không có ích vì về lâu về dài, giúp mọi người cùng tiến quan trọng hơn là bạn tiến một mình.

Đây là điều mà mọi nhà lãnh đạo nên ghi nhớ. Bạn nghĩ bạn đang vận hành một mô hình dân chủ. Nhưng thực chất, nhân viên của bạn vẫn sẽ cảm thấy sự phân cấp và coi những lời đề nghị của bạn là mệnh lệnh. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy khó khăn khi phản đối ý kiến của bạn và làm họ nhụt chí.

Đó là điều đã xảy ra khi đội ngũ thiết kế của một công ty thực phẩm danh tiếng thuyết trình ý tưởng bao bì cho CEO của họ. Khi ông chủ mới chỉ đưa ra một đề nghị đó là đổi bao bì sang màu xanh để tạo cảm giác sang trọng, team thiết kế đã lập tức nghe theo và làm lại một mẫu mới. Vị CEO đã khá hài lòng, nhưng lại bắt đầu thắc mắc với nhân viên rằng “Liệu màu đỏ có ổn hơn không nhỉ?”, làm cho họ cảm thấy khá bối rối và mất tinh thần.

Để tránh tình trạng này, hãy thử nhìn lại cách bạn giao tiếp với nhân viên của mình. Nếu bạn thấy bản thân hay nói “Ý tưởng tuyệt đấy” nhưng lại đi đôi với chữ “nhưng”, “tuy nhiên” vào đằng sau thì hãy cân nhắc lại nó.

7

Quá ám ảnh với thành tích có thể khiến bạn bóp méo những giá trị quan trọng và làm lu mờ khả năng đánh giá

 Như bạn có thể thấy, những người thành công có rất nhiều thói quen gây khó chịu. Nhưng đằng sau hầu hết những thói quen này thường là một lí do: sự ám ảnh với thành tích. Điều này sẽ xảy ra khi bạn tập trung quá mức vào một kết quả nhất định mà quên đi bức tranh toàn cảnh.

Tất nhiên, tập trung vào mục tiêu là một đức tính hữu dụng, nó mang lại cho chúng ta động lực vượt qua mọi rào cản để vươn tới thành công. Nhưng khi sự tập trung đó vượt ngoài tầm kiểm soát, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh bóp méo khả năng phân biệt đúng sai của bạn.

Tác giả đã từng làm việc với một vị giám đốc marketing thuộc tuýp người “dám nghĩ dám làm” điển hình: sáng tạo, tràn đầy năng lượng và luôn đạt được kết quả xuất sắc. Tuy nhiên khi báo cáo kết quả với lãnh đạo, cô lại nhận hết công lao về mình mà không nhắc gì đến công sức của nhân viên. Nói cách khác, sự ám ảnh thành tích đã biến cô trở thành một người “hám danh”. Điều này đã mang lại không ít tai tiếng cho cô, và không lâu sau đó cô đánh mất rất nhiều nhân viên tài năng và chăm chỉ.

Đó chính là cách nỗi ám ảnh thành tích đã bóp méo mục tiêu thực sự của bạn và lu mờ cách nhìn nhận, đánh giá của bạn.

Thí nghiệm Người Làm Phúc (The Good Samaritan) cũng là một ví dụ điển hình khác của sự ám ảnh thành tích. Một nhóm sinh viên thần học được giao nhiệm vụ đi thuyết giảng về chủ đề Người Làm Phúc, tuy nhiên người làm thí nghiệm lại bảo rằng họ đang bị muộn và phải nhanh chân lên vì có rất nhiều người đang chờ. Trên đường đi, họ bắt gặp một người đàn ông ăn mặc rách rưới nằm ho rũ rượi trong hành lang (thực chất người này là một diễn viên đóng giả). 90% số sinh viên đều phớt lờ ông ta vì đang quá vội vàng đi tới nơi thuyết giảng.

Rốt cục, những sinh viên trường đạo đến đúng giờ để thuyết giảng, 90% trong số họ đã phớt lờ một người bất hạnh. Rõ ràng họ đã tập trung vào sai mục tiêu – bài thuyết giảng, thay vì thực hành những điều mà họ sẽ đi rao giảng cho mọi người. 

8

Đón nhận chỉ trích tích cực sẽ giúp bạn thay đổi những thói quen cản trở bạn đến với thành công

Về mặt lý thuyết, tất cả mọi người đều trân trọng những phản hồi. Nhưng trong thực tế, những người thành công lại không giỏi đón nhận sự chỉ trích.

Đó là bởi những cá nhân này quá ảo tưởng về thành quả của mình. Ví dụ, tác giả từng hỏi 3 đối tác làm ăn rằng họ nghĩ bản thân mình đóng góp được bao nhiêu phần trăm cho lợi nhuận của hãng. Kết quả, câu trả lời của ba người cộng lại vượt quá 150%! Nói cách khác, họ đều nghĩ mình đã mang lại phân nửa lợi nhuận cho hãng.

Khi bạn phải làm việc với những người luôn nghĩ rằng mình thuộc thành phần ưu tú trong nhóm, sẽ chẳng có gì lạ khi họ không chịu đựng được sự chỉ trích.

Tuy nhiên, những phản hồi tiêu cực lại là những cơ hội học hỏi quý giá. Và kể cả khi không phải lúc nào mọi người cũng nói cho bạn biết bạn sai ở chỗ nào, chúng ta cũng sẽ nhận ra được điều đó thông qua cử chỉ cơ thể, ánh mắt và thời gian phản hồi. Điều quan trọng là bạn phải chú ý quan sát những khoảnh khắc quý giá đó.

Mỗi lần người khác bình luận vu vơ về bạn hay hành vi của bạn, ví dụ như “Ồ, làm thế khá là thông minh đó”, hay “Anh muộn đấy”, hoặc “Anh có đang lắng nghe không vậy?”, hãy ghi nó lại. Cuối ngày, hãy xem lại danh sách những bình luận đó và đánh giá xem chúng tiêu cực hay tích cực, và lại tiếp tục làm thế vào ngày hôm sau. Sau một thời gian, bạn sẽ thấy được một quỹ đạo rõ ràng.

Một người bạn của tác giả đã làm điều này trong một tuần, và lời nhận xét xuất hiện nhiều nhất chính là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Anh ta nhận ra rằng việc nói đi nói lại một điều của mình khiến mọi người khá khó chịu.

Và khi bạn thực sự cố gắng cải thiện những thói quen xấu của mình, bạn cũng sẽ lắng nghe được những suy nghĩ “tự phụ” trong mình.

Người ta thường khoác lác về điểm mạnh của bản thân để che lấp đi điểm yếu của họ. Ví dụ, hãy thử tưởng tượng một người suốt ngày ba hoa về sự đúng giờ của mình trong khi bạn biết thừa lúc nào anh ta cũng đi trễ tới nửa tiếng. Liệu bạn có làm điều tương tự? Hãy coi chừng.

9

Sức mạnh của việc biết nói lời xin lỗi và bày tỏ lòng biết ơn

Cho dù hầu hết phụ huynh đều dạy con mình cách cư xử đúng mực thì hầu hết những người thành công đều nghĩ rằng hành động nói “xin lỗi” hoặc “cảm ơn” là sự phục tùng, quy hàng. Điều đó đơn giản là hoàn toàn sai. Đúng ra chúng ta nên nói những lời như vậy thường xuyên hơn.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất lời xin lỗi lại có một sức mạnh đáng nể. Những lời xin lỗi thẳng thắn có thể giúp bạn kết thúc một sự việc xấu xí và giúp bạn tiến về phía trước.

Tuy nhiên quá trình chữa lành này chỉ có thể xảy ra sau khi bạn học được cách chấp nhận thất bại. Vì vậy một khi bạn cho rằng mình đã sẵn sàng để xin lỗi, thì hãy làm vậy! Bạn không cần phải làm cho mọi việc trở nên phức tạp cho bản thân như thế – sự ngụy biện sẽ chỉ khiến thông điệp bạn truyền tải trở nên lãng xẹt.

Richard Clarke, Cựu Điều phối viên An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã sử dụng phương pháp này khi ông tuyên thệ tại Nhiệm vụ ngày 11/9. Ông nói với tất cả các gia đình người Mỹ rằng: “Chính phủ đã làm bạn thất vọng, những người được tin tưởng giao cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước đã làm bạn thất vọng, và tôi đã làm bạn thất vọng.”

Nhiều người chỉ coi bài phát biểu của Clarke là những lời nói suông, rằng ông chẳng có thẩm quyền gì mà xin lỗi. Nhưng bằng cách nhận trách nhiệm và nhận lỗi về mình, ông đã giúp nhiều người vượt qua được thảm kịch và bước tiếp trong cuộc sống.

Giống như lời xin lỗi, bày tỏ lòng biết ơn cũng có tác dụng tương tự. Nói lời cảm ơn là một cách hiệu quả để thả lỏng một cuộc trò chuyện căng thẳng. Dù sao thì bạn cũng không thể tiếp tục cãi nhau với một người vừa cảm ơn bạn đúng không!

Tác giả lần đầu tiên nhận ra điều này khi ông đang đi trên một chuyến bay và máy bay đột nhiên rơi xuống rất mạnh. Giữa giây phút sinh tử, cả cuộc đời ngắn ngủi bỗng lướt qua trong đầu ông, và ông nhận ra rằng có quá nhiều người chưa nhận được lời cảm ơn tử tế từ mình.

Suy nghĩ đó không có gì xa lạ cả. Thực tế, đó là điều đầu tiên một đứa trẻ nuối tiếc khi cha mẹ chúng qua đời – chúng ta thường quên không nói với những người thân yêu của mình rằng ta trân trọng họ đến mức nào khi ta còn cơ hội.

Đó là lí do tại sao chúng ta nên nói lời cảm ơn nhiều nhất có thể mỗi khi ta cảm thấy ai đó đã thực sự giúp đỡ mình. Nhưng phải đảm bảo là bạn nói chúng một cách thật chân thành nhé!

10

Nếu bạn muốn thay đổi, hãy cho bản thân thời gian và nhờ những người xung quanh bạn liên tục phản hồi

Nếu bạn muốn vĩnh viễn loại bỏ những tật xấu của mình, chắc chắn bạn sẽ cần người khác nhận xét quá trình thay đổi của bạn. Liên tục tiếp nhận phản hồi cách tốt nhất để nhận ra sự thay đổi đó.

Hãy lập ra một kế hoạch để hàng tháng cập nhật ý kiến từ đồng nghiệp (trong vòng từ 12 – 18 tháng) và hỏi xem liệu hành vi của bạn có đang cải thiện không.

Câu hỏi này sẽ khiến họ phải công nhận những nỗ lực thay đổi của bạn. Cứ như thế từ tháng này qua tháng khác, đồng nghiệp của bạn sẽ dần dà chấp nhận rằng bạn đang thay đổi. Bạn không cần phải bảo họ thế, mà chính họ sẽ là người xác nhận rằng bạn đang thay đổi.

Chính Ed Koch, Thị trưởng thành phố New York những năm 1970s, đã áp dụng thành công chiến thuật này. Koch nổi tiếng với việc đi thăm khắp 5 thị trấn và hỏi tất cả mọi người mà ông gặp câu hỏi “Anh thấy tôi làm vậy thế nào?”, thường xuyên đến mức nó đã trở thành câu slogan của ông. Và phương pháp đó thành công rực rỡ: các cử tri trở nên quen với hình ảnh một ngài Koch lúc nào cũng nỗ lực để trở thành một thị trưởng tốt. Thậm chí nếu có ai đó chỉ trích ông cái gì, ông sẽ ngay lập tức cải thiện nó để không phải giờ phải nghe lời phàn nàn đó nữa.

Nói chung, chúng ta cần cả một quá trình để trở thành một người lãnh đạo giỏi. Điều đó có nghĩ là không ai có thể thay đổi chỉ trong một đêm như lời người ta nói ở những khóa huấn luyện hay những bài thuyết giảng truyền hứng.

Điều này có thể khiến những người từng tham dự những chương trình phát triển kĩ năng lãnh đạo cảm thấy ngạc nhiên. Thường thì những chương trình kiểu này khiến bạn nghĩ rằng, nếu bạn hiểu vấn đề thì bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm. Tất cả mọi người đều biết hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng có phải ai cũng bỏ thuốc được đâu?

Nhưng tốn thời gian không có nghĩa là bất khả thi. Điều quan trọng là bạn phải thực sự luyện tập những thói quen mới, cập nhật quá trình của mình và theo sát mục tiêu đã đặt ra.

Tổng kết

Hầu hết các lãnh đạo thường không nhận ra hành vi của mình có tác động rất khác lên các đối tác và nhân viên của họ. Nhưng họ sẽ còn có thể leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp của mình nếu họ nhận thức được tác động của những hành vi đó. Lắng nghe và tiếp nhận ý kiến phản hồi chính là phương pháp chủ chốt giúp họ thay đổi thành công.

Lời khuyên hữu dụng:  

Nếu bạn muốn tìm cách cải thiện bản thân, hãy cho đồng nghiệp các cấp trong công ty của bạn làm một bảng khảo sát.

Cách tốt nhất chính là làm một bản phản hồi 360 độ và phát cho đồng nghiệp, quản lý và nhân viên của bạn. Để đảm bảo tính bí mật, hãy nhờ một người khác thực hiện các cuộc phỏng vấn, yêu cầu người trả lời phản hồi một cách thẳng thắn dựa trên 4 tiêu chí sau:

  • Bỏ qua quá khứ
  • Nói sự thật
  • Có tinh thần ủng hộ, giúp đỡ chứ không phải chỉ để chỉ trích
  • Tìm ra những điểm họ có thể giúp bạn cải thiện.
  • Bằng cách đó, phản hồi sẽ tập trung vào việc cải thiện chứ không phải để phán xét người khác.

Tóm tắt sách Thành Công Hôm Nay Chưa Chắc Thành Đạt Ngày Mai