Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Tóm tắt sách Thám tử kinh tế. Cuốn sáchgiải thích vì sao mà kinh tế định nghĩa cuộc sống của chúng ta. Từ giá của một ly cappuccino cho đến lượng sương khói trong không khí, tất cả đều có mối quan hệ mật thiết với kinh tế. Cuốn sách này sẽ cho chúng ta thấy cách mà các nhà kinh tế hiểu được thế giới này và giúp chúng ta đạt được những lợi ích lớn hơn từ việc hiểu rõ các hệ thống kinh tế. 

Cuốn sách này dành cho: 

  • Các sinh viên kinh tế;
  • Bất cứ ai muốn giảm các chi phí cho việc mua sắm hàng ngày;
  • Bất cứ ai tò mò về việc kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào. 

Về tác giả:

Tim Harford là một nhà kinh tế người Anh, đồng thời cũng là một nhà báo và là một cây bút nổi tiếng với nhiều cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách Thám tử kinh tế là đúc kết một quá trình dài nghiên cứu, làm sáng tỏ các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thường ngày. Các cuốn sách nổi tiếng khác của ông gồm có Logic của cuộc sống và Vì sao thành công luôn khởi đầu từ thất bại.  

Bạn học được gì từ cuốn sách này? Đưa ra những lựa chọn tốt hơn bằng cách nhìn đời dưới con mắt của một nhà kinh tế. 

Đã bao nhiêu lần bạn phải kêu van và than vãn về việc chi phí trong cuộc sống của bạn ngày càng một tăng cao? Làm sao bạn có thể biết rằng bông cải xanh chỉ có giá $2 chứ không phải $4? Hay làm sao để biết được người khác đã bán cho bạn một món hàng tồi? 

Đúng vậy, điều đó thật là bực bội! Nhưng đã bao giờ bạn dừng lại để nghĩ rằng vì sao những vấn đề này luôn xảy ra? Tại sao chúng ta vẫn luôn mua hàng hóa đắt, thậm chí cả khi chúng ta không được đảm bảo về chất lượng. 

Thám tử kinh tế sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi ấy, và quan trọng hơn, cung cấp cho bạn vốn hiểu biết về cách mà kinh tế định hình cuộc sống và các quyết định mua sắm của bạn. Đồng thời nó cũng giải thích làm cách nào mà việc hiểu được rằng kinh tế đứng đằng sau tất cả sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định mua bán đúng đắn, và không bao giờ trở thành những “nạn nhân” của các chiến lược marketing tinh quái. 

Theo đó, cuốn sách này sẽ cho bạn thấy cách mà kinh tế ảnh hưởng lên toàn bộ xã hội. Nếu bạn đã từng có thắc mắc vì sao nhiều nước rất nghèo khó trong khi nhiều nước lại vô cùng giàu mạnh, thì cuốn sách này sẽ đưa ra cho bạn những quan sát và nhận định sâu sắc. 

Thêm vào đó, bạn sẽ học được:

  • Vì sao thật khó để phân biệt đào với chanh;
  • Vì sao mua sắm ở ga tàu có thể gây nguy hiểm cho tài khoản ngân hàng của bạn;
  • Vì sao một công ty có thể cố ý làm cho một sản phẩm của họ kém hiệu quả hơn;
  • Vì sao đi vào một cửa hàng giảm giá nhiều khi không thực sự là một lựa chọn tốt.

Nền kinh tế có một sự ảnh hưởng rất lớn đến từng quyết định nhỏ bạn đưa ra hằng ngày

Nhấm nháp một ly cappuccino buổi sáng, đã bao giờ bạn tự hỏi ly cappuccino đó được làm bằng cách nào? Có lẽ là không. Tuy nhiên, bạn nên đặt câu hỏi ấy, bởi nó có thể tiết lộ về kinh tế của bạn, và cả cuộc sống của bạn nữa.

Những thứ đơn giản, thậm chí như một ly cappuccino, là kết quả của khả năng tập hợp nhiều ngành nghề khác nhau của kinh tế. 

Tưởng tượng bạn sẽ tự làm ly cappuccino ấy. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Đầu tiên bạn cần phải trồng cà phê, sau đó thu hoạch hạt, làm khô rồi sấy chúng. Bạn đồng thời cũng phải nuôi một con bò, lấy sữa, rồi sau đó thiết kế và tạo hình cho một chiếc ly. Cuối cùng, bạn sẽ cần phải có một chiếc máy pha cà phê. 

Liệu bạn có thể tự làm tất cả những việc ấy một mình? Có vẻ như điều đó là không thể. Bạn cần dựa vào một hệ thống kinh tế, đặc biệt là sự phân chia lao động trên thế giới, để sản xuất ra được thứ đồ uống bạn dùng mỗi sáng.

Thay vào đó, bạn đưa ra quyết định mua ly cà phê cho buổi sáng của mình. Giá của ly cà phê đó có quan hệ chặt chẽ với toàn bộ hệ thống kinh tế. 

Nhìn chung, khi nguồn lực càng khan hiếm, thì giá sẽ càng cao hơn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ, có thể bạn nghĩ rằng tất cả các quán cà phê đều sử dụng chung một nguồn lực, nên giá của các ly cà phê đều giống nhau. Nhưng thực tế không phải vậy. 

Ở vương quốc Anh, một chuỗi quán cà phê ở nhà ga với tên ATM có mức giá cho sản phẩm của họ cao hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Liệu đó có phải vì họ bán một thứ cà phê rất quý hiếm không? Hoàn toàn không. Sở dĩ ATM có thể đưa ra mức giá như vậy là bởi vì địa điểm mà họ sở hữu – ở những nhà ga – là cực kì hiếm. 

Rất nhiều người ghé qua đây vào mỗi buổi sáng họ đi làm, và điều đó làm tăng nhu cầu về không gian của ATM. Với việc không có đối thủ cạnh tranh nào có thể sở hữu một địa điểm đặc biệt như của ATM, mức giá cho dịch vụ ở ATM tăng cao là điều hiển nhiên. 

Đó cũng là sự giao nhau giữa nhu cầu hài lòng của khách hàng và mức phí thuê địa điểm khiến cho giá cà phê của ATM tăng cao. 

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ giúp bạn nhìn cuộc sống dưới con mắt của một nhà kinh tế, từ đó có thể hiểu hơn về thế giới xung quanh. 

Các công ty dùng rất nhiều chiến lược để khiến chúng ta trả giá cao nhất có thể cho sản phẩm của họ. 

Tất cả mục tiêu của các công ty, dù họ có tốt đẹp đến thế nào, cũng đều là tiếp cận bạn, những khách hàng, để bạn sẵn sàng trả mức phí cao nhất có thể cho sản phẩm của họ, và họ dùng rất nhiều các chiến lược khác nhau để có thể làm được điều ấy.

Hiển nhiên rằng, họ không thể hỏi trực tiếp bạn mức giá mà bạn muốn trả là bao nhiêu, bởi đơn giản rằng họ sẽ không thể có được câu trả lời. Do đó, các công ty phải dùng rất nhiều “tiểu xảo”. 

Một cách là cung cấp một loạt các sản phẩm khác nhau đôi chút, có chi phí sản xuất tương đương, nhưng có giá bán khác nhau. 

Những công ty như Starbucks đã áp dụng cách này. Thay vì chỉ đưa ra một loại cà phê, họ đưa ra rất nhiều sản phẩm về cà phê ở các mức giá khác nhau. Ví dụ, bạn có thể có một ly cà phê lớn với lượng kem nhiều chỉ với $1 tăng lên so với một cốc cà phê nhỏ mà không có gì. Bằng việc đưa ra những lựa chọn, họ đảm bảo được rằng mỗi khách hàng đều có thể trả tối đa cho sản phẩm của mình. 

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có khả năng để trả cùng một mức giá tối đa. Các công ty bù lại sự đa dạng này bằng cách chia ra từng chiến lược cho những nhóm khách hàng khác nhau. Ví dụ như “siêu khuyến mãi” hay “lựa chọn cho sinh viên” hay những sự kiện ở nhà hát hay các phương tiện giao thông công cộng. 

Ý tưởng này nhằm đảm bảo những nhóm khách hàng có ít khả năng để trả giá cao vẫn có thể sử dụng sản phẩm cũng như dịch vụ của công ty, đồng thời đảm bảo những khách hàng “bình thường”, những người có mức thu nhập cao, vẫn trả mức giá cao nhất. 

Thậm chí nếu các công ty đưa ra nhiều hơn một phiên bản của sản phẩm, họ sẽ cố gắng để bạn không mua phiên bản có giá thấp hơn. 

Ví dụ, IBM bán hai chiếc máy in: loại cấp thấp “LaserWriter E” và loại cao cấp “LaserWriter”. Loại đầu tiên rẻ còn loại thứ hai đắt, nhưng đó không phải là khác biệt duy nhất. IBM chủ định cài đặt một con chip vào loại rẻ hơn để khiến nó chạy chậm và kích thích các khách hàng giàu có mua sản phẩm đắt hơn. 

Các công ty luôn cố gắng để bạn trả nhiều hơn mức giá mà bạn cần trả. Tỉnh táo nhận ra những điều này có thể giúp bạn tránh chúng. 

Các công ty có thể rất khéo léo trong việc “lấy” tiền từ túi bạn. Có rất nhiều cách để bạn có thể tiết kiệm tiền, và nó tùy thuộc vào bạn, vào khả năng luyện tập những thói quen tiêu dùng thông minh.

Trước tiên, cần nhận thức rõ nơi mà bạn mua hàng. Xem xét kĩ, ví dụ, các công ty thường sử dụng chiến lược giá – đích, họ bán cùng một loại hàng hóa hoặc cung cấp cùng một dịch vụ nhưng ở những mức giá khác nhau, tùy thuộc vào thị trường và địa điểm. 

Ở London, có hai cửa hàng Marks & Spencer Simply Food chỉ cách nhau 500 mét. Ở cửa hàng đặt tại ga tàu điện ngầm, tất cả các sản phẩm đều có giá cao hơn đến 15%. 

Họ đã làm điều này bởi khách hàng ở ga tàu điện ngầm thường có rất ít thời gian cho việc mua sắm, họ chỉ muốn bước vào, chọn hàng rồi đi ra. Do đó, khách hàng ở đây ít quan tâm về giá của sản phẩm. 

Thứ hai, đừng lầm tưởng rằng những sản phẩm ở các cửa hàng đang giảm giá có giá rẻ hơn ở những nơi khác. Trong khi những sản phẩm này nhìn chung có thể nói là rẻ, nếu bạn đang tìm một sản phẩm cụ thể, rất có khả năng họ sẽ có cùng những sản phẩm ở một mức giá cao như những cửa hàng cao cấp hơn. 

Do đó, mẹo ở đây là đừng tìm những cửa hàng rẻ, mà hãy tìm những sản phẩm cụ thể. 

Cuối cùng, các siêu thị thường đặt giá một cách ngẫu nhiên, vậy nên cần tỉnh táo để ý xem giá thay đổi như thế nào để tránh bị lừa. 

Ví dụ, các siêu thị thường đặt giá gấp ba lần cho rau, chỉ để xem việc đó ảnh hưởng đến lượng mua như thế nào. Các khách hàng mà hay để ý về giá cả trên thị trường sẽ chọn các loại rau khác, ngược lại những người không để ý đến giá cả sẽ phải trả giá cao hơn bình thường cho lựa chọn của họ. 

Suy cho cùng, nó phụ thuộc vào bạn để đảm bảo rằng các công ty không thể lợi dụng khao khát hài lòng, hay sự lười biếng của bạn.

Giờ đây ta đã hiểu một chút về các chức năng của kinh tế, những trang tiếp ta sẽ biết chuyện gì có thể xảy ra khi các chức năng ấy không hoạt động đúng. 

Một sự rò rỉ thông tin có thể làm sai lệch cả thị trường. 

Trên các phương tiện thông tin truyền thông và các giảng đường ở các khoa kinh tế của các trường đại học, có rất nhiều người liên tục khen ngợi sự thông minh và công bằng của hệ thống thị trường tự do, cái mà họ tin rằng là phương pháp hiệu quả nhất trong việc đảm bảo rằng mọi người có thể mua được những gì họ cần, ở mức giá tốt và hợp lý nhất. 

Tuy nhiên, thị trường này lại có vấn đề rất lớn: Nó rất dễ đổ vỡ khi mà con người đối mặt với vấn đề thông tin giới hạn (hay giữ kín). Nó còn được biết đến với tên gọi “khoảng trống thông tin”.

Một ví dụ rất phổ biến của vấn đề này có thể thấy ở thị trường xe cũ. Khi mua một chiếc xe đã qua sử dụng, bạn có thể kết thúc việc mua bán với một “trái đào” (chiếc xe sử dụng tốt) hoặc một “quả chanh” (một chiếc xe thực sự là “đống phế thải”). 

Là một khách hàng tiềm năng ở đại lý xe cũ, bạn không có cách nào để biết rằng đâu là “trái đào” hay đâu là “quả chanh”. Chỉ có người bán mới có thể biết rõ điều ấy. 

Nếu như ngân sách của khách hàng khá nhỏ, khoảng $1.500, anh ta sẽ được đảm bảo rằng người bán chỉ đề nghị cho mình “quả chanh”. Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn, khoảng $4.000, khả năng để bạn có thể có được “trái đào” vẫn chỉ là 50/50, bởi chỉ có người bán mới biết rõ được điều ấy. 

Đối mặt với những vấn đề này và sự thiếu hụt của những thông tin quan trọng, một khách hàng khôn ngoan sẽ không đưa ra mức giá trước, trong khi không có cơ hội để có được “trái đào”. Và nếu điều này xảy ra, thị trường sẽ bị phá hỏng. 

Điều này chỉ đúng khi thông tin đến từ một phía hay bất đối xứng. Tuy nhiên, nếu cả người bán lẫn người mua đều không biết được chiếc xe đó là “trái đào” hay “quả chanh” thì người mua có cơ hội mua được xe với mức giá thấp là 50/50.

Để thị trường hoạt động một cách trơn tru và công bằng, phải có sự trao đổi thông tin lẫn nhau. Nếu thiếu chúng sẽ không thể có một cuộc làm ăn tốt. 

Chúng ta cần phải đảm bảo rằng mặt hại của một sản phẩm đã bao gồm trong giá mà chúng ta phải trả. 

Thị trường có thật sự cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất mà họ mong đợi không? Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Nếu bạn coi trọng không khí trong lành hay giao thông thông thoáng, thì có lẽ bạn sẽ không cảm thấy thỏa mãn khi mắc kẹt trong giao thông đông đúc, ngùn ngụt khói xe cộ ở quãng đường buổi sáng bạn đi làm. Vậy làm thế nào để ta có thể tính toán được điều này?

Học thuyết thị trường tự do nói rằng nếu mỗi cá nhân đều được thỏa mãn nhu cầu thì cả xã hội sẽ đều có lợi. Tuy nhiên, học thuyết này thất bại khi xét đến những hậu quả có thể xảy ra bởi hành vi của chúng ta.

Nói một cách khác, nếu bạn muốn mua một chiếc xe, thị trường đúng ra phải cung cấp cho bạn những gì bạn muốn với một mức giá công bằng và có lợi cho cả người bán. Nhưng có những khoản chi phí xã hội ẩn sau phép tính mà không được bao gồm trong giá bán lẻ. 

Tất cả các thành phố trên thế giới phải chịu đựng ô nhiễm không khí như là hậu quả từ khối lượng khí thải dày đặc từ xe cộ. Không những gây hại cho sức khỏe, mà nó còn khiến người ta ít dùng những phương tiện có lợi cho môi trường, ví dụ như đi xe đạp. 

Để ngăn chặn những chi phí về xã hội này, chính phủ nên can thiệp vào thị trường để đánh thuế chi phí ngoại lai. Nhìn chung, các loại thuế được thêm vào để đảm bảo rằng các hoạt động giải quyết các vấn đề xã hội sẽ được trả phí. 

Ví dụ, ở Luân Đôn, có một loại phí ùn tắc mà mọi người phải trả khi đi xe vào một khu vực nhất định. Ảnh hưởng của nó thật đáng kinh ngạc: giao thông đã bớt tắc nghẽn một cách đáng kể và nhanh chóng.

Khi đi xe nhưng không phải chịu thêm khoản phí nào, người ta sẽ đi xe ngay cả khi quãng đường là rất ngắn. Kể từ khi loại phí trên ra đời, mọi người sẽ chọn đi bộ hoặc đạp xe thay vào đó.

Tuy nhiên, bạn không thể đặt thuế lên tất cả mọi thứ. Ví dụ, nếu hành vi của một ai đó rất khó chịu, nhưng không thực sự có hại, thì thật vô nghĩa khi bắt anh ta phải nộp thuế vì thái độ đó.

Các hoạt động sai trái và tham nhũng làm hạn chế phát triển kinh tế.  

Một trong những vấn đề kinh tế được đưa ra bàn luận nhiều nhất đó là tại sao có rất nhiều quốc gia nghèo khổ trong khi một số khác lại giàu có và rất phát triển. Đó là bởi vì nguồn tài nguyên chăng? Hay bởi loại thị trường mà họ chọn? Thực sự, lí do lớn nhất của cái nghèo đơn giản là do sự sai trái của chính phủ.

Sự thiếu hụt tính dân chủ trong quản lý và bầu cử gây hại đến sự thịnh vượng của nền kinh tế. Thông thường, mục đích cốt lõi của một nhà lãnh đạo địa phương là làm giàu cho cá nhân mình, kể cả phải bóc lột của người dân. Trong những trường hợp này, ngân khố của quốc gia không được đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay phát triển đời sống của nhân dân, và gây nên sự tổn hại về kinh tế.  

Ví dụ, Cameroon là một trong số những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, chính quyền được điều hành bởi Biya – người mà mối quan tâm duy nhất là duy trì quyền lực và sự giàu có cho riêng bản thân mình.

Thêm vào đó, những kẻ độc tài cần những người giàu có phụ thuộc để có thể duy trì quyền lực. Vậy nên họ làm ngơ trước tham nhũng, và về lâu dài làm suy thoái nền kinh tế. 

Ví dụ, bởi vì Cameroon rất khó để quản lý, Biya phải thỏa hiệp với tham nhũng để duy trì quyền lực của ông ta, thông qua cảnh sát và quân đội. Những người lính phục tùng ông ta, bởi họ sẽ được hưởng nhiều lợi ích nếu đi theo Biya hơn là đầu quân cho phe dân chủ. Có thể nói quyền lực của ông ta đến từ sự tham nhũng hơn là sự lãnh đạo dân chủ.

Hậu quả của tham nhũng là làm suy thoái nền kinh tế: để thành lập một công ty, bạn cần phải đút lót hệ thống chính quyền. Cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục cũng bị đi xuống nghiêm trọng bởi thiếu sự hỗ trợ và quan tâm từ chính phủ. 

Giải pháp đưa ra có vẻ đơn giản. Bạn chỉ cần loại bỏ đi lớp vỏ bọc của chính quyền tham nhũng để dòng tiền được lưu thông. Thị trường tự do sẽ lo phần còn lại. 

Một chính phủ có trách nhiệm cũng là điều thực sự cần thiết, tuy nhiên, để tiến hành sự chuyển giao này, sự thiếu hụt của những cá nhân có trách nhiệm trong chính phủ là khó khăn ban đầu. 

Các nước nghèo có thể trở nên thịnh vượng nếu họ mở cửa, thúc đẩy hoạt động ngoại thương. 

Có rất nhiều ví dụ về các nước từng nghèo khó giờ đã trở nên giàu có. Hai trong số đó là Đài Loan và Hàn Quốc. Lịch sử đã chứng minh rằng chìa khóa cho sự thành công của họ là mở rộng giao dịch quốc tế.

Nền kinh tế phát triển bởi vì hoạt động giao thương quốc tế mang đến nhiều lợi ích hơn so với việc tự cung tự cấp. 

Các quan điểm bảo hộ đối với việc trao đổi, trong đó việc nhập khẩu bị cấm nhằm thúc đẩy mua bán trong nước, sau cùng cũng sẽ làm tê liệt ngành công nghiệp xuất khẩu của đất nước, và các nước khác cũng ngừng xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đó. 

Làm điều ngược lại và thúc đẩy ngoại thương sẽ giúp cho đất nước nhận được nhiều lợi ích từ thị trường quốc tế rộng lớn và đa dạng.

Ví dụ, phải mất nhiều thập kỉ để Hàn Quốc trở thành một quốc gia thịnh vượng sau khi mở cửa hội nhập với thế giới. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên, “anh chị em ruột” của Hàn Quốc, lại đóng cửa biên giới một cách căng thẳng với hi vọng tự cung tự cấp. Kết quả là quốc gia này từng phải hứng chịu một nạn đói. 

Tuy nhiên, giao thương với thị trường quốc tế vẫn là chưa đủ. Một khi đã ở đây, bạn phải tập trung vào việc mà bạn giỏi nhất. Bằng cách tập trung vào những kĩ năng bạn thành thạo nhất, bạn có thể gặt hái được nhiều hơn nữa thành công.

Thử tưởng tượng, ví dụ, nước Anh giỏi nhất trong việc chế tạo TV và sản xuất ra một cái trong vòng một giờ. Trung Quốc cũng có thể tạo ra một chiếc TV chỉ trong nửa giờ, nhưng họ lại giỏi làm đầu DVD. Trong khi bạn có thể nghĩ rằng sẽ là tốt nhất nếu Anh dừng giao dịch với Trung Quốc để bảo vệ khả năng sản xuất TV của mình, nhưng điều ngược lại mới thực sự đúng! Nếu Anh tiếp tục sản xuất thứ mà họ giỏi nhất rồi bán cho Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ tập trung vào việc bán đầu DVD cho Anh. Với cách này, cả hai quốc gia đều thu được lợi nhuận về mình.

Thông điệp chính của cuốn sách

Bạn có thể học được rất nhiều về thế giới này nếu bạn nhìn nó thông qua con mắt của một nhà kinh tế, và làm được điều đó sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống. Đồng thời nó cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vì sao các nền văn minh trên khắp thế giới lại có những nét bản sắc riêng. 

Lời khuyên hữu ích:

Mua hàng rẻ, đừng mua ở nơi rẻ. 

Đừng lầm tưởng rằng mua hàng ở những nơi đang giảm giá sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền. Thực tế, khi so sánh những sản phẩm cụ thể, những cửa hàng đang giảm giá thường đưa ra những mặt hàng với mức giá giống như ở những cửa hàng cao cấp. Vậy nên thay vào đó, bạn nên suy nghĩ kĩ về sản phẩm mình định mua chứ không phải nơi bạn mua.

Đừng mua sắm một cách mù quáng.  

Hãy nhớ rằng những người bán hàng có thể bán cho bạn những món hàng đểu chỉ nhằm chuộc lợi từ bạn. Nếu không có sự trao đổi thông tin kĩ lưỡng giữa người mua và người bán, hoặc nếu bạn không có bất cứ thông tin nào về sản phẩm thì tốt nhất là nên tránh xa chúng.

Tóm tắt sách Thám Tử Kinh Tế
Dịch từ Blinkist