Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Tóm tắt sách Survival Of The Prettiest – 1999 (Sự sống sót của những người đẹp tuyệt sắc) lí giải vì sao con người thích những thứ đẹp đẽ và tiết lộ rằng thị hiếu thẩm mỹ của chúng ta không chỉ đơn thuần là một vấn đề về môi trường hay văn hóa. Những gì mà chúng ta cho là đẹp sẽ ảnh hưởng đến ước muốn có một đứa trẻ xinh đẹp và khỏe mạnh. Thậm chí, ngay cả một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi cũng có thể nhận thấy đâu là đẹp khi chúng nhìn sự vật xung quanh!

Ai nên đọc cuốn sách này: 

  • Những nhà tâm lý học xã hội quan tâm đến khía cạnh khoa học và quan điểm nữ quyền về sắc đẹp.
  • Những người thắc mắc rằng vì sao thân hình “đồng hồ cát” lại được coi là đẹp.
  • Những nhà nhân chủng học muốn biết nhiều hơn về khả năng bẩm sinh trong việc nhận thức cái đẹp của con người.

Về tác giả

Nancy Etcoff là một giảng viên ở trường Y tế Harvard. Bà có một bằng thạc sĩ của Harvard và một bằng tiến sĩ tâm lý từ đại học Boston. Bà đã nghiên cứu về bộ óc con người và nhận thức tại Viện nghiên cứu khoa học Massachusetts. 

Cuốn sách này đem lại cho bạn những giá trị gì? Tìm hiểu sâu hơn về sự tiến hóa của sắc đẹp.

Khi Eleanor Roosevelt – phu nhân của tổng thống Franklin D.Roosevelt – được hỏi liệu bà có điều gì hối hận trong cuộc đời của mình không, bà đã trở lời rằng bà ước mình có thể xinh đẹp hơn. Một câu nói gây bất ngờ, đặc biệt nó lại đến từ một trong những người phụ nữ hoàn hảo, đáng kính trọng và được ngưỡng mộ bậc nhất trong lịch sử. Đáng buồn nhưng đó là sự thật: Con người luôn buồn phiền vì sắc đẹp. Tại sao?

Chúng ta có một cơ chế sinh học ẩn sâu bên trong để nhận dạng đâu là đẹp và để khao khát có được vẻ đẹp ấy. Có thể bạn đang suy nghĩ: Chẳng lẽ loài người vẫn chưa thoát ra khỏi những sự ảnh hưởng về sắc đẹp? Đây là mấu chốt: Dù chúng ta có nhận thức rõ hơn về sự ảnh hưởng của chúng, chúng vẫn có những tác động lên bản thân ta. Chúng xuất hiện từ thời thơ ấu, và việc cố lẩn tránh chúng thường chỉ giúp chúng càng mạnh hơn.

Đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được:

  • Vì sao trẻ em thích những người xinh đẹp;
  • Vì sao trẻ nhỏ thường rất dễ thương;
  • Những người xinh đẹp thường nóng nảy hơn.

Khoa học nghiên cứu chưa đủ sâu sắc về vẻ đẹp – một chủ đề rất được quan tâm. 

Dường như ngày nay khoa học có thể trả lời tất cả các câu hỏi về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên, về vấn đề sắc đẹp, lại có rất ít tài liệu và nghiên cứu. 

Vào năm 1954, nhà tâm lý học người Mỹ Gardner Lindzey đã viết cuốn sách kinh điển Sổ tay tâm lý học xã hội – cuốn sách mà sau đó đã trở thành tài liệu tham khảo tiêu chuẩn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên về vẻ đẹp, chỉ có duy nhất một phần nói về nó với tựa đề “các yếu tố thể chất”.

Sự ít quan tâm về vấn đề này có lẽ bắt nguồn từ sự thất bại của việc tìm ra mối liên kết giữa những yếu tố về thể chất và hành vi của con người.

Ví dụ, bài luận văn của Johann Kaspar Lavater vào năm 1772 đã cố gắng để liên kết những yếu tố trên khuôn mặt với các tính cách cụ thể – một dự án mà khoa học ngày nay dường như không chú tâm đến. 

Hơn nữa, các nhà khoa học xã hội cũng rất ít khi bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ đề sắc đẹp. 

Mô hình khoa học xã hội chuẩn (viết tắt là SSSM) ảnh hưởng rất lớn đến nền khoa học xã hội vào thế kỉ XX. Đây có lẽ là nhân tố phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu quan tâm này. SSSM coi tâm trí như một viên đá trống trơn và được tạo hình chỉ bởi các nhân tố môi trường và điều kiện xã hội; sinh học dường như không đóng vai trò gì trong đó.

Một cuốn sách rất có ảnh hưởng của Naomi Wolf, Huyền thoại về sắc đẹp, đưa ra những tranh luận chính xác về vấn đề này. Nghiên cứu những vấn đề về sắc đẹp thông qua góc nhìn của một người nữ quyền, Wolf nói rằng vẻ đẹp hoàn toàn là một cấu trúc xã hội, đã từng dùng để duy trì một xã hội gia trưởng và tạo ra lợi nhuận cho các công ty mỹ phẩm. 

Nhưng đây chỉ là một cái nhìn rất hạn hẹp về sắc đẹp, bởi nó chỉ tập trung vào nhận thức hiện đại. Nó đã bỏ sót một sự thật không thể phủ nhận: Thông tin trong trí óc con người đã tiến hóa hơn 10.000 năm lịch sử. 

Sự đơn giản hóa là một nét điển hình của SSSM – đã chia sai hướng sinh học và văn hóa, đồng thời bỏ qua sự phức tạp thực sự của vẻ đẹp.    

Thậm chí khi xem xét về mỹ phẩm, chúng ta có thể nhìn thấy sự phức tạp này. 

Roger Bingham, một nhà báo khoa học, đã tạo ra sự kết nối giữa sinh học và các nghi thức về sắc đẹp: ông ta nói rằng khi phụ nữ trang điểm má của họ để mô phỏng sự đỏ mặt tự nhiên, đó là những dấu hiệu của tuổi trẻ và chưa kết hôn – một sự kết hợp giữa thuộc tính của văn hóa và sinh học. 

Trong khi không thể phủ nhận rằng sắc đẹp đã tồn tại xuyên suốt lịch sử, vẫn có những câu hỏi còn tồn tại như: Sắc đẹp thực sự là gì? 

Sắc đẹp không thể xác định một cách chính xác, nhưng con người có thể nhận ra nó theo bản năng. 

Nếu ai đó yêu cầu bạn xác định thế nào là đẹp, bạn sẽ trả lời họ như thế nào? Khi Aaron Spelling – nhà sáng lập của Baywatch và Melrose Palace – được yêu cầu làm vậy, ông ta đã nói rằng “Tôi không thể, nhưng tôi có thể nhận ra nó khi nó xuất hiện”. 

Đó là bởi vì khả năng nhận ra vẻ đẹp của chúng ta là bẩm sinh. 

Một nghiên cứu của nhà tâm lý học Judith Langlois đã đưa ra những ủng hộ về luận điểm này. 

Langlois đã thu thập hàng trăm bức ảnh chân dung của nhiều người khác nhau và nhờ những người trưởng thành xếp hạng độ hấp dẫn của những bức ảnh này. Sau đó bà đã đưa ra những bức ảnh của những đứa trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi. Những đứa trẻ ấy, theo bản năng của riêng chúng, sử dụng một khoảng thời gian đáng kể nhìn chăm chú vào những tấm ảnh mà những người trưởng thành kia đánh giá là có sức hút hơn. 

Đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, và người da trắng đều đánh giá gương mặt một cách giống nhau. Những đứa trẻ không hề bị lôi cuốn bởi những bức ảnh của những người trông giống bố mẹ chúng, do đó loại bỏ đi khả năng rằng một đứa trẻ coi ai là đẹp dựa vào ngoại hình của bố mẹ.

Suy cho cùng, những phát hiện ấy đã chỉ ra rằng chúng ta bẩm sinh đã có khả năng nhận thức về sắc đẹp. 

Sắc đẹp thường được xác định bằng những yếu tố cụ thể làm cho sắc đẹp trở nên cuốn hút, cũng như những ảnh hưởng về thể chất mà nó tác động lên mọi người. 

Ví dụ, từ điển Oxford định nghĩa từ “đẹp” là: “xuất sắc về hình thức, quyến rũ về màu sắc và các yếu tố khác làm thu hút ánh nhìn và sự ngưỡng mộ”.

Có nhiều thuật ngữ thông dụng để miêu tả sắc đẹp, thường bao gồm những phản ứng về thể chất như “knock-out”, “chim sa cá lặn”, “nghiêng nước nghiêng thành”…

Trong khi rất nhiều người phản đối cách mà từ điển định nghĩa về “hình thức và vóc dáng” thì tất cả đều đồng ý rằng vẻ đẹp là sự thu hút ánh nhìn và chú ý. Vậy nên Aaron Spelling đã đúng khi ông nói rằng chúng ta có thể nhận ra đâu là đẹp khi chúng ta thấy nó. 

Khả năng nhận ra vẻ đẹp là cơ chế sống còn. 

Con người đến với thế giới này cùng với rất nhiều những yếu tố sinh học. Ví dụ, chúng ta có thể ngay lập tức thích những thức ăn có đường, bởi nó cung cấp năng lượng, giúp chúng ta tồn tại. Điều tương tự cũng đúng với sắc đẹp; nó thúc đẩy sự tồn tại của giống loài ta.

Phản ứng bẩm sinh của chúng ta với những đứa trẻ xinh xắn là mấu chốt. Làn da và mái tóc mỏng manh, đôi mắt to tròn, cái mũi nhỏ xinh và đôi má phúng phính tạo cho chúng ta cảm giác hạnh phúc và muốn che chở bởi vì chúng ta  nhận thức rằng các đặc điểm ấy như là dấu hiệu của sự bất lực và dễ bị tổn thương. 

Những cảm giác như vậy tồn tại trong thế giới của các loài động vật: Nhà nhân chủng học Jane Goodall đã khám phá ra rằng những con tinh tinh sơ sinh sẽ được an toàn miễn là đuôi của chúng có những khoảng lông trắng đẹp đẽ. Bà cho rằng chính những đặc điểm như vậy là các dấu hiệu sinh học đặc trưng để những con trưởng thành không hại những con bé.

Tuy nhiên cái đẹp không chỉ bảo vệ những đứa trẻ sơ sinh; nó còn giúp những con trưởng thành tìm được bạn đời tốt hơn.

Nhìn lại một lần nữa vào thế giới loài vật: Những con công đực nào có bộ lông tuyệt đẹp, đầy màu sắc và càng nhiều hình thù giống như những con mắt trên đuôi sẽ càng có khả năng tìm được bạn đời cao hơn.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, và cái đẹp cũng vậy. Ví dụ, với trường hợp của công, việc quá sặc sỡ như vậy sẽ khiến nó thu hút những con thú săn mồi nhiều hơn. Đồng thời, cũng tốn rất nhiều năng lượng để chăm sóc bộ lông tuyệt đẹp đó. Dù vậy, để có được bạn đời thì việc này cũng đáng. 

Nhưng tại sao những con công cái lại ưu tiên những con công đực có bộ lông sặc sỡ hơn như vậy?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những con công đực với sự đẹp đẽ như vậy sẽ mang những gen tốt và có khả năng truyền gen tốt hơn. Điều này cũng được nghiên cứu với loài chim én với những chiếc đuôi dài và loài chim kẹt với cổ họng màu đỏ sặc sỡ.

Đối với con người, đã có nhiều nghiên cứu về tỉ lệ kết hôn của các cô gái sau khi tốt nghiệp cấp 3. Kết quả đã chỉ ra rằng những cô gái xinh đẹp không chỉ có khả năng kết hôn cao hơn mà còn có khả năng lấy được những người chồng có học thức và tài chính tốt hơn. 

Nhưng điều gì khiến chúng ta bị thu hút bởi những người xinh đẹp? Hãy cùng tìm hiểu ở chương sau. 

Những gì ta nhận thức được là đẹp là kết quả của sự tiến hóa. 

Câu hỏi đặt ra là khi ta cảm thấy bị thu hút bởi cái đẹp, phản ứng đó là gì? 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người có những cảm giác  và sở thích chung báo hiệu cho ta biết cái đẹp là như thế nào. 

Trở lại với nghiên cứu về những phản ứng của trẻ nhỏ: chúng nhìn lâu hơn vào những hình mẫu cân đối, thích những khuôn mặt mềm mại hơn là khô ráp và những bản nhạc êm ái mềm mại. Dĩ nhiên, nhiều người thích nhạc mạnh, nhưng đây là sở thích cá nhân, không phải những gì bẩm sinh. 

Những yếu tố bẩm sinh này được xem như là mối liên kết giữa sức khỏe và sự an toàn. Ví dụ, gương mặt và thân hình cân đối có thể là những nhân tố của một thể trạng tốt. 

Khi càng trưởng thành, những yếu tố này càng chuyển thành những gì mà chúng ta đánh giá là đẹp.

Giống như việc ta có thể đánh giá về món ăn thông qua vẻ bề ngoài, ta cũng có thể đánh giá về thể trạng của một người đàn ông thông qua những yếu tố về thể chất như cơ thể tráng kiện, mái tóc bóng mượt hay làn da không tì vết.

Với phụ nữ, một sự kết hợp của vòng eo thon gọn và bờ hông nở nang được xem là một nhân tố đặc biệt tốt về khả năng sinh sản. Về mặt sinh học, đó là những dấu hiệu về lượng estrogen cao, ít testosterone và khả năng sinh đẻ thuận lợi. 

Đã có nhiều những nghiên cứu chỉ rõ hơn về vấn đề này. Một nghiên cứu được tiến hành một phòng khám thụ tinh nhân tạo ở Hà Lan đã chỉ ra rằng phụ nữ với thân hình “đồng hồ cát” và tỉ lệ eo với hông thấp hơn 0.8, sẽ có khả năng mang thai tốt hơn phụ nữ với tỉ lệ ấy trên 0.8. 

Sự cuốn hút về mặt sinh học này đã giải thích vì sao vòng eo thon gọn luôn được ưa chuộng trong lịch sử dài của thời trang phụ nữ. 

Áo ngực đã ra đời khoảng 500 năm, phiên bản hiện đại ngày nay giúp khoe thân hình đẹp là crop tops và những bộ đồ bó. 

Vậy nên, khả năng “đọc” những gợi ý về thể chất và nhận thức được cái đẹp có những lợi ích về mặt sinh học, nhưng hãy có một cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng đến xã hội của nó.

Sắc đẹp mang đến rất nhiều lợi ích cho xã hội.  

Nếu bạn đã từng nghe câu chuyện về một người phụ nữ xinh đẹp duyên dáng theo cách của riêng mình tách biệt khỏi xu hướng thông thường, đó chính là một số cách mà sắc đẹp có thể ảnh hưởng đến xã hội. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cái đẹp tự nó đã là một sự tốt đẹp vốn có. 

Ví dụ, Karen Dion, một trong những người tiên phong nghiên cứu về cái đẹp, đã nhận ra rằng những người trưởng thành đối xử với những đứa trẻ có ngoại hình ưa nhìn tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ có ngoại hình kém hơn.

Thí nghiệm của Dion chỉ ra rằng những người trưởng thành nhìn thấy một đứa trẻ bảy tuổi xinh đẹp dẫm lên đuôi một chú chó sẽ có khả năng đưa ra hai sự nghi ngờ: đứa trẻ ấy đang có một ngày tồi tệ hoặc chúng không nhận được sự giáo dục tốt từ cha mẹ. 

Tuy nhiên, khi chứng kiến một đứa trẻ có ngoại hình kém thu hút làm điều tương tự, họ sẽ ngay lập tức cho rằng đó là một đứa trẻ hư. 

Sự đối xử thiên vị này cũng diễn ra cả với những người trưởng thành.

Vào năm 1977, các nhà khoa học đã tiến hành những thử nghiệm xã hội. Họ để một đồng xu ở trong một bốt điện thoại, và trong các trường hợp riêng biệt, sẽ có hai cô gái, một xinh đẹp và một xấu xí đến và hỏi “Tôi có bỏ quên 1 đồng xu ở đây không?” 

Kết quả cho thấy đến 87% người trả lại cho cô gái xinh đẹp, trong khi tỉ lệ đó với cô gái xấu xí chỉ là 64%. 

Sự đối xử không công bằng này càng làm củng cố thêm một chu kỳ hành vi nhất định: những người xinh đẹp đã quen được đối xử theo cách này, và như là kết quả, họ xem đó như là một quyền lợi của nhan sắc.

Ở một nghiên cứu khác, người tham gia được phỏng vấn bởi một nhà tâm lý học. Trong suốt quá trình, nhà tâm lý học đã luôn ngắt quãng để khiến cho những người tham gia phải đợi chờ.

Những người xinh đẹp thì chỉ đợi được trung bình khoảng 3 phút, trong khi những người kém sắc hơn có thể đợi đến 9 phút. 

Kết hợp các học thuyết về sinh học và xã hội là cách tốt nhất để chống lại sự đối xử thiên vị về sắc đẹp. 

Như người ta vẫn thường nói, sắc đẹp là ở trong mắt của người nhìn. Tuy nhiên nó lại đặt ra một câu hỏi mới: Ai sẽ là “người nhìn” đó?

Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những người xinh đẹp hàng ngày. Nhưng ai là người quyết định những hình mẫu cho vẻ đẹp? Vẻ đẹp về mặt sinh học có lẽ là rất khó để di truyền, nhưng những định kiến và những đấu tranh cổ điển vẫn tiếp tục phản ánh về xu hướng làm đẹp.

Nhà xã hội học Harry Hoetink đã nghiên cứu về những quan hệ chủng tộc ở miền tây Ấn vào những năm 1960 và phát hiện ra rằng tiêu chuẩn về vẻ đẹp luôn luôn thay đổi. 

Chúng ta tiếp tục xét đến điều này ở Brazil nơi mà sự bất bình đẳng giữa người Ấn bản địa, người Phi, và người da trắng vào những năm 1500. Ngày nay, chỉ 40% dân số là người da trắng, nhưng họ vẫn rất giàu có và quyền lực, và do đó vẫn có những sự phân biệt đối xử.

Hiện tượng phân biệt đối xử này vẫn tiếp diễn bởi vì nó đã rất phổ biến và cắm sâu vào gốc rễ trong nhận thức của con người nơi đây.

Sự thúc đẩy sinh học để chăm sóc ưu đãi cho sức khỏe và vẻ đẹp cũng được áp dụng với con của chúng ta. Người lớn và cha mẹ không chỉ đối xử với những đứa trẻ xinh đẹp tốt hơn mà còn lơ là, hoặc thậm chí xử tệ với những đứa trẻ có ngoại hình không bắt mắt.

Để chống lại điều này, chúng ta cần kết hợp vốn hiểu biết về cấu trúc của xã hội và sắc đẹp lại với nhau.

Sau tất cả, việc lờ đi vẻ đẹp là điều không thể, vậy nên tại sao chúng ta lại muốn làm việc đấy?

Nếu chúng ta tự bỏ đi sự thích thú với cái đẹp của mình nghĩa là chúng ta đã tước bỏ đi một bản năng rất con người. 

Khi chúng ta nhận ra bản năng tự nhiên đối với cái đẹp, cũng như trách nhiệm của ta với nó và với người khác – chỉ đến lúc đó ta mới thực sự hiểu được ảnh hưởng của nó đối với thế giới quanh ta.

Thông điệp của cuốn sách này

Những gì mà chúng ta thấy là đẹp không chỉ là cấu trúc của xã hội; đó là sự tiến hóa về sinh học của giống loài chúng ta. Sắc đẹp là những nhân tố biểu hiện cho sức khỏe, tuổi trẻ, khả năng sinh sản – những yếu tố để ta tìm một người bạn đời tiềm năng. Để có một vốn hiểu biết về cách mà cái đẹp ảnh hưởng đến xã hội, chúng ta cần phải tiếp cận đến gốc rễ về sinh học và văn hóa.