Giới thiệu
“Con đường tới hạnh phúc: Giữ trái tim khỏi sự ghét bỏ, giữ tâm trí khỏi sự lo lắng. Sống đơn giản, kì vọng ít hơn, cho đi nhiều hơn. Hãy ban phát ánh sáng, quên đi bản thân và nghĩ cho người khác. Thử những điều này trong vòng một tuần và bạn sẽ thấy sự khác biệt.”
Sức mạnh của tư duy tích cực (The Power of Positive Thinking (1952), Norman Vincent Peale) xoay quanh những bài học về sức mạnh của ý nghĩ trong việc tác động đến hiện thực, cách xây dựng niềm tin để mục tiêu cuộc đời trở nên rõ ràng hơn và phương pháp đối mặt với những rắc rối của cuộc sống hiện đại. Ngay cả khi bạn không thấy những lí luận của tác giả trong cuốn sách thuyết phục, bạn vẫn có thể nhận ra sự tự tin, sự lạc quan và sự biết ơn đối với những người xung quanh là chìa khóa dẫn đến cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh thông qua những trang sách này.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Những người hay bi quan
- Những người chưa tìm thấy được con đường đến thành công và hạnh phúc
- Những người có khát khao đạt được những ước mơ đang ấp ủ
Vài nét về tác giả:
Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “Sức mạnh tư duy tích cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng đĩa để phát hành.
“Hãy đối đầu với khó khăn. Chỉ cần bạn đối đầu với nó thôi, đừng từ bỏ, rồi cuối cùng khó khăn sẽ tan biến. Bạn sẽ là người đánh bại nó. Nếu nhất định có một bên phải thua cuộc thì đó là những khó khăn, không phải bạn.”
1
Hiện thực
Trong cuốn 7 thói quen của người thành đạt, Steven Covey đã chỉ trích suy nghĩ tích cực bằng việc nói rằng trước khi chúng ta có thể có được thái độ lạc quan trong tâm trí trước hết chúng ta buộc phải chấp nhận rằng mọi thứ thực sự không ổn, và sau đó chịu trách nhiệm với nó. Nếu không, chúng ta chỉ đang tránh né hiện thực.
Tuy nhiên khi mở cuốn sách của Peale, chúng ta lại đọc được:
“Cuốn sách được viết bằng sự quan tâm sâu sắc với nỗi đau, những khó khăn và trăn trở của nhân loại. Nó dạy chúng ta tư duy tích cực, không phải như một công cụ để có được danh tiếng, sự giàu có hay quyền lực mà là một cách áp dụng thực tế niềm tin để vượt qua thất bại và đạt được những giá trị sáng tạo đáng giá trong cuộc sống.”
Những điều này không phải là khẳng định của một người ảo tưởng về cuộc sống. Peale đã chứng kiến vô số người với những nỗi đau trong cuộc sống thường ngày với tư cách là một Bộ trưởng ở thành phố New York, nhưng ông không bằng lòng với việc chỉ giảng đạo hàng tuần; ông muốn một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của những người mà ông gặp. Sau nhiều năm, ông tạo ra một “hệ thống đơn giản và khoa học với những phương pháp thực tế và hiệu quả để có cuộc sống thành công” được kiểm định và chọn lọc với hàng nghìn người trong và ngoài bộ. Và giống như Carnegie trong “Đắc nhân tâm”, Peale đã biến ý tưởng của ông thành một khóa học dành cho người trưởng thành trước khi đưa chúng vào quyển sách.
2
Nguồn tư duy tích cực
Đối với Peale không có nguồn năng lượng cá nhân nào hay sự hướng dẫn cụ thể nào tốt hơn kinh thánh. Những câu trích dẫn trong kinh thánh là điểm nòng cốt của quyển sách (Bổ sung thêm những tác phẩm tương tự của Emerson, William James, và Marcus Aurelius) và có lẽ bởi vì nó được dựa trên những tri thức đi cùng mọi thời đại nên cuốn sách của Peale dường như có một quyền năng đáng kinh ngạc.
Peale khẳng định rằng chúng ta không cần phải phụ thuộc vào chính chúng ta; Có những nguồn năng lượng vô tận mở ra cho trước mắt nếu chúng ta thực sự tin vào sự tồn tại của chúng. Cuộc sống luôn khó khăn, nhưng sự đánh giá cao khả năng của vũ trụ để mang lại điều tốt lành sẽ dẫn ta tới một cuộc sống suôn sẻ và phong phú. Cuộc sống dường như khó khăn là bởi vì chúng ta chỉ tin vào chính mình. Ông đã tiết lộ một bí mật lớn của sự phát triển cá nhân đó là để có được năng lượng và sự bình yên , chúng ta phải sẵn sàng vượt quá những giới hạn cá nhân và chạm tới những điều lớn lao hơn.
Cuốn sách đưa ra những trường hợp cụ thể và những câu chuyện, một trong số đó thực sự rất xúc động. Nó cũng chứa đựng đầy những tranh đấu của con người với mục đích để chỉ ra rằng thất bại không phải là mãi mãi.
3
Phá vỡ thói quen tư duy tiêu cực
Con người thường lo lắng và bất an một cách rất tự nhiên. Dù nó là điều dễ hiểu nhưng nó có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe và thậm chí cả những thay đổi trong tính cách của bạn. Thật may mắn là, lo lắng là một dạng thói quen và thói quen thì có thể thay đổi. Và việc thay đổi này không hề khó khi có rất nhiều phương pháp bạn có thể áp dụng. Một kĩ thuật quan trọng bạn có thể luyện tập chính là “hút cạn tâm trí”. Hãy loại bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực và sự tức giận. Điều này vô cùng quan trọng trước lúc bạn đi ngủ vì đó là thời điểm mà chúng ta chìm vào tiềm thức. Hãy hút cạn những dòng suy nghĩ tiêu cực đó trước khi chúng có cơ hội len lỏi vào tâm trí bạn. Sau đó, hãy làm đầy tâm trí bằng những suy nghĩ tích cực như lòng dũng cảm, niềm tin và hy vọng. Hãy luyện tập cho đến khi đạt được sự thay đổi khả quan.
“Thế giới của bạn chính là những suy nghĩ của bạn về những trải nghiệm bạn có.”
4
Làm thế nào để có nguồn năng lượng liên tục
Peale chỉ ra rằng nguồn năng lượng bí mật của những người thành công mà ông biết chính là: Sự hòa hợp với thượng đế. Khi biết được rằng điều một người đang làm được hỗ trợ bởi những tác nhân bên ngoài và đang hướng tới một mục tiêu thiêng liêng, chúng ta sẽ có được nguồn năng lượng tái tạo liên tục. Nếu chúng ta chỉ làm việc đó một mình và vì chính mình, thất bại là điều dễ hiểu. Bởi vì con người có xu hướng nghĩ rằng không ai có thể làm mọi việc tốt bằng mình và thế là chúng ta cảm tưởng như mọi gánh nặng đang đè lên đôi vai của mình nhưng rốt cuộc chúng ta chẳng thể giải quyết được gì cả.
5
Hãy cho phép mình nghỉ ngơi
Cuộc sống hiện đại có thể khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và mất ngủ. Hầu hết mọi người đều cảm thấy chán nản và buồn bực nhưng ít người có thể tìm được cách thoát khỏi chúng. Thực tế là rất nhiều người tự hủy hoại mình về mặt thể chất và tinh thần chỉ để theo kịp với nhịp sống hiện đại. Tác giả của cuốn sách cũng không ngoại lệ, ông đã từng sống ở một thành phố rất sôi động – New York, và ông phát hiện ra việc dành thời gian đi bộ vào rừng thực sự hữu ích để giải tỏa căng thẳng. Sẽ có những điều trong cuộc sống khiến chúng ta buồn bực như nghèo đói hay mất việc. Tuy nhiên, những vấn đề này không quan trọng bằng thái độ của chúng ta đối với chúng. Thái độ đó có thể khiến sự đau khổ ăn sâu hơn vào cuộc sống của chúng ta hoặc cho phép ta tìm thấy hạnh phúc mặc cho những khó khăn ta đối mặt.
6
Thử cầu nguyện
Cầu nguyện có thể không giống như những gì bạn từng nghĩ. Đó là một không gian để nói lên bất cứ điều gì trong tâm trí bạn, bằng bất cứ ngôn ngữ nào bạn muốn. Cầu nguyện cũng có thể giúp bạn loại bỏ những năng lượng tiêu cực và giúp kích thích những ý tưởng sáng tạo. Thay vì cầu xin điều gì, hãy cảm ơn trước cho những điều bạn ước muốn, và để Chúa tự quyết định, và mường tượng kết quả khả quan. Công thức của Peale chính là “ Cầu nguyện, tưởng tượng và thực tế hóa”. Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên với hiệu quả của nó đấy.
7
Hãy mong đợi thứ tốt nhất
Con người là những sinh vật luôn sợ hãi và có xu hướng mong đợi điều tệ nhất. Nhưng sự mong đợi điều tốt nhất khiến cho mọi sức mạnh được sắp xếp và đi theo hướng bạn muốn. Bạn sẽ ít có khả năng khiến mọi thứ đi ngược lại. Tiềm thức điều khiển hành động và chỉ phản ánh niềm tin của chúng ta. Hãy thay đổi niềm tin về một kết quả và và những hành động của bạn sẽ được định hình để đạt được nó. Thực sự là một số bác sĩ đã bắt đầu dùng những cuốn sách truyền cảm hứng và sách tôn giáo kết hợp với những phương thuốc truyền thống để giúp bệnh nhân tự chữa lành cho mình bằng sự lạc quan và niềm tin. Peale chốt lại rằng: “Nghi ngờ đóng lại cánh cửa năng lượng, nhưng niềm tin lại mở nó.” Tuy nhiên hãy nhớ rằng niềm tin chỉ có thể dẫn bạn tới thành công nếu như điều bạn tìm kiếm là đúng đắn. Nếu như sự thành công bạn mong mỏi là sai trái thì rốt cuộc kết quả cũng sẽ không như ý bạn.
“Nghi ngờ đóng lại cánh cửa năng lượng, nhưng niềm tin lại mở nó.”
8
Những ý nghĩ mới có thể làm mới bạn
Bạn chỉ nên sử dụng những ngôn ngữ lạc quan đầy hy vọng và tư duy tích cực trong vòng 24 giờ. Sau đó hãy trở về với suy nghĩ thực tế ngày tiếp theo. Lặp lại điều này trong vòng 1 tuần và bạn sẽ nhận ra những gì bạn coi là thực tế một tuần trước nay dường như trở nên tiêu cực. Nhận thức của bạn về tính thực tế sẽ nâng lên một tầm cao mới và trở thành sự lạc quan vĩnh viễn.
Tổng kết
Thông điệp chính
Cho dù vấn đề của bạn có phức tạp đến thế nào, không có gì là không thể vượt qua nếu như bạn có tư duy tích cực. Bằng việc giữ bình tĩnh, nuôi dưỡng niềm tin và tập trung vào những kết quả khả quan, bạn sẽ có khả năng sống một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
Lời bình luận
Để thực sự cảm nhận được “The power of positive thinking” (Tạm dịch: Sức mạnh của tư duy tích cực) bạn phải hiểu được câu chuyện đằng sau nó. Peale xuất thân từ vùng Trung Tây và ông tin rằng những gì ông viết là “cho những con người bình thường của thế giới này”. Nhiều lời khuyên giản dị của Peale nghe có vẻ kỳ quặc, thậm chí là buồn cười với chúng ta ngày nay vì ông sử dụng nhiều ngôn từ dân gian. Thế nhưng quyển sách lại truyền tải được một sự thật cơ bản: Rõ ràng là bạn tạo nên thế giới của mình bằng chính suy nghĩ của bạn. Đa số thành tựu cá nhân đều bắt đầu bằng niềm tin sắt đá rằng mình có thể và sẽ làm được.
Cuốn sách thực sự đáng đọc với mọi lứa tuổi mọi tầng lớp trong mọi thời đại vì tính thiết thực và ý nghĩa sâu sắc của nó. Lật dở những trang sách ta có thể dễ dàng bắt gặp những kĩ thuật đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng và luyện tập để đạt được một cuộc sống viên mãn đáng trân trọng hơn. “The power of positive thinking” hơn thế nữa còn nhắc nhở ta bài học giản đơn rằng tâm trí sẽ điều khiển số phận của chúng ta, dẫn lối để ta trở thành bất cứ ai ta khát khao, mong muốn.
Tóm tắt sách Sức Mạnh Của Tư Duy Tích Cực