Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Cuốn sách The Power of Habit viết về sức mạnh của thói quen, cách hình thành, thay đổi và cách tạo ra những thói quen tích cực của con người, tổ chức, cộng đồng. Tác giả đã chứng minh rằng thói quen đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công của các cá nhân và tổ chức – đúng như nội dung của câu châm ngôn nổi tiếng: “Gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận.”

Tác giả Charles Duhigg là nhà báo chuyên về mục kinh doanh của tờ The New York Times. Ông nhận được nhiều giải thưởng – trong đó có giải Pulitzer – cho các bài báo và cuốn sách của mình. Ông tốt nghiệp Đại học Yale và Trường Kinh doanh Harvard.

Do khuôn khổ có hạn, tôi chỉ tóm tắt phần quan trọng nhất của cuốn sách, là nội dung về thói quen của cá nhân và công ty.

1

Thói quen

Nhiều hành động chúng ta làm hàng ngày, từ những việc đơn giản như tắm rửa, đánh răng, ăn sáng, buộc dây giày, kiểm tra email, đi bộ, ăn tối, xem ti vi… cho đến những việc phức tạp như tiết kiệm, tổ chức công việc… có vẻ là kết quả của sự suy nghĩ thấu đáo, nhưng thật ra đó là thói quen. Một nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Duke năm 2006 đã kết luận rằng: hơn 40% hành vi hàng ngày của con người xuất phát từ thói quen.

Thói quen là một hoạt động hay chuỗi hoạt động được con người thực hiện khá thường xuyên mà không cần tập trung suy nghĩ nhiều. Ví dụ khi lái xe: những động tác điều khiển có vẻ rất phức tạp và cần phải suy nghĩ trước khi thực hiện, thế nhưng vì chúng đã trở thành thói quen nên chúng ta có thể thực hiện một cách dễ dàng mà không phải suy nghĩ. Theo các nhà khoa học, thói quen được hình thành là do não bộ luôn tìm cách giảm thiểu sự làm việc của trí óc.

Não bộ luôn cố gắng chuyển phần lớn các hoạt động hàng ngày thành thói quen vì khi hoạt động theo thói quen, não bộ sẽ được nghỉ ngơi thường xuyên hơn. Nhờ những thói quen hàng ngày mà các bệnh nhân bị mất ký ức do bệnh tật hoặc chấn thương vẫn giữ được khả năng thực hiện những hoạt động cơ bản. Bệnh nhân Eugene bị viêm não do virus không nhớ tuổi của mình, không nhận ra cháu của mình và dĩ nhiên không thể vẽ được sơ đồ nhà của mình, nhưng vẫn có thể tìm đến nhà bếp khi muốn ăn.

2

Sự hình thành thói quen

Các nhà nghiên cứu tại MIT – với công nghệ vi mô – nghiên cứu thói quen bằng cách tìm hiểu sự hoạt động não bộ của loài chuột khi tìm kiếm sô-cô-la đặt trong một mê cung. Họ ngăn cách chú chuột với mê cung bằng một vách ngăn. Sau một tiếng click lớn, vách ngăn mở ra và chú chuột vào mê cung để tìm đường đến miếng sô-cô-la.

Theo sự dẫn dụ của mùi sô-cô-la, chú chuột lên xuống, ngửi và cào các vách tường… Thí nghiệm cho thấy não bộ của chuột hoạt động tích cực để xử lý thông tin (mùi, âm thanh, hình ảnh…) trên đường tìm đến miếng sô-cô- la.

Thí nghiệm này được lặp lại nhiều lần và chuột đã bắt đầu quen với hướng tìm đến mức không cần phải dùng đến não bộ để suy nghĩ đường đi. Lúc đó, những hành động đi thẳng, rẽ trái… và ăn sô-cô-la đã được lưu trữ trong hạch nền và được thực hiện một cách tự động.

Quá trình não bộ chuyển hóa một chuỗi hoạt động thành hành vi tự động được gọi là “chunking”, và là nguồn gốc của thói quen.

Thói quen lái xe ô-tô của chúng ta cũng được hình thành tương tự thí nghiệm trên. Ban đầu, não bộ chúng ta phải làm việc cật lực để thực hiện hàng loạt động tác: mở gara, mở khóa cửa xe, điều chỉnh ghế ngồi, tra chìa khóa vào ổ, khởi động xe, điều chỉnh kính, kiểm tra chướng ngại vật, đặt chân lên thắng xe, quan sát khoảng cách, phán đoán tình hình để điều khiển tay lái, chân ga và chân thắng… Sau một thời gian, chúng ta có thể làm tất cả những việc trên mà không cần suy nghĩ nhiều. Những hành động phức tạp của việc lái xe đã biến thành thói quen – hay hành vi tự động. Nhờ vậy, chúng ta có thể suy nghĩ về việc khác hay nói chuyện với người khác trong khi đang lái xe.

3

Vòng tròn ba bước lặp lại của thói quen

Vòng tròn ba bước lặp lại của thói quen được phát triển và hình thành trong hạch nền của não bộ.

Bước đầu tiên của vòng tròn này là “kích hoạt”, có tác dụng như nút khởi động để đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. Đối với chú chuột trong thí nghiệm là tiếng click, còn đối với người lái xe là hành động cắm chìa khóa.

Bước kế tiếp là sự diễn ra của “chuỗi hoạt động” – có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc: chuột bắt đầu đi, quan sát và ngửi mùi; người lái xe bắt đầu các động tác.

Bước cuối cùng là “phần thưởng” cho những hành động vừa rồi. Đối với chuột là miếng sô-cô-la, còn người lái xe là sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Não bộ đánh giá phần thưởng này và sẽ quyết định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để lặp lại và trở thành một thói quen hay không.

Theo thời gian, vòng lặp “kích hoạt – hành động – kết quả” trở nên tự động hóa. Khi “kích hoạt” và “phần thưởng” gắn kết với nhau, bộ não của chúng ta sẽ phát triển một cảm giác kỳ vọng mạnh mẽ dẫn đến sự hình thành thói quen.

 

4

Vai trò của “phần thưởng” trong việc duy trì một thói quen

Các nghiên cứu cho thấy “kích hoạt” và “phần thưởng” tạo ra thói quen nhưng lại không thể làm cho một thói quen mới trở thành bền vững. Chỉ khi nào não bộ mong muốn những “phần thưởng” đó thì thói quen mới được kéo dài.

Các nhà khoa học tại Đại học New Mexico nghiên cứu 266 người để tìm hiểu thói quen tập thể dục đều đặn của họ. 92% nói rằng tập thể dục giúp họ cảm thấy tốt hơn nhờ các hoóc-môn giảm đau và chất dẫn truyền thần kinh khác do thể dục mang lại. 67% nói rằng thể dục mang lại cho họ cảm giác thành công, chiến thắng bản thân.

Chỉ khi nào não bộ của họ mong đợi phần thưởng – hoóc-môn giảm đau hay cảm giác thành công – thì việc buộc dây giày mỗi sáng (“kích hoạt”) mới trở thành tự động. Như vậy bên cạnh việc tạo ra một chuỗi hành vi tự động, “kích hoạt” còn tạo ra sự thèm muốn để có “phần thưởng”.

5

Ứng dụng thói quen trong marketing

Vào những năm đầu thế kỷ XX, đánh răng không phải là thói quen của người Mỹ. Nhưng thiên tài quảng cáo Claude Hopkins đã tạo ra thói quen đánh răng cho người Mỹ và nhờ đó bán được kem đánh răng Pepsodent với số lượng khổng lồ.

Ông đã quảng cáo một thông điệp đơn giản, rõ ràng: đánh răng bằng Pepsodent sẽ giúp loại bỏ những mảng bám và cho người dùng một hàm răng trắng bóng. Quan trọng hơn, ông đã cho vào kem Pepsodent chất làm mát gồm acid citric, tinh dầu bạc hà và vài hóa chất khác. Khi khách hàng đánh răng, chúng tạo cảm giác mát lạnh “bạc hà” trên lưỡi và nướu răng. Khách hàng thích và chờ đợi cảm giác “phần thưởng” này, họ đánh đồng cảm giác mát lạnh “bạc hà” này với sự sạch sẽ của hàm răng – thế là việc đánh răng hàng ngày đã dần trở thành thói quen bền vững.

Trong nỗ lực marketing sản phẩm xịt phòng Febreze, các chuyên viên marketing của P&G phát hiện rằng khách hàng mong muốn một điều gì đó vui tươi – một sự ăn mừng nho nhỏ – sau khi dùng Febreze xịt phòng và đẩy bay các mùi khó chịu. Họ đã đưa những mùi thơm vào Febreze giúp nó không chỉ có khả năng trung hòa các mùi – khử mùi – mà còn có khả năng tạo ra mùi thơm đặc trưng riêng. Và họ cũng thay đổi thông điệp quảng cáo từ “đẩy bay các mùi khó chịu” thành “làm sạch mùi”. Mùi thơm này đã quyến rũ và “gây nghiện” các bà nội trợ, biến Febreze trở thành một sản phẩm bán chạy của P&G.

6

Nguyên tắc vàng để thay đổi thói quen

Thói quen hầu như không thể bị xóa bỏ, mà chỉ có thể được thay thế bằng một thói quen khác. Nguyên tắc vàng để thay đổi thói quen là giữ nguyên phần kích hoạt và phần thưởng trong khi thay hành vi cũ bằng một hành vi mới.

Bóng bầu dục là trận đấu của nghi binh và phản nghi binh, lừa và đánh lạc hướng, do đó các huấn luyện viên thường xây dựng nhiều chiến thuật thi đấu. Họ huấn luyện cho các vận động viên cách quan sát dấu hiệu, sự chuyển động của đối thủ và suy nghĩ chiến thuật hợp lý để áp dụng (thường là bất ngờ với đối thủ).

Nhưng huấn luyện viên Dungy lại dùng phương pháp ngược lại. Ông không hứng thú với việc dạy cho các cầu thủ nhiều phương án thi đấu và cách đánh lạc hướng đối thủ. Thay vào đó, ông chỉ bắt đội tập luyện thuần thục vài mô hình chiến thuật. Cầu thủ vẫn được “kích hoạt” bằng cách quan sát và phán đoán dấu hiệu chuyển động của đối thủ. Nhưng thay vì phân tích và suy nghĩ nên áp dụng chiến thuật nào, họ lại sử dụng ngay những hành động đã được huấn luyện và thực hành nhiều lần thành thói quen.

Đối thủ dù có đoán biết chiến thuật thi đấu đơn giản này của đội cũng không thể ngăn cản được vì các cầu thủ đã thực hiện theo thói quen quá nhanh, quá thuần thục. Bằng phương cách huấn luyện này – thay đổi thói quen “quan sát đối thủ rồi suy nghĩ phân tích” thành thói quen “quan sát và hành động ngay” – huấn luyện viên Dungy đã đem lại những kết quả thi đấu thành công cho đội Buc và vinh quang cho đội Indianapolis Colts.

Alcoholics Anonymous (AA) là tổ chức giúp những người nghiện rượu bỏ rượu. AA tập trung vào các vòng lặp thói quen và tìm cách thay đổi các hành động của những người nghiện rượu khi họ bắt đầu nhận “kích hoạt” từ thói quen uống rượu. Thay vì rượu, AA cho người cai nghiện uống belladonna – một loại thuốc gây ảo giác. Biết người nghiện thường uống rượu khi muốn quên đi điều gì đó hay cảm thấy lo lắng, buồn rầu, AA đã thành lập một hệ thống bạn bè để gặp gỡ và đồng hành với người nghiện rượu. Người nghiện rượu có thể nhận được sự thanh thản nhờ tâm sự với người hỗ trợ hay tham dự họp nhóm hơn là cùng uống rượu với bạn nhậu.

Ngoài ra, AA còn hướng cho những người muốn thay đổi thói quen của họ một niềm tin mãnh liệt rằng họ có thể. Đối với một số người, điều này có thể là yếu tố tâm linh hay tôn giáo, đối với một số người khác là niềm tin mãnh liệt mà họ phát triển và nuôi dưỡng cùng với nhóm. Cách tiếp cận này của AA đã và đang được áp dụng trong các phương pháp điều trị nghiện khác như ma túy, cờ bạc, thuốc lá, thực phẩm…

7

Những thói quen chủ chốt có thể thay đổi thói quen khác

Thói quen chủ chốt là những thói quen khi cá nhân hay tổ chức thực hiện sẽ tạo ảnh hưởng giúp họ thay đổi các thói quen khác theo hướng tính cực.

Các nhà nhiên cứu cho thấy rằng những người tập thể dục đều đặn sẽ ăn uống tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn. Họ ít hút thuốc và kiên nhẫn hơn với người khác. Họ cũng dùng thẻ tín dụng ít hơn vì ít bị căng thẳng. Con cái của các gia đình có thói quen ăn tối cùng nhau thường làm việc nhà tốt hơn, học cao hơn, tự tin hơn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Những người có thói quen dọn giường buổi sáng có năng suất lao động tốt hơn, cảm giác đầy đủ hơn. Như vậy, tập thể dục đều đặn, ăn cơm cùng gia đình, dọn giường mỗi sáng… là những thói quen chủ chốt. Chúng tạo ra chuỗi phản ứng giúp cho các thói quen tích cực khác chiếm ưu thế.

Có một câu chuyện về thói quen chủ chốt tại nhà máy thép Alcoa như sau: Ông O’Neill – nguyên là viên chức chính phủ thành công và một nhà quản lý lão luyện – được ban quản trị nhà máy thép Alcoa mời làm Tổng Giám đốc. Khác với các tổng giám đốc khác, ông O’Neill không quá tập trung vào các chỉ số kinh doanh thông thường. Thay vì thay đổi nhiều thói quen hoạt động của Alcoa, O’Neill xác định hành vi về an toàn lao động là thói quen chủ chốt. O’Neill tuyên bố mục tiêu hàng đầu của ông là thực hiện chính sách an toàn lao động, biến Alcoa thành nơi không có tai nạn lao động. Lúc mới đưa ra, mục tiêu lạ lùng này đã gây sốc cho các nhà đầu tư và các nhà quản lý. Kế hoạch của O’Neill được xây dựng theo vòng lặp của thói quen:

  • “Kích hoạt”: tai nạn của công nhân;
  • “Hành động”: khi có tai nạn xảy ra, lãnh đạo phòng phải báo cáo trực tiếp cho O ’Neill trong vòng 24 tiếng để đảm bảo tai nạn ấy không bao giờ xảy ra nữa;
  • “Phần thưởng”: chỉ người nào tuân theo hệ thống báo cáo tai nạn này mới được thăng tiến.

Để đáp ứng được thói quen này, toàn bộ hệ thống báo cáo của nhà máy đã được sắp xếp lại nhằm giúp thông tin bên dưới – công nhân – có thể lên trên – các cấp lãnh đạo và cuối cùng là O’Neill một cách nhanh nhất. Công nhân làm việc theo đúng quy trình kỹ thuật chuẩn và cũng được trao thêm quyền để làm những việc trong năng lực và vị trí của họ. Nguyên vật liệu thô cũng được tiết kiệm để giảm bớt tai nạn.

Những ý kiến phản hồi mang tính sáng tạo của công nhân, nhân viên cấp dưới nay cũng được cấp trên nghe thấy. Sau một thời gian áp dụng thực hiện thói quen an toàn lao động, tỷ lệ tai nạn của Alcoa chỉ còn 1/20 tỷ lệ trung bình của nước Mỹ và quan trọng hơn, chi phí đã được giảm bớt, chất lượng và năng suất tăng vọt, lợi nhuận công ty tăng gấp 5 lần so với 5 năm đầu O’Neill nhận công việc. Ông O’Neill thắng lợi vì đã chọn đúng thói quen chủ chốt, tập trung thực hiện thay đổi thói quen này một cách thành công và kéo theo sự thay đổi tích cực của những thói quen khác trong tập thể công nhân nhà máy Alcoa.

8

Starbuck và những thói quen của nhân viên

Starbuck – chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới – là một trong những công ty đi đầu trong việc huấn luyện những thói quen tốt cho nhân viên. Một trong số đó là “Sức mạnh ý chí” (Will Power), thói quen quan trọng bậc nhất quyết định sự thành công của một cá nhân. Nhân viên Starbuck được huấn luyện có sức mạnh ý chí, tinh thần kỷ luật, luôn đi làm đúng giờ và luôn nhiệt tình trong suốt giờ làm việc. Họ được đào tạo kiềm chế cảm xúc để luôn có thể phục vụ khách hàng với sự niềm nở và mong muốn đem tới cho khách hàng ly cà phê hoàn hảo.

Starbuck còn dạy cho nhân viên thói quen phục vụ khách hàng theo quy trình mang tên loại cà phê LATTE, bao gồm:

Lắng nghe (Listen),
Xác nhận (Acknowledge),
Hành động (Take action),
Cảm ơn (Thank)
Giải thích (Explain)

Starbuck cũng dạy cho nhân viên cách xác định, phân loại khách hàng và phục vụ hợp lý. Mọi hành động được tập luyện nhuần nhuyễn cho đến khi nhân viên có thể tự thực hiện theo thói quen. Những thói quen tốt này của nhân viên là một trong những nguyên nhân góp phần làm nên thành công của Starbuck.

Tóm tắt sách Sức Mạnh Của Thói Quen
Người tóm tắt: Lâm Minh Chánh