Giới thiệu
Sức mạnh của đặt câu hỏi (A more beautiful question) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra những câu hỏi đúng trên con đường đi đến thành công của chúng ta. Thông qua những nghiên cứu mới nhất và các ví dụ từ thế giới kinh doanh, cuốn sách đã đưa ra định nghĩa về câu hỏi “tuyệt vời” và cho ta thấy cách để bắt đầu đặt những câu hỏi như thế cho bản thân.
Cuốn sách này dành cho
- Bất kỳ ai muốn trở thành một nhà tư tưởng cách tân;
- Tất cả những người đang phải tìm ra những ý tưởng sáng tạo mới cho cuộc sống;
- Những người lãnh đạo công ty, giáo viên, nhà khoa học và các kiểu người sáng tạo khác.
Về tác giả
Warren Berger là một nhà văn, nhà báo người Mỹ và là một blogger trên trang A More Beautiful Question. Ông đã viết và đồng sáng tác rất nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Ý nghĩ mơ hồ (Glimmer) vàKhông cơ hội nào bị lãng phí.
Cuốn sách này nói gì? Khám phá cách để đặt ra những câu hỏi đúng có khả năng thay đổi cuộc đời bạn.
Khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn không ngừng đặt câu hỏi. “Vì sao tôi không thể bay?”, “Có bao nhiêu người trên thế giới?” hay “Nếu như trái đất đang quay, vì sao tôi lại không bị ngã?”. Niềm khát khao tri thức mạnh mẽ luôn thôi thúc chúng ta hỏi, hỏi liên tục.
Tuy nhiên, khi đến trường, sở thích đặt câu hỏi đã bị hạn chế bởi hàng loạt bài kiểm tra và các kiến thức, số liệu mà ta cố nhồi nhét vào đầu để vượt qua chúng. Có thể việc học thuộc hàng đêm sẽ cho bạn một số điểm tốt, nhưng mất đi sự đam mê đặt câu hỏi thực sự là một điều nguy hiểm.
Cuốn sách này sẽ chỉ ra nguyên nhân vì sao chúng ta đều cần phải hỏi nhiều hơn. Nó cho ta thấy cách khám phá thêm những cơ hội mới trong cuộc sống và kinh doanh thông qua việc đặt các câu hỏi đúng. Bạn sẽ tìm ra sức mạnh thực sự ẩn sâu trong các “câu hỏi đúng” (beautiful questions) đó, một sức mạnh có thể thay đổi cả thế giới của bạn.
Qua cuốn sách, bạn sẽ biết thêm:
- Vì sao việc đặt câu hỏi được thực hiện trước khi động não
- Công việc thực chất của “Viện Câu hỏi đúng” (Right Question Institute)
- Số câu hỏi trung bình trong một ngày của một đứa trẻ bốn tuổi
Các câu hỏi thúc đẩy sự sáng tạo ý tưởng mới, cho ta thấy những điều mà ta chưa biết.
Con người thường nghĩ rằng mình là một loài đặc biệt, một tầng lớp tách biệt với toàn bộ thế giới động vật. Nhưng điều gì thực sự làm nên sự khác biệt? Khả năng tạo và sử dụng các công cụ?
Tất nhiên những điều đó không sai, nhưng thứ thật sự khiến chúng ta đặc biệt lại là niềm khao khát được hỏi ngay từ khi sinh ra. Rồi bạn sẽ biết, khả năng đặt câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của loài người.
Đối với những người mới bắt đầu, việc đặt nhiều câu hỏi kích thích sự sáng tạo và từ đó đưa họ đến các ý tưởng độc đáo.
Bất cứ khi nào bạn hỏi, bạn sẽ tự động thấy những điểm thiếu sót trong kiến thức của mình, và tìm ra cách để lấp đầy khoảng trống đó. Điều này đã được kiểm chứng qua những phát minh đổi mới trong lịch sử nhân loại. Chúng ta chỉ cần nhìn lại một vài thập kỉ trước để thấy được cách mà một câu hỏi có thể cải tiến ngành nhiếp ảnh.
Vào nửa đầu thế kỉ XX, một cô bé đã hỏi người cha nhiếp ảnh gia của mình rằng tại sao cô phải đợi để xem bức ảnh ông vừa chụp cho cô. Lời giải thích của người cha dĩ nhiên không thuyết phục được cô bé, tuy nhiên, ngay cả ông cũng thấy không hài lòng với câu trả lời này. Câu hỏi của cô con gái tiếp tục khiến người cha thấy bứt rứt và ông bắt đầu đi tìm câu trả lời xác đáng hơn. Cuối cùng, sau nhiều năm thí nghiệm, ông đã đưa ra giải pháp: Máy ảnh Polaroid.
Hơn nữa, nhiều khi câu hỏi của chúng ta còn quan trọng hơn cả câu trả lời.
Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin. Thời điểm lịch sử, biểu đồ chứng khoán hay thậm chí cả lời khuyên y tế đều có thể được cung cấp trong vài giây chỉ nhờ công cụ tìm kiếm qua Internet. Tuy nhiên, chúng đều hoàn toàn vô ích nếu bạn không đặt câu hỏi về chúng. Chỉ khi bạn bắt đầu hỏi thì những thông tin mà bạn có được mới có ý nghĩa.
Trong hành trình khám phá thế giới, việc học tập ở trường làm giảm niềm yêu thích đặt câu hỏi bẩm sinh của chúng ta.
Trẻ con dường như không bao giờ hết điều để hỏi. Sự tò mò không giới hạn của chúng vừa tạo ra cảm hứng vừa gây bực bội cho những bậc cha mẹ mệt mỏi.
Đối với trẻ em, thế giới là những điều mới lạ – và để khám phá ra nó, chúng đặt những câu hỏi. Trên thực tế, một nghiên cứu bởi Paul Harris, nhà tâm lý học trường đại học Harvard, đã chỉ ra rằng tổng số câu hỏi của trẻ em độ tuổi 2 – 5 rơi vào khoảng 40,000 câu.
Mặc dù nhiều câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhưng chúng không hoàn toàn vô ích. Sự ham học hỏi của một đứa trẻ được thể hiện qua thái độ của bé đối với những câu trả lời mà bé nhận được. Hơn thế nữa, trẻ con thường tiếp tục hỏi tại sao khi câu trả lời của cha mẹ chưa thỏa mãn trí tò mò của bé.
Tuy nhiên, niềm yêu thích đặt câu hỏi bị mờ nhạt dần khi ta bước chân vào trường học. Theo nghiên cứu của Viện Câu hỏi đúng (Right Question Institute), tổ chức phi lợi nhuận giáo dục cho con người cách đặt những câu hỏi đúng, lượng câu hỏi giảm mạnh khi khi trẻ bước vào tiểu học.
Vì sao vậy? Có thể nói, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ không khuyến khích trẻ em đưa ra câu hỏi mà chỉ nhấn mạnh vào kỉ luật và ghi nhớ.
Thành công của một học sinh ở trường phụ thuộc vào kết quả bài thi của người đó. Trong môi trường này, có những câu trả lời chính xác trong kỳ kiểm tra quan trọng hơn việc xây dựng những câu hỏi hay. Việc phải chịu áp lực về điểm thi khiến ít học sinh có thời gian đặt các câu hỏi.
Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với chúng ta khi trưởng thành. Bởi khi ta bắt đầu đi làm hay vào các trường cao đẳng, khả năng đặt câu hỏi, những câu hỏi có thể làm thay đổi thế giới, đã bị mất đi.
Ở phần sau, chúng ta sẽ khám phá ra cách phục hồi khả năng hỏi bẩm sinh để đưa ra những câu hỏi hay.
Trong khi “Tại sao?” chỉ là những câu hỏi chơi đùa của trẻ con thì “Tại sao không?” lại khởi nguồn cho những giải pháp.
Để khôi phục lại khả năng đặt câu hỏi, mục tiêu của chúng ta nên là những câu hỏi đúng – những câu hỏi có thể thu hẹp khoảng trống kiến thức một cách sáng tạo.
Đầu tiên, hãy hỏi các câu hỏi “Tại sao?” như những đứa trẻ vậy. Hỏi vì sao bầu trời lại có màu xanh hay hỏi về những điều giản đơn mà bạn vẫn cho là hiển nhiên trong cuộc sống.
Sức mạnh của câu hỏi “Tại sao?” nằm ở khả năng đào sâu vấn đề phức tạp đến gốc rễ của chúng. Tuy nhiên, nó chỉ có thể cung cấp cho chúng ta thông tin. Nếu muốn biến các câu trả lời thành giải pháp, chúng ta cần phải hỏi “Tại sao không?”. Câu hỏi này thách thức các giả định cơ bản về cách thức thực hiện mọi thứ, là khởi nguồn của những đổi mới.
Giả sử bạn tham gia một hội nghị lớn, bạn chắc hẳn sẽ phải vật lộn để tìm một phòng rẻ ở một khách sạn địa phương vì chúng hầu như đã bị đặt trước từ những tuần trước đó. Vào năm 2007, khi gặp một tình huống tương tự, đôi bạn Joe Gebbia và Brian Chesky đã tự hỏi “Tại sao những người này phải ở trong một khách sạn quá đắt thế này? Vì sao chúng ta không thể cho họ thuê một căn phòng ở chỗ của mình với giá rẻ hơn?” Và từ đó, hai người đã mở rộng ý tưởng thành công ty cho thuê nhà trực tuyến, Airbnb.
Khi bạn hỏi “Nếu như?”, nguồn cảm hứng sẽ xuất hiện. Và khi bạn bắt đầu trả lời câu hỏi “Làm thế nào?”, thì bạn đã sẵn sàng đưa những ý tưởng vào thực nghiệm.
Các câu hỏi “Tại sao?” và “Tại sao không?” đóng vai trò quan trọng việc định hình vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở đó. Cái chúng ta cần là các giải pháp. Và để làm được điều đó, hãy thử hỏi “Nếu như?”
Giả sử bạn sống trong một ngôi làng dọc theo một con sông. Mỗi khi muốn sang sông, mọi người đều đi dọc ven bờ đến khi họ tới chỗ nước nông, nơi mà họ có thể bước sang một cách an toàn. Nhiều người có thể thắc mắc “Tại sao vậy? Tại sao không sang sông ngay ở gần làng?” Dân làng trả lời rằng do nước quá sâu ở đó. Nhưng nếu như chúng ta xây một cây cầu thì sao?
Câu hỏi “Nếu như?” cho phép chúng ta nghĩ một cách sáng tạo hơn, kết nối các ý tưởng thông thường có thể đã cũ để tạo ra một giải pháp hoàn toàn mới. Sự kết hợp sáng tạo các ý tưởng xuất hiện ở mọi nơi.
Tuy nhiên, chỉ đơn giản là nghĩ ra các ý tưởng thì chưa đủ, những ý tưởng đó cần phải có tính khả thi. Và để đưa những ý tưởng đó đến thực nghiệm, chúng ta cần phải hỏi “Làm thế nào?”.
“Làm thế nào?” là câu hỏi khó nhất, nó đòi hỏi tính bền bỉ, kiên nhẫn và cam kết từ người thực hiện.
Giả sử bạn có một ý tưởng tuyệt vời về đồng hồ báo thức. Để ngăn người sử dụng ấn nút báo lại, đồng hồ sẽ di chuyển ra khỏi giường khi nó bắt đầu đổ chuông. Bạn sẽ bắt đầu thực hiện ý tưởng bằng cách gắn thêm bánh xe vào đồng hồ. Tuy nhiên làm thế nào để bạn có thể giữ chiếc đồng hồ không bị vỡ nếu nó rơi từ trên bàn xuống?
Một giải pháp, nghe thật đơn giản, nhưng có thể phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra nó.
Như vậy, để có các câu trả lời đúng, trước hết bạn phải hỏi những câu hỏi đúng. Ở phần cuối, bạn sẽ học được cách áp dụng điều này vào cuộc sống.
Những câu hỏi đúng có thể giúp các công ty cải tiến và vươn lên dẫn đầu trong các cuộc cạnh tranh.
Một khi bạn hiểu được sức mạnh của những câu hỏi đúng, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả các câu hỏi đó đều có thể được áp dụng ở bất cứ đâu, ngay cả trong kinh doanh.
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, việc hỏi những câu hỏi đúng đóng vai trò quyết định. Nhu cầu thị trường thay đổi hàng ngày yêu cầu các công ty phải liên tục cải tiến sản phẩm dịch vụ của mình. Và đây chính là lúc các câu hỏi đúng thực hiện chức năng của mình.
Các nhà kinh doanh luôn phải đặt ra cho mình 4 câu hỏi đúng: Tại sao, tại sao không, nếu như và làm thế nào.
Công ty thể thao Nike trong một nghiên cứu của mình đã thấy rằng các tay đua ngày nay cần phải mang theo rất nhiều thiết bị khi chạy ví dụ như đồng hồ bấm giờ, máy đo nhịp tim và máy nghe nhạc. Công ty đã tự hỏi: Nếu như chúng ta chế tạo ra một công cụ kết hợp tính năng của tất cả các thiết bị trên nhưng vẫn kết nối được với giày thể thao Nike thì sao? Sau đó, Nike hợp tác với Apple và thiết kế ra một sản phẩm có thể thực hiện điều đó: Nike+.
Các doanh nghiệp không phải đợi cho đến khi vấn đề phát sinh rồi mới đặt ra những câu hỏi đúng mà phải chủ động tổ chức các cuộc thảo luận để đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới.
Thông thường, động não (brainstorming) là phương pháp mà nhiều công ty sử dụng để kích thích tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, áp lực để đưa ra những câu trả lời hoàn hảo có thể khiến cho nhân viên sợ không dám nói lên ý tưởng của mình. Mặt khác việc đặt câu hỏi thay vì các giải pháp có hiệu quả hơn.
Những câu hỏi đúng có thể khiến cuộc sống của bạn đầy đủ và có ý nghĩa hơn.
Những câu hỏi đúng không chỉ có tác dụng trong kinh doanh. Bằng việc hỏi những câu hỏi đúng ngay trong chính cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể thấy hạnh phúc hơn, đầy đủ hơn và thành công hơn. Trên thực tế, mục đích sống của ta được xác định bởi những câu hỏi.
Hãy tưởng tượng sự nghiệp của bạn giống như việc bạn leo lên một ngọn núi. Khi bạn leo lên với hi vọng sẽ vượt trước người khác, bạn thường dễ quên đi lý do leo núi ban đầu.
Xem xét câu hỏi này và trả lời nó một cách trung thực sẽ đem đến mục đích, ý nghĩa sống cho bạn. Tìm ra câu trả lời cho chính mình giúp bạn sống cuộc sống tự do của bản thân mà không phải so sánh với người khác. Không có gì tệ hơn việc đổ mồ hôi leo núi chỉ để nhận ra rằng bạn không thực sự thích thú với việc leo lên đến đỉnh.
Một khi bạn nhận ra rằng bạn cần thay đổi, bạn có thể hỏi “Nếu như tôi đi theo con đường khác thì sao?” và “Làm thế nào để bắt đầu nó?”.
Hơn thế nữa, những câu hỏi đúng có thể khiến bạn hạnh phúc hơn. Thật vậy, việc khám phá ra chìa khóa hạnh phúc bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: “Tôi có gì để biết ơn?”
Theo Tal Ben-Shahar, nhà nghiên cứu về hạnh phúc, trường đại học Harvard, thực hành thói quen biết ơn làm cho mọi người lạc quan hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu của họ.
Ví dụ, một số người nghèo có vẻ hạnh phúc hơn những người giàu có.
Làm sao chuyện này có thể xảy ra?
Những người này đánh giá cao những điều cơ bản trong cuộc sống như bạn bè và gia đình, hoặc những thứ thú vui đơn giản như sở thích, hoạt động cộng đồng. Họ luôn thấy may mắn và biết ơn những gì mà họ có. Mặt khác, những người giàu có dường như không bao giờ hỏi câu hỏi quan trọng này, có lẽ bởi họ không phải làm vậy. Thay vào đó, họ phấn đấu nhiều hơn nữa bởi chưa thỏa mãn với những gì mà họ có.
Thông điệp chính của cuốn sác
Cách tốt nhất để có câu trả lời mà bạn mong muốn là đặt những câu hỏi đúng. Các câu hỏi này giúp bạn định hình được vấn đề, tìm ra giải pháp và biến chúng thành hiện thực.
Tóm tắt sách Sức Mạnh Của Đặt Câu Hỏi
Dịch từ Blinkist
English
Enable collaborative features and customize widget: Bing Webmaster Portal