Giới thiệu
Quyển sách này nói về điều gì?
“Search inside yourself” (xuất bản năm 2012) dạy chúng ta cách khai thác sức mạnh của trí tuệ cảm xúc và chánh niệm để phát triển cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp. Những lời khuyên của tác giả dựa trên nhiều năm nghiên cứu và mang đến cho bạn cơ hội cải thiện hạnh phúc, sự sáng tạo và năng suất của mình.
Quyển sách này dành cho ai?
- Những cá nhân đang tìm cách cải thiện năng lực làm việc
- Những cá nhân đang muốn bắt đầu thực hành chánh niệm đúng cách
- Những người gặp khó khăn trong việc thấu hiểu và điều khiển cảm xúc của họ
Về tác giả
Chade-Meng Tan, người đã dành nhiều năm thúc đẩy chánh niệm tại Google, là một kỹ sư phần mềm, người được đề cử giải Nobel và là người sáng lập Học viện lãnh đạo Search Inside Yourself. Năm 2010, ông đã từng có một bài nói chuyện TED Talk về lòng trắc ẩn tại Liên Hợp Quốc. Năm 2013, ông được mời phát biểu về sự tử tế tại Nhà Trắng
1
Cuốn sách này có gì cho bạn? Những quy tắc giúp bạn hiểu được cảm xúc của bản thân và người khác
Hầu hết chúng ta đều cho rằng có một nền tảng giáo dục tốt là cách duy nhất để có được công việc lương cao. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công trong nghề nghiệp thực sự là trí tuệ cảm xúc – một loại trí tuệ bạn có thể học rất nhiều từ bên ngoài trường học.
Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn các phương pháp phát triển trí thông minh cảm xúc và hướng dẫn bạn các bước để trở thành một nhà lãnh đạo, một người đồng nghiệp hoặc một đối tác tốt hơn. Đồng thời, tác giả cũng sẽ tiết lộ cách thức chánh niệm có thể cải thiện hạnh phúc của bạn.
Nguyên tắc cơ bản đằng sau phương pháp này là cách tiếp cận ba bước:
Trước tiên bạn phải phát triển khả năng định hướng sự chú ý của mình và ở đây, thiền chánh niệm rất hữu ích. Khi cải thiện sự chú ý, bạn có thể hiểu rõ hơn về quá trình nhận thức và cảm xúc của chính mình, nâng cao hiểu biết về bản thân. Cuối cùng, dựa trên nền tảng này, bạn có thể thiết lập những thói quen tinh thần tốt đẹp cho bản thân để làm tăng hạnh phúc và hiệu quả cá nhân.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ khám phá:
- Các loại trí tuệ cảm xúc khác nhau
- Cách thực hành chánh niệm giúp bạn hạnh phúc hơn
- Sự đồng cảm có thể cải thiện các mối quan hệ của bạn
2
Thông minh cảm xúc là một trong những loại trí thông minh của con người
Bạn định nghĩa trí thông minh là gì? Là IQ cao? Là kỹ năng ngôn ngữ xuất sắc? Còn khả năng âm nhạc thiên bẩm thì sao nhỉ? Howard Gardner, một nhà tâm lý học phát triển tại Harvard, là người đầu tiên đề xuất lý thuyết về đa trí tuệ. Ông cho rằng một đứa trẻ có thể không giỏi trong môn toán, nhưng thể hiện tài năng về ngôn ngữ hoặc nghệ thuật, vẫn nên được coi là thông minh. Để minh họa cho lập luận của mình, Gardner đã đưa ra một danh sách các loại trí thông minh khác nhau, bao gồm hai trong số đó là trí thông minh nội tâm cá nhân và trí thông minh tương tác cá nhân.
Trí thông minh nội tâm giúp bạn nhận thức được cảm xúc, giá trị và mục tiêu bên trong của chính bạn. Trong khi đó, trí thông minh tương tác cá nhân liên quan đến nhận thức về cảm giác, cảm xúc và động lực của người khác.
Trí thông minh nội tâm và trí thông minh tương tác cá nhân kết hợp với nhau để hình thành trí tuệ cảm xúc, đó là khả năng thấu hiểu cảm xúc của bản thân cũng như của người khác và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình.
– Tự nhận thức là kiến thức của bạn về trạng thái bên trong, về sở thích, nguồn lực và trực giác của bạn.
– Tự điều chỉnh là khả năng kiểm soát xung động, nguồn lực và trạng thái tâm trí của bạn.
– Động lực là khả năng cảm xúc để hướng bản thân đến mục tiêu.
– Đồng cảm là nhận thức của bạn về cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác.
– Kỹ năng xã hội là khả năng ảnh hưởng đến người khác.
Hãy xem ví dụ của Bill Duane, một giám đốc kỹ thuật và cách ông ta sử dụng trí tuệ cảm xúc để cải thiện cuộc sống của mình. Thông qua khoá đào tạo về trí tuệ cảm xúc, Duane nhận ra rằng ông cần nhiều thời gian hơn cho bản thân. Với thời gian làm việc ít hơn, ông thấy mình có thể tập trung nhiều hơn vào sức khỏe và có động lực hơn trong cuộc sống. Ông trở thành một người biết lắng nghe, học cách kiểm soát tính khí và khả năng phân tích tình huống từ nhiều quan điểm khác nhau. Kết quả, Duane trở thành một nhà quản lý hiệu quả hơn, ông không chỉ cải thiện cuộc sống của mình mà còn cả cuộc sống của nhân viên.
Giờ đây bạn đã biết trí tuệ cảm xúc là gì. Vậy chính xác nó hữu ích như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của bạn? Hãy theo dõi chương tiếp theo nhé!
3
Trí tuệ cảm xúc có thể cải thiện đáng kể hiệu suất công việc của bạn
Bây giờ bạn đã biết trí tuệ cảm xúc là gì, bước tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu những lợi ích của nó và làm thế nào để cải thiện nó.
Một lợi thế của việc phát triển trí tuệ cảm xúc là nó có thể dẫn đến hiệu suất công việc tốt hơn. Ví dụ, một trong năm loại trí tuệ cảm xúc sẽ mang đến cho bạn sự lạc quan, từ đó sẽ cải thiện hiệu suất của bạn trong công việc, như một nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1980 của nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman. Ông nhận thấy rằng, trong năm đầu tiên bán hàng, các nhân viên bảo hiểm tích cực đã làm tốt hơn các đồng nghiệp bi quan 8% và 31% trong các năm tiếp theo. Nghiên cứu chứng minh rằng năng lực cảm xúc như lạc quan có thể có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất của nhân viên.
Hiểu và sở hữu trí tuệ cảm xúc cũng có thể giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. Một ví dụ điển hình là Giám đốc điều hành của Delta Airlines, Gerald Grinstein, người đã phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cắt giảm chi phí tại nơi làm việc. Grinstein là người rất cứng rắn, nhưng nhờ kỹ năng giao tiếp cá nhân, ông có thể giữ cho lòng trung thành và động lực của nhân viên luôn ở mức cao trong giai đoạn khó khăn này. Ông hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khôi phục khả năng giao tiếp hiệu quả và xây dựng lòng tin.
Nhưng nếu bạn không tự nhiên sở hữu trí tuệ cảm xúc cao như Grinstein, thì đừng băn khoăn, chúng ta hoàn toàn có thể học cách cải thiện nó. Câu chuyện về Ebenezer Scrooge trong bộ phim hoạt hình A Christmas Carol (Giáng Sinh Yêu Thương) là một trường hợp điển hình. Ban đầu, Scrooge thể hiện mình có trí tuệ cảm xúc nội tâm rất thấp, mặc dù giàu có nhưng anh ta không thể cảm thấy hạnh phúc. Như bạn có thể nhớ lại, Scrooge được ba hồn ma viếng thăm, mỗi hồn ma đều giúp ông tìm cách chống lại sự nhận thức kém cỏi về bản thân mình. Cuối cùng, bằng cách chấp nhận những suy nghĩ và hành động thay đổi, Scrooge đã thành công trong việc cải thiện trí tuệ cảm xúc của
bản thân.
Bạn cũng có thể cải thiện trí thông minh cảm xúc của mình ngay cả khi không có sự giúp đỡ của những vị khách siêu nhiên như trong câu chuyện này đấy! Vì vậy, hãy theo dõi chương tiếp theo để biết được chi tiết các phương pháp phát triển trí thông minh cảm xúc nhé.
4
Thiền tập giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, thư giãn và tỉnh táo, từ đó làm cho chúng ta hạnh phúc hơn
Thiền tập có vẻ như là một thứ gì đó kỳ diệu, nhưng nó thực sự không gì khác hơn là một bài tập tinh thần. Giống như nhiều máy tập thể dục tại phòng tập gym, được thiết kế để tập luyện các cơ bắp khác nhau, các phương thức thiền tập khác nhau cũng được thiết kế để rèn luyện các phần khác nhau trong tâm trí của bạn.
Loại thiền với mục đích phát triển trí thông minh cảm xúc được gọi là thiền chánh niệm, hay chỉ là chánh niệm. Thiền tập chánh niệm cải thiện sự tập trung của chúng ta bằng cách rèn luyện cả sự chú ý và sự tự chú ý.
Sự chú ý, theo định nghĩa của nhà tâm lý học cuối thế kỷ 19 William James, là “bị tâm trí chiếm đoạt, dưới dạng sống động và rõ ràng”. Ngược lại, sự tự chú ý là khả năng chú ý đến chính sự chú ý. Đó là khả năng bạn nhận ra khi nào bạn đang chú ý hoặc khi nào sự chú ý của bạn bị lung lay.
Để chứng minh điều này, hãy tưởng tượng khi bạn đi xe đạp. Để giữ thăng bằng cho một chiếc xe đạp, bạn thực hiện rất nhiều điều chỉnh nhỏ. Khi xe đạp hơi nghiêng về một phía, bạn điều chỉnh lại bằng cách hơi nghiêng sang phía bên kia, và ngược lại. Bằng những điều chỉnh nhỏ, bạn có thể giữ thăng bằng.
Nó cũng giống như sự chú ý. Khi sự tự chú ý của chúng ta trở nên mạnh mẽ, chúng ta có thể điều chỉnh lại bản thân khi cảm thấy bắt đầu mất tập trung, đưa sự chú ý của mình trở lại hiện tại. Việc luyện tập thường xuyên điều này sẽ khiến chúng ta có khả năng tập trung sâu hơn.
Ngoài việc giúp bạn tập trung tốt hơn, chánh niệm còn giúp bạn tỉnh táo và trở nên thư thái hơn. Hãy tưởng tượng một chậu nước đầy cặn, liên tục được khuấy, nước sẽ chuyển sang màu đục. Nếu bạn ngừng khuấy và để yên nó, nước sẽ trở nên lắng và trong, cặn sẽ lắng xuống đáy.
Và theo Alan Wallace, một chuyên gia về sự tập trung thoải mái, việc giải tỏa tâm trí thông qua thiền định sẽ giúp nó đạt được trạng thái hạnh phúc tự nhiên. Để bắt đầu với thiền chánh niệm, hãy tìm một vị trí ngồi thoải mái, nơi bạn cảm thấy thư thái và tỉnh táo. Bắt đầu bằng cách hít thở sâu và chậm ba lần và sau đó bắt đầu thở bình thường. Bây giờ hãy tập trung chú ý vào hơi thở của bạn. Điều này có nghĩa là hãy quan sát, ví dụ, sự trồi lên và xẹp xuống của bụng hoặc cảm giác trong lỗ mũi. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy sự chú ý của mình đi chỗ khác, hãy nhẹ nhàng đưa nó trở lại với hơi thở của bạn. Bạn có thể làm điều này trong mười phút hoặc bất kỳ khoảng thời gian nào phù hợp với bạn.
5
Sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân có thể giúp bạn làm chủ cảm xúc của mình
Mingyur Rinpoche, một thiền sư Tây Tạng, đã từng nói rằng khoảnh khắc mà bạn có thể nhìn thấy một dòng sông đang giận dữ, thì bạn đã vượt lên trên nó rồi. Tương tự, khoảnh khắc mà bạn có thể nhìn thấy một cảm xúc, bạn đã không còn hứng thú với nó nữa. Để vượt qua cảm xúc của mình, bạn cần tự nhận thức về bản thân, một khi bạn có nhận thức rõ hơn về bản thân, bạn sẽ có thể trở nên thành công hơn.
Theo các quan sát của các nhà tâm lý học – Tiến sĩ Cary Cherniss và Tiến sĩ Robert Caplan, việc đào tạo về nhận thức bản thân đã giúp các cố vấn tài chính từ American Express thành công trong công việc của họ. Khóa đào tạo đã dạy họ nhận thức rõ hơn về việc bản thân sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi những câu chuyện tiêu cực và đôi khi nó đến từ chính chúng ta. Nhận thức này cho phép họ ít nghi ngờ bản thân hơn, từ đó mang lại thu nhập cao hơn và đem lại lời khuyên tốt hơn cho khách hàng của họ.
Hơn nữa, sau khi nhận thức được cách họ phản ứng với các tình huống căng thẳng, họ đã hiểu được tầm quan trọng của các phương pháp chống căng thẳng như thiền định. Khi mức độ căng thẳng của họ giảm xuống, họ có thể làm việc với sự tập trung mới và từ đó dẫn đến thành công trong công việc của họ.
Nhận thức về bản thân hoạt động bởi vì nó kích hoạt vùng tân vỏ não, hay bộ não tư duy. Khi bạn cảm thấy như thể cảm xúc của mình sắp bùng phát một cách không kiểm soát, sự tự nhận thức sẽ kêu gọi hoạt động của vùng tân vỏ não để phân tích sự bùng phát này.
Ví dụ, khi sếp khiển trách bạn về điều gì đó, bạn có thể cảm thấy muốn hét vào mặt ông ta, nhưng vùng não này của bạn, sau khi phân tích tình hình, khuyên bạn không nên làm điều đó. Nó khuyên bạn nên xem xét tình huống một cách hợp lý và bình tĩnh hơn, sử dụng nó để cải thiện hiệu suất công việc của bạn.
Tự nhận thức cũng có thể cải thiện sự tự tin của bạn. Một ví dụ điển hình là bản thân tác giả, người đã sử dụng sự tự nhận thức để trở nên tự tin hơn. Tác giả dự kiến sẽ có một bài phát biểu tại Lễ hội Hòa bình Thế giới ở Berlin. Khi đến đó, ông cảm thấy vô cùng lo lắng, vì vậy ông đã sử dụng sự tự nhận thức để nhớ lại các điểm mạnh và điểm yếu của mình, tự nhắc mình về kiến thức mà mình đang có, về các bài thực hành mà mình đã giúp mọi người và khả năng tạo ra bầu không khí hoà bình và hài hước.
Ông cũng tự nhận thức được những điểm yếu của mình, cụ thể là hay bị vấp khi nói Tiếng Anh. Trong khi nói tiếng Anh, ông tự nhắc nhở mình rằng có thể khắc phục điều này bằng cách tập trung vào việc hít thở sâu, mỉm cười và thực hành chánh niệm. Thông qua việc tự nhận thức, ông đã có thể cảm thấy thoải mái và tự tin hơn tại lễ hội.
6
Động lực vô hình sẽ giúp nhân viên duy trì động lực tốt hơn so với các phần thưởng vật chất
Những nhà quản lí điều hành tin rằng các phần thưởng vật chất – chẳng hạn như tiền bạc hoặc quyền lực – là động lực tốt nhất cho nhân viên để tăng hiệu suất tại nơi làm việc. Nhưng trên thực tế, các động lực vô hình có thể thậm chí còn hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy thành công và lợi nhuận.
Dưới đây là một ví dụ. Tony Hsieh, Giám đốc điều hành của Zappos, nhà bán lẻ giày trực tuyến, đã phát triển cửa hàng online của mình thành một công ty tỷ đô. Và bí quyết thành công của Hsieh là mang lại hạnh phúc cho mọi người. Dựa trên đặc tính đó, Hsieh khuyến khích một văn hóa làm việc thúc đẩy hạnh phúc của nhân viên, dẫn đến cải thiện dịch vụ khách hàng và do đó, khách hàng sẽ hạnh phúc hơn.
Hsieh tin rằng hạnh phúc ở nơi làm việc đến từ ba điều. Đầu tiên là niềm vui. Loại hạnh phúc này đến từ việc theo đuổi những mục tiêu cao hơn – ví dụ một phần thưởng lớn, một lời cảm ơn từ các đồng nghiệp, một sự nhắc đến đặc biệt của chủ tịch tập đoàn hoặc một câu chuyện trên tờ Thời báo New York. Tuy nhiên loại hạnh phúc này không tồn tại lâu.
Nguồn hạnh phúc tiếp theo là niềm đam mê. Khi bạn say mê công việc của mình, bạn sẽ bước vào trạng thái toàn tâm toàn ý và đạt được sự tập trung. Hơn nữa, ở phương diện này, sự đam mê khi so sánh với niềm vui sẽ bền vững hơn nhiều.
Cuối cùng, theo Hsieh, hạnh phúc còn đến từ mục đích cao cả hơn, đó là về việc trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn chính bạn và đó là loại hạnh phúc bền vững nhất. Khi bạn nỗ lực hoàn thành mục đích cao hơn của mình, bản thân công việc là phần thưởng.
Khi mục đích công việc phù hợp với giá trị của bạn, nó không còn trở thành điều khó khăn nữa. Nếu bạn yêu thích công việc mình làm, bạn sẽ mong được làm điều đó mỗi ngày. Chỉ cần xem xét nhà thơ Norman Fischer, người yêu công việc của mình đến mức không coi nó là công việc bình thường. Mặc dù Fischer là một thiền sư nổi tiếng và thường được săn đón bởi các chuyên gia ở Thung lũng Silicon, nhưng trong mắt ông, ông chưa bao giờ làm việc một ngày trong đời
7
Sự đồng cảm sẽ mang lại nhiều lợi ích trong cả mối quan hệ cá nhân và công việc
Nếu bạn muốn trở thành hoạ sĩ, bạn phải thật sự tập trung luyện tập. Quy tắc tương tự cũng được áp dụng để giúp bạn phát triển sự đồng cảm của mình, một loại trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều lợi ích. Sự đồng cảm được phát triển thông qua thấu hiểu và kết nối với người khác. Đây cũng là cách để tạo dựng niềm tin.
Có lần tác giả đã thực hành sự đồng cảm với một người bạn trong phòng tập thể dục của mình. Ông luôn cố gắng lắng nghe và thấu hiểu mỗi khi cô ấy bày tỏ cảm xúc. Và sau khi nghe cô chia sẻ xong, tác giả đã bày tỏ sự đồng cảm của mình bằng cách nói lên những gì mà ông nghĩ rằng cô đang cảm thấy. Cô gái ấy đã thực sự rất xúc động đến rơi nước mắt và nói với ông rằng chưa từng có ai thấu hiểu cô đến vậy trong một thời gian rất dài.
Đồng cảm cũng có thể được sử dụng để hàn gắn các mối quan hệ. Sự đồng cảm có thể giúp chúng ta giải quyết xung đột với các đối tác, đồng nghiệp và con cái của mình. Sự đồng cảm giúp chúng ta hiểu nhau hơn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề xung đột.
Kỹ thuật này đã được tác giả sử dụng để giải quyết sự mâu thuẫn với người quản lí của mình là Eric. Quyết định rằng mình cần phải đối mặt với vấn đề, tác giả đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ với Eric để nói về những cảm xúc tồi tệ mà anh đã trải qua. Trong cuộc gặp gỡ, họ còn bàn về những quan điểm cá nhân, những câu chuyện hàng ngày và đam mê của họ. Chính nhờ cuộc trò chuyện này mà họ hiểu nhau hơn, và cuối cùng, tác giả không còn cảm thấy bực bội nữa.
Nếu bạn từng cảm thấy mình thiếu sự đồng cảm với ai đó, bạn có thể thử các bài tập về sự đồng cảm như Chỉ Như Mình Mà Thôi và Thiền Yêu thương. Chỉ Như Mình Mà Thôi yêu cầu bạn tưởng tượng mình ở trong hoàn cảnh của người khác và hiểu rằng họ mong muốn được hạnh phúc và được yêu thương, giống như bạn.
Bài tập thứ hai là về sự thấu cảm, lòng nhân từ. Bài tập yêu cầu bạn thiền định và tạo ra những mong muốn tích cực cho người kia. Mong muốn những điều tốt nhất cho người khác sẽ nâng cao khả năng đồng cảm của bạn và cải thiện mối quan hệ của bạn với họ.
8
Khi được nhân viên yêu quý, chúng ta trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn
Bạn đã bao giờ được dạy rằng, để có được mọi thứ trong cuộc sống, bạn cần phải ích kỷ và chỉ nhận những điều tốt đẹp về mình? Tuy nhiên, nếu bạn mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại, đừng bao giờ nghe theo lời dạy này. Nhân viên sẽ chỉ làm việc chăm chỉ hơn nếu họ thích nhà lãnh đạo của họ.
Các học giả về lãnh đạo Jim Kouzes và Barry Posner đã xem xét những đặc điểm khác nhau giữa các nhà quản lý thành công với những người còn lại. Trong nghiên cứu của mình, họ phát hiện ra rằng yếu tố khác biệt chính là tình cảm của họ đối với nhân viên. Các nhà quản lý thành công thể hiện sự nồng nhiệt và yêu mến đối với nhân viên của họ. Không giống như những người quản lý có hiệu suất thấp hơn, họ không ngại phát triển mối quan hệ thân thiết với nhân viên của mình hoặc chia sẻ suy nghĩ của họ.
Các nhà lãnh đạo thể hiện sự quan tâm thấu hiểu với nhân viên sẽ làm cho nhân viên giảm bớt khó khăn mà họ có thể gặp phải. Jim Collins, tác giả của cuốn sách Từ Tốt Đến Vĩ Đại, đã nghiên cứu hàng trăm công ty lớn của Mỹ từ năm 1965 đến năm 1995 và phát hiện ra rằng điều khiến một công ty tốt trở nên vĩ đại chính là khả năng lãnh đạo. Các công ty vĩ đại có những nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, thể hiện sự khiêm tốn và khao khát tạo ra sự khác biệt trên thế giới.
Lấy ví dụ về nhà tâm lý học nổi tiếng Paul Ekman, người đã trải qua một thời thơ ấu tồi tệ và lớn lên trở thành một người vô cùng giận dữ. Năm 2000, Ekman được mời nói chuyện tại một hội nghị có sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông ngồi xuống trước Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã đưa tay ra và nắm lấy tay ông. Cử chỉ đơn giản này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Ekman. Ông ấy cảm thấy “lòng tốt” trào dân trong toàn bộ con người mình, và vào cuối cuộc trao đổi, ông thấy cơn giận trong tâm nguôi dần và cách nhìn của ông về cuộc sống cũng thay đổi. Kể từ giây phút thay đổi cuộc sống đó, Ekman đã đóng góp cho giới nghiên cứu khoa học bằng cách làm giàu thêm sự hiểu biết về lĩnh vực cân bằng cảm xúc, lòng trắc ẩn và lòng vị tha.
Hãy nhớ rằng: để tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống và công việc, hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm bên trong chính mình.
Tổng kết
Thông điệp chính của cuốn sách:
Tất cả chúng ta đều có khả năng cải thiện cuộc sống của mình và sự cải thiện này có thể đạt được thông qua sự tập trung, tinh thần minh mẫn, sáng tạo và đồng cảm. Bằng cách sử dụng các phương pháp và bài tập trong cuốn sách, tất cả chúng ta có thể trở thành một người nói chuyện tốt hơn trước công chúng, những con người lạc quan hơn, những đối tác bình tĩnh hơn và những nhân viên tài giỏi hơn.
Lời khuyên hành động:
Bài tập quét cơ thể có thể giúp bạn tập trung và thư giãn
Bắt đầu bằng cách tìm một vị trí thoải mái để ngồi và dành hai phút hít thở, nhắm mắt lại. Sau đó, đi qua từng bộ phận của cơ thể, thực sự tập trung vào những cảm giác bạn cảm thấy trên đầu, mặt, cổ, lưng và vai. Tiếp theo, hãy nhớ lại một cảm xúc tích cực trong một sự kiện thú vị. Sau đó, cố gắng xác định vị trí mà bạn cảm nhận được trong cơ thể. Cuối cùng, hãy dành hai phút để thở bình thường và quay trở lại khoảnh khắc hiện tại. Bài tập quét cơ thể rất có giá trị vì nó cho phép bạn tập trung vào các cảm giác thể chất giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.
Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Cởi trói linh hồn” của Michael A. Singer
“Cởi trói linh hồn” là cuốn sách viết cho chính bạn: cảm xúc, suy nghĩ và ý thức của bạn. Bằng lối hành văn dẫn dắt lôi cuốn, nói về tâm linh nhưng dựa trên cơ sở khoa học, cuốn sách khơi mở tất thảy những bí ẩn mà chúng ta đã vô tình hay chủ ý ẩn giấu, cách điều hướng tâm trí, trở thành chủ nhân của chính mình, để cuối cùng đạt được sự giác ngô.
Tóm tắt sách Search Inside Yourself
Wiki Sách Tóm Tắt