Giới thiệu
Tóm tắt sách Screamfree Parenting (Dạy con không quát mắng). Cuốn sách sẽ giúp cha mẹ tạo ra sợi dây kết nối với con trẻ. Từ việc tạo ra không gian tự do nhưng giới hạn cho trẻ nhỏ đến việc tin tưởng và yêu thương chính bản thân mình, cuốn sách sẽ khiến quá trình nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Cuốn sách này là món quà tuyệt vời với
- Tất cả những người sắp và đang là cha mẹ;
- Những người hứng thú với việc xây dựng mối quan hệ gần gũi, hòa bình giữa cha mẹ và trẻ nhỏ.
Người mang đến những thông tin hữu ích này là
Hal Edward Runkel, một chuyên gia, diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực mối quan hệ hôn nhân gia đình. Dạy con không quát mắng là cuốn sách đầu tiên của Runkel trong chủ đề xây dựng mối quan hệ hòa hảo đạt được danh hiệu cuốn sách bán chạy nhất.
Chương 1. Cuốn sách sẽ giúp bạn trở thành những vị phụ huynh luôn hiền hòa.
Chỉ khi có con cái, bạn mới hiểu được cảm giác rằng lũ trẻ đến với thế giới này để thử thách sức chịu đựng của người lớn. Mặc dù việc quát mắng trong quá trình nuôi dạy trẻ sẽ giúp bạn tạm thời cải thiện tâm trạng, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả bạn và lũ trẻ. Vậy chúng ta nên làm gì?
Trước hết, bạn phải nhận thức được một sự thật vô cùng quan trọng rằng giáo dục không chỉ hướng tới trẻ nhỏ, nó còn hướng tới chính các bậc phụ huynh. Bằng việc quan tâm tới bản thân, họ không chỉ cảm thấy vui vẻ hơn mà còn cải thiện được mối quan hệ với con trẻ. Đó chỉ là một trong những kinh nghiệm được tác giả đề cập tới trong cuốn sách. Ngoài ra bạn đọc cũng sẽ được tìm hiểu về:
- Tầm quan trọng của việc tạo không gian riêng cho trẻ;
- Những bài học quý giá trong việc nuôi dạy trẻ mà chiếc mặt nạ oxy có thể mang lại cho bạn;
- Làm thế nào để chạm tới điểm cực hạn của tình yêu.
Chương 2. Hãy bắt đầu thay đổi phương pháp nuôi dạy trẻ bằng cách trở nên chủ động hơn.
Bạn có phải là kiểu phụ huynh dễ nổi nóng với con mình? Mặc dù rất khó để luôn điềm đạm với trẻ, nhưng thật may mắn chúng ta vẫn có một số phương pháp hữu ích.
Hãy bắt đầu bằng việc trở nên chủ động thay vì phản ứng thái quá khi mọi chuyện xảy ra. Để trong mắt trẻ bạn không trở thành bậc cha mẹ hay la hét, hãy dạy dỗ chúng theo hướng đi đúng đắn trước khi chúng kịp hành động sai trái, điều đó sẽ khiến bầu không khí trong gia đình bớt căng thẳng đi rất nhiều.
Để làm được điều ấy, quan trọng nhất là bạn cần đặt ra những giới hạn vừa đủ cho cả bạn và trẻ. Nếu biết rằng bạn chỉ đang quan tâm, bảo vệ chứ không áp đặt, chúng sẽ tự ý thức và không làm những điều khiến bạn bực mình. Điều này sẽ giúp các bậc cha mẹ luôn bình tĩnh, hiền hòa mà vẫn sát sao được với con trẻ.
Nhưng trước khi làm điều ấy, bạn phải luôn nhớ rằng, việc dạy dỗ trẻ cần sự chủ động của các bậc phụ huynh. Thay vì cố gắng áp đặt, kiểm soát mọi hành động của trẻ, hãy bắt đầu tạo ra những thay đổi mới mẻ theo hướng hiền hòa và kiên nhẫn hơn.
Chương 3. Trẻ nhỏ cần không gian để phát triển, thử sức, thất bại và học hỏi.
Chắc chắn một cái cây sẽ không thể lớn lên trong hộp kín, không có nước hay ánh sáng mặt trời. Điều đó cũng tương tự với trẻ nhỏ, chúng cần không gian riêng cả về thể xác lẫn tinh thần để phát triển.
Điều tốt nhất bạn có thể làm cho con em mình là tạo cho chúng một không gian riêng để khám phá, thử sức, mắc sai lầm và học hỏi từ những sai lầm ấy. “Không” là một trong những từ ngữ đầu tiên trẻ có thể nói được. Khi các bé nói “không”, hãy tôn trọng lời nói ấy vì đó chính là cách chúng tự tạo không gian cá nhân cho mình.
Tạo không gian riêng cho trẻ đồng nghĩa với việc bạn cho phép bản thân được buông lỏng “kỉ luật thép”. Bởi lẽ, việc áp đặt quan điểm của bản thân lên trẻ sẽ phản tác dụng. Không ít những đứa bé bị ép phải tin và tôn sùng Chúa lại có những hành động chống trả lại niềm tin tôn giáo của cha mẹ khi lớn lên. Ngược lại, con trẻ sẽ thấy rất biết ơn nếu cảm nhận được niềm tin tưởng của cha mẹ đặt vào chúng, từ đó mối quan hệ gia đình càng trở nên gắn bó và thân thiết hơn.
Lũ trẻ thông minh hơn người lớn tưởng rất nhiều, chúng thường xuyên thử xem cha mẹ có đáng tin hay không. Ví dụ, nếu con bạn không ngừng kêu buồn chán thì có lẽ bé đang thử xem liệu bạn có quan tâm đến chúng, có thể là bằng việc đưa cho chúng thứ đồ chơi thú vị hay không.
Điều tốt nhất bạn có thể làm khi ấy chính là thể hiện sự cảm thông thay vì khuyến khích chúng. Ví dụ, bạn có thể trả lời lại sự khiêu khích ấy rằng: “Mẹ cũng rất ghét sự buồn chán. Thế con đã có dự định gì để làm chưa?”. Mặc dù đó có thể không phải là câu trả lời mà trẻ mong đợi, nhưng nó sẽ thúc đẩy chúng tự tìm giải pháp cho riêng mình.
Chương 4. Sử dụng những giới hạn và hệ quả để giúp trẻ nhận ra đâu là mức độ an toàn.
Thế giới ngày nay khuyến khích mọi người bộc lộ tính cách cá nhân và tôn trọng đặc điểm riêng của những người xung quanh. Có thể nói, chính sự cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và sự trân trọng những người xung quanh là cách xã hội vận hành, điều đó cũng tương tự như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Không gian phát triển riêng của trẻ cũng cần có giới hạn và quy luật nhất định. Cả phụ huynh và trẻ nhỏ đều nên hiểu rõ chừng mực của mình. Trẻ em cần hiểu rằng mặc dù chúng có thể thoải mái khám phá và thể hiện bản thân, nhưng cha mẹ cũng có những luật lệ nhất định. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng phải nhận ra khi nào nên khắt khe, và khi nào nên buông lỏng cho chúng tự do chơi đùa.
Nếu lũ trẻ có lỡ làm hỏng đồ của người khác, trước khi la mắng hãy dừng lại để xem xét liệu chúng có hiểu rằng đây không phải là đồ của chúng hay không. Bằng cách giúp con trẻ nhận thức những giới hạn mà chúng không được động vào, bạn sẽ khiến chúng tự động quay về với thùng đồ chơi của mình mà không nghịch ngợm laptop hay tài liệu của cha mẹ.
Ngoài ra, nếu bạn biết cách chỉ cho các con những hậu quả của một vài hành động xấu, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ thân thiện hơn rất nhiều. Hãy thể hiện sự cảm thông và lý giải mọi thứ thay vì quát mắng khi quá muộn. Ví dụ, đừng phớt lờ khi thấy đứa con tuổi vị thành niên của mình uống rượu, hãy ngồi xuống tâm sự và tìm hiểu lý do tại sao chúng lại muốn uống rượu, sau đó nhẹ nhàng giải thích những tác hại của rượu bia với sức khỏe con người. Đừng đợi đến khi bạn nhận được cuộc gọi từ cảnh sát hay bệnh viện về việc say xỉn của con mình!
Cuối cùng, hãy nhớ rằng những lời đe dọa sáo rỗng sẽ phá hỏng hình ảnh của bạn trong mắt trẻ. Việc chúng cố gắng tin tưởng bạn sẽ phá hỏng mối quan hệ trong gia đình.
Chương 5. Hãy dùng tình yêu với bản thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người làm cha mẹ.
Ai là người quan trọng nhất với bạn? Người bạn đời? Con cái? Không! Đó phải là bạn. Bạn không thể chăm sóc tốt cho gia đình nếu không chăm sóc tốt cho bản thân. Tương tự như việc bạn sẽ chẳng cứu được ai trong tai nạn nếu không chịu đeo chiếc mặt nạ oxy của mình một cách cẩn thận.
Để hiểu hơn về quan điểm này, hãy cùng tìm hiểu tác phẩm của thầy tu người Pháp Bernard de Clairvaux. Ông chia tình yêu ra thành bốn mức độ. Mức đầu tiên là yêu bản thân vì chính lợi ích của mình. Mức tiếp theo là yêu những người xung quanh vì lợi ích của bạn. Mức thứ ba là yêu người khác vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, ba mức độ trên lại dẫn tới sự ích kỷ cực đoan, thế giới hòa bình cần những người biết nghĩ cho hạnh phúc của người khác, điều này dẫn đến mức thứ tư: Yêu bản thân vì lợi ích của người khác. Đây chính là mức độ mà các bậc cha mẹ cần hướng tới. Chỉ khi biết chăm sóc, yêu thương và trân trọng bản thân, bạn mới có thể cho gia đình mình một tình yêu bền vững nhất. Ví dụ, liệu bạn có tâm trạng và sức khỏe để ngồi xuống tâm sự, chia sẻ với con trẻ khi chúng phạm lỗi nếu bạn đang suy nhược cơ thể?
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần tin tưởng vào chính bản thân mình. Đôi khi những lời khuyên từ mọi người xung quanh khiến bạn phiền não suy xét xem liệu cách mình dạy con có quá cứng nhắc hay mềm mỏng hay không. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, giáo dục trẻ là một quá trình học hỏi không ngừng, và nó lại đi theo hướng khác nhau với từng gia đình khác nhau.
Kết luận
Hãy bắt đầu quá trình nuôi dạy trẻ không quát mắng bằng cách chủ động hơn trong việc tạo ra những giới hạn, không gian và sự ủng hộ vững chắc mà trẻ nhỏ cần để phát triển. Hãy trở thành những ông bố, bà mẹ tốt nhất bằng việc biết yêu thương bản thân và tin tưởng vào khả năng nuôi dạy con trẻ của mình.
Bài học rút ra từ cuốn sách
Nếu bạn muốn giáo dục con trẻ bằng cách chỉ ra những hậu quả mà hành động của chúng có thể gây ra, hãy làm theo những lời khuyên sau
Việc chỉ ra hậu quả rất quan trọng, nhưng những hậu quả ấy phải thật sự đáng để tâm. Ngoài ra, không nên dùng hậu quả để áp đặt và kiểm soát con bạn, thay vào đó hãy sử dụng những giới hạn mà bạn đã đặt ra từ đầu để nhắc nhở chúng.
Tóm tắt sách Screamfree Parenting
Dịch từ Blinkist