Giới thiệu
Quyển sách này nói về điều gì?
“Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” (xuất bản năm 1948) là một tác phẩm self – help rất nổi tiếng của tác giả Dale Carnegie. Cuộc sống hiện đại đi kèm với vô vàn những nỗi lo khiến con người ta dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng và trầm cảm. Cuốn sách này mang trong mình sứ mệnh to lớn, là một kho tàng lời khuyên và những phương pháp để giảm thiểu buồn phiền. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giúp chúng ta đi sâu hơn vào cốt lõi của sự lo lắng, tại sao lo lắng là một thói quen xấu và chúng ta nên làm gì với nó.
“Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” chứa đựng các kĩ thuật, phương pháp thực tế giúp chúng ta hành động tốt hơn, những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng giàu chất triết lí. Qua hơn nửa thế kỷ, những lời khuyên thiết thực và sâu sắc của Dale Carnegie vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Quyển sách này dành cho ai?
- Bất cứ ai muốn quẳng bớt đi gánh nặng lo toan hiện có
- Bất cứ ai muốn có cách đối mặt hiệu quả hơn với nỗi lo khi nó xuất hiện
- Bất cứ ai đang cảm thấy lòng tốt của mình không được đền đáp xứng đáng
Về tác giả
Không phải ngẫu nhiên mà Dale Carnegie được xem như là “viên ngọc” của giới self – help. Bằng chính những nỗ lực vượt bậc của mình, ông đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến và ngưỡng mộ bởi tài năng xuất chúng trong lối viết sách, nghệ thuật hùng biện và cả khả năng thuyết phục người khác. Ông chính là tác giả của cuốn sách “Đắc Nhân Tâm”, một cuốn sách thuộc danh sách bán chạy nhất mọi thời đại và được nhiều người biết đến nhất cho đến tận ngày nay.
Bằng chính trải nghiệm chân thật của bản thân mình khi đã có lúc ông nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất New York, ông đặt hết con tim vào tác phẩm này với niềm hi vọng mãnh liệt đây là một cẩm nang về cách làm việc và vui sống không lo âu. Ông tâm niệm rằng nếu muốn thay đổi bản thân thì điều đầu tiên phải làm là xóa bỏ những lo lắng tiêu cực của mình.
1
Căng thẳng và lo lắng quá mức trong công việc chính là liều thuốc độc cho sức khỏe của bất cứ ai
Bất kỳ ai đang sống đều sẽ có những lo lắng thường trực về công việc: liệu mình đã gửi mail chưa, liệu mình có làm hài lòng sếp không, doanh số tháng này có đủ KPI không và hàng ngàn những lí do khác. Tuy nhiên, ít người trong chúng ta nhận ra rằng chính những nỗi lo đó lại có thể gây hại như thế nào đối với sức khỏe của chúng ta: không chỉ tinh thần mà đó còn là thể chất.
Nhà triết học Plato đã từng phát biểu: “Tâm trí và cơ thể con người có mối liên hệ mật thiết với nhau.” Thật sự như vậy, trên thực tế, những người đến bệnh viện trong tình trạng kiệt sức thật ra trước đó tâm hồn của họ đã bị chiếm đóng bởi hàng ngàn sự lo toan, thất vọng hay thậm chí tuyệt vọng.
Tác giả đã dẫn ra căn bệnh viêm khớp – một căn bệnh được xem là hội chứng phát sinh từ tình trạng suy nhược cơ thể do lo lắng. Khoa học đã chứng minh rằng hai nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp lại đến từ lí do tinh thần đó là: tình trạng hôn nhân không hạnh phúc hoặc gánh nặng tài chính. Hơn nữa, tình trạng lo lắng còn có thể dẫn đến chứng bệnh tâm thần và béo phì!
Thật không may cho chúng ta, nguyên nhân gây lo lắng có thể đến từ khắp mọi nơi và đặc biệt là từ công việc. Công việc áp lực càng cao thì càng tạo ra nhiều sự lo lắng và sẽ khiến chúng ta mắc nhiều bệnh tật hơn. Chẳng hạn có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ căng thẳng cao đến từ công việc sẽ dẫn đến bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy có đến hơn 1/3 các giám đốc kinh doanh tham gia khảo sát bị mắc chứng bệnh này hay bệnh viêm loét dạ dày hoặc huyết áp cao. Một nghiên cứu khác lại cho thấy số bác sĩ chết vì suy tim cao gấp 20 lần so với những người làm chủ trang trại.
Điều này có nghĩa là nếu bạn làm một công việc có tính chất căng thẳng và khiến bạn lo lắng, bạn cần tìm ra cách chống lại hoặc giảm thiểu sự lo lắng này nếu không sức khoẻ của bạn sẽ đi xuống một cách trầm trọng.
2
Phân tích và giải quyết sự lo lắng, phá bỏ thói quen lo lắng trước khi nó tàn phá chúng ta
“Sự rối trí là nguyên nhân chính của nỗi lo lắng.” Herbert E. Hawkes, giáo sư trường đại học Columbia cho biết. Theo ông, rất ít người dành thời gian phân tích nguyên nhân gốc rễ khi họ lo lắng. Ông cho rằng tất cả các loại lo lắng đều có thể được giải quyết bằng cách áp dụng 3 bước phân tích đơn giản bên dưới.
Hãy phân tích cách mà Galen Litchfield – một trong những doanh nhân Hoa Kỳ thành đạt nhất ở Châu Á đã sử dụng để giải quyết nỗi lo của chính mình. Litchifield có mặt ở Trung Quốc vào năm 1942 khi quân Nhật chiếm đóng Thượng Hải. Anh nhận được nguồn tin rằng một đô đốc người Nhật đã phát hiện ra tài sản mà anh đã giấu. Hình phạt của anh là bị ném vào phòng tra tấn khét tiếng của phát xít Nhật. Anh ta biết tin vào ngày chủ nhật và cực kì lo lắng. Tuy nhiên để trấn an tinh thần của mình, anh đã làm theo ba bước sau:
Đầu tiên, hãy tìm hiểu sự thật về lý do tại sao bạn lại lo lắng: Litchfield lúc ấy đã lấy một máy đánh chữ và viết ra những gì anh ta lo lắng – có thể đó là điều kinh khủng nhất: bị tra tấn đến chết.
Thứ hai, phân tích những gì mà mình có thể làm được để giải quyết vấn đề đó: Litchfield đã liệt kê các giải pháp khác nhau để giải quyết tình huống hiện tại: chạy trốn, cố gắng giải thích hoặc giả vờ như không có gì xảy ra.
Thứ ba, suy nghĩ thật kĩ và đưa ra quyết định về những việc cần làm và thực hiện: Litchfield đã quyết định vẫn đến văn phòng vào thứ hai như thường lệ và xem như không có gì xảy ra.
Sáng hôm sau, khi anh ta bước vào văn phòng, viên đô đốc người Nhật vẫn ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc lá và chỉ trừng mắt nhìn anh như thường lệ và không nói lời nào. Sáu tuần sau, ông ta trở về Tokyo và nỗi lo lắng của Litchfield chấm dứt.
Như bạn có thể thấy, một vấn đề được diễn đạt rõ ràng là một vấn đề đã được giải quyết xong một nửa. Phần lớn những người thành công trong việc đương đầu với những sự lo lắng là nhờ vào phương pháp phân tích cốt lõi vấn đề và hành động.
3
Khi bạn đã quyết định và tiến hành thực hiện kế hoạch rồi, đừng bận tâm gì nữa
Bạn đã bao giờ đưa ra một quyết định mà lại không thực hiện và cứ lẩn quẩn trong vòng suy nghĩ về nó: Liệu đây là quyết định đúng? Liệu chúng ta còn một cách nào khác tốt hơn? Hầu như ai cũng đều như vậy. Tuy nhiên nó có thể rất nguy hiểm khi bạn đang cố gắng tìm cách giải quyết những lo lắng của mình.
Khi bạn đang cố gắng tìm ra đáp án cho vấn đề của mình, việc đầu tiên cần làm đó chính là phân tích thông tin dưới cái nhìn toàn diện và điềm tĩnh hơn. Bước này giúp chúng ta loại trừ các ảnh hưởng của cảm xúc. Nhưng một khi giai đoạn phân tích này hoàn tất và bạn đã có đáp án cụ thể cho mình bằng một hành động cụ thể, bạn không nên quay lại giai đoạn phân tích nữa.
Hãy luôn nhớ rằng: Nếu chúng ta không hành động, tất cả nỗ lực tìm hiểu và phân tích sẽ thành công cốc và chỉ là một sự phí phạm năng lượng. Một khi bạn đã đưa ra quyết định một cách cẩn trọng dựa trên các dữ liệu thực tế thì hãy cứ bắt tay vào hành động. Đừng đắn đo xem xét, đừng chần chừ, lo lắng hay lùi bước. Việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến chúng ta rối trí thêm mà thôi. Đến một ngưỡng nào đó việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy điều chúng ta cần làm là phải quyết định, rồi hành động đến cùng.
4
Sống với hiện tại, bỏ qua quá khứ
Bạn đã bao giờ dành cả một đêm không ngủ để nghiền ngẫm về một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ hoặc cảm thấy bất an về một việc gì đó có thể xảy đến trong tương lai? Hãy yên tâm vì bạn không hề đơn độc – hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng này. Nhưng liệu suy nghĩ đó có ý nghĩa gì không?
Lo lắng về điều đã xảy ra trong quá khứ hay một điều mơ hồ trong tương lai là một việc vô nghĩa.
Bằng những chiêm nghiệm cuộc sống, nhà văn Stephen Leacock đã từng thảng thốt:
“Cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta mới kỳ lạ làm sao!
Khi còn bé, ta thường bắt đầu câu chuyện của mình bằng câu nói: “Sau này lớn lên, ta sẽ …”.
Đến khi lớn lên, ta lại nói: “Khi nào trưởng thành, ta sẽ …”
Trưởng thành rồi, ta bảo: “Sau khi kết hôn, ta sẽ …
Và kết hôn xong, ta mơ màng: “Đến lúc được nghỉ hưu, ta sẽ …”
Rồi đến khi nghỉ hưu, nhìn lại cuộc đời, con người ngỡ ngàng khi thấy dường như có một cơn gió lạnh đã cuốn trôi tất cả.
Khi hiểu ra rằng mình phải sống trọn vẹn từng giờ, từng khắc của hiện tại thì đã quá muộn”
Và rồi chúng ta lại hỏi điều gì đang xảy ra vậy?
Do đó, để tránh việc mình cũng có số phận buồn giống như trên, bạn chỉ nên sống cho hiện tại.
Con người luôn có những sai lầm đáng tiếc đã xảy ra ở quá khứ. Hãy đặt một lệnh “dừng” đối với nỗi lo lắng của chúng ta. Đừng dành cho nó sự quan tâm quá mức. Hãy tự nhắc bản thân rằng: “Chuyện cũng đã vậy rồi; không thể khác được”. Cách duy nhất để làm cho quá khứ trở nên hữu ích là dũng cảm phân tích những lỗi lầm đã qua để tự rút ra bài học — rồi quên hẳn chúng đi.
Tất nhiên, bạn vẫn nên lập kế hoạch và chuẩn bị cho tương lai nhưng đừng biến điều đó trở thành một nỗi lo của chính mình. Cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai là làm những điều tốt nhất mà bạn có thể làm trong cuộc sống và công việc của bạn ở thời điểm hiện tại.
Shakespeare đã từng nói: “Người khôn ngoan không bao giờ chịu ngồi than vãn trước thất bại của mình, mà sẽ hăm hở tìm mọi cách khắc phục để bù đắp lại những mất mát đã xảy ra”.
Hẳn nhiên chúng ta ai cũng có lúc phạm phải sai lầm và làm những điều ngớ ngẩn! Nhưng như thế thì đã sao? Có ai là người chưa từng phạm sai lầm? Ngay đến Napoleon cũng bị thua trong 1/3 số trận đánh quan trọng của mình. Dù sao thì cũng chẳng ai có thể quay ngược lại quá khứ. Bởi vậy, bạn hãy tự nhớ: Sống với hiện tại và để cho quá khứ tự chôn vùi những sai lầm của nó.
5
Bất cứ khi nào bạn gặp phải rắc rối, hãy đương đầu với tình huống xấu nhất và cố gắng cải thiện nó
Một người đàn ông tên Earl P. Haney đã được bác sĩ chẩn đoán về căn bệnh loét tá tràng vô phương cứu chữa của mình. Thay vì nằm liệt trên giường bệnh mỗi ngày, ông đã quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới. Ông còn đặt mua một chiếc quan tài rồi thỏa thuận với công ty tàu biển để mang theo chiếc quan tài đó. Nếu ông chết, họ sẽ bảo quản thi thể trong ngăn lạnh cho đến khi con tàu quay về nước.
Và điều kì diệu đã xảy ra, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, chưa bao giờ trong đời ông cảm thấy khỏe hơn thế. Ông quay lại làm việc một cách đầy nhiệt huyết.
Thật ra, Haney đã áp dụng các quy tắc chế ngự nỗi lo âu, dù bản thân không hề hay biết:
Nếu bạn lo lắng về điều gì đó, trước tiên hãy tự hỏi bản thân: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”. Bạn có thể mất việc, bị bỏ tù hoặc thậm chí bị giết.
Như tình huống trên, câu trả lời của Earl P. Haney là cái chết chậm chạp và kéo dài.
Thứ hai, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận trường hợp xấu nhất. Một khi bạn chấp nhận trường hợp xấu nhất này, bạn có thể sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn nhiều. Giống như Haney, ông phải đón nhận nó vì không còn lựa chọn nào khác. Các bác sĩ nói trường hợp của ông đã hết hy vọng.
Thứ ba, hãy nỗ lực cố gắng cải thiện tình trạng này bằng mọi cách. Haney đã cố gắng cải thiện tình hình bằng việc tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại. Nếu sau khi lên tàu, ông vẫn còn ôm khư khư mối lo lắng, thì chắc chắn trên hành trình trở về, ông đã nằm gọn trong quan tài. Và chính sự thư thái của tâm hồn đã đem lại nguồn năng lượng dồi dào và thực sự nó đã cứu sống ông.
6
Đừng lãng phí năng lượng của chính bản thân vào sự hận thù không lối thoát: Hãy tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình và bạn sẽ ngừng lo lắng về những vấn đề nằm ngoài khả năng của mình
Hầu hết mọi người đều trải qua cảm giác tiếc nuối, băn khoăn hoặc căng thẳng về bất kỳ trải nghiệm tiêu cực nào mà họ gặp phải. Trong khi đó chúng ta có thể ở một tâm trạng tốt hơn nếu chính bản thân mình tự rời xa những điều tiêu cực này. Không ai có quyền làm chúng ta đau khổ trừ chính bản thân mình.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể giảm thiểu sự lo lắng, buồn phiền về những điều bất hạnh trong cuộc sống? Một giải pháp đáng ngạc nhiên được tác giả đề cập nằm ở một chiến lược nổi tiếng của một nhà đầu tư chứng khoán tài ba nó gọi là “lệnh dừng lỗ”.
Lệnh dừng lỗ cho phép bạn cố định khoản thua lỗ của mình ở một giá trị nhất định. Nếu mua một loại cổ phiếu nào đó, chẳng hạn với giá 50 đô-la thì nhà đầu tư sẽ đồng thời đặt một lệnh bán dừng lỗ ở mức 45 đô-la. Nghĩa là, nếu giá cổ phiếu này sụt giảm quá 5 điểm so với chi phí mua ban đầu thì nó sẽ được tự động bán ra để khoản lỗ tối đa chỉ giới hạn ở mức sụt giảm 5 điểm.
Ngay đến đại văn hào Leo Tolstoy, tác giả của 2 bộ tiểu thuyết vĩ đại “Chiến tranh và hòa bình” đáng ra sẽ có một cuộc sống vui hơn nếu biết sử dụng lệnh dừng lỗ cho cuộc đời của mình. 50 năm sống trong một địa ngục trần gian, với một cuộc hôn nhân không hề hạnh phúc – chỉ vì không ai đủ sáng suốt để nói hai từ “Dừng lại”. Trong suốt 50 năm ấy, ông và người vợ của mình đã dày vò lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau đến nỗi tự biến tổ ấm duy nhất của mình thành cái mà Tolstoy vẫn gọi là “nhà thương điên”. Không ai đủ tỉnh táo cân nhắc cái được cái mất và chỉ ra: “Hãy đặt một lệnh dừng với việc này ngay lập tức. Chúng ta đang phí hoài cuộc đời mình. Hãy cùng nói: Thế là đủ!”.
Lệnh dừng lỗ cũng có thể được áp dụng cho các mối hận thù. Nói cách khác, chúng ta sẽ là những kẻ dại dột khi lãng phí quá nhiều điều trong đời để đổi lấy những thứ không đáng được như thế. Tổng thống Lincoln đã từng nói khi có một ai đó chỉ trích chính kẻ thù của mình: “Sự oán giận của các anh mạnh hơn tôi. Cũng có thể do tôi không giận dai được. Nhưng tôi thấy giận dai không mang lại lợi ích gì. Chẳng ai có đủ thời gian để dành cả nửa đời cho việc cãi cọ. Nếu người ta ngừng công kích tôi thì tôi cũng sẵn sàng quên đi những chuyện từng xảy ra trước đây”.
Vì vậy, từ đây trở về sau, hãy đặt lệnh dừng lỗ cho những thứ khiến bạn lo lắng và đau buồn.
7
Hãy hạnh phúc hơn bằng cách tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống
Hầu hết mọi người sẽ cho rằng cảm xúc ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên trên thực tế, nhà tâm lý học William James với bề dày kiến thức khó ai sánh kịp về tâm lý học ứng dụng, từng nhận xét như sau: “Thực ra hành động và cảm xúc luôn song hành cùng nhau; tuy nhiên hành động dễ chịu sự điều khiển trực tiếp của lý trí hơn; Do đó, bằng cách điều chỉnh hành động, chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm xúc của mình”.
Một cách để cảm thấy hạnh phúc hơn là hãy hoạt bát lên, hãy nói và hành động như thể niềm vui vẫn đang ngập tràn trong tim. Nếu bạn cảm thấy buồn, hãy nở một nụ cười thật tươi tắn và chân thành; ưỡn ngực ra, vươn vai và hít một hơi thật sâu. Nếu bạn không hát được thì có thể huýt sáo. Không huýt sáo được thì hãy ngân nga.
Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng phải thể hiện mình là một người vui vẻ. Marcus Aurelius, triết gia vĩ đại, người cai trị Đế chế La Mã đã tổng kết lại điều này trong 8 từ một cách khéo léo: “Our life is what our thoughts make it” ( tạm dịch: Suy nghĩ của chúng ta tạo nên cuộc đời chúng ta). Đúng vậy, nếu suy nghĩ tích cực thì chúng ta sẽ hạnh phúc. Nếu suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta sẽ khốn khổ. Nếu cho rằng mình sẽ ốm, chúng ta có thể bị ốm thật. Nếu nghĩ rằng mình thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại.
Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ rằng phần lớn những gì chúng ta cho là xấu xa đều có thể biến đổi thành những điều tốt lành trong trẻo nếu người trong cuộc chịu thực hiện một việc rất đơn giản là suy nghĩ tích cực hoặc hành động vui tươi.
8
Đừng mong đợi sự biết ơn vì niềm vui chính là sự cho đi
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn giúp một ai đó. Họ có thể hiện lòng biết ơn với bạn không? Lúc đó bạn cảm thấy thế nào? Có phải bạn cảm thấy bị xúc phạm và thất vọng? Tác giả cho rằng một sai lầm đáng buồn mà con người thường mắc phải, đó là mong đợi được biết ơn. Lúc đó chúng ta không thực sự hiểu rõ bản chất con người. Bản tính con người vốn ích kỷ và vô ơn. Nếu chúng ta cứ cố chấp, đòi hỏi thái độ biết ơn thì chúng ta chỉ tự chuốc lấy bực dọc và đau khổ cho mình.
Một người biết rõ điều này chính là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, người đã viết trong nhật ký của mình. “Hôm nay ta sẽ lại gặp những kẻ nói nhiều, ích kỷ, tự cao tự đại và vô ơn. Nhưng ta sẽ không ngạc nhiên hay bực dọc, bởi ta không thể tưởng tượng nổi thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu những loại người như thế”.
Một người khác cũng có nhận định tương tự, đó là luật sư Samuel Leibowitz. Trong suốt sự nghiệp của mình, Samuel Leibowitz – người từng là một luật sư hình sự nổi tiếng trước khi trở thành thẩm phán – đã từng giúp 78 người thoát khỏi cái án ngồi ghế điện! Theo bạn, bao nhiêu trong số này từng nói lời cảm ơn đối với Samuel Leibowitz hoặc nhớ gửi cho ông một tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh? Bao nhiêu người? Bạn thử đoán xem,… và đáp án là không ai hết.
Vì vậy, hãy ngừng mong đợi lòng biết ơn khi bạn tử tế với ai đó. Thay vào đó, hãy lấy niềm vui từ chính hành động đó. Điều này chắc chắn sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn và mang lại cho bạn niềm vui ngay cả khi người kia không đánh giá cao hành động này.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng “Lòng biết ơn là trái ngọt cần vun trồng”. Vì vậy, nếu muốn con cái có thái độ biết ơn thì chúng ta phải dạy bảo chúng bằng chính hành động và thái độ tích cực của mình.
9
Đừng ghen tị hay bắt chước một ai, hãy là phiên bản của chính mình
Đầu tiên, xin chúc mừng, bạn là phiên bản duy nhất của mình. Không có một ai khác trên đời hoặc trên trái đất này giống như bạn. Gen của bạn là duy nhất ngay cả khi có anh chị em ruột cùng sinh ra và khả năng có ai đó giống bạn là 1/300.000.000.000.
Mặc dù thực tế tuyệt vời như vậy, nhiều người trong chúng ta vẫn luôn mong muốn trở thành một người khác vì một lý do nào đó. Nhưng các bạn nên nhớ rằng nếu bạn sống theo cách này tức là bạn đang biến cuộc đời của mình thành vô nghĩa. Hãy là chính bạn, tự tin với những điều độc đáo của mình.
Đừng lãng phí thời gian bắt chước những người khác trước khi nhận ra rằng ta phải là chính ta chứ không thể là ai khác được. Theo triết gia nổi tiếng William James, người bình thường chỉ phát huy được 10% tiềm năng trí tuệ của mình. Ông đang ám chỉ những người không bao giờ nhận ra chính mình. Ông viết: “So với khả năng thực của mình, chúng ta mới chỉ được đánh thức một nửa. Chúng ta chỉ mới đang sử dụng một phần rất nhỏ nguồn lực thể chất và trí tuệ của mình. Nói một cách tổng quát, cá nhân mỗi người có thể làm được nhiều thứ vượt xa giới hạn của bản thân. Con người sở hữu những nguồn sức mạnh mà chúng ta thường không biết cách sử dụng đến”.
Một người đã học được bài học quý giá này là Edith Allred. Do chấn thương thời thơ ấu, Allred rất lo lắng và không tự tin về bản thân. Lớn lên, tuy kết hôn với một người hơn mình mấy tuổi, nhưng bà vẫn không thể thay đổi. Mọi người bên gia đình chồng bà ai cũng tự tin và đĩnh đạc. Họ có tất cả những gì mà bà ao ước. Bà cố gắng để được như họ, nhưng không thể. Thời gian trôi qua, Allred bắt đầu có ý định về việc tự tử.
Điều gì đã làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ bất hạnh này? Chỉ là một lời nhận xét ngẫu nhiên! Một ngày nọ, mẹ chồng Allred kể lại việc bà đã nuôi dạy những đứa con của mình trưởng thành như thế nào. Bà nói: “Dù có xảy ra chuyện gì, mẹ vẫn luôn nhắc chúng hãy luôn là chính mình”. “Luôn là chính mình!”. Chính câu nói đó đã thay đổi đời Allred! Ngay lập tức, bà nhận ra mình đã tự làm khổ bản thân chỉ vì ép mình vào một khuôn mẫu hoàn toàn không phù hợp.
Để gieo mầm một thái độ tinh thần giúp xua tan lo lắng và mang lại sự thanh bình, hãy thực hiện Nguyên tắc: Đừng bắt chước người khác, hãy khám phá bản thân và tự tin là chính mình.
10
Mọi người thích chỉ trích những người mà họ ghen tị - Hãy nghĩ về những lời chỉ trích đó như những lời khen được nguỵ trang
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao các chính trị gia và người nổi tiếng dường như luôn phải chịu sự gạch đá từ dư luận? Lý do khá đơn giản: mọi người luôn lấy việc người khác thất bại làm niềm vui của chính mình. Tại sao lại như vậy? Bởi vì mọi người rất dễ chỉ trích những người họ ngưỡng mộ và ghen tị. Mọi người cảm thấy hài lòng về bản thân hơn khi cố gắng chỉ trích những người hoàn hảo hơn họ.
Một ví dụ cực đoan về xu hướng này là một bức thư mà tác giả nhận được đến từ một người phụ nữ nóng nảy và khó chịu. Cô đã tâm sự với tác giả về William Booth, người mà cô tố cáo là kẻ lừa đảo và biển thủ. William Booth lúc bấy giờ là nhà sáng lập và Tướng quân đầu tiên của Cứu Thế Quân. Ông được chọn vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại. Rõ ràng, người phụ nữ này đã đạt được một ít niềm vui từ việc cố gắng bôi nhọ một nhân vật cực kì nổi tiếng như vậy.
Chính bởi vì mọi người rất dễ chỉ trích những người họ ngưỡng mộ và ghen tị, cho nên hãy nhận những lời chỉ trích như một lời khen. Nói cách khác, nếu bạn bị chỉ trích, điều đó có nghĩa là bạn đang đạt được những điều mà người ta mong muốn. Bạn càng bị chỉ trích, bạn càng có ảnh hưởng và quan trọng đối với mọi người.
11
Học cách thư giãn và nghỉ ngơi trước khi bạn quá mệt mỏi
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng sau một ngày làm việc mệt mỏi, tâm trạng của bạn sẽ cực kì tồi tệ khi về nhà? Hầu hết mọi người sẽ cho rằng công việc văn phòng đã làm họ
suy sụp.
Nhưng phát ngôn như vậy là hoàn toàn không đúng – làm việc trí óc không thể khiến bạn mệt mỏi. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng bộ não chúng ta thậm chí sẽ không bị mệt sau 12 giờ làm việc.
Vì vậy, điều gì đằng sau sự kiệt sức này? Các bác sĩ tâm thần học đều đồng tình và cho rằng cảm xúc là nguyên nhân phổ biến nhất của sự mệt mỏi. Những sự mệt mỏi đến từ cảm xúc tiêu cực, buồn chán, lo lắng.
Để ngăn chặn mệt mỏi và lo âu, quy tắc đầu tiên phải tuân theo là: Nghỉ ngơi thường xuyên. Nghỉ ngơi trước khi bạn bị mệt mỏi. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi mệt mỏi có thể tích tụ với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc.
Một người lao động chân tay sẽ làm được nhiều việc hơn nếu có thêm thời gian nghỉ ngơi. Frederick Taylor đã chứng tỏ điều đó trong thời gian làm kỹ sư quản lý cho Công ty Thép Bethlehem. Ông quan sát thấy trung bình, mỗi công nhân chất được 12,5 tấn hàng lên xe là đã bị kiệt sức. Sau khi làm một nghiên cứu khoa học có tính đến tất cả các yếu tố gây mệt mỏi, ông nhận ra những công nhân này đáng lẽ phải chất được 47 tấn mỗi ngày chứ không phải 12,5 tấn! Nghĩa là họ sẽ tăng gần 4 lần công suất hiện tại mà vẫn không bị mệt mỏi.
Ông đã chọn một công nhân tên là Schmidt và yêu cầu anh này làm theo sự hướng dẫn của một người cầm chiếc đồng hồ bấm giờ đứng bên cạnh, nhắc nhở thời gian nghỉ ngơi giữa những lần Schmidt khiêng thép.
Kết quả ra sao? Schmidt vác được 47 tấn thép mỗi ngày, Người công nhân này có thể làm được thế là bởi anh đã nghỉ ngơi trước khi bị quá sức. Trong 1 giờ, anh làm việc khoảng 26 phút và dành 34 phút còn lại để nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ của anh còn nhiều hơn thời gian làm – nhưng khối lượng công việc đạt được lại gấp 4 lần người khác!
Bài học rút ra là gì: Hãy làm theo nguyên tắc hoạt động của trái tim bạn – nghỉ ngơi trước khi bị quá sức. Và như thế, mỗi ngày bạn có thể góp thêm một giờ cho quỹ thời gian của mình.
12
Tận hưởng công việc và loại bỏ căng thẳng bằng các thói quen tốt
Công việc là thứ chiếm 1/3 thời gian, thậm chí là 1/2 thời gian mỗi ngày của chúng ta. Hãy thử tính, với một công việc mà bạn không yêu thích nhưng lại ép buộc bản thân làm công việc đó. Bạn sẽ chịu được những áp lực từ công việc đó trong bao lâu?
Nếu bạn có thể đi làm mà vui cười, tìm được niềm hạnh phúc thực sự thì bạn đã có hạnh phúc trong công việc. Còn nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi với công việc, cảm thấy chỉ có áp lực công việc trong suốt một ngày dài thì không có số tiền nào trên thế giới có thể làm bạn hài lòng.
Giống như Thomas Edison nhà khoa học, nhà sáng chế và một thương nhân đã phát minh ra rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Bạn có bao giờ tự hỏi động lực nào khiến ông làm việc đến 18 – 20 giờ/ngày không mệt mỏi cũng như mang đến cho nhân loại vô số bằng sáng chế? Bởi lẽ, Edison tận hưởng mỗi phút làm việc chăm chỉ của mình và ông luôn tâm niệm: “Tôi không bao giờ làm việc một ngày trong cuộc sống của tôi, nó là tất cả những niềm vui”
Bạn chắc chắn đã nghe ở đâu đó rất nhiều lần rằng “Nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải làm việc”. Thật sự việc lựa chọn công việc mình thích rất quan trọng, đó là quyết định cho việc liệu sau này tuổi già ập đến bạn có hối hận với sự lựa chọn của mình không?
Ví dụ như trường hợp của Phil Johnson – cựu chủ tịch tập đoàn Boeing. Ít ai biết rằng từ thời thơ ấu, ông đã được cha của mình nuôi dưỡng và dạy dỗ để sau này có thể đứng ra quản lí một tiệm giặt là của gia đình. Thế nhưng hi vọng của cha ông bị dập tắt khi Phil Johnson tỏ ra vô cùng chán ghét công việc này. Ông ngỏ ý với cha mong muốn làm thợ máy. Trong khi cha ông bị sốc với quyết định này thì bản thân Phil rất vui khi ông được làm việc với máy móc, nó làm ông say mê đến lạ. Chính sự quyết tâm này đã giúp ông trở thành người mà ông mong muốn, mỗi ngày làm việc là một ngày vui.
Trong cuốn sách này, bên cạnh việc chỉ ra rằng con người của chúng ta có thể giảm bớt sự lo âu mệt mỏi trong công việc bằng nhiệt huyết, đam mê của chính bản thân mình, tác giả cũng đã chỉ ra 4 thói quen được áp dụng trong làm việc để có một thái độ tích cực hơn:
1. Dọn sạch tất cả giấy tờ trên bàn, trừ những thứ liên quan đến vấn đề đang giải quyết.
2. Xử lý mọi việc theo thứ tự quan trọng.
3. Khi gặp vấn đề nảy sinh, hãy giải quyết luôn nếu thấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định.
4. Học cách tổ chức, ủy quyền và giám sát công việc
Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách:
Trong cuộc sống, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có đôi lần gặp khó khăn, đôi lần vấp ngã. Nhưng những lúc như vậy liệu chúng ta có thể đứng dậy, đánh gục tất cả và tiếp tục đối mặt với tương lai hay không?
Lo lắng có thể gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, do đó bạn nên tìm cách giải quyết những lo lắng của mình.
Những lời khuyên thiết thực và sâu sắc của Dale Carnegie vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đó là:
– Việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí và lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định, rồi hành động đến cùng.
– Hãy đóng chặt những cánh cửa dẫn đến quá khứ và tương lai. Chỉ sống trong những vách ngăn của hiện tại.
– Nhìn nhận những mặt tích cực của cuộc sống
– Khi làm việc đến quên mình, ta cũng quên đi mọi lo lắng
– Hãy quên đi bản thân bằng cách quan tâm đến người khác. Mỗi ngày làm một điều tốt có thể khiến ai đó mỉm cười, đừng đòi hỏi sự biết ơn.
– Không ai soi mói một kẻ tầm thường. Một lời chỉ trích bất công chính là một lời khen trá hình dưới mác ganh tị.
Lời khuyên:
Hãy đặt lệnh dừng lỗ cho cuộc sống của mình
Lần tới khi bạn gặp phải một điều khiến bản thân cảm thấy khó chịu, hãy sử dụng chiến lược dừng lỗ. Chỉ cho phép bản thân nghiền ngẫm sự việc trong một khoảng thời gian nhất định nhưng nếu bạn vẫn không thể giải quyết nó thì chỉ đơn giản là hãy từ bỏ nó. Nó không đáng để bạn hao phí năng lượng và tiềm năng của mình.
Chấp nhận và cải thiện tình huống xấu nhất.
Khi bạn thấy mình lo lắng về điều gì đó, thay vì tránh suy nghĩ về trường hợp xấu nhất, hãy chấp nhận và đương đầu với nó. Hãy suy nghĩ về trường hợp xấu nhất thực sự có thể là gì. Sau đó chấp nhận và tìm cách cải thiện.
Thư giãn trước khi bạn kiệt sức
Khi bạn đang làm việc gì đó, hãy dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn trước khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi. Điều này sẽ làm tăng đáng kể năng suất và giảm được sự lo lắng của bạn.
Tóm tắt sách Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
Wiki Sách Tóm Tắt