Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

Ít có quyển sách nào có khả năng gây tranh cãi trong suốt nhiều thế kỷ như “Quân vương”. Với nhiều người, tuyệt tác của Niccolò Machiavelli chứa đựng quá nhiều mưu đồ chính trị xấu xa và vô lương tâm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng những luận thuyết mà ông đưa ra rất thực tế và sâu sắc. Dù thế nào thì “Quân vương” vẫn là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử chính trị thế giới, là kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của rất nhiều chính trị gia, doanh nhân từ quá khứ đến hiện đại. 

Quyển sách này dành cho ai? 

  • Những người lãnh đạo hoặc những người muốn tìm hiểu về phong cách lãnh đạo
  • Bất kỳ ai quan tâm đến triết học và lịch sử chính trị thế giới 

Về tác giả 

Niccolò Machiavelli là một nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà văn người Ý thời Phục hưng, được mệnh danh là “cha đẻ của khoa học chính trị”. “Quân vương” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được viết vào năm 1513. 

 

1

"Quân vương" - cuốn sách nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử chính trị thế giới

“Quân vương” được viết vào năm 1513, là món quà đặc biệt được Niccolò Machiavelli dâng lên gia tộc Medici (đang cai trị vùng đất Florence khi đó). Nhưng tiếc thay, nó đã không được coi trọng. Mãi đến năm 1532, sách mới chính thức được xuất bản lần đầu (lúc này Machiavelli đã qua đời). 

Trong suốt gần 500 năm tiếp theo, “Quân vương” đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí bị đình chỉ và ngừng tái bản nhiều lần. Những người phản đối cho rằng cuốn sách đang cổ xúy những điều xấu xa, vô nhân đạo, đi ngược lại với tinh thần đạo đức của con người và các chuẩn mực tôn giáo. Thậm chí, họ còn dùng từ “Machiavellian” để ám chỉ những con người thủ đoạn, xảo quyệt. Tất nhiên, vẫn có những người ủng hộ “Quân vương”. Với họ, cuốn sách chỉ đơn thuần nói lên sự thật về bản chất con người và nghệ thuật chính trị. 

Bỏ qua những tranh cãi, “Quân vương” vẫn là một cuốn sách đáng đọc. Khi viết tác phẩm này, Machiavelli đã vượt lên những chuẩn mực đạo đức và tôn giáo thông thường, bất chấp mọi ý kiến phê phán của hầu hết các tầng lớp xã hội thời đó – một điều hiếm thấy trong các cuốn sách viết về chủ đề chính trị. 

Trong quá khứ, có nhiều chính trị gia nổi tiếng như Napoleon Bonaparte và Benjamin Franklin đã tiếp thu tư duy của Machiavelli. Và sau khi đọc quyển sách, bạn sẽ nhận ra: nhiều chính trị gia đương thời cũng đang áp dụng “thuật trị quốc” do Machiavelli khởi xướng. 

2

Làm thế nào để cai trị một vùng đất vừa chinh phục? 

Hãy tưởng tượng bạn là vua của một nước, và bạn vừa chinh phục được một nước khác. Nhưng thật đáng tiếc, dân chúng ở đây không coi bạn là vua, họ chỉ coi bạn là kẻ xâm lược, dân ngoại đạo mà thôi. Bậc đế vương nên làm gì trong tình huống này? 

Để cai trị một vùng đất vừa chinh phục, bậc đế vương phải chứng minh được giá trị và sức mạnh của mình bằng cách tuân theo một vài nguyên tắc dưới đây. 

– Nguyên tắc đầu tiên, người chinh phục phải đích thân tới sống ở vùng đất vừa chiếm được. Mục đích lớn nhất của hành động này là “phát hiện vấn đề từ trong trứng nước” và nhanh chóng tìm cách giải quyết, vì bạn phải “ở trong chăn” thì bạn mới “biết chăn có rận”. Đặc biệt, những lực lượng ngoại bang có ý định xâm chiếm vùng đất này sẽ phải dè chừng khi nghe tin “đất đã có vua”. 

– Nguyên tắc thứ hai, nếu không thể thân chinh đến vùng đất mới, bậc đế vương phải thực hiện chính sách di dân chính quốc đến đây. Mục đích lớn nhất của hành động này là tạo sự dung hoà về mặt văn hoá, giúp người dân thuộc địa thích nghi từ từ. Về cơ bản, “con người thường sinh sống một cách hiền hòa, miễn là cách sống quen thuộc của họ không bị đảo lộn, tập tục không bị thay đổi”. Điều quan trọng là bạn phải áp dụng chính sách công bằng, bình đẳng, không phân biệt dân chính quốc và dân thuộc địa. 

Hãy hạn chế xây dựng quân đội ở thuộc địa, vì việc duy trì một đội quân ở một vùng đất mới tốn kém hơn nhiều so với việc di dân, chưa kể hành động này còn mang lại nhiều tác động tiêu cực. Quân đội tạo sức nặng tâm lý cho mọi người, quân đội cũng có thể đứng lên tạo phản. Giữa việc chung sống hoà bình với một người lạ và sống giữa sự kìm kẹp, dòm ngó của một lực lượng – theo bạn cái nào dễ chịu hơn? 

– Nguyên tắc thứ ba, bậc đế vương phải chủ động loại bỏ những mối đe doạ càng sớm càng tốt. Hãy bảo vệ những nước láng giềng yếu hơn và tìm cách làm suy yếu những nước láng giềng mạnh hơn. Nếu bạn bảo vệ những kẻ yếu, họ sẽ sẵn lòng đi theo bạn, và dần dần, bạn sẽ có một liên minh đủ mạnh để chống lại bất kỳ thế lực nào. Đặc biệt, sau khi âm thầm làm suy yếu những kẻ mạnh, bạn nên quay lại và… ra tay cứu vớt họ, họ sẽ rất cảm kích đấy! Có một điều quan trọng bạn nên lưu ý: đừng để kẻ yếu có cơ hội trở thành kẻ mạnh. 

Người La Mã tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trên, nhất là sau khi họ chiếm được Hy Lạp. Cụ thể, ngay từ đầu, người La Mã đã chủ động di dân đến vùng đất mới, giữ thái độ thân thiện với người Achaea và người Aetolia, song song với việc khuất phục vương quốc Macedonia và đánh chiếm vương quốc Seleukos. Thế nhưng, sau khi tình hình ổn định, họ nhất quyết không nhường cho người Achaea và người Aetolia bất kỳ vùng đất nào. Người La Mã không chỉ đề phòng những vấn đề trước mắt, họ còn lường trước và tìm cách phòng tránh cả những biến cố trong tương lai. 

Louis XII của Pháp đã không tuân thủ những nguyên tắc trên sau khi chiếm được miền Bắc nước Ý. Và không có gì ngạc nhiên khi ông nhanh chóng mất quyền kiểm soát vùng đất này. 

3

Có những vùng đất dễ chinh phục nhưng khó cai trị, cũng có những vùng đất khó chinh phục nhưng dễ cai trị

Alexander Đại đế qua đời vào năm 323 TCN, sau khi chinh phục Vương quốc Ba Tư. Thời điểm đó, ai cũng cho rằng người Macedonia sẽ nhanh chóng mất quyền kiểm soát Ba Tư. Tuy nhiên, thế hệ hậu bối của Alexander Đại đế đã duy trì quyền lực của mình ở vùng đất này trong nhiều năm sau đó. Bằng cách nào? 

Trên thực tế, tất cả các vương quốc đều được cai trị theo một trong hai hình thức: 

– Thứ nhất, vương quốc được cai trị bởi đấng quân vương cùng với sự trợ giúp của các cận thần. Ví dụ, toàn bộ đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) nằm dưới quyền thống trị của hoàng đế, những kẻ khác chỉ là bề tôi. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ chia đế chế thành nhiều tiểu quốc và cử người cai quản từng xứ. Những tiểu vương này có thể bị thuyên chuyển hoặc bãi chức bất cứ lúc nào theo ý muốn của hoàng đế. 

– Thứ hai, vương quốc do quân vương cùng với các lãnh chúa cai trị. Ví dụ, vây quanh vua nước Pháp là những lãnh chúa Pháp – vốn là những quý tộc được dân chúng trong lãnh địa của họ công nhận và yêu quý. Những lãnh chúa này có những quyền thế tập mà nhà vua không dám mạo hiểm tước bỏ. 

Trước khi muốn chinh phục một vùng đất, bạn phải tìm hiểu xem nó đang được cai trị theo hình thức nào. Có những vùng đất dễ chinh phục nhưng khó cai trị, cũng có những vùng đất khó chinh phục nhưng dễ cai trị. Hãy tiếp tục phân tích trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. 

Rõ ràng, chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ là chuyện không hề dễ dàng, vì nó vốn là một khối thống nhất. Các tiểu vương của đế chế này có rất ít khả năng “cõng rắn cắn gà nhà”, vì tất cả họ đều là bề tôi chịu ơn sâu nặng của hoàng đế. Cho dù một số kẻ có thể bị mua chuộc, nhưng những kẻ đó vẫn không đủ sức lôi kéo, xúi giục cả đất nước. Nếu muốn chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ, bạn phải dựa vào sức mình thay vì trông đợi đối phương mất đoàn kết. 

Nhưng nếu xét kỹ, khi chinh phục những vùng đất như Thổ Nhĩ Kỳ, bạn chỉ cần đối mặt với một đối thủ – chính là hoàng tộc đang trị vì đế chế. Một khi hoàng tộc này bị tuyệt diệt thì chẳng còn ai đáng sợ, vì những kẻ ngoài hoàng tộc vốn không được dân chúng tin tưởng. Lúc này, người chinh phục có thể dễ dàng thiết lập chế độ cai trị mới. 

Nhưng khi chinh phục nước Pháp, mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều ngược lại. Nếu lôi kéo được các lãnh chúa về phía mình, bạn có thể dễ dàng lật đổ vua Pháp. Tuy nhiên, cai trị vùng đất này thật sự là một thách thức. Những lãnh chúa có khả năng mở đường cho bạn, dĩ nhiên họ cũng có khả năng mở đường cho người khác. Nói tóm lại, bạn có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào (giống như người tiền nhiệm). 

Quay trở lại câu chuyện Alexander Đại đế chinh phục Ba Tư. Thời điểm đó, Ba Tư đang được cai trị theo hình thức thứ nhất – quân vương đứng đầu với sự trợ giúp của các cận thần. Vua Darius đã bãi bỏ tất cả các thể chế và buộc mọi người phải một mực trung thành với ông. Quả thật, Alexander Đại đế phải mất rất nhiều công sức mới có thể chinh phục được Ba Tư, nhưng sau khi chiếm được nó, chuyện cai trị bỗng trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng đến khó tin. Và không có gì bất ngờ khi người Macedonia có thể kiểm soát vùng đất này trong nhiều năm sau cái chết của Alexander Đại đế. 

Bạn sẽ cai trị vùng đất của mình theo hình thức nào? Cả hai hình thức đều có những ưu – nhược điểm riêng. Hãy căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng của bản thân để đưa ra quyết định. 

4

Hãy kết hợp tài trí với vận may 

Bậc đế vương có thể chinh phục một vùng đất theo nhiều cách: sử dụng lực lượng quân sự hùng mạnh hoặc thông qua các điều ước, thoả thuận quốc tế. Nhưng dù dùng cách nào thì bạn vẫn phải nhớ một điều quan trọng: hãy kết hợp tài trí với vận may. 

Xét cho cùng, “thời thế tạo anh hùng”, những người tài trí nhất vẫn cần vận may để bộc lộ khả năng của mình. Hãy tìm hiểu câu chuyện của Romulus. Vì biến cố, Romulus (và người em trai song sinh) phải rời thành phố Alba khi vẫn còn là một đứa trẻ. Cuối cùng, ông trở thành người sáng lập, vị vua đầu tiên của Đế chế La Mã. Với Romulus, việc phải rời khỏi Alba chính là “vận may”. Nếu không có sự cố đó, những đức tính đặc biệt của ông sẽ không có cơ hội được bộc lộ và phát huy. 

Trong trường hợp vận may đến một cách bất ngờ, bậc đế vương phải dùng tài trí để giữ vận may đó. Nhiều người trở thành vua chỉ sau một đêm, có thể họ được ai đó nâng đỡ, cũng có thể họ là “vật tế thần” trong một ván bài chính trị. Lúc này, tài trí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lên được đỉnh cao đã khó, ở trên đỉnh cao đó lại càng khó hơn. Bạn phải hành động nhanh chóng và khéo léo để giữ vững địa vị của mình sau khi được vận may chiếu cố, chẳng hạn như tìm cách kiểm soát các quý tộc trong nước, xây dựng quân đội riêng, loại bỏ dần những kẻ có mưu đồ lật đổ… 

Nói tóm lại, bậc đế vương cần cả tài trí và vận may. Hai yếu tố này phải được kết hợp một cách khéo léo, hài hoà với nhau. Thời thế tạo anh hùng, anh hùng cũng có thể tạo ra thời thế! 

5

Bậc đế vương có thể tàn nhẫn, cũng có thể bao dung

Nhiều người trở thành quân vương nhờ sự quỷ quyệt và hành vi tàn ác. Cũng có người trở thành quân vương nhờ sự ủng hộ của dân chúng. 

Agathocles xứ Syracuse được mệnh danh là “hình mẫu bạo vương của Machiavelli”. Ông xuất thân khiêm tốn, là con trai của một thợ làm gốm. Vào năm 317 TCN, ông đã tập hợp một đội lính đánh thuê, tấn công thành Syracuse, Sicily. Ban đầu, Agathocles thề rằng mình sẽ tuân thủ hiến pháp dân chủ ở đây, nhưng sau đó, ông đã thẳng tay giết hại 10.000 người mà ông cho là “nguy hiểm” (chủ yếu là những người thuộc giới tinh hoa). 

Câu chuyện này đã chứng minh: sự tàn nhẫn có thể giúp con người giành được quyền lực. Nhưng bậc đế vương nên nhớ: sự tàn nhẫn chỉ phát huy tác dụng nếu nó được sử dụng đúng cách. Khi chiếm lấy một đất nước, người chinh phục cần tính toán tất cả những điều ác mình phải làm và thực hiện chúng cùng một thời điểm thay vì thường xuyên lặp lại. Những tổn thương cần được dội xuống trong một lúc, bởi thời gian nếm trải tổn thương càng ngắn thì sự thù ghét xuất hiện càng ít. Trái lại, lợi lộc nên được ban phát nhỏ giọt theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đây chính xác là những gì Agathocles đã làm để duy trì sức mạnh của mình. 

Tất nhiên, sự tàn nhẫn không phải là cách duy nhất giúp một người giành được quyền lực. Bậc đế vương có thể chọn cách bao dung, bảo vệ thần dân của mình, cho họ những gì họ muốn. Ví dụ, những người nông dân luôn khao khát đủ ăn đủ mặc, không phải chịu sưu cao thuế nặng. Nếu bạn có thể giảm thuế hoặc miễn thuế cho họ, họ sẽ cảm kích và trung thành với bạn đến chết. 

Mục tiêu chính của hành động bao dung là làm cho “thần dân của bạn cảm thấy mắc nợ bạn”. Sau này, nếu đất nước xảy ra biến cố, ngôi vương của bạn lung lay, nhiều khả năng họ vẫn một lòng ủng hộ và bảo vệ bạn. Tất nhiên, những bậc đế vương theo đuổi chính sách tàn nhẫn sẽ không có được đặc ân này. 

Hành động tàn nhẫn có thể giúp một người giành được quyền lực một cách dễ dàng, nhưng xét về lợi ích lâu dài, sự bao dung là điều cần thiết. 

6

Bậc đế vương phải nắm vững nghệ thuật chiến tranh

Duy trì hoà bình là mục đích tối thượng của nhiều bậc đế vương, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xảy ra chiến tranh. 

Ngay cả đất nước đang hòa bình, yên ổn, mối quan hệ ban giao với nước láng giềng đang tốt đẹp, bạn vẫn phải duy trì và rèn luyện kỹ năng chiến đấu cho quân đội. Binh biến có thể ập đến bất cứ lúc nào! Hơn nữa, xét cho cùng, quân đội vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật – họ là lực lượng thực thi pháp luật và duy trì thể chế. 

Bên cạnh việc duy trì và rèn luyện kỹ năng chiến đấu cho quân đội, bậc đế vương còn phải đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình luôn ở mức tốt nhất. Bạn cũng đừng quên tự rèn luyện, tự mài giũa khả năng lãnh đạo. Mỗi khi có dịp ra ngoài, hãy quan sát thật kỹ cảnh quan xung quanh. Hãy tự hỏi xem với cảnh quan đó, mình nên bố trí lực lượng thế nào, phòng thủ – tấn công ra sao. Sự chuẩn bị này không hề dư thừa một chút nào! 

Đừng quên học hỏi từ những bậc tiền bối vĩ đại. Alexander Đại đế nghiên cứu rất kỹ cách dùng binh của Achilles – chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy, người được nhắc đến nhiều nhất trong sử thi Iliad. Về sau, Julius Caesar lại học hỏi cách đánh trận của Alexander Đại đế. 

Nói tóm lại, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu muốn duy trì quyền lực, cả bạn và quân đội của bạn đều phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. 

 

7

Bậc đế vương cần xây dựng quân đội của riêng mình, đừng dựa vào lính đánh thuê hoặc quân chư hầu

Người La Mã, Sparta và Thụy Sĩ có điểm gì chung? Về mặt lịch sử, họ có khả năng duy trì sự độc lập, tự do trong nhiều thế kỷ nhờ quân đội hùng mạnh. Và đây là một bài học vô cùng quan trọng: chỉ có quân đội quốc gia mới có thể bảo vệ được quốc gia. 

Đừng trông cậy vào lính đánh thuê – tức những người chiến đấu vì tiền. Họ không liên can gì đến sự tồn vong của đất nước mà bạn đang lãnh đạo. Trong trận chiến, nếu nhận thấy tình hình bất lợi, lính đánh thuê sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Còn trong trường hợp bạn thuê được một đội quân dũng mãnh, thiện chiến, nhiều khả năng họ sẽ quay lại và… lật đổ chính bạn. 

Ý đã mắc sai lầm khi liên tục dựa vào lính đánh thuê trong suốt thế kỷ 15 và 16. Kết quả là họ bị các vị vua Pháp (Charles và Louis) chinh phục một cách dễ dàng, thậm chí còn bị Ferdinand II của Vương quốc Aragon đánh tan tác. 

Một sai lầm nghiêm trọng khác mà nhiều bậc đế vương mắc phải là dựa vào quân đội chư hầu. Một khi để lực lượng chư hầu xâm nhập vào lãnh thổ của bạn, bạn sẽ khó lòng “tiễn” họ đi. Người Hy Lạp từng cho phép 10.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ đến đóng quân để bảo vệ họ khỏi sự tấn công của các nước láng giềng. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, người Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không chịu rời đi, cuối cùng họ chiếm đóng Hy Lạp trong nhiều thế kỷ. 

Tóm lại, cách tốt nhất để bảo vệ quốc gia là xây dựng quân đội quốc gia – lực lượng gồm những công dân ưu tú nhất, trung thành nhất. 

8

Hãy cân bằng sự hào phóng với sự keo kiệt

Những vị vua chuyên cướp bóc, bòn rút, thâu tóm tài sản của thần dân thường bị chê cười, lên án, tiếng xấu lưu truyền muôn đời. Vậy còn những vị vua hào phóng thì sao? 

Hào phóng là đức tính tốt, nhưng bậc đế vương đừng hào phóng thái quá. Nhiều khả năng bạn sẽ tiêu sạch quốc khố và cuối cùng, bạn buộc phải tăng thuế để làm đầy ngân sách, sau đó tiếp tục hào phóng. Vòng lặp này hoàn toàn vô nghĩa. Bạn sẽ bị thần dân ghét bỏ vì hành động tăng thuế, và sẽ bị chê cười khi lâm vào cảnh khánh kiệt tài sản. Đặc biệt, khi bạn nhận ra sự hào phóng không mang lại lợi ích và muốn thay đổi chính sách, cả nước sẽ đồng loạt chỉ trích bạn là người keo kiệt. 

Bậc đế vương phải biết cân bằng giữa sự hào phóng và sự keo kiệt. Đây là cách Julius Caesar đã áp dụng khi cai trị La Mã. Đầu tiên, ông tỏ ra cực kỳ hào phóng để xây dựng “thương hiệu cá nhân”. Cụ thể, Caesar đã chi rất nhiều tiền để thực hiện chương trình “bánh mì và rạp xiếc”. Ông phát bánh mì miễn phí hoặc bán với giá rẻ cho dân chúng và để họ đắm chìm trong những trận chiến võ sĩ giác đấu tàn bạo, mục đích chính là để loại bỏ những suy nghĩ chính trị trong đầu họ. Sau khi đạt được mục đích đó, Caesar ngay lập tức tiết chế chi tiêu để bảo toàn quốc khố cho đế chế của mình. 

Suy cho cùng, điều quan trọng nhất bậc đế vương cần làm là “tránh bị khinh miệt và thù ghét”. Sự hào phóng thái quá có thể dẫn đến cả hai điều này. Bởi vậy, “người khôn ngoan nên sống với cái tiếng là kẻ keo kiệt – bị chỉ trích nhưng không bị căm ghét, còn hơn là chuốc lấy cái tiếng tham tàn, nhận về cả sự chỉ trích lẫn căm ghét chỉ vì muốn được coi là người hào phóng”. 

9

Làm cho dân sợ tốt hơn làm cho dân yêu

Hannibal Barca – vị tướng lừng danh của đế chế Carthage – được mệnh danh là “kẻ thù truyền kiếp”, cơn ác mộng một thời của người La Mã. 

Vào mùa thu năm 218 TCN, Hannibal đã thực hiện một cuộc hành quân chưa từng có trong lịch sử: chỉ huy đội quân gần 100.000 người đi 1.600 km trong hơn 5 tháng ròng rã để vượt qua dãy núi Alps, bí mật đánh quân La Mã từ phía sau. Bất chấp tuyết lạnh, sự khắc nghiệt đến tột cùng của thời tiết vùng núi cao bậc nhất châu Âu, bất chấp những lần giao chiến với bộ lạc thổ dân, bất chấp cả những khan hiếm về nhu yếu phẩm, đội quân hàng chục nghìn người và voi chiến của Hannibal đã vượt núi thành công. 

Hannibal thành công một phần là nhờ sự tàn ác. Ông ra lệnh đóng đinh những người do thám vì họ chỉ đường sai. Ông gieo rắc nỗi sợ hãi để đảm bảo tính thống nhất của quân đội trong những thời điểm khó khăn nhất. Như đã nói, sự tàn nhẫn – nếu được sử dụng đúng cách – có thể mang lại lợi ích. Đôi khi, sự nhân đạo hay bao dung quá đáng có thể dẫn đến hỗn loạn – nhất là trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. 

Bậc đế vương nên làm cho dân yêu hay làm cho dân sợ? Câu trả lời là cả hai. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải lựa chọn thì “được dân sợ” sẽ an toàn hơn nhiều so với “được dân yêu” (với điều kiện bạn không bị dân thù ghét). Con người thường sẵn sàng làm hại người mình yêu mến, nhưng lại không dám làm hại người mình e sợ. 

Tất nhiên, bậc đế vương nên tránh đi quá xa để không bị ghét bỏ hoàn toàn. Hãy tàn nhẫn một cách khôn ngoan. Ví dụ: đừng trừng phạt những người vô tội hoặc tự tiện chiếm đoạt tài sản và phụ nữ của một người, nếu không, họ sẽ căm thù và đứng lên chống lại bạn. Cổ nhân có dạy: “Thường thì con cái sẽ quên cái chết của cha mình nhanh hơn việc quên đi số tài sản thừa kế bị tước mất”. Cách tốt nhất là hãy khiến cho mọi người vừa sợ, vừa nể! 

10

Bậc quân vương phải biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo.

Chúng ta thường không tiếc lời ca ngợi một bậc đế vương liêm chính, biết giữ chữ tín. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh: chủ nhân của những chiến công vĩ đại thường là những người tương đối mưu mô. 

Tất nhiên, liêm chính vẫn là một đức tính quan trọng đối với tất cả các nhà lãnh đạo, nhưng bạn nên biết khi nào mình cần tạm gác nó sang một bên. Ví dụ, nếu một thủ lĩnh phiến quân đang gây rắc rối cho bạn, tại sao bạn không mời hắn đến đàm phán hòa bình, sau đó “xử lý” hắn một cách nhanh chóng? Vấn đề sẽ được giải quyết một cách gọn gàng. 

“Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói. Vì thế, bạn cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để dọa sói”. Nếu cảm thấy lương tâm có chút cắn rứt, hãy nhắc nhở bản thân rằng: thực tế, những người khác chắc chắn sẽ không giữ lời với bạn nếu điều đó không phục vụ cho lợi ích của họ. 

Nhưng quân vương phải mưu mô một cách khéo léo. Hãy cẩn trọng để mọi người đều thấy rằng: tất cả lời nói, hành động của bạn đều chứa đựng đầy đủ 5 phẩm chất: bao dung, trung thành, nhân từ, đáng tin cậy và sùng đạo. Con người thường “phán xử”… bằng mắt. Họ chỉ nhìn thấy bề nổi, ít khi để ý đến tảng băng chìm phía dưới. Với thần dân, những gì bạn thể hiện ra bên ngoài chính là con người bạn. 

Tuy nhiên, trong mối quan hệ bang giao, tốt nhất bậc đế vương nên giữ chữ tín để tránh hậu hoạ về sau. Nếu đã xác định một nước nào đó là đồng minh, đừng phản bội họ. Một vị vua tốt luôn là một người bạn thực sự hoặc là một kẻ thù thực sự đối với các vị vua khác. 

11

Bậc đế vương phải biết tập hợp những cố vấn giỏi và biết cách tận dụng lời khuyên của họ

Những nhà lãnh đạo vĩ đại luôn cần những cố vấn vĩ đại – Lưu Bị có Gia Cát Lượng, Chu Nguyên Chương có Lưu Bá Ôn. 

Tìm được cố vấn tốt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của bậc đế vương. Trước tiên, bạn phải biết điểm yếu của mình nằm ở đâu, sau đó chọn người có thế mạnh phù hợp để bù đắp vào điểm yếu đó. Sau khi chọn xong, bạn cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cố vấn của mình. Đừng quên khen ngợi và ban thưởng hậu hĩnh mỗi khi họ lập được công lao. Tất nhiên, nếu phát hiện họ có ý đồ bất chính, bạn phải “giải quyết nhanh gọn”, đừng để bản thân rơi vào cảnh “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. 

Điều quan trọng là bậc đế vương phải biết cách thu hút lời khuyên có giá trị. Thông thường, các cố vấn chỉ nói thật nếu bạn là người biết lắng nghe, biết tiếp thu cái đúng và không nổi giận vì bị chỉ trích. Ngược lại, nếu bạn hay nổi nóng, cố chấp, sĩ diện và thích trừng phạt, họ sẽ nói toàn những lời hoa mĩ để xu nịnh, lừa dối bạn mà thôi. 

Nhưng đừng quên nguyên tắc vua – tôi. Nếu bạn cho phép tất cả mọi người đều có quyền đến gần mình và nói chuyện một cách thoải mái, họ sẽ nhanh chóng đi quá giới hạn, dồn bạn vào thế “bị thẩm vấn”. Hãy vạch ra ranh giới rõ ràng để những người cố vấn biết được khi nào nên nói, khi nào không. 

12

Hãy hành động – đừng bao giờ phó mặc số phận cho vận may

Nhiều người nghĩ: tất cả lời khuyên phía trên đều vô nghĩa, bởi vận mệnh của một quốc gia là do trời định. Nhưng theo Niccolò Machiavelli, điều đó không hoàn toàn đúng. Chỉ có một nửa tương lai của đất nước là do trời định, nửa còn lại đang nằm trong tay bậc đế vương. 

Hãy tưởng tượng quốc gia hưng thịnh của bạn là một dòng sông. Nó đã êm đềm chảy trong nhiều năm, bồi đắp phù sa giúp những cánh đồng trở nên màu mỡ và tươi tốt. Là một nhà lãnh đạo khôn ngoan, bạn nên xây dựng sẵn những con đê chống lại lũ lụt trong tương lai. Khi lũ ập tới, hoa màu có thể bị hư hại đôi chút, nhưng không đến nỗi bị phá huỷ hoàn toàn. Lỗi thường thấy ở con người là không nghĩ tới bão dông khi trời yên gió lặng. 

Tất nhiên, chúng ta không thể chuẩn bị cho mọi biến động trong tương lai, một số biến động đơn giản là không thể lường trước được. Vì vậy, thay vì cố gắng dự đoán, bạn phải mạnh dạn định hình nó. Đôi khi, nóng nảy tốt hơn thận trọng. Hãy tìm hiểu câu chuyện của Giáo hoàng Julius II. Ông muốn tiến hành cuộc chiến chống lại Bologna và thay vì đợi các đồng minh đồng ý với kế hoạch của mình, ông đã quyết định hành quân vào thành phố ngay lập tức. Kết quả, đối thủ bị bất ngờ và chiến dịch đã thành công tốt đẹp. 

Theo Machiavelli, bạn hãy xem vận may “là một người phụ nữ bị buộc phải vâng lời, và người phụ nữ ấy thích chủ nhân của mình là một người đàn ông trẻ tuổi nóng nảy hơn là một người đàn ông trung niên hay suy nghĩ và quá thận trọng”. 

Tổng kết 

Thông điệp chính trong cuốn sách: 

Là một quân vương, bạn có thể nhân từ hoặc độc ác, trung thực hoặc giả dối, nhưng bạn phải làm bất cứ điều gì có thể để củng cố vương quyền và sự cai trị của mình. Không có điều gì cấm kỵ trong quá trình tìm kiếm và duy trì quyền lực. Nhưng bậc đế vương đừng bao giờ quên nguyên tắc: “Pháo đài vững chãi nhất chính là không bị thần dân thù ghét”. 

Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Tôn Tử binh pháp” của Tôn Vũ 

Nếu “Quân Vương” là siêu phẩm trong lĩnh vực chính trị ở phương Tây thì “Tôn Tử binh pháp” chính là tuyệt tác trong lĩnh vực quân sự ở phương Đông. Cuốn sách này là một trong những luận thuyết về chiến lược và chiến thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại. Nó đã được rất nhiều nhà quân sự, chính trị gia ở cả phương Đông và phương Tây nghiên cứu, tham khảo, trong đó có Napoleon, Montgomery, Douglas MacArthur, Mao Trạch Đông… Đặc biệt, đến hiện tại, giá trị của “Tôn Tử binh pháp” vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều doanh nhân, tướng lĩnh quân đội, chiến lược gia đều xem nó là sách gối đầu giường.