Giới thiệu
Tóm tắt sách Ngày vi khuẩn tận diệt (Missing Microbes – 2014)
Cuốn sách giúp khám phá thế giới siêu vi kì diệu trong cơ thể con người. Cuốn sách đã làm sáng tỏ vai trò của vi khuẩn – những sinh vật tí hon giúp cơ thể người hoạt động khỏe mạnh, đồng thời cũng giải thích sự nguy hiểm của việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Cuốn sách dành cho
- Những người quan tâm đến vấn đề sức khỏe và y khoa;
- Những ai lo sợ tác dụng phụ của kháng sinh;
- Những bậc cha mẹ muốn đảm bảo sức khỏe con em mình.
Tác giả
Tiến sĩ Martin J. Blaser là giáo sư chuyên ngành vi sinh học và là giám đốc chương trình vi sinh vật con người ở New York. Các tác phẩm của ông tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vi khuẩn. Gần đây hơn, ông bắt đầu nghiên cứu vi mô con người.
Vi khuẩn – một phần tất yếu của nhân loại
Nếu coi 3,7 tỷ năm tiến hóa là một ngày thì vi khuẩn đã tồn tại từ những giây đầu tiên. Khoảng giữa 96 và 47 giây trước 12 giờ, tổ tiên loài người bắt đầu hiện diện. Và con người chúng ta xuất hiện chỉ hai giây trước khi kết thúc khoảng thời gian 24 giờ đó!
Các vi khuẩn đã tồn tại hàng tỷ năm, và nếu không có chúng có lẽ sẽ không có bất kỳ sự sống nào trên trái đất. Trên thực tế, trong khoảng ba tỷ năm đầu, vi khuẩn là những sinh vật duy nhất trên hành tinh này. Chúng có vai trò quan trọng trong các phản ứng hóa học mà cuối cùng là tạo ra sinh quyển – tổng thể các hệ sinh thái toàn cầu mà chúng ta và tất cả các sinh vật đa bào khác đang sống phụ thuộc vào.
Mặc dù không nhìn thấy được bằng mắt thường, vi khuẩn ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta với số lượng vô cùng lớn. Chúng ta nên biết ơn các vi khuẩn. Không có chúng, chúng ta sẽ không thể thở hay ăn uống. Và mặc dù con người chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào vi khuẩn, điều ngược lại chưa chắc đã đúng: vi khuẩn vẫn sẽ tiếp tục phát triển mà không cần đến chúng ta.
Có thể nói vi khuẩn là một phần quan trọng và tất yếu của nhân loại. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng chính chúng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh lấy đi sự sống của con người.
Loài người có thể đã tận diệt nếu không có kháng sinh
Trong nhiều thế kỷ, với nhân loại không có mối đe dọa nào lớn hơn dịch bệnh gây ra bởi vi khuẩn.
Vốn dĩ từ những ngày đầu của lịch sử loài người, dịch bệnh chưa phải là vấn đề nghiêm trọng. Khi tổ tiên chúng ta vẫn còn sống theo hình thức bộ lạc, vi khuẩn gây bệnh dù có nguy hiểm tới đâu cũng không đủ sức gây ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới vì dân số lúc này đang bị chia nhỏ ở các bộ lạc khác nhau. Nếu một cá thể mắc bệnh, sẽ có ba trường hợp: hoặc không có gì xảy ra, hoặc cả bộ lạc chết vì lây bệnh, hoặc một số bị bệnh còn một số khác trở nên miễn dịch. Dù thế nào, mầm bệnh vẫn bị mắc kẹt trong hệ thống khép kín, nó không thể vượt qua giới hạn bộ lạc. Để bùng phát thành một dịch bệnh thực sự, cần có một môi trường đông đúc, tụ tập nhiều người hơn: các thành phố.
Dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử có lẽ là Cái chết Đen (Black Death Plague), bắt đầu từ năm 1347 và đã xóa sổ 1/3 dân số Châu Âu trong vòng 10 năm.
Qua thời gian các thành phố lớn lên, càng đông dân cư thì càng dễ lây lan mầm bệnh. Mặc dù có sự cải thiện về vệ sinh, các dịch bệnh chết chóc như bệnh tả và bệnh đậu mùa vẫn là vấn đề nan giải ngay cả trong thế kỷ XIX.
May mắn thay, nhờ công của Alexander Fleming, chúng ta không còn bất lực trước các tác nhân gây bệnh. Năm 1928, Fleming đã phát hiện và phát triển thuốc kháng sinh penicillin đầu tiên. Khám phá này là nền tảng cho các thuốc kháng sinh hiện đại ta đang dùng.
Nhưng những vấn đề do kháng sinh gây ra cũng nhiều chẳng kém những vấn đề mà chúng có thể giải quyết.
Thuốc kháng sinh đã cứu sống rất nhiều mạng người
Sự phát triển của kháng sinh là một trong những đột phá y học lớn nhất của thế kỷ XX. Nếu không có loại thuốc này, vô số người đã chết vì những bệnh tật mà ngày nay nghe có vẻ đơn giản.
Ngày nay, kháng sinh ở khắp mọi nơi ngay cả trong thực phẩm. Đa số thuốc kháng sinh ở Hoa Kỳ không phải sản xuất cho người, mà cho động thực vật. Có hai lý do chính cho việc này: Thứ nhất là do điều kiện vệ sinh ở các trang trại không đảm bảo, dùng thuốc kháng sinh giúp các con vật có sức đề kháng cao hơn, ít nhiễm bệnh hơn. Thứ hai, kháng sinh thúc đẩy tăng trưởng, vi khuẩn sống sót qua thời gian điều trị kháng sinh giúp cho động vật nhanh tăng cân. Tóm lại, kháng sinh giúp quá trình sản xuất thực phẩm hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh với gia súc rất có hại cho con người do dư lượng kháng sinh độc hại vẫn còn lưu lại trong thực phẩm và nước sinh hoạt, trong khi các vi khuẩn sống ở động thực vật phát triển thành các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Lạm dụng kháng sinh khiến hệ vi sinh biến đổi
Kháng sinh không an toàn như những gì các công ty dược phẩm quảng cáo.
Kháng sinh có tác dụng kì diệu giúp bạn vượt qua cơn đau ngay tức thì hoặc ngăn chặn nhiễm trùng, nhưng đồng thời việc lạm dụng nó cũng làm cơ thể mất đi một số vi khuẩn cần thiết bởi trong quá trình kháng sinh và thuốc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh gây hại, chúng cũng phá hủy cả các vi khuẩn vô hại khác. Sự thay đổi trong hệ thống vi sinh khiến hệ miễn dịch suy yếu hoặc cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng kháng sinh, kết quả là tỉ lệ người mắc bệnh béo phì, tiểu đường, hen suyễn và ung thư ngày càng tăng.
Chẳng hạn trong trường hợp của Peggy Lillis, một phụ nữ 56 tuổi khỏe mạnh bình thường. Bà được tiêm kháng sinh khi làm một tiểu phẫu nha khoa vào tháng 3 năm 2010. Chỉ một tháng rưỡi sau, bà ấy qua đời, nguyên nhân cái chết được chẩn đoán là do nhiễm Clostridium difficile (C. diff). Một lượng nhỏ C. diff có thể được tìm thấy trong ruột của người khỏe mạnh và thường được hạn chế nhờ các vi khuẩn cạnh tranh. Nhưng ngay khi các đối thủ cạnh tranh này bị tiêu diệt – hầu hết do dùng kháng sinh – C. diff nhanh chóng lây lan và phá hoại ruột, sản sinh chất độc tiêu diệt thành đại tràng và làm cho chất độc xâm nhập vào máu.
Ngay cả một loại kháng sinh bình thường cũng có thể làm cho hệ thống miễn dịch suy giảm. Điều này đã được chứng minh bởi sự bùng phát dịch Salmonella năm 1985 ở Chicago khiến 160.000 người nhiễm bệnh và một số người tử vong. Thủ phạm của đợt bùng phát này là do một loại sữa ở siêu thị. Khi cơ quan y tế tiến hành nghiên cứu với những người bị nhiễm bệnh, họ phát hiện ra rằng những người đã uống loại sữa có chứa kháng sinh này trong vòng một tháng trở lại có nguy cơ mắc bệnh gấp năm lần so với những người khác. Rõ ràng là kháng sinh giúp con người ngăn chặn những bệnh đã biết nhưng cũng mang đến nhiều dịch bệnh mới.
Hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh
Rất nhiều người đang lạm dụng thuốc kháng sinh hơn mức cần thiết. Việc này khiến cơ thể sinh ra cơ chế kháng kháng sinh và phát triển thêm bệnh mới.
Nếu không phải là một bác sĩ, bạn sẽ khó có thể biết liệu mình có thực sự cần dùng đến kháng sinh hay không, vậy thì hãy cứ luôn nói với bác sĩ rằng mình không muốn dùng kháng sinh trừ trường hợp bất khả kháng. Với trẻ nhỏ cũng vậy, trước khi cho trẻ dùng kháng sinh, hãy hỏi bác sĩ để chắc chắn rằng nó có thực sự cần thiết.
Một số quốc gia ví dụ như Pháp đang có những nỗ lực nhằm giảm tình trạng kháng kháng sinh, đặc biệt là với trẻ em. Năm 2001, Pháp tiêu thụ kháng sinh nhiều hơn bất cứ nước châu Âu nào. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch “Kháng sinh không chữa bách bệnh”, việc sử dụng kháng sinh đã giảm 26% vào năm 2007. Với trẻ dưới ba tuổi, sử dụng kháng sinh giảm khoảng 36%.
Thay kháng sinh bằng prebiotic
Prebiotic (oligosaccharides FOS, GOS, inulin…) là loại chất xơ thực phẩm không tiêu hóa; có nhiều ở đậu nành, yến mạch thô, lúa mì nguyên cám, hành, chuối, tỏi, atiso, nho và sữa mẹ. Prebiotic là nguồn thức ăn cho probiotic (vi sinh vật sống hữu ích trong đường ruột). Nhờ có prebiotic mà vi sinh hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, do đó cải thiện hệ tiêu hóa cho vật chủ. Prebiotic ít bị tiêu hóa ở dạ dày và ruột non, trở thành nguồn thức ăn cho vi sinh vật có lợi của ruột già. Ngoài ra prebiotic đóng vai trò như một chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, hiệu quả của prebiotic vẫn chưa được chứng minh rõ ràng dù trên thực tế nhiều người đã sử dụng và cảm giác sức khỏe tốt lên đáng kể, cũng không ngoại trừ trường hợp những biểu hiện tốt đó chỉ là hiệu ứng giả dược – có tác động lên tâm lý nhưng không mang lại hiệu quả sinh lý.
Prebiotic và probiotic vẫn còn là những khái niệm mới, chắc chắn chúng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu hơn trong tương lai.
Thông điệp chính
Thuốc kháng sinh rất hữu ích, không chỉ trong điều trị bệnh cho con người mà còn trong việc tăng cường sự phát triển của động thực vật. Nhưng đi cùng với nó cũng là những rủi ro: chúng vừa tiêu diệt vi khuẩn có hại vừa tiêu diệt vi khuẩn có lợi cần thiết cho sự sống.
Tóm tắt sách Ngày Vi Khuẩn Tận Diệt
Dịch từ Blinkist