Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

“Một tác phẩm xuất sắc được khắc họa qua ống kính của một nhà phân tích tâm lí đại tài. Một cuốn sách dễ hiểu nhưng cũng rất kích thích trí tưởng tượng của người đọc với lí thuyết quả sồi – niềm tin rằng bên trong mỗi người đều chứa đựng hạt giống của số phận.”

Mật Mã Tâm Hồn (The Soul’s Code, 1996, James Hillman) ghi lại những giai thoại hấp dẫn để giới thiệu với người đọc về một ý tưởng rằng có một tâm hồn cá biệt được định hình sẵn bên trong chúng ta từ khi sinh ra, thứ hình thành nên cá tính mỗi người. Dù đây không phải là một điều mới mẻ nhưng những câu chuyện về định mệnh, về tiếng gọi của số phận vẫn luôn thôi thúc con người khám phá. Hillman đã kể câu chuyện kì bí này thông qua lí thuyết về quả sồi – một cách hình tượng hóa khá thú vị.

Bạn sẽ thấy cuốn sách thực sự hấp dẫn và gợi mở nhiều điều nếu bạn đang đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi về số phận, về mục đích cuộc đời hay đơn giản muốn biết “mình là ai?”. Những ai đam mê tâm lí học hay muốn khám phá thêm về những bí mật của nhân loại cũng sẽ thấy cuốn sách rất đáng để đọc.

“Mỗi người đều bước vào thế giới theo tiếng gọi. Tiếng gọi đó có thể bị trì hoãn, bị né tránh hay bị bỏ lỡ. Nó cũng có thể đã hoàn toàn ở trong bạn. Dù là gì đi nữa thì cuối cùng nó cũng sẽ lộ diện.”

Về tác giả: Cuốn sách được viết vào năm 1997 bởi James Hillman – một nhà tâm lí học, một học giả, một giảng viên quốc tế và là tác giả của hơn 20 cuốn sách bao gồm: “Re-visioning Psychology”, “Healing fiction”, “The Dream and Underworld”, “Inter Views”, và “Suicide and The Soul.” Ông đã giảng dạy ở các trường Đại học Yale, Syracuse, Chicago và Đại học Dallas, nơi ông đồng sáng lập viện Khoa học Nhân văn và Văn hóa.

1

Chúng ta là một câu chuyện, không phải một kết quả

Ý tưởng về hình ảnh tâm hồn đã có một lịch sử lâu dài trong nhiều nền văn hóa, nhưng tâm lí học và tâm thần học hiện đại thì lại bỏ qua nó hoàn toàn. Hình ảnh, hình tượng, số phận, thiên tài, khuynh hướng, tâm hồn, định mệnh – đây đều là những từ lớn và chúng ta trở nên sợ hãi khi sử dụng chúng, nhưng điều này cũng không thể giảm đi tính thực tế của chúng. Tâm lí học dường như chỉ có thể chia nhỏ sự phức tạp của một cá nhân thành những nhóm đặc điểm về tính cách, kiểu người và phức hệ. Tác giả đề cập đến một tiểu sử tâm lí của Jackson Pollock trong đó viết rằng những hình cung và hình lượn sóng trong những bức vẽ của ông là kết quả của việc bị loại ra khỏi những cuộc thi “tiểu tiện sáng tạo” trên cánh đồng ở Wyoming của những người anh trai.

Những cách hiểu của chúng ta giết chết linh hồn, phủ nhận những tầm nhìn bên trong chúng ta thay vì hoàn cảnh là thứ điều khiển con người. Theo Hillman, cái cách chúng ta nhìn cuộc sống khiến nó trở nên tẻ nhạt. Chúng ta yêu sự lãng mạn và tiểu thuyết nhưng không áp dụng những ý tưởng lãng mạn hoặc những câu chuyện vào chính mình. Chúng ta không trở thành người tạo ra câu chuyện mà trở thành kết quả và cuộc sống bị bó buộc trong sự tác động lẫn nhau giữa môi trường và gen di truyền.

“Thật tò mò khi số phận có thể được định trước nhưng lại không thể đoán trước.”

Một điều nữa khiến chúng ta tự giới hạn sự tồn tại của bản thân là cách chúng ta nhìn thời gian, hay nguyên nhân và kết quả. Kiểu như “Điều này xảy ra khiến tôi…” hoặc “Tôi là sản phẩm của…” Cuốn sách, thay vào đó, nhìn vào những khía cạnh vô tận về con người, dù chúng ta vừa mới sinh ra, trung tuổi hay đã già.

2

Bố mẹ chúng ta là ai?

Hillman rất giỏi trong việc khai thác “Sự ngụy biện do di truyền”, niềm tin rằng chúng ta bị ảnh hưởng bởi bố mẹ. Tuổi thơ được hiểu một cách rõ ràng nhất là hình ảnh chúng ta được sinh ra và bắt đầu liên hệ với môi trường xung quanh. Ví dụ như trong tình huống của đứa trẻ sau, người ta nên xem xét sự tức giận và những nỗi ám ảnh của nó hơn là tìm đến những phương pháp trị liệu để chữa lành nó.

Yehudi Menuhin được tặng một chiếc đàn vi-ô-lông đồ chơi vào sinh nhật bốn tuổi nhưng ngay lập tức ném nó xuống mặt đất. Dù là ở tuổi đó, điều này vẫn là một sự sỉ nhục đối với một nghệ sĩ violin vĩ đại trong tương lai. Chúng ta đối xử với bọn trẻ như thể chúng là những hòn đá trơn nhẵn, không hề có cá tính riêng của nó và đứa trẻ bị từ chối khả năng nó có thể lập trình cho cuộc đời của chính mình và được dẫn dắt bởi một tài năng thiên bẩm.

Theo phương diện thần linh, sự kết hợp của bố mẹ xuất phát từ nhu cầu của chúng ra. Thần lựa chọn trứng và tinh trùng cũng như là người mang nó, gọi là “bố mẹ”. Điều này chắc chắn là ngược đời, nhưng Hillman chỉ ra rằng nó giải thích về những cuộc hôn nhân dường như là không thể, những lúc có thai hay phá thai nhanh chóng, điều hình thành nên những câu chuyện của bố mẹ chúng ta.

Ông còn đi sâu hơn khi chỉ ra rằng thật nghèo nàn khi chỉ xem bố mẹ của chúng ta là bố mẹ, trong khi tự nhiên có thể trở thành mẹ của ta, sách vở có thể là bố của ta – bất kì cái gì kết nối ta với thế giới và dạy dỗ ta. Alfred North Whitehead có câu nói rằng: “Tôn giáo là lòng trung thành với thế giới”, Hillman cho rằng chúng ta phải tin vào khả năng vũ trụ cung cấp và tiết lộ cho chúng ta sự bí hiểm của nó.

3

Sự khác biệt

“The Soul’s Code” chỉ ra cách mà “daimon” (Thế lực vô hình dẫn lối ta) sẽ khẳng định chính nó trong tình yêu, gây ra sự ám ảnh và đau khổ đầy lãng mạn, thách thức sự logic của sinh học phát triển. Cặp song sinh được tách ra từ lúc chào đời thường có xu hướng ăn mặc giống nhau hay hút cùng một hãng thuốc, nhưng trong sự lựa chọn bạn đời có thể có sự khác biệt lớn.

Khi Michelangelo điêu khắc chân dung của Chúa hay những người sống cùng thời, ông đã có nhìn cái mà ông gọi là “immagine del cuor” – hình ảnh của trái tim; bức điêu khắc nhằm bộc lộ linh hồn bên trong của vật thể. Hillman nói rằng cũng tương tự như vậy, hình ảnh của trái tim nằm bên trong mỗi con người. Khi chúng ta yêu, chúng ta cảm thấy quan trọng vì chúng ta có thể bộc lộ chính mình một cách chân thực và lờ mờ nhận ra một phần của tâm hồn mình. Cuộc hội ngộ giữa những người yêu nhau chính là sự gặp gỡ những hình ảnh hay sự trao đổi về trí tưởng tượng. Bạn yêu bởi vì trí tưởng tượng của bạn bùng nổ. Bằng tự do tưởng tượng, ngay cả cặp song sinh cũng có thể thoát khỏi sự tương đồng của họ.

“Bạn, tôi và mỗi người đều được sinh ra với một hình ảnh đã được định sẵn.”

4

Hạt giống xấu

“The Soul’s Code” thực sự cuốn hút người đọc khi nói về sự đối lập của tình yêu – “Bad seed”(tạm dịch: khuynh hướng thiên bẩm xấu xa). Hillman dành gần một chương để nói về hiện tượng Adolf Hitler. Những thói quen của Hitler, theo một nguồn tin đáng tin cậy, cho thấy những bằng chứng của việc sở hữu “daimon” xấu. Sự khác biệt căn bản đối với cuộc đời của những người khác được đề cập đến trong cuốn sách là sự kết hợp của tính cách và phần bản chất bên trong. Hitler không những có bản chất mang khuynh hướng xấu mà nó còn được bọc trong một cá tính không thể nghi ngờ hay kháng cự. Từ một hạt giống nhỏ, chúng ta có thể nhìn thấy nguồn năng lượng dồi dào chảy trong người đàn ông này và lớn dần và biến thành trạng thái độc ác. Chúng ta có thể áp dụng ý tưởng tương tự vào những trường hợp về bệnh rối loạn nhân cách như Jeffrey Dahmer để hiểu làm thế nào những bệnh nhân đó có thể thu hút những nạn nhân. (Chú thích: Jeffrey Dahmer là kẻ giết người và bạo dâm hàng loạt ở Mỹ trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1991)

Điều này không hề gợi ý rằng những hành động tồi tệ xuất phát từ khuynh hướng thiên bẩm thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đánh giá tâm lí tội phạm thông qua “daimon” hay bản chất bên trong giúp chúng ta hiểu rõ hơn là cách hiểu truyền thống về cái ác (thứ thường được cho là nên bị loại bỏ hay ghét bỏ). Thứ khiến cho hạt giống trở nên xấu xa chính là sự vinh quang – mục tiêu duy nhất của nó. Trong xã hội, chúng ta nên sẵn lòng nhận ra những dấu hiệu này và tìm cách hướng chúng vào một cái kết ít tiêu cực hơn.

Chúng ta sống trong một nền văn hóa ngây thơ mà con người coi thường những thứ đen tối. Đặc biệt là nền văn hóa đại chúng ở Mỹ với Disneylands và Sesame Street, không thể chấp nhận những hạt giống mà không được bao bọc bởi sự ngọt ngào. Tuy nhiên, sự ngây thơ thực sự thu hút những kẻ xấu, Hillman viết “Những kẻ giết người thiên bẩm là người đồng hành bí mật của những kẻ khờ khạo”.

5

Bí mật của tâm hồn

Sau khi dành thời gian phân tích cuộc đời của những người nổi tiếng, Hillman đặt ra câu hỏi về sự tầm thường – liệu có thể có một “daimon” bình thường? Câu trả lời của ông là không có những tâm hồn bình thường. Đó là một sự thật phản ánh qua những câu nói của chúng ta. Chúng ta nói ai đó có một tâm hồn đẹp, một tâm hồn bị tổn thương, một tâm hồn sâu sắc, hoặc một tâm hồn trẻ thơ. Nhưng chúng ta không bao giờ nói một người có tâm hồn trung lưu, trung bình hay bình thường.

Tâm hồn đến từ các vùng phi vật chất, tuy nhiên nó lại khát khao trải nghiệm từ chính thế giới vật chất này. Hillman nhớ lại bộ phim “Wings of Desire”, trong đó một thiên thần đã say mê cuộc đời của những người thường với những khó khăn, thử thách họ phải trải qua. Đối với những thiên thần hay chúa trời, chẳng có gì là thường ngày hay bình thường về cuộc sống của chúng ta.

Tổng kết

Picasso nói: “Tôi không phát triển, tôi là sự phát triển.” Cuộc sống không phải là để trở thành thứ gì đó mà là hiện thực hóa những hình ảnh đã tồn tại sẵn đó. Chúng ta bị ám ảnh bởi sự phát triển cá nhân, để chạm tới một thiên đường trong trí tưởng tượng, nhưng thay vì cố gắng vượt xa khỏi sự tồn tại của loài người, sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta hòa mình vào với thế giới và với đúng vị trí của chúng ta. Hillman đã không ngạc nhiên khi những người chúng ta gọi là “ngôi sao” thường cảm thấy cuộc sống khó khăn và đầy đau khổ. Sự nhận thức về bản thân mà họ có nhờ công chúng chỉ là ảo tưởng và nó rõ ràng dẫn tới “cú ngã đầy bi kịch xuống trần gian”.

Những đoạn quanh co gập ghềnh trong cuộc đời bạn có thể không nghiêm trọng như của những người nổi tiếng, nhưng chúng có một ảnh hưởng tích cực hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn sẽ đi theo tiếng gọi của sự trung thực hơn là sự thành công, của tình yêu và tình thương hơn là thành quả đạt được. Theo cách này, cuộc sống thực sự rất tuyệt vời.

Tóm tắt sách Mật Mã Tâm Hồn

Playlist liên quan