Giới thiệu
Khi thiên tài thất bại (When Genius Failed) kể lại câu chuyện về siêu quỹ Long-Term Capital Management (LTCM), một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Đúc kết từ các thông tin nội bộ và các cuộc phỏng vấn với vô vàn tay chơi, Roger Lowenstein không chỉ giải thích cách LTCM kiếm và đánh mất tiền mà còn phác hoạ bản chất các đối tác của LTCM, sự kiêu căng trong mô hình hoạt động. Qua đó, tác giả cũng khẳng định sự kiện của LTCM không chỉ là bi kịch nhất thời mà còn viễn cảnh cho sự sụp đổ thị trường, là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho phố Wall và chính quyền.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Những ai muốn làm việc tại ngân hàng đầu tư;
- Những ai hứng thú với quản trị rủi ro;
- Những ai muốn biết rõ hơn về quỹ phòng hộ.
Về tác giả
Roger Lowenstein là một tác giả, nhà báo người Mỹ. Ông hiện là cộng tác viên cho Thời báo phố Wall. Bên cạnh công việc viết báo và lời phê bình cho các cuốn sách, ông còn là tác giả của năm sách bán chạy nhất, trong đó bao gồm Warren Buffett – Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ, Khi thiên tài thất bại.
Cuốn sách này có gì cho tôi? Tìm hiểu về một quỹ đầu cơ cố gắng vượt mặt thị trường và thất bại.
Bạn có biết câu chuyện về Icarus? Nhờ đôi cánh mà người cha chế tạo, Icarus có thể bay lượn – một khả năng mà con người không bao giờ có được. Tự mãn với đôi cánh đầy kiêu hãnh, Icarus đã bỏ ngoài tai lời cha dặn, cố gắng bay thật cao, khao khát chinh phục bầu trời bao la, rộng lớn. Nhưng khi bay càng cao, sức nóng của mặt trời càng lớn khiến cho lớp sáp kết dính các sợi lông của đôi cánh dần dần tan chảy. Chỉ trong chốc lát, đôi cánh tan ra thành trăm mảnh. Icarus chết, một cách thật thương tâm.
Truyền thuyết nổi tiếng về hậu quả của sự kiêu căng, ngạo mạn này có thể áp dụng vào câu chuyện về Quỹ quản trị vốn dài hạn – Long-Term Capital Management (LTCM), một quỹ đầu cơ khổng lồ từng thống trị thị trường tài chính trong những năm 90. Giống như Icarus, họ “trèo cao”, với lấy những thành quả trên tận mây xanh để rồi phải chịu “cú ngã” đau đớn.
Những trang tóm tắt sau sẽ diễn giải thông điệp mà tác giả nhắn nhủ thông qua cuốn sách: không một “thiên tài” nào có thể đánh bại thị trường.
LTCM là một quỹ đầu cơ hùng mạnh nắm trong tay tài sản khổng lồ nhờ phương pháp kinh doanh kiếm lời chênh lệch giá.
Nếu từng tiếp xúc với lĩnh vực đầu tư chắc hẳn bạn sẽ biết đến cái tên LTCM, một công ty quản lí quỹ đã phá sản. LTCM chính là một nhân tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cơn chấn động từng đẩy nền tài chính thế giới đến bờ vực đổ vỡ.
LTCM là một quỹ đầu cơ (hedge fund) hay quỹ phòng ngừa rủi ro được thành lập vào năm 1994 bởi nhà kinh doanh trái phiếu John Meriwether. Các quỹ đầu cơ nắm trong tay một lượng tiền rất lớn từ nhóm các nhà đầu tư giàu có nhất. Trái với người anh em họ quỹ tương hỗ (mutual fund) là quỹ huy động vốn từ đa dạng các nhà đầu tư, quỹ đầu cơ có tính đại chúng thấp và không bị quản chế quá chặt, nghĩa là không có giới hạn về quy mô của quỹ cũng như nơi đầu tư.
Chính bởi tính nới lỏng về mặt pháp luật, quỹ đầu cơ trở thành một miếng mồi nóng hổi nhưng cũng đầy nguy hiểm, rủi ro trong mắt giới đầu tư. Do đó, nhà đầu tư vào quỹ đầu cơ bắt buộc phải là người có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, có hiểu biết thấu đáo về thị trường và giao dịch.
Cũng giống như các quỹ đầu cơ khác, LTCM điều khiển hệ thống đầu tư bằng chiến lược kinh doanh kiếm lời chênh lệch giá (arbitrage). Theo đó, những người quản lí quỹ đầu cơ thu mua và giao bán sản phẩm tài chính với kỳ vọng hoặc dự tính rằng mức giá sẽ thay đổi theo đúng ý họ trong tương lai gần.
Để hiểu hơn về chiến lược trên, hãy tưởng tượng một công ty nào đó bán cổ phiếu trên hai thị trường. Nếu cả hai thị trường này đều đại diện cho cùng một công ty, bạn sẽ kì vọng các cổ phiếu sẽ ở cùng một mức giá. Tuy nhiên, đôi khi giá của cổ phiếu trên thị trường này lại thấp hơn một chút so với bên còn lại. Khi xảy ra trường hợp đó, bạn có thể chớp lấy thời cơ mua loại cổ phiếu này trước khi mức giá lại quay về vị trí cân bằng, và nhờ đó bạn sẽ sinh lời từ việc bán chúng.
Trên thực tế, động cơ thị trường không tạo ra những viễn cảnh dễ thấy và rõ ràng như vậy. Chiến lược kinh doanh kiếm lời chênh lệch giá phần lớn phụ thuộc vào sự triệt tiêu một cách mau lẹ những sai lệch trong giá cả của các sản phẩm tài chính.
Điều này mang lại lợi thế cho LTCM. Họ sử dụng các tính toán và phỏng đoán học thuật cùng phần mềm máy tính tân tiến nhất để nhận dạng cơ hội và tận dụng nhanh chóng. Nhờ chiến thuật này, LTCM trở thành quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới từ trước đến giờ. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
LTCM sử dụng đòn bẩy ngày càng nhiều nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
Quỹ đầu cơ đặt cược vào sự chênh lệch dù nhỏ nhất giữa giá hiện tại và tương lai của sản phẩm tài chính, nghĩa là họ cần khoản đầu tư rất lớn để tạo ra lợi nhuận đáng kể.
Và rồi họ nhận được một lượng tiền vô cùng lớn từ các nhà đầu tư giàu có, nhưng thế vẫn chưa đủ. Để đạt mức lợi nhuận tối đa, quỹ đầu cơ cần phải sử dụng đòn bẩy, nghĩa là họ sử dụng nợ để sinh lời.
LTCM cũng áp dụng đòn bẩy, và vay mượn rất nhiều, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư bỏ ra khoản đầu tư thật lớn. Nhiều ngân hàng, điển hình là ngân hàng Dresdner của Đức và Banco Garantia của Brazil, còn phấn khởi góp một lượng lớn vốn cho công ty vì họ cho rằng ít ra theo lý thuyết thì chiến thuật của LTCM chứa đựng rất ít rủi ro tiềm tàng, lợi nhuận sẽ được đảm bảo. Họ đặt cược vào dị thường tài chính – các hiện tượng thường được cho là ít chịu tác động bởi biến động thị trường, chẳng hạn như sự thay đổi lãi suất. Kể cả khi thị trường đột ngột giảm mạnh mà không ai có thể lường trước, lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Ít ra đó là những gì mà họ nghĩ.
Sau đây là một ví dụ nho nhỏ về số tiền LTCM góp được nhờ đòn bẩy: chỉ với vốn ban đầu là $1.25 tỉ, họ có thể vay đủ để đầu tư lên tới $20 tỉ.
Và lịch sử đã chứng minh rằng các ngân hàng đua nhau tham gia các quỹ như này vì đơn giản họ không hiểu hết các rủi ro.
Khả năng kiểm soát đầu tư và vay mượn của LTCM ngày một hùng mạnh – họ có thể rót vốn vào bất cứ nơi nào họ muốn.
Trái lại, các ngân hàng lại không hề kiểm soát được số tiền của họ sẽ được sử dụng như thế nào. Vào thời điểm đó, đây không phải vấn đề to tát vì LTCM luôn là “chuyên gia”. Bị tiềm năng lợi nhuận che mờ mắt, họ thất bại trong việc xem xét, đánh giá ưu nhược điểm thực chất của quỹ đầu cơ.
Do số lượng ngân hàng ồ ạt tham gia ngày một nhiều, tỷ lệ đòn bẩy của quỹ tăng ngùn ngụt, đặt công ty vào rủi ro cực lớn nếu chuyện không may xảy ra.
Trên đây, bạn vừa được tìm hiểu về chiến thuật chủ chốt của LTCM. Chương tiếp theo sẽ giải thích tại sao phương thức hoạt động của họ mang lại thành công.
LTCM áp dụng kiến thức học thuật vào đầu tư.
Không ít người tin rằng luôn tồn tại khoảng trống giữa những hiểu biết học thuật cao siêu và các tình huống trong thế giới thực.
Điều này không thể đúng hơn trong lĩnh vực tài chính, khi người ta thừa nhận rằng có sự cách biệt rất lớn giữa các giáo sư cùng lý thuyết của họ và thương trường thực tế khốc liệt.
Tuy nhiên, LTCM tin rằng mình sẽ tạo nên sự khác biệt. Kế hoạch của họ là áp dụng kiến thức chuyên gia cùng các lý thuyết học thuật vào thế giới thực.
Do đó công ty đã chiêu mộ những nhân vật nổi trội trong giới kinh doanh, tiêu biểu là hai nhà kinh tế học được trao giải Nobel năm 1997, Myron S. Scholes và Robert C. Merton.
Được điều hành bởi những cái tên sáng giá và uy tín, công ty đã thành công trong việc lôi kéo, thu hút vô kể các nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cũng bị thuyết phục đầu tư. Riêng Đại học St. John (Mỹ) đã góp 10 triệu Đô la. Một trong những lý do khiến họ thích thú với việc đầu tư là vì giới học thuật tin rằng họ đã hoàn toàn triệt tiêu các rủi ro.
Thông thường, một người bán hàng tinh ranh sẽ nói giảm các rủi ro trong khoản đầu tư của bạn. Nhưng LTCM thì ngược lại. Thực tế, họ rất ngay thẳng khi đề cập đến những tiêu cực tiềm tàng.
Tuy nhiên hành động này phần nào bộc lộ sự tự mãn của LTCM: họ tin rằng với đội ngũ học thuật “thiên tài”, họ có thể tính toán rủi ro một cách chính xác đến nỗi những mối nguy đều nằm trong tầm kiểm soát hay thậm chí bị loại bỏ hoàn toàn.
Sự kiêu căng ấy được “bơm đầy” bằng những công thức toán học – những công thức được xây dựng một cách công phu, tinh vi đến ngỡ ngàng. “Nhiên liệu” này được khai thác một cách cẩn trọng từ các phân tích tiến trình hoạt động của thị trường xuyên suốt lịch sử. Bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng phản ứng của thị trường trước một sự kiện trong quá khứ, họ hi vọng có thể dự đoán được các phản ứng trong tương lai. Hệ thống này sẽ giúp họ nhận biết và tránh các rủi ro, khủng hoảng trước khi chúng xảy ra. Đó là những gì mà LTCM nghĩ.
Cách tiếp cận bằng cơ sở học thuật đầy thuyết phục này quả là mồi nhử các nhà đầu tư một cách hiệu quả, đồng thời góp phần làm nên thành công vang dội của LTCM.
Các quỹ đầu cơ ngày một phát triển hơn trong những năm 1990, nhưng LTCM vẫn vượt trội hơn hẳn.
Trong những năm thập niên 90, đầu tư vào các quỹ đầu cơ trở thành một xu thế. Các quỹ đầu cơ bùng nổ ở Mỹ, tăng từ khoảng 200 trong năm 1968 lên tới 3000. Mọi người tìm thấy ở quỹ đầu cơ sự mới lạ, phấn khích và trên hết là lợi nhuận cao đến không ngờ.
Nhưng trong số các quỹ đầu cơ hiện hành, LTCM nổi bật hơn hẳn, cả về quy mô, danh tiếng lẫn số tiền vay mượn. Được vận hành bởi đội ngũ các ngôi sao cùng với số vốn lớn, LTCM là cái tên mà ai cũng muốn hợp tác. Nhiều nhân vật giàu có cũng như các công ty đều khao khát được sở hữu một phần của chiếc bánh này.
Thời điểm đó, quy mô LTCM lớn gấp 2,5 lần quỹ hỗ tương lớn thứ hai thế giới và gấp tận 4 lần quỹ đầu cơ đối thủ đứng ngay sau mình. Họ còn kiểm soát lượng tài sản lớn hơn rất nhiều các ngân hàng đầu tư như Lehman Brothers hay Morgan Stanley.
Các ngân hàng cạnh tranh để đầu tư vào LTCM do một vài nguyên nhân sau:
Trước hết, nhờ điều kiện thị trường thuận lợi trong một thời gian dài, các ngân hàng đang nắm trong tay lượng vốn khả dụng khá lớn.
Bên cạnh đó, giới ngân hàng đều ham muốn đầu tư vào cỗ máy hái ra tiền này. Họ thậm chí cho LTCM vay mà không hề cân nhắc lãi – số tiền họ thường yêu cầu khi thực hiện thủ tục cho vay. Ví dụ, với mỗi $100 mà ngân hàng cho vay, số tiền quỹ phải chịu chỉ đến vài xu, và quỹ đã thực hiện vay nhiều hơn $100 rất rất nhiều.
Hãy thử tưởng tượng số tiền họ đã vay – họ vẫn phải trả $100-$200 triệu một năm trong tín dụng ngân hàng dù có những điều khoản đặc biệt!
Với tất cả sự ưu ái mà mình nhận được, LTCM tạo nên một lớp vỏ bọc khoẻ mạnh hơn thực chất. Một phần trong đó là những trò lừa lọc đơn giản: mặc dù họ có báo cáo tài sản và khoản nợ theo quý cho các ngân hàng và theo tháng đối với các nhà đầu tư nhưng bản báo cáo không phải lúc nào cũng rõ ràng và thường chỉ để thông tin tóm tắt tổng quát.
Thành công của LTCM không phải là mãi mãi và những vết rạn nứt bắt đầu lộ rõ.
Mô hình của LTCM dẫn họ đến với các quyết định liều lĩnh khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ năm 1997.
Mặc dù mô hình học thuật mà LTCM áp dụng khá suôn sẻ, nó vẫn ẩn chứa một vết nứt tai hại: sai lầm của con người.
Mô hình này cho rằng hệ thống tài chính cũng chỉ là một đại lượng “hữu tỉ”, có thể dự đoán và chịu sự chi phối của những con người cũng có thể dự đoán được. Nhưng không. Bản chất con người là phi lí trí, là nhạy cảm, dễ hoảng loạn. Chính mâu thuẫn ấy làm các vấn đề nảy sinh đối với LTCM.
Các vấn đề này bắt đầu vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc sụt giá bất thình lình. Điều này đặt ra một câu hỏi cho LTCM rằng liệu họ có nên đặt ra giới hạn khu vực và sản phẩm mà họ có thể đầu tư an toàn.
Vào những thời điểm không chắc chắn, bất ổn như vậy, người ta thường lựa chọn đầu tư vào trái phiếu, dù không mang đến lợi nhuận cao nhưng ít ra vẫn an toàn hơn.
Tuy nhiên, LTCM quyết định bước trên con đường khác. Họ gia tăng cổ phần vào sản phẩm tài chính rủi ro hơn: vốn sở hữu (equities). Theo mô hình, cuộc khủng hoảng là cơ hội tốt để kiếm tiền.
Họ bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu sinh đôi (paired shares) – các cổ phiếu khác nhau của cùng một công ty. Ví dụ, họ đầu tư vào Royal Dutch Petroleum và Shell Transport England – cả hai đều nằm trong khối quốc tế Royal Dutch Shell. Dù không hiểu biết mấy về các sản phẩm này, LTCM vẫn đầu tư quyết liệt bởi theo mô hình, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Họ bán trái phiếu với vị thế mở (open position), bỏ qua việc mua hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn để bảo hiểm rủi ro khi tỉ giá thay đổi trên thị trường Mỹ để mua ở thị trường Nga.
Khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào mùa hè 1997, LTCM nhận thấy sự giảm nhẹ trong lợi nhuận, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản họ. Họ tiếp tục làm theo mô hình và dần dần tự đẩy chính mình lại gần bờ vực thẳm.
Như bạn đã thấy, LTCM ưa thích đạt được thành công chưa từng có tiền lệ. Nhưng “trèo cao” thì “ngã đau”. Những trang tóm tắt sắp tới sẽ giúp bạn khám phá các sai lầm tất yếu dẫn đến thất bại của thiên tài LTCM.
Mô hình thất bại, thời kì suy thoái bắt đầu.
Mô hình mà các chuyên gia của LTCM gây dựng và phát triển chỉ tập trung vào một nguyên lý, rằng nếu xảy ra đổ vỡ, thị trường luôn luôn quay về với trạng thái tự nhiên. Giống như chiếc xích đu: bạn tác động một lực đẩy, nó sẽ bay lên rồi hạ xuống liên tục cho đến khi trở lại vị trí cân bằng ban đầu. Và theo mô hình của LTCM, thị trường cũng tương tự như vậy.
Đó là lí do tại sao quỹ lựa chọn chiến lược liều lĩnh trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Họ nhìn nhận suy thoái thị trường như một sự cố nho nhỏ và thị trường cuối cùng sẽ ổn định, mang lại cho họ cả một gia tài kếch xù.
Tuy nhiên, thực tế khác xa với kịch bản. Thị trường không quay về trạng thái bình thường. Hầu hết mọi người phản ứng nhạy cảm, hành động phi lí trí như rút hết các cổ phần và đầu tư hoàn toàn vào trái phiếu – một biện pháp an toàn hơn.
Nhưng mô hình của LTCM bảo rằng họ không được làm theo phong trào, phải tiếp tục bất chấp rủi ro, và họ đã làm vậy. Điều này khiến họ phải trả giá đắt: sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, LTCM trải qua nhiều tháng lỗ nặng lần đầu tiên trong đời.
Quy mô của LTCM thực sự khiến chính họ gặp khó khăn trong việc kiếm lợi từ đầu tư rủi ro. Khi các vấn đề và thiệt hại bắt đầu tăng lên, tỉ lệ đòn bẩy cao một cách lố bịch của LTCM trở thành chướng ngại vật: họ phải tiếp tục làm theo mô hình và gánh lấy rủi ro với hi vọng kiếm đủ tiền để chi trả cho các chi phí, nợ nần đang ngày một chồng chất. Họ càng tự tin vào khả năng được đền đáp hứa hẹn bởi mô hình. Thay đổi không còn là sự lựa chọn. Họ phải tiếp tục dấn thân.
Và cuối cùng, mô hình thất bại hoàn toàn.
Tuần tự chủ cuối cùng của LTCM được đánh dấu bằng sự kiện, mà theo LTCM từng đánh giá, gần như không thể xảy ra.
Theo mô hình của LTCM, khả năng mất trắng tay trong vỏn vẹn một năm chỉ là 1/1024, nghĩa là hầu như không thể xảy ra.
Tuy nhiên, vào 17/08/1998, chuyện không thể đã xảy ra: chính phủ Nga vỡ nợ, đồng rup phá giá. Điều này gây nên cơn chấn động đến thị trường. Không một ai, kể cả IMF, nhảy vào hỗ trợ Nga.
Các nhà đầu tư nhận ra rằng họ không phải lúc nào cũng được cứu trợ. Sẽ có lúc điều tồi tệ xảy đến, họ phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Nhận thức ấy đã khởi đầu cho một cuộc “di cư” trên thị trường thế giới. Mọi người chỉ tìm kiếm các trái phiếu an toàn nhất và bán hết mọi thứ. Đây là một tin buồn dành cho LTCM.
Theo tính toán của họ, số tiền họ mất nhiều nhất trong một ngày chỉ là $35. Thực tế, thiệt hại chạm ngưỡng $533 triệu.
Rơi vào tình trạng mắc nợ khổng lồ cùng thiếu vốn trầm trọng, LTCM cần phải bán tháo thật nhanh để giải quyết hết nợ. Nhưng tiếc rằng không ai mong muốn những thứ họ cung cấp. Một số tổ chức và ngân hàng từng yêu thích quỹ đầu cơ thì phân vân trước thương vụ này.
Người mua trên thị trường càng ít, người bán càng thua lỗ. Tính đến cuối tháng 8, LTCM mất 45% số vốn, mắc kẹt trong $125 tỉ trong tài sản không thể bán.
Khi quỹ bắt đầu thua lỗ, các ngân hàng mới phát hiện công ty đang hoạt động với những rủi ro lớn như thế nào và họ mới bắt đầu công kích quỹ nhằm lấy lại số tiền đã chi.
Cuối cùng, nỗi sợ rằng một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ nổ ra sau sự sụp đổ của LTCM đã cứu vớt quỹ này.
Khi đế chế LTCM bắt đầu lung lay, các ngân hàng – những người đang chống đối lại quỹ – nhận ra: “Nếu quỹ phá sản, chúng ta sẽ mất trắng các khoản đầu tư.” Và bởi vì quá nhiều ngân hàng đổ xô đầu tư vào quỹ, một sự sụp đổ sẽ phá vỡ thị trường.
Nhiều ngân hàng cùng các nhà đầu tư bắt đầu tìm cách kiểm soát và giải cứu LTCM. Họ sợ rằng một khi LTCM mất kiểm soát, tất cả số tiền mà LTCM kiếm được sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng theo thời gian, vị thế của họ chỉ thêm tồi tệ, họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Mọi nỗ lực tăng vốn đều thất bại. LTCM đã cầu cứu Warren Buffett, George Soros và một vài ngân hàng khác. Nhưng liệu ai có thể mua được một quỹ khổng lồ như vậy? Quy mô của LTCM khiến không một ngân hàng nào hi vọng có thể cứu giúp công ty.
Ngay sau cuộc khủng hoảng tại Nga, sự kiện LTCM vỡ nợ sẽ châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới, thị trường sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt. Không ai quan tâm nhiều đến điều gì sẽ xảy ra với quỹ này nhưng buộc phải tìm cách bảo vệ tài sản của mình.
Giữa tháng 9 năm 1998, hiểu được rủi ro lan tỏa từ sự kiện này, Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) đã can thiệp để cứu vãn sự sụp đổ của LTCM, cũng như cứu vãn sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới. Fed thành lập chuỗi các ngân hàng có thể huy động tài nguyên giải cứu LTCM.
Cuối cùng, Fed đã huy động được khoảng 15 ngân hàng lớn nhất thế giới. Trước nguy cơ sẽ bị phá sản lây, các ngân hàng nhất trí đóng góp $3,65 tỷ mua chung 90% cổ phần của LTCM. Số tiền này cộng với vốn những cổ đông đã mất và những món nợ không thể thu hồi được thì kết toán lên tới $110 tỷ. Họ hi vọng số tiền này sẽ giúp giảm bớt rủi ro, mang vốn trở lại và đảo ngược tình thế.
Kế hoạch thành công, sự vỡ nợ và tan rã sau này của LTCM không gây hại cho toàn bộ thị trường. Tuy nhiên trong quá trình nỗ lực cứu trợ LTCM, họ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các ông trùm của LTCM.
Ví dụ, mặc dù quỹ phải chịu thất bại thảm hại nhưng một trong những người thành lập LTCM là John Meriwether vẫn tìm được cách giữ gìn tài sản cá nhân (như nhà cửa, xe hơi, v.v…) và tránh các khoản nợ cá nhân. Chỉ vài năm sau, ông quay trở lại tiếp tục lập nên quỹ đầu cơ mới nhưng quỹ này vẫn chịu chung số phận như LTCM.
Trước khi sụp đổ, LTCM đã có vốn đạt đến gần $5 tỷ, tài sản vượt quá $100 tỷ, và có các sản phẩm tài chính với số tiền danh nghĩa vượt quá $1000 tỷ. Đến năm 1998, chỉ trong vòng 4 tháng, LTCM mất trắng $4,6 tỷ trong vốn và phải nhận viện trợ từ chính phủ. Quỹ chính thức đóng cửa vào năm 2000.
Thông điệp chính của cuốn sách
Thông qua thời kì hoàng kim và sụp đổ của một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, ta nhận ra rằng ngay cả những mô hình tưởng chừng như hoàn hảo nhất cũng không thể bảo vệ các nhà đầu tư khỏi hành vi khó đoán của đồng loại. Một thiên tài mà không hiểu và chơi theo luật của thị trường thì cũng chuốc lấy thất bại.
Tóm tắt sách Khi Thiên Tài Thất Bại