Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

“Khắc Kỷ – Từ Zeno Đến Marcus Aurelius” (2020) sẽ đưa bạn đọc đến với góc nhìn thú vị về chủ nghĩa Khắc kỷ thông qua cuộc đời của những người theo chủ nghĩa này. Bằng việc lồng ghép những hiểu biết sâu sắc của tác giả về những nhà lãnh đạo, các cuộc chiến tranh và phong trào chính trị trong thời cổ đại trước, cuốn sách cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ nhưng vẫn tôn trọng tính đúng đắn của lịch sử về triết lý phổ biến này. 

Quyển sách này dành cho ai? 

  • Những người yêu thích triết học đang tìm kiếm những kiến thức mới 
  • Những người đang tìm kiếm nguồn cảm hứng 
  • Các nhà sử học tìm kiếm một góc nhìn mới lạ 

Về tác giả 

Ryan Holiday là một tác giả và chiến lược gia truyền thông người Mỹ. Các bài viết của ông đã từng được đăng trên Tạp chí Columbia Journalism Review và Tâm lý học Ngày nay. Những cuốn sách trước đây của ông bao gồm The Obstacle is the Way and Stillness is the Key (tạm dịch: Trở ngại là con đường và Tĩnh lặng là Chìa khóa.) 

Stephen Hanselman là một tác giả và một nhà xuất bản. Ông đã tốt nghiệp tại Đại học Fresno Pacific và lấy bằng thạc sĩ của Trường Divinity Harvard. Cuốn sách trước đây của ông bao gồm The Daily Stoic (tạm dịch: Sống khắc kỷ mỗi ngày). 

 

1

Cuốn sách này có gì dành cho bạn? Hành động, không phải lời nói

Triết gia Nietzsche từng nói rằng chúng ta nên tìm hiểu về triết học để trở thành con người tốt hơn. Và không có trường phái triết học nào giúp chúng ta đạt được nhiều thứ trong hành trình tìm được phiên bản tốt hơn của chính mình như chủ nghĩa Khắc kỷ. Hình thành trong thời Hy Lạp cổ đại hơn hai nghìn năm trước, trường phái tư tưởng này nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động hơn lời nói – của việc sống đúng cách hơn là chỉ nói những điều đúng đắn. 

Vì vậy, hãy tìm hiểu về Chủ nghĩa Khắc kỷ bằng cách đi sâu vào cuộc sống và trải nghiệm của chính những người theo chủ nghĩa này. Trong cuốn sách, chúng ta sẽ cùng tác giả thực hiện một cuộc hành trình đến Hy Lạp và La Mã Cổ đại, khám phá cuộc đời và sự nghiệp hấp dẫn của những nhà tư tưởng Khắc kỷ vĩ đại nhất. 

Chúng ta sẽ khám phá cách những nhân vật lịch sử này vận dụng các nền tảng cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ như trí tuệ, công lý và lòng dũng cảm để đối mặt với những nỗi sợ hãi, nghi ngờ và đạt được những mong muốn tương tự như cuộc sống của chúng ta ngày nay. 

2

Chủ nghĩa khắc kỷ được trui rèn trong ngọn lửa gian khổ

Chủ nghĩa khắc kỷ ngày nay có thể được xem là một đỉnh cao của triết học thế giới nhưng ít ai biết được, ban đầu chủ nghĩa khắc kỉ cũng có những điểm khởi đầu khiêm tốn. 

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở Mediterreanean, vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, với một thương gia giàu có tên là Zeno. 

Zeno có một cuộc sống khá giả bằng cách buôn bán một loại thuốc nhuộm màu tím quý hiếm làm từ ốc biển. Nhưng một ngày nọ, cuộc sống sung túc của ông sụp đổ khi một con tàu chở loại hàng hóa quý giá này bị đắm. Zeno và gia đình xem như mất tất cả. 

Một số người chắc chắn sẽ bị suy sụp bởi sự bất hạnh này, nhưng Zeno không hề như vậy. Ông đối mặt với vận rủi của mình bằng sự kiên cường và lòng dũng cảm – chính xác là loại phẩm chất mà chủ nghĩa Khắc kỷ trân quý. Thay vì chôn vùi và trốn tránh nỗi bất hạnh của mình, Zeno chuyển đến thành phố Athens, trái tim của Hy Lạp Cổ đại, và theo đuổi hành trình trở thành một triết gia. 

Và ông đã chọn đúng nơi. 

Athens ở thế kỷ IV tập trung vào các hoạt động kinh doanh và cả hoạt động đáng xấu hổ là buôn bán nô lệ. Song hành cùng những thành công trong thương mại đối nghịch với lực lượng lao động nô lệ của thành phố, giới tinh hoa có học thức đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về những câu hỏi lớn nhất của cuộc sống. Không lâu sau, Zeno tìm thấy một người thầy đáng kính tên là Crates, người đã giới thiệu cho ông những kiến thức cơ bản về triết học. 

Bằng cách sử dụng một nồi súp đậu lăng, Crates đã giảng cho Zeno một bài học đầu tiên khá kì lạ. Crates yêu cầu ông mang món súp này đi khắp thành phố. Nghĩ rằng nhiệm vụ này sẽ hạ thấp nhân phẩm của mình, Zeno đã mang món súp đi qua các con đường tắt và vắng vẻ, tránh bị nhìn thấy. Nhưng khi Crates nhận thấy người học trò của mình đang lén lút thực hiện nhiệm vụ, ông đã đổ súp lên khắp người Zeno, dạy Zeno một bài học đầu tiên: đừng nên quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ. 

Chẳng bao lâu sau, Zeno đã trở thành một triết gia được kính trọng. Ông đã thành lập một lĩnh vực triết học mới, được gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ, và xây dựng bốn nguyên tắc chủ đạo của nó: lòng dũng cảm, sự khôn ngoan, tiết độ và công lý. 

Zeno tin rằng triết học không nên chỉ giới hạn trong lớp học mà nên đưa triết học vào hành động trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, thay vì rao giảng triết lí của mình trong một giảng đường lớn, Zeno và những người đồ đệ của mình đã khắc ý tưởng của họ trên một mái hiên ở giữa Athens được gọi là Stoa Poikile. Có lẽ minh chứng lớn nhất cho sự khiêm tốn của Zeno là ông đặt tên triết học của mình theo chính mái hiên này chứ không phải theo tên bản thân. 

3

Cleanthes tin rằng cuộc sống khổ hạnh là một phần thưởng 

Ngày nay, xã hội thường không thực sự quan tâm đến việc một nhà triết học sẽ có cuộc đời như thế nào. Tuy nhiên, ở thời Hy Lạp cổ đại, các triết gia là một trong những thành phần xã hội vô cùng quan trọng thời bấy giờ. Mọi người đều sẽ bàn tán, bày tỏ ý kiến về triết lí của họ. 

Cleanthes sinh năm 330 trước Công nguyên trên bờ biển Aegean và là một trong những đồ đệ tận tụy nhất của Zeno. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Cleanthes đã phải vật lộn và vất vả suốt cuộc đời mình. Và trong khi hầu hết mọi người tìm cách thoát khỏi tình trạng lao động vất vả, Cleanthes lại rất yêu thích điều này. 

Mặc dù với danh tiếng là một triết gia, ông vẫn tiếp tục theo học chủ nghĩa Khắc kỷ vào ban ngày và làm công việc vận chuyển nước cho những người Athens giàu có vào ban đêm. Ông có thể dễ dàng bỏ công việc chân tay cực khổ này vì có rất nhiều người sẵn sàng trả tiền cho thời gian và kiến thức của ông. Nhưng Cleanthes luôn từ chối những lời đề nghị kia, ngay cả khi vua Macedonia, Antigonus II Gonatas, mời Cleanthes về làm gia sư riêng cho mình. 

Là một người theo trường phái Khắc kỷ, Cleanthes hiểu rằng làm việc chăm chỉ sẽ đem lại vinh dự cho bản thân và ngay cả một công việc thấp kém như gánh nước, khi được hoàn thành đầy đủ cũng là một đức tính cao quý đáng trân trọng. 

Cleanthes không thấy có sự mâu thuẫn nào giữa hai nghề nghiệp của mình: triết gia và lao động. Trên thực tế, ông có quan điểm rằng việc trở thành người vận chuyển nước đã giúp ông trở thành một nhà triết học tốt hơn. Khi chúng ta nghĩ về nó, không khó để hiểu tại sao ông lại có suy nghĩ như vậy. Sự mệt mỏi trong lao động thể chất cho phép tâm trí của chúng ta đi lang thang và quan sát mọi người. Nó cung cấp cho ta không gian để suy nghĩ về những ý tưởng của mình một cách lặng lẽ, trong khi đó, ta vẫn có thể hoàn thành công việc của mình. 

Giống như nhiều nhà Khắc kỷ chân chính khác, Cleanthes cũng sống một cuộc sống rất thanh đạm. Ông thậm chí còn được cho là đã viết ra suy nghĩ của mình trên vỏ hàu và xương bò để không phải mua giấy cói. Thông qua lối sống thanh đạm của mình, Cleanthes đã thể hiện một trong những đức tính quan trọng của phái Khắc kỷ. 

4

Không phải ai theo chủ nghĩa Khắc kỷ đều thực hành những gì họ được khuyên răn

Sinh ra ở La Mã Cổ đại vào năm 106 trước Công nguyên, ngày nay Cicero được nhớ đến nhiều nhất với cuốn sách Những nghịch lý khắc kỷ. Trong tác phẩm hấp dẫn này, Cicero thảo luận về bản chất của những ý tưởng được xem là trung tâm của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Ví dụ, tại sao những Người Khắc kỷ nói rằng đức hạnh là tất cả những gì người ta cần trong khi đó tiền bạc và sức khỏe lại cũng rất cần thiết cho cuộc sống? Và tại sao những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ lại có thể tin rằng chỉ những người khôn ngoan mới giàu có, trong khi rất nhiều triết gia đang sống trong cảnh nghèo đói? 

Các tác phẩm của Cicero đã phơi bày nhiều nghịch lí đằng sau các trụ cột, ý tưởng chính của trường phái Khắc kỷ. Mặc dù bản thân của Cicero là người có công lớn nhất trong việc giới thiệu cho người La Mã những trường phái chính của triết học Hy Lạp, Cicero lại thường không áp dụng những lời dạy của trường phái Khắc Ki vào cuộc sống của chính mình. 

Sinh ra trong một gia đình vô danh ở thị trấn nhỏ ngoại ô thành Rome, Cicero đã dùng cả quãng đời trẻ tuổi của mình để leo lên nấc thang sự nghiệp với tốc độ chóng mặt. Ông được phong làm chỉ huy quân đội La Mã – sau này là chấp chính quan (có quyền hạn tối thượng, nhiệm kỳ một năm). Trong quá trình thăng tiến như vũ bão của mình, Cicero đã trở nên nổi tiếng khi truy tố thành công một quan tòa tham nhũng tên là Verres, kẻ đã đánh cắp số tiền khổng lồ từ người dân Sicily. 

Nhưng mặc dù hành động của ông thể hiện các giá trị công lý và lòng dũng cảm của Chủ Nghĩa Khắc kỷ, nhưng động cơ đằng sau những hành động đó lại kém đạo đức hơn một chút. Trên thực tế, Cicero phần lớn bị thúc đẩy bởi sự phù phiếm, tham vọng cá nhân và theo đuổi danh vọng cũng như sự giàu có – điều hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ. 

Chẳng bao lâu sau, việc Cicero coi thường những lời dạy của chủ nghĩa Khắc kỷ đã gây ra hậu quả tai hại. 

Ngay sau khi nhậm chức lãnh sự, Cicero phải đối mặt với một đối thủ nguy hiểm – thượng nghị sĩ La Mã, Catiline. Khi Catiline cố gắng thực hiện cuộc đảo chính và đóng quân bên ngoài thành Rome, Cicero đã có một hành động quyết đoán nhưng trái đạo đức. Ông chọn hành quyết những người ủng hộ Catiline với lí do ngăn chặn cuộc nổi loạn bất chính của họ – mà không trải qua bất kì phiên xét xử nào. Và hàng ngàn người đã bị giết dưới cơn thịnh nộ của Cicero. Là một đồ đệ của trường phái Khắc kỷ, ông nên biết rằng công lý, chứ không phải là sự đam mê quyền lực, mới là người thầy tốt nhất. 

Trong những năm sau đó, Cicero cũng đã thất bại do sự thiếu can đảm của chính mình. 

Vào năm 49 trước Công nguyên, Julius Caesar và đội quân đáng sợ của ông đang trên đà giành lấy quyền lực ở Rome. Cicero lúc bấy giờ được mời tham gia vào cuộc chiến đấu của quân đội Cộng hòa. Nhưng Cicero đã chọn không làm gì cả. Thay vì có đủ can đảm để chiến đấu chống lại chế độ chuyên chế, ông đã ngồi im. Mặc dù kính trọng, nhưng vì không ưa Caesar nên ông đã lui về ở ẩn. 

5

Cato the Younger chọn chủ nghĩa Khắc kỷ thay vì chủ nghĩa thực dụng

Trong khi phần lớn chúng ta sẽ chọn cho mình một con đường dễ dàng, thì một số người sinh ra đã rất dũng cảm. Những cá nhân hiếm hoi này luôn kiên định với niềm tin của mình, ngay cả khi đối mặt với nguy hiểm. Nhân vật lịch sử tiếp theo của chúng ta là một ví dụ điển hình đã thể hiện đức tính dũng cảm của chủ nghĩa Khắc kỷ. Tuy nhiên, đôi khi cảm giác tự tin dẫn ông đến những lựa chọn sai lầm. 

Sinh ra tại Rome vào năm 95 trước Công nguyên, Cato the Younger là người cùng thời với Cicero. Tuy nhiên, hai người đàn ông này cực kì khác nhau trong cách nhìn về cuộc sống. Nếu Cicero chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, thì Cato chỉ quan tâm đến những gì là đúng đắn. 

Khi còn nhỏ, Cato đã làm mất lòng một người lính khá tàn bạo. Để buộc Cato phải quy phục, người lính đã treo ông trên một ban công. Thật ngạc nhiên, Cato vẫn không hề sợ hãi, không cầu xin tha mạng và thậm chí không chớp mắt trước viễn cảnh cái chết đang đến gần. Cuối cùng, người lính kia đã tha cho ông và thừa nhận rằng cậu bé bốn tuổi này thật sự có một ý chí mạnh mẽ hơn bất kì người nào khác. 

Là một chính trị gia hàng đầu, Cato đã dành cả sự nghiệp của mình để chống lại nạn tham nhũng ở thành Rome và nỗ lực để thúc đẩy quyền lợi của các tầng lớp thấp hơn trong xã hội Rome lúc bấy giờ. Giới tinh hoa bắt đầu thể hiện sự bất bình với lập trường nguyên tắc của ông, nhưng hành động chân chính là tất cả những gì quan trọng nhất đối với Cato. Ông nói, đó là ý nghĩa của việc trở thành một triết gia chân chính và một người theo phái Khắc kỷ thực sự. 

Nhưng cam kết kiên định của Cato đối với lẽ phải đã dẫn đến một hậu quả tai hại. 

Sự việc bắt đầu khi Pompey, một trong những chính trị gia ưu tú hỏi cưới con gái của Cato. Cato biết rằng lý do duy nhất mà Pompey muốn gia nhập gia đình ông là vì hắn ta muốn tìm cách liên minh chính trị với ông. Cuộc hôn nhân tưởng đâu là hạnh phúc của hai trẻ nhưng đối với Cato, sự sắp đặt có vẻ không công bằng và nó đang che lấp một âm mưu hoàn hảo. Vì vậy, ông đã từ chối. 

Tuy nhiên, nếu Cato tạm gác niềm tin của mình sang một bên và suy nghĩ xét kỹ hơn về tình hình, ông sẽ nhận ra sự nguy hiểm khi đưa ra lời từ chối này. 

Sau khi Cato từ chối, Pompey kết hôn với Julia, con gái của Julius Caesar. Cuộc hôn nhân đã mang lại cho Caesar một quyền lực chính trị lớn. Không lâu sau, Caesar sẽ xâm lược La Mã và phá hủy nền Cộng hòa. 

Tất cả những sự đau thương này đều có thể tránh được nếu Cato chọn cách hạ cái tôi của mình xuống một chút, và thành lập liên minh với Pompey. 

6

Chỉ có một người phụ nữ theo chủ nghĩa Khắc Kỉ được lịch sử ghi nhận 

Khi chúng ta lướt qua những câu chuyện triết học của thời cổ đại, chúng ta có thể tự hỏi rằng phụ nữ đóng vai trò gì trong những câu chuyện này. Thật không may, giống như phần còn lại của lịch sử nhân loại, phụ nữ hầu hết đã bị loại bỏ khỏi những câu chuyện về chủ nghĩa Khắc kỷ. 

Tuy nhiên, sự kiên cường thầm lặng của những người phụ nữ theo chủ nghĩa khắc kỉ, chịu đựng tất cả bạo quyền, chiến tranh và gian khổ không khác gì nam giới thời của họ. Họ đã sinh ra và giáo dục để tạo nên những Cato, Cicero và Zeno nhưng sự đấu tranh và hy sinh của họ đã không được ghi chép và không được sử sách đánh giá cao. 

Người phụ nữ mà chúng ta vẫn còn có thể nhắc tên là Porcia Cato, con gái của Cato the Younger. 

Sau khi mất người chồng đầu tiên trong cuộc nội chiến ở Rome, Porcia tái hôn với một người đàn ông tên là Brutus. Brutus và bạn của ông đã âm mưu giết chết Julius Caesar, lúc này đang là hoàng đế và là nhà độc tài của La Mã. Nhận thức được chồng mình đang lên kế hoạch cho điều gì đó, Porcia quyết định hành động một cách cực đoan để cho Brutus thấy rằng bà là một người bạn đời xứng đáng. Porcia đã tự đâm vào đùi mình bằng một con dao. 

Khi Brutus trở về nhà, ông thấy Porcia chảy rất nhiều máu. “Nhìn này,” Porcia nói, “Em có thể chịu đựng được mọi nỗi đau.” Bằng cách tự làm tổn thương bản thân theo cách này, bà đã tìm cách chứng minh rằng mình sở hữu tính cách cứng rắn, do đó sẽ có thể chịu đựng được nỗi đau tột cùng nếu cần thiết. Bà muốn cho Brutus thấy rằng mình sẽ không suy sụp khi bị kẻ thù thẩm vấn để lấy thông tin. Khi nhìn thấy bằng chứng về ý chí sắt đá của vợ mình, Brutus ngay lập tức tiết lộ âm mưu của mình với Porcia. 

Đáng thương thay, đây không phải là lần cuối cùng Porcia thể hiện sự dũng cảm của một người theo chủ nghĩa Khắc Kỉ. 

Chỉ hai năm sau khi Caesar bị tấn công, Brutus bị giết trong một cuộc nội chiến do Mark Antony, một trong những người ủng hộ nhiệt thành Caesar khởi xướng. Mặc dù có nhiều lời kể mâu thuẫn về những gì đã xảy ra, nhưng một tác giả viết lại rằng, khi Porcia biết tin chồng mình qua đời, bà ngay lập tức lao đến lò sưởi và nuốt than nóng. Bà đã tự kết liễu đời mình để có thể đoàn tụ với chồng ở bên kia thế giới. 

7

Seneca – một nhân vật của chủ nghĩa khắc kỉ đã để lại cho đời một câu chuyện đầy máu

Seneca the Younger, nhà triết học Khắc kỷ nổi tiếng nhất mọi thời đại đã phải đối mặt với một tình huống rất khó xử. 

Giống như Cicero, Seneca được biết đến nhiều nhất vì những thành tựu văn học của mình, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức. Nhưng mặc dù Seneca được dân chúng hết sức ca ngợi, ông cũng đã phải nhận lấy những phán xét hết sức sai lầm trong cuộc đời của mình. 

Theo triết học Khắc kỷ, tất cả chúng ta đều có bổn phận đạo đức là tham gia vào nền chính trị, đóng góp cho công ích. Có lẽ chính nguyên tắc Khắc kỷ này mà vào năm 50 TCN, Seneca nhận lời mời làm gia sư cho một đứa trẻ 12 tuổi – một cậu bé với số phận đã được định đoạt sẽ trở thành hoàng đế tiếp theo của La Mã. Tên của đứa trẻ là Nero, con nuôi của Hoàng đế Claudius. 

Nhưng Nero là một người độc ác, lạm quyền, lười biếng và vô dụng. Seneca đã cố gắng dạy cho Nero các giá trị của chủ nghĩa Khắc kỷ về sự khôn ngoan, công lý và lòng nhân từ, nhưng không thành công. 

Bốn năm sau, mẹ của Nero là Agrippina đã sát hại cha Nero là Claudius, dọn đường cho Nero 16 tuổi trở thành hoàng đế. Và không lâu trước khi vị hoàng đế mới này thể hiện sự xấu xa của mình, Nero đã giết mẹ của mình, và sau đó tàn sát từng người họ hàng – những người có thể là đối thủ tranh đoạt ngai vàng trong tương lai. 

Seneca đã ở đâu trong cuộc đổ máu này? Thật đáng xấu hổ, ông đã ở bên cạnh Nero với tư cách là người thầy trung thành. Trong 15 năm tiếp theo, Seneca vẫn trung thành với Nero, ngay cả khi vị hoàng đế trẻ tuổi bộc lộ mình là một kẻ tâm thần và tàn độc. 

Mặc dù Seneca đã hết lòng khuyên nhủ Nero thương xót kẻ thù của mình, nhưng khi thất bại, ông không can đảm và tự giác rời đi. 

Thay vào đó, Seneca đã tận dụng cơ hội để tích lũy của cải nhiều nhất có thể. Sự giàu có của ông được xây dựng dựa trên những hành động xấu xa của Nero. 

8

Marcus Aurelius đã lãnh đạo đế chế La Mã bằng sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn của chủ nghĩa Khắc kỷ

Người ta thường nói rằng quyền lực tuyệt đối sẽ không tồn tại vĩnh viển. Và lịch sử đã cho thấy điều này luôn đúng. Thông qua tấm gương sáng trong cuộc đời và sự lãnh đạo của chính mình, nhân vật tiếp theo sẽ cho chúng ta thấy con người thực sự có khả năng như thế nào. Và chính Chủ nghĩa Khắc kỷ đã mang đến cho ông sự vĩ đại ấy. 

Chúng ta đang nói về Marcus Aurelius, vị vua triết học đầu tiên trên thế giới. 

Sinh ra trong một gia đình La Mã quyền quý vào năm 121 TCN, khi Hoàng đế Hadrianus không có người thừa kế, Marcus lúc đó chỉ mới 17 tuổi đã trở thành người kế vị. Dù sống trong cảnh giàu sang phú quý, Marcus vẫn là một cậu bé tốt bụng và khiêm tốn. Ngay cả khi chuyển vào sống ở hoàng cung, ông vẫn thường xuyên đến thăm thầy của mình. 

Một trong những hành động đầu tiên của ông là chia sẻ quyền lực với người anh nuôi Lucius, phong ông là đồng hoàng đế. Đây là một hành động rất lạ thường khi phần lớn những kẻ cai trị khác như Nero đã giết hết các đối thủ của mình. Nhưng lòng nhân từ của Marcus không dừng lại ở đó. Khi biết rằng một trong những đồng minh chính trị của mình là Cassius, đang âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính, thì Marcus nhanh chóng tha thứ cho những kẻ chủ mưu. 

Là một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ thực sự, Marcus luôn hướng về lợi ích của những thường dân La Mã hơn là sự sung túc của bản thân. Khi đế chế La Mã bị tàn phá bởi dịch bệnh Antonine, ngân khố Rome rơi vào tình trạng cạn kiệt và Marcus có thể dễ dàng tăng thuế. Nhưng thay vào đó, ông lấy tất cả đồ trang trí quý giá từ cung điện hoàng gia và bán chúng để lấy tiền duy trì chính quyền.. 

Từ câu chuyện của Marcus, chúng ta biết rằng ông đã nghiêm túc sống theo triết lý Khắc kỷ của mình. 

Trong cuốn sách Thiền định, ông viết về cảm giác ghen tị, tức giận và ham muốn của bản thân. Nhưng trong khi nhiều người trong chúng ta nhượng bộ với những cảm xúc này, Marcus lại tìm cách làm chủ chúng. Ông viết về việc tìm kiếm sự hướng dẫn trong chủ nghĩa Khắc kỷ, sử dụng nó để tạo ra một khuôn khổ đạo đức cho sự lãnh đạo của mình. 

Cuối cùng, cuộc đời và các tác phẩm của Marcus Aurelius có lẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho sức mạnh của chủ nghĩa Khắc kỷ. Bởi vì triết lý này luôn hướng về việc cải thiện bản thân để chúng ta có thể sống đúng với giá trị chân thực của mình và thích nghi với bất cứ điều gì mà cuộc sống đang ném vào chúng ta. 

Tổng kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này: 

Chủ nghĩa khắc kỉ dạy chúng ta đức tính dũng cảm và luôn đứng về công lí, đồng thời kêu gọi mọi người hãy thực hiện nghĩa vụ chính trị của mình vì lợi ích cao cả hơn. Những người sáng lập ra chủ nghĩa Khắc kỷ không phải lúc nào cũng sống theo triết lý của riêng họ, nhưng thông qua cuộc đời và những sai lầm mà họ gặp phải, chúng ta có thể học được giá trị của lòng chính trực, vị tha và những nguy cơ rình rập của sự phù phiếm và suy đồi đạo đức. 

Bạn nên đọc thêm cuốn sách: The Daily Stoic (Sống khắc kỷ mỗi ngày) của Ryan Holiday và Stephen Hanselman 

Cuốn sách hướng dẫn chúng ta phương pháp thiền định hàng ngày của những triết gia Khắc kỷ cổ đại, bao gồm Hoàng đế Marcus Aurelius, nhà viết kịch Seneca và nhà triết học bị biến thành nô lệ, Epictetus. Thông qua những ngôn từ mạnh mẽ, bạn sẽ khám phá ra vẻ đẹp của việc tự nhìn nhận lại bản thân và tìm hiểu giá trị thực sự của an bình nội tại. 

Playlist liên quan