Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Đường ra biển lớn là cuốn tự truyện bán chạy nhất trên thế giới của doanh nhân Richard Branson. Ông mô tả chi tiết những cuộc phiêu lưu sinh lợi của mình, bắt đầu từ việc bỏ học, thành lập một hãng thu âm và vượt biển Đại Tây Dương bằng xuồng cao tốc. Cuốn sách đã lột tả một cách xuất sắc vai trò của trí thông minh, quyết tâm và tư duy mạo hiểm trên con đường trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. 

Cuốn sách này đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến tỉ phú Richard Branson – người sáng lập nên một trong những tập đoàn có tầm ảnh hưởng và thành công nhất trong thế kỉ hai mươi, điều hành được một hãng hàng không và lập nhiều kỉ lục thế giới về nhảy dù và vượt biển. Nếu bạn chưa biết đến doanh nhân tài ba này thì vẫn sẽ thấy cuốn sách vô cùng thú vị khi xuyên suốt là câu chuyện về cách vị CEO lập dị phá vỡ mọi luật lệ trong kinh doanh và vẫn xuất sắc tạo nên những thành quả đáng nể.

1

Làm thế nào để tự gây dựng sự nghiệp kinh doanh lớn như tỉ phú Richard Branson?

Làm thế nào một người có thể trở thành ông chủ đằng sau một hãng hàng không, chuỗi cửa hàng băng đĩa, hãng thu âm, câu lạc bộ đêm và công ty đường sắt mà vẫn có năng lượng và thời gian để lập kỉ lục thế giới với khinh khí cầu?

Richard Branson thực sự rất khác người: Một kẻ ưa khám phá mạo hiểm không biết đến sợ hãi với sự nhạy bén sắc sảo trong kinh doanh. Sự kết hợp này cùng với trí tưởng tượng và quyết tâm chính là công thức cho sự thành công mặc dù ông trải qua không ít thất bại và thử thách trong suốt cuộc đời mình. 

Trong Đường Ra Biển Lớn, Branson miêu tả rất nhiều sự kiện trong cuộc đời – thứ hình thành nên nhân cách của ông – sự thật thà, ưa thích mạo hiểm và quyết tâm sắt đá và giúp ông cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc và hàng không.

Nếu bạn nghĩ về kinh doanh như một sự nỗ lực nhạt nhẽo chán ngắt thì những trang sách sau đây sẽ thay đổi cách nghĩ của bạn. Bằng việc đắm mình vào những câu chuyện trong cuộc đời đầy biến động và lí thú của Branson, bạn sẽ hiểu tại sao lựa chọn cách chơi không theo luật có thể cung cấp cho bạn hàng loạt những lợi thế trong kinh doanh – và cả trong cuộc sống.

Bạn sẽ biết được: 

  • Những thử thách mà gia đình Branson đưa ra cho ông khi ông còn là cậu bé, điều đã kích thích trí tưởng tượng của ông và giúp ông quen với việc mạo hiểm;
  • Làm thế nào ông bay đến Bát-đa để cứu những con tin từ tay Saddam Hussein, ngay khi chiến tranh nổ ra;
  • Làm thế nào để mua một hòn đảo;
  • Làm thế nào để bay qua Thái Bình Dương bằng khinh khí cầu, sau khi đã mất một nửa nhiên liệu ngay ngày đầu tiên!

“Thật thà mà nói tôi chưa bao giờ thực hiện thương vụ nào chỉ để kiếm tiền. Nếu đó là mục tiêu duy nhất thì tôi tin là tốt hơn hết bạn đừng làm nó. Một công việc kinh doanh phải thật lôi cuốn, thú vị và nó phải thử thách tính sáng tạo của bạn.”

2

Vượt qua giới hạn

Branson sinh năm 1950 trong một gia đình với tư tưởng rất độc lập. Từ khi còn bé, ông đã được khuyến khích vượt qua những giới hạn về khả năng của bản thân. Kết quả là, Branson đã sớm phát triển tính ưa mạo hiểm và tỏ ra thích thú với những thử thách mà mẹ ông hay cuộc sống nói chung dành tặng cho mình. 

Khi Branson chỉ mới mười một tuổi, mẹ cậu bé đã bảo cậu tới thăm những người họ hàng sống cách xa tận năm mươi dặm – bằng chiếc xe đạp và không hề có chỉ dẫn. Điều này dạy cậu bé khả năng chịu đựng và cách định hướng. Và khi cậu cuối cùng cũng trở về nhà ngày tiếp theo, thay vì sự chào đón nồng nhiệt dành cho người anh hùng, cậu chỉ được hướng dẫn tới nhà cha xứ để đốn một ít củi. 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên gia đình Branson dành cho cậu một thử thách khó khăn. Vào một kì nghỉ lễ kéo dài hai tuần của gia đình tại Devon, khi Branson chỉ mới bốn tuổi, cô của cậu bé đã đánh cược với cậu 10 si-linh (tiền cổ của Anh) là cậu không thể học bơi trong hai tuần. Chấp nhận thử thách, cậu dành nhiều giờ liền học bơi dưới biển. Thật không may, đến ngày cuối cùng của kì nghỉ, cậu vẫn không thể tìm được cách bơi vượt lên những con sóng biển. 

Nhưng với cậu, đây chưa phải là kết thúc. Khi cậu nhìn thấy một con sông trong chuyến đi trở về nhà, cậu đã nắm lấy cơ hội và bảo bố mình dừng xe lại. Bước xuống xe, cậu cởi quần áo và chạy ngay đến bờ sông. Ngay khi đến mép nước, cậu nhảy xuống. 

Ngay lập tức cậu bắt đầu chìm.

Tuy nhiên, dần dần, bằng việc đạp chân chặm rãi và đều đặn, cậu cũng nhô lên được trên mặt nước. Khi cậu đến giữa dòng, cậu nhìn thấy gia đình đang vỗ tay tán thưởng và cô của cậu thì đã vẫy vẫy tờ tiền mười si-linh. 

Khi Branson lên khỏi mặt nước, bố cậu dang tay ôm lấy cậu và người ông cũng ướt sũng. Nhìn thấy con trai chúi đầu xuống dòng nước, ông đã mất bình tĩnh và lao xuống dòng nước, lặn sát theo cậu bé. 

3

Vật lộn với việc học và dồn sức vào tạp chí văn hóa đại chúng

Thất bại khi không được thừa nhận về mặt học thuật ở trường Đại học – một phần bởi vì thái độ tự lập, và một phần bởi vì chứng khó đọc – Branson bắt đầu tìm kiếm đam mê ở những công việc khác.

Ông và người bạn chí cốt Jonny Gems đã sáng lập nên tạp chí Sinh viên (Student). Ban đầu mục đích của tạp chí chỉ là nơi để nói lên những bất mãn về trường học, nhưng nó nhanh chóng trở thành một sự giao thoa tuyệt vời giữa văn hóa sinh viên và các vấn đề thời sự nóng hổi.

Nhưng để xây dựng một tạp chí không phải là chuyện đơn giản khi có rất nhiều vấn đề. Một trong những khó khăn lớn nhất Brason hay Jonny phải đối mặt là nguồn lực tài chính để xuất bản Student – tức là tìm kiếm người quảng cáo cho một tạp chí thậm chí còn chưa tồn tại.

Mặc dù hầu hết các công ty mà Branson tiếp cận đều lưỡng lự, ông nhanh chóng tìm được một cách hiệu quả để lôi kéo họ:

Để thuyết phục Ngân hàng quốc gia Westminster, ông nói với họ rằng Ngân hàng Lloyds vừa đặt một trang quảng cáo và hỏi liệu họ có muốn quảng cáo song song với Lloyds Bank không. Chiến lược này đã thành công, và họ sớm có được 250 bảng đầu tiên.

Thời gian dành cho Student nhanh chóng chiếm nhiều sự ưu tiên hơn là việc học tập ở trường, vậy nên Branson và Johnny rời Stowe và di chuyển tới một tầng hầm ở Luân Đôn. Họ biên tập và phân phối tạp chí, càng ngày càng lôi kéo được nhiều sinh viên khóa sau đến căn phòng nhỏ bé để giúp đỡ công việc.

Mặc dù Branson phải chịu đựng chứng khó đọc – căn nguyên của sự khó khăn trong học tập và là lí do điểm số của ông ấy luôn đứng bét lớp – ông đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để biên tập và viết các bài báo cho tạp chí hơn bất kì bài tập nào trên lớp. 

Quá tham vọng, ông và Johnny muốn viết về những sự kiện quốc tế, như những cuộc chiến tranh ở Biafra và Việt Nam. Vậy nên họ đã hỏi tờ Daily Mirror liệu họ có hứng thú với câu chuyện của một phóng viên tới Việt Nam. Thực sự là họ có: Tờ Mirror đồng ý mua câu chuyện và Student đã có đủ tiền để cử một nhân viên của mình đến Biafra và làm một phóng sự tương tự.

Mặc dù có hứng thú với lĩnh vực chính trị, phần cốt yếu của Student là âm nhạc – như cuộc phỏng vấn độc quyền với Keith Richards, John Lennon và Yoko Ono, hay những bài báo về sự kiện của câu lạc bộ và những buổi trình diễn. 

“Để thành công, bạn buộc phải bước ra ngoài, bắt tay vào làm mọi thứ với năng lượng tràn đầy” 

4

Thành lập Virgin Mail Order

Khi thâm nhập vào lĩnh vực âm nhạc, Branson nhận ra là nhiều người rất hào hứng với những đĩa ghi âm, và nhận thức được rằng việc phân phối thông qua những cửa hàng băng đĩa là không có đối thủ. Đơn giản bởi vì không có lựa chọn nào khác, có những người không bao giờ dành 40 si-ling cho một bữa ăn nhưng sẽ vui vẻ trả số tiền tương đương cho một đĩa nhạc mới của Beatles ở một cửa hàng băng đĩa lớn. 

Nhưng Branson lại có một lựa chọn khác trong đầu. Ông nhận thấy rằng hệ thống đặt hàng qua thư điện tử (mail-order system) sẽ phổ biến với những người ở tuổi ông, những người sẽ thích việc đặt đĩa qua mail với giá thấp hơn là với giá bán lẻ ở những cửa hàng lớn như WH Smiths.

Ông thảo luận ý tưởng của mình với những nhân viên của Student, và họ quyết định rằng dự án mới này sẽ phải có một cái tên. Nó nên là một cái tên thu hút được số đông, vượt lên cả tầng lớp sinh viên và phải thật bắt mắt. 

Sau khi xem xét vài cái tên, một trong những nhân viên đã đưa ra gợi ý với “Virgin”, bởi vì tất cả bọn họ đều hoàn toàn “virgins” (Chưa có kinh nghiệm) trong lĩnh vực kinh doanh. Và thế là Virgin Mail Order được thành lập.

Trong số cuối cùng của tạp chí Student, Branson đặt một quảng cáo cho việc đặt đĩa qua thư điện tử và nó mang lại nhiều lời ngỏ ý và tiền mặt hơn họ từng thấy. 

Nhưng phần ngọt ngào nhất của sự mạo hiểm này chính là công ty nhận được tiền đặt hàng trước, tức là họ có vốn để mua đĩa. Bởi vậy, họ có thể cân bằng được tài chính thay vì đợi tiền chảy vào. 

Branson đưa người bạn ấu thơ của mình và người cộng tác Nik lên làm kế toán, và họ cùng nhau quyết xem họ sẽ mua đĩa từ đầu và gửi đến khách hàng bằng cách nào. Họ quyết định rằng, bằng việc thỏa thuận với những cửa hàng đĩa ở địa phương để nhập đĩa trực tiếp từ các công ty thu âm, nhóm Virgin có thể bán đĩa với giá rẻ hơn.

Trong suốt những năm 70, Virgin Mail Order thành công rực rỡ. Nhưng rồi một hiểm họa tiềm tàng xảy đến. Vào tháng một năm 1971, bưu điện đình công, và điều đó có nghĩa là khách hàng của Virgin không thể gửi tiền và cũng không thể nhận được đĩa.

5

Những cửa hàng đĩa của Virgin trở nên rất phổ biến

Vào năm 1971, những gian hàng của cửa hàng bán lẻ lớn bị thống trị bởi một khuynh hướng nhẹ nhàng và dường như không ai có chút hào hứng nào đối với nhạc rock.

Khi cuộc đình công bưu chính xảy ra, Virgin buộc phải xây dựng cửa hàng đĩa của chính họ. Họ muốn mở rộng những gì họ đã xây dựng được với Student : một nơi mà khách hàng không chỉ được khuyến khích mua một chiếc đĩa và rời đi, mà là nơi họ được chào đón và có thể trao đổi quan điểm về những mối quan tâm của mình. 

Nhận thức được cửa hàng giày ở đường Oxford có một cầu thang hướng đến một tầng trống, Virgin kí hợp đồng với người chủ để đặt cửa hàng của họ tại đó. Tuy nhiên, họ không thể trả được tiền thuê cửa hàng.Với sự khôn khéo đặc biệt và tư duy kinh doanh sắc sảo, Branson đã thuyết phục chủ cửa hàng cho phép họ sử dụng nó miễn phí, nhấn mạnh rằng lượng khách hàng tiềm năng tới Virgin cũng có thể đi qua cửa hàng của ông. 

Cửa hàng đầu tiên của Virgin đã thành công vang dội – đến nỗi mà Branson và công ty quyết định chuyển hướng sang tập trung mở nhiều cửa hiệu hơn nữa. Trong khi đó, họ vẫn giữ nguyên vẹn những đơn đặt hàng qua mail, sẵn sàng để tiếp tục công việc ngay khi cuộc đình công chấm dứt. 

Vào Giáng sinh năm 1972, Virgin đã mở rộng ra mười bốn cửa hàng đĩa trên khắp nước Anh. Phong cách của họ quá thành công đến nỗi mà việc giữ cái không khí mà họ mong muốn và đồng thời tạo ra lợi nhuận là không thể. Nói một cách khác, cửa hàng của họ rất đông nhưng không ai thực sự mua thứ gì: Không gian của họ quá thoải mái đến nỗi các cửa hàng của Virgin trở thành một nơi để hẹn hò. 

Để thay đổi tình hình, họ lắp đặt những bóng đèn sáng hơn và di chuyển quầy thu ngân ra cạnh cửa sổ để nhấn mạnh với mọi người rằng họ đang bước vào một cửa hàng, không phải một câu lạc bộ. Chiến lược này đã thành công: Chỉ sau hai tháng, doanh thu đã hồi phục.

6

Virgin nâng cao vị thế trong nền công nghiệp âm nhạc bằng việc mở một studio và thành lập hãng thu âm

Không lâu sau đó, Branson phát hiện ra rằng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu họ mở một studio và hãng thu âm. Ông cũng nhận ra rằng hầu hết các studio kinh doanh theo cách rất nghiêm túc. Họ làm việc với thời gian biểu được chỉ định nghiêm khắc, trong những căn phòng được đăng kí trước quá nhiều và rất ít nhạc cụ. Sự quy củ đó là giới hạn tính dữ dội và mạnh mẽ của nhạc rock và pop – đã bắt đàu từ những năm 1960. 

Vậy là, vào năm 1971, ở tuổi 21, Branson đã bắt đầu tìm mua một căn nhà đồng quê để có thể biến thành một studio thu âm với viễn cảnh rằng nó sẽ trở thành môi trường có ích và thu hút nhất với các ban nhạc. 

Sau khi tìm kiếm hàng tuần, ông cuối cùng cũng tìm được một trang viên xinh đẹp có từ thế kỉ mười bảy, đầy ắp những chiếc cổng bằng sắt, và được đặt ở vùng quê cổ kính. Tuy nhiên, vấn đề lại bắt đầu khi tiến hành hỏi giá. Ngôi nhà này được bán với giá 30.000 bảng – gần một nửa triệu bảng Anh tính theo giá trị tiền hiện nay – nhiều hơn số ông có rất nhiều. Chắc chắn là những phi vụ đầu tư của ông đang tiến triển tốt đẹp, nhưng Virgin không tạo ra nhiều lợi nhuận đến thế. 

Sau khi điều tra doanh số của Virgin Mail Order và Virgin Music Store, Ngân hàng Anh Quốc đã đồng ý cho vay thế chấp 20.000 bảng. Cô của ông cũng thế chấp căn nhà của mình để cho ông mượn 7.500 bảng, và ông đã có thể gửi tiền đến văn phòng bất động sản để giữ căn nhà.

Không chỉ vậy, Branson còn sáng lập hãng thu âm Virgin Records. Có một thương hiệu gắn với tập đoàn Virgin cho phép họ tự tìm kiếm các nghệ sĩ, cho họ một nơi để thu âm (và thu phí); quảng bá và bán đĩa qua chuỗi cửa hàng (và có được số dư lợi nhuận từ bán lẻ nữa).

Nghệ sĩ đầu tiên kí hợp đồng là Mike Oldfield. Oldfield đã thu âm Tubular Bells tại Virgin Manor trong suốt hai năm 1972 và 1973, một đĩa nhạc đã bán được hơn mười ba triệu bản, khiến công ty của Branson thành công ngoài mong đợi. 

7

Virgin bị kiện vì quảng bá album của Sex Pistols 

Sex Pistols là một ban nhạc Rock nổi tiếng vào cuối thập niên 70. Tại Anh, Sex Pistols bị coi là đe doạ đến ”chuẩn mực” xã hội và bị cấm biểu diễn. Tại Mỹ, họ không gây ảnh hưởng tương tự, nhưng một điều khó có thể phủ nhận là vô số ban nhạc khác ở cả hai quốc gia đều ít nhiều được truyền cảm hứng từ họ, từ sức mạnh âm nhạc, từ sự độc lập đầy cá tính. 

Vào năm 1976, Virgin đã dính phải vấn đề lớn: Ngoài Mike Oldfield, tất cả những hoạt động của các tên tuổi khác đều thua lỗ. Nhưng những năm 70 lại là thời điểm lên ngôi của dòng nhạc Punk (nhạc rock với nội dung mang tính công kích và thể hiện sự căm ghét xã hội), và Virgin đã đến lúc cần phải kí hợp đồng với một trong những ban nhạc mới. 

Cuối cùng, vào tháng năm năm 1977, Malcolm Mclaren, quản lí của ban nhạc Sex Pistols, đã kí hợp đồng với Virgin với hy vọng nhanh chóng thoát khỏi hãng thu âm lúc bấy giờ vì những hành vi bất lịch sự, như cách họ đã làm với EMI và A&M trước đây.

Virgin đã kí xong thỏa thuận vào đúng thời điểm cho ra bài hát “God Save The Queen” cho lễ kỉ niệm 25 năm tại vị của nữ hoàng Elizabeth. Khi đó ban nhạc Sex Pistols đã biểu diễn ngay trước Hạ Nghị viện Anh, tạo nên sự bùng nổ trước công chúng và khiến McLaren bị bắt. 

Tuy nhiên, vì Virgin không có bất kì cổ đông nào để phản đối những hành động của họ, hy vọng được kết thúc hợp đồng của McLaren tan vỡ. 

Vào năm 1977, album của Sex Pistol có tên “Nevermind The Bollocks, Here’s The Sex Pistols” (Đừng quan tâm đến chuyện vớ vẩn, đây chính là Sex Pistols) được phát hành và quảng bá rộng rãi trong các cửa hàng của Virgin khắp nước Anh. Một quản lí cửa hàng tại Nottingham đã bị bắt vì việc sử dụng công khai từ “bollocks” (còn có nghĩa là tinh hoàn). Hơn thế nữa, cảnh sát cũng đe dọa sẽ cấm lưu thông album này. 

Branson cần phải hành động. Ông đưa nhà ngôn ngữ học James Kinsley vào phiên tòa xét xử, người giải thích rằng “bollocks” không ám chỉ “tinh hoàn” mà nó là một biệt danh cho những thầy tu. Kinsley tiếp tục đưa ra lí lẽ rằng kể cả những thầy tu chắc chắn cũng sẽ không cảm thấy bị xúc phạm với cái tựa đề “Đừng quan tâm đến những thầy tu, đây chính là Sex Pistols.”

Sau đó người khởi tố lại hỏi ông rằng tại sao ông có thể chắc chắn rằng giáo hội sẽ không thấy bị xúc phạm với cái tên như thế. Kinsley chỉ đơn giản lật cổ áo polo của ông ra, để lộ hình ảnh mục sư bên trong. 

Branson đã thực sự rất may mắn: Ông đã tìm được một nhà ngôn ngữ học và cũng là một đức giám mục. Và thế là vụ kiện bị hủy bỏ. 

8

Với tài đàm phán khéo léo, Branson đã mua một hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp với giá 180.000 bảng

Năm 1978, Branson sống ở New York, vì ông muốn được ở cạnh Joan, người vợ tương lai của ông – đang trong quá trình làm thủ tục li dị người chồng cũ ở đó. Sau khi hoàn tất quá trình, Branson được hỏi liệu ông có đặt tên công ty theo tên của hòn đảo Virgin không. Mặc dù thực tế không phải như vậy nhưng hòn đảo chắc chắn là một địa điểm hoàn hảo để cặp đôi tận hưởng. 

Ông đã từng nghe rằng nếu một người thực sự hứng thú với việc mua một hòn đảo, các văn phòng bất động sản sẽ cho người đó ở trong một villa và cung cấp máy bay trực thăng để bay vòng quanh hòn đảo. Vậy là Branson liên lạc với một văn phòng bất động sản và bảo rằng ông đang tìm một nơi cho những nghệ sĩ của Virgin Music nghỉ dưỡng và thu âm. 

Joan và Branson bay tới hòn đảo, nơi họ được văn phòng tiếp đón và chào mời tại một trong những hòn đảo cách biệt và đẹp nhất – Necker Island.

Mặc dù ban đầu ông không hề có ý định mua nó, ông vẫn hỏi giá hòn đảo. Nó rơi vào khoảng ba triệu bảng. Chẳng có gì để mất, ông trả giá 150.000 bảng và cặp đôi bị đá ra khỏi villa.

Trở về London, ông tìm hiểu được rằng người chủ của Necker Island, một quý ông người Anh cần chốt việc bán hòn đảo nhanh để mua một tòa nhà khác với giá 200.000 bảng. Vậy là Branson nâng giá lên 175.000 bảng và thỏa thuận kết thúc với cái giá không thể tin được – 180.000 bảng. Từ việc bỏ túi một kì nghỉ miễn phí, Branson lại mua được cả một hòn đảo chỉ với một phần nhỏ của cái giá được đưa ra. 

Nhưng việc mua bán không phải là thành quả duy nhất của chuyến đi; Virgin Islands chính là nơi Branson xây dựng nên đế chế tiếp theo của mình: Hãng hàng không Virgin. Khi chuyến bay của ông trở về Puerto Rico bị hủy, ông thuê một chiếc máy bay với giá 2000 đô-la và ghi trên một chiếc bảng đen dòng chữ “Virgin Airways: 39 đô-la một chuyến bay tới Puerto Rico.”

9

Sự xuất hiện của đĩa CDs và việc kí hợp đồng với những nghệ sĩ chưa có tên tuổi nhưng tiềm năng đã khiến Virgin Records thành công vang dội

Mặc dù đã có trong tay ban nhạc Sex Pistols và vài ban nhạc New Wave để bước bào thị trường âm nhạc, Virgin vẫn không thể kiếm được lợi nhuận cao. Vào năm 1980, Virgin Music thua lỗ 900.000 bảng. 

Branson vẫn quyết tâm kiên định với việc kí thêm hợp đồng với những nghệ sĩ mới, như là Simple Minds, The Human League và Phil Collins, khiến cho giám đốc tài chính nhụt chí khi nhận ra Virgin đang dành số tiền nó không có để trả cho những nghệ sĩ chưa được biết đến.

Giám đốc tài chính rời đi và bán 40% cổ phần cho Branson, khiến ông trở thành chủ sở hữu 100% cổ phần của một công ty đang trên bờ vực phá sản. 

Tuy nhiên, điều mà không ai ngờ tới, chính là sự nổi tiếng của Compact Disc (viết tắt là CD). Vì thành công của nó, mọi người bắt đầu mua album được ghi trên CD. Virgin đã có thể bán những ca-ta-lô của họ nhờ đĩa CD, và bản thu âm đầu tiên của Mike Oldfield, bán rất chạy với CD, giúp Virgin lấy lại cân bằng về tài chính. 

Thêm vào đó, niềm tin của Branson vào người phát hiện ài năng và cố vấn âm nhạc Simon Draper cuối cùng cũng được đền đáp khi hầu như tất cả những ban nhạc ông mang về đều mang lại doanh thu rất cao. 

Ví dụ như album thứ ba của The Human League – có tên là Dare – đứng vị trí số một trên bảng xếp hạng của Anh, đã bán được một triệu bản ở Anh và ba triệu bản trên toàn thế giới. Thêm vào đó, danh sách những nghệ sĩ trẻ mà Virgin đã đưa vào ngành công nghiệp âm nhạc – những nghệ sĩ hoàn toàn mới – dường như vô tận: Phil Collins, Boy George, Culture Club, Simple Minds, XTC hay Heaven 17, tất cả đều thực sự rất thành công.

Virgin đã trở thành một thương hiệu tự do không có đối thủ, với số tiền kiếm được nhiều hơn họ từng mong đợi: với doanh thu 50 triệu bảng, tổng lợi nhuận là 2 triệu bảng vào năm 1982 và tăng vọt lên 11 triệu bảng năm 1983.

10

Việc đầu tư vào kinh doanh hàng không khiến Virgin gần như phá sản, nhưng Branson đã đưa Virgin Airways đi lên

Với trò đùa từng có cùng cái tên Virgin Airways cuối những năm 70, Branson đã rất hào hứng với ý tưởng thành lập một hãng hàng không. Vậy nên vào năm 1984, khi một luật sư người Mỹ gọi Randolph Fields để hỏi Branson liệu ông có hứng thú với việc điều hành một hãng hàng không xuyên Đại Tây Dương, ông đã sẵn sàng với thử thách mới. 

Người quản lí phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên Branson vẫn kiên quyết, ông cho rằng nếu họ có thể thuê chỉ một chiếc máy bay trong một năm, họ có thể giới hạn số tiền họ có thể mất, và có thể rút khỏi dự án nếu nó thất bại. 

Sau hai tháng đàm phán kĩ lưỡng, Boeing cuối cùng cũng đồng ý để Branson thuê một chiếc Jumbo trong vòng một năm. Tuy nhiên, họ còn thiếu giấy phép bay, những khe thời gian để chen vào và quảng cáo để cài đặt hệ thống bán vé. 

Để lấy giấy phép, một buổi kiểm tra trình độ cần được tổ chức với viên chức ngay trên sân bay. Chính vào buổi kiểm tra đó chiếc máy bay – không được bảo hiểm do không có giấy phép – đã đâm vào một đàn chim. Kết quả là, một trong những động cơ phát nổ và buổi kiểm tra bị hủy bỏ. 

Và Branson lại vướng vào rắc rối. Chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ bắt đầu trong hai ngày nữa và ông vẫn cần một giấy phép và một dộng cơ – tổng chi phí khoảng 600.000 bảng. 

Sau khi cài đặt động cơ mới, lấy được giấy phép và bay trên chuyến của Virgin, Branson nhận ra rằng 600.000 bảng đã làm vượt quá định mức 3 triệu đô của Virgin, và ngân hàng sẽ không sẵn lòng tăng thêm. 

Virgin đang đứng trên bờ vực phá sản. 

Để thoát khỏi tình cảnh này, Branson đã gom góp tiền từ các cửa hàng của ông trên khắp thế giới. Số tiền cũng đủ để giữ cho Virgin Airways vận hành, và hãng hàng không trở nên hợp pháp và thành công, dưới sự lãnh đạo của Branson, người vừa mới bước sang tuổi 33.

11

Mặc dù gặp phải nhiều biến cố cuộc đời, Branson vẫn dương buồm vượt Đại Tây Dương thành công trong thời gian kỉ lục

Vào năm 1984, Ted Toleman đang tìm kiếm một nhà đầu tư để tài trợ chi phí cho một chiếc thuyền anh đang làm để vượt biển Đạt Tây Dương với tốc độ kỉ lục để vượt qua Blue Riband Trophy của Anh. Branson đã rất hào hứng tài trợ. Ông nhận ra việc tham gia vào một hành trình vượt biển Đại Tây Dương và đạt kỉ lục sẽ thu hút sự chú ý cho hãng hàng không của ông. 

Với một người đầy kinh nghiệm dương buồm khắp thế giới – Chay Blyth – trong đội của mình, Toleman và Branson đã bắt đầu tới New York và khởi hành đi Anh để đánh bại kỉ lục thời điểm đó (được tính là 3 ngày, 10 tiếng và 40 phút). 

Nhưng sau ba ngày trên biển và hành trình chỉ còn 60 dặm nữa, họ gặp phải một cơn bão, nó mở tung thân tàu và khiến Virgin Challenger chìm. 

Những thuyền viên phải dùng đến phao cứu hộ và cuối cùng cũng được cứu sống bởi một con thuyền du lịch. Đáng ngạc nhiên là, trên chính con tàu này Branson cũng lần đầu tiên nhìn thấy đứa con trai mới sinh của mình – một trong những hành khách có một bản copy của Evening Standard (một tạp chí hằng ngày miễn phí của Anh), trên bìa có in hình đứa bé của tỉ phú Branson. 

Vẫn quyết tâm chiến thắng Blue Riband, Chay và Branson quyết định họ nên xây một chiếc thuyền một thân hơn là hai thân. Chiếc thuyền này được gọi là Virgin Atlantic Challenger II, nó tời New York vào năm 1986 với nỗ lực lần thứ hai để dành giải thưởng. 

Tuy nhiên, một tai nạn khác xảy ra khi bộ lọc của máy bơm nhiên liệu bị tắc, khiến cho động cơ bị nghẽn. Hơn thế nữa, chúng cần được thay thế hai tiếng một lần. Vì trở ngại này, họ không có cơ hội sẽ đến Anh đúng thời gian để đánh bại kỉ lục hiện thời. 

Một cách khôn khéo, Branson đã tới đường Downing và nói chuyện với đúng người: một máy bay RAF đã được cho phép lấy những bộ lọc mới và thả chúng lên thuyền. Với những bộ lọc mới đó, họ có thể giữ cho động cơ hoạt động bình thường, kết thúc chuyến đi trong 3 ngày, 8 tiếng và 31 phút – lập kỉ lục thế giới mới cho hành trình 3000 dặm. 

12

Sự nhân đạo trong con người Branson

Trong suốt cuộc chiến ở Cô-oét (Kuwait), Branson đã mang viện trợ tới Jordan, và sau đó cứu sống những con tin người Anh ở Bát-đa.

Vào năm 1990, Saddam Hussein tấn công Cô-oét (Saddam là một nhà lãnh đạo để lại nhiều nhìn nhận mâu thuẫn. Truyền thông phương Tây mô tả ông là nhà độc tài tàn nhẫn, trong khi nhiều người A rập và các nước thế giới thứ ba thì xem ông là một chiến sĩ đã dám chống lại ách cường quyền của Mỹ và phương Tây). Sự kiện này khiến cho thế giới đảo lộn và khiến giá dầu hàng không tăng gấp đôi, từ 75 cent đến 1,5 đô-la một gallon. 

Khi Branson đang định đưa con tới trường, điện thoại của ông kêu lên. Đó là cuộc gọi từ nữ hoàng Noor của Jordan, người mà ông đã gặp và kết bạn trong một cuộc thám hiểm trước đây. Trên 150.000 người tị nạn đã bay từ Iraq tới Jordan mà không có chăn hay nước để uống. Và mặc dù đội Chữ thập đỏ đã đi phân phát nước, chính phủ Jordan vẫn yêu cầu khoảng 100.000 cái chăn để ngăn chặn một thảm họa. 

Branson và các nhân viên của ông đã cố gắng tìm cách định vị và bay tới Jordan với 100,000 chiếc chăn ấm. Liên lạc với hội Chữ thập đỏ, văn phòng nước ngoài và văn phòng phát triển ngoài nước, họ đã thu thập được 30.000 chiếc chăn ấm và một số nữa từ UNICEF. Thêm vào đó, Sainsbury (chuỗi siêu thị của Anh) đồng ý quyên góp vài tấn gạo.

Để đưa những nguồn viện trợ này tới Jordan, Branson và nhân viên trên máy bay đã quyết định tháo toàn bộ ghế từ một chiếc Boeing 747 và chất lên đó hơn 40.000 chiếc chăn ấm, thuốc men viện trợ và hàng tấn gạo. Trên đường trở về Anh, họ cũng đón những người dân bị mắc kẹt ở Jordan.  

Nhưng vẫn còn một số những người Anh còn bị bắt giữ ở Baghdad và trở thành con tin. Branson gọi điện thoại cho đức vua của Jordan để đàm phán một thỏa thuận với Saddam Hussein: Để đổi lấy viện trợ thuốc men, Hussein nên thả tất cả trẻ em, phụ nữ và những người bệnh.

Vào ngày 23 tháng 10, Branson và một tình nguyện viên của Virgin hạ cánh xuống Bát-đa, tiến vào không phận nguy hiểm nhất trên thế giới bằng một chiếc máy bay thương mại. Họ đến nơi an toàn và được phép mang hầu hết các con tin đi cùng. Tuy nhiên, họ bị buộc phải để những người đàn ông lại sân bay. Chỉ một vài tuần sau thì việc này chấm dứt. 

“Phương châm tốt nhất để theo đuổi là: ‘Không mạo hiểm thì không đạt được gì hết’.” 

13

Gặp nạn khi vượt Thái Bình Dương trong một chiếc khinh khí cầu

Vượt Thái Bình Dương bằng một chiếc khinh khí cầu là một thử thách hấp dẫn đối với Branson. Ông đã có ý định làm việc này từ trước cùng với Per Lindstrand năm 1989, nhưng khinh khí cầu của họ bị rách ngay trước khi bay lên. Vào tháng 1 năm 1990, họ gặp nhau ở Nhật Bản với nỗ lực lần thứ hai để vượt Thái Bình Dương bằng việc lái khinh khí cầu vào vùng khí quyển hẹp 200 MPH. Mục tiêu của họ là tới California trong vòng hai ngày để dành kỉ lục thế giới với tốc độ nhanh nhất, và trở thành người đầu tiên vượt Thái Bình Dương bằng khin khí cầu.

Bảy tiếng trôi qua, đã tới lúc họ phải thả những thùng dầu rỗng xuống để giảm trọng lượng và tăng tốc độ bay. Tuy nhiên, vì một lỗi kĩ thuật, họ không chỉ thả xuống những thùng rỗng mà còn bị rơi thêm hai thùng nhiên liệu. Giờ họ chỉ còn một nửa phần nhiên liệu để vượt 6000 dặm nữa.

Đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất! Họ lại mất liên lạc với trung tâm điều khiển ngay sau khi nghe thấy tiếng cơn bão đáng sợ ùn ùn kéo đến. Họ không thể kết nổi với thế giới bên ngoài. May thay, Branson và bạn của mình đã bay trong luồng khí quyển hẹp và nhờ gió họ có thể đi được 170 dặm mỗi giờ. Tuy nhiên, một ít khí propane lại bị rò rỉ khiến cho vỏ khinh khí cầu bắt lửa. Một cách nhanh chóng, Lindstrand và Branson đưa khinh khí cầu lên độ cao 40.000 feet (1 ft = 0,3048000m), nơi không có đủ oxi và ngọn lửa bị dập tắt. 

Sau khi lửa tắt, radio hoạt động trở lại, thiết lập liên lạc với trung tâm điều khiển. Tuy nhiên, họ lại nghe được một tin dữ nữa: Luồng khí quyển hẹp đã xoay chiều và sẽ thổi họ trở lại Nhật Bản nếu họ không thể hạ xuống độ cao 18.000 ft, nơi một luồng gió khác đang thổi về phía Bắc, hướng về Bắc Cực. 

Sau gần 48 tiếng đồng hồ, cuối cùng họ cũng đáp xuống Canada – cách xa 3000 dặm so với điểm đến dự định ban đầu – một chuyến bay bằng khinh khí cầu với khoảng cách và tốc độ trung bình lớn hơn bất kì ai từng đạt được. 

14

Hãng hàng không British Airways đã dùng đến những chiêu trò bẩn thỉu để cạnh tranh với Virgin Airways, nhưng cuối cùng họ đã phải chấp nhận xin lỗi

Vào những năm 1990, Branson đang tận hưởng đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng thành công của ông trong lĩnh vực hàng không không được đánh giá cao bởi hãng hàng không British Airways – kênh vận chuyển truyền thống của Anh. Hãng này đã bắt đầu những chiến dịch để đá ông ra khỏi ngành. Họ thậm chí còn tập hợp một nhóm với mục đích duy nhất là phá hoại Branson và công ty của ông.

BA không chỉ liên hệ với khách hàng của Virgin, cung cấp cho họ những chuyến bay rẻ hơn và tuyên bố rằng những chuyến bay của Virgin đã bị hủy hoặc hết vé, mà còn thâm nhập vào hệ thống dữ liệu của Virgin để lấy được thông tin đặt vé của hãng này. Thêm vào đó, họ kí hợp đồng với vài thám tử tư và những người hoạt động công chúng để điều tra về Branson, gia đình và công ty của ông để hủy hoại hình ảnh của vị doanh nhân này. 

Bằng chứng là sau khi nhìn thấy một phim tài liệu trên TV về mối quan hệ thù địch giữa BA và Virgin, một khách hàng của Virgin liên lạc với văn phòng của Branson và báo lại rằng cô ta nhận được nhiều cuộc gọi bởi những người tự cho là nhân viên của Virgin. Họ gọi để thông báo rằng cô buộc phải hủy bỏ chuyến bay và hỏi rằng liệu cô có muốn đặt chuyến bay của Concorde vào ngày tiếp theo hay không. BA đã phủ nhận mọi sự liên quan. 

Ngay cả khi có thông tin này và vài nhân viên cũ của BA sẵn sàng kiểm chứng, những văn phòng chịu trách nhiệm cho sự cạnh tranh tồn tại giữa hai hãng hàng không từ chối thừa nhận chiến dịch với những hành động bẩn thỉu đó. 

Chỉ khi Branson và đội của ông tìm được một ổ cứng chứa tất cả những đoạn hội thoại giữa những giám đốc điều hành của BA – tiết lộ rằng, người quản lí đã đưa ra quyết định hạ bệ Virgin – Branson và các luật sư của ông mới đủ tự tin để đưa BA ra tòa.

Với bằng chứng rõ ràng như vậy trong tay, BA ngay lập tức thay đổi chiến thuật, từ phủ nhận hoàn toàn đến hòa giải. Đó có lẽ là mức phạt lớn nhất từng có khi BA phải trả cho 500.000 bảng cho Branson và 110.000 bảng cho Virgin Atlantic như một khoản bồi thường vì tội phỉ báng cá nhân và tập đoàn. Hơn thế nữa, họ phải xin lỗi và thừa nhận sai lầm trước công chúng. 

Tổng kết

Bạn vẫn có thể vui vẻ khi kinh doanh, nếu như bạn đủ dũng cảm để đối mặt với mọi thử thách và đủ táo bạo để chế ngự mọi vật cản trên con đường của mình.