Giới thiệu
Tóm tắt sách Điều quan trọng bị lãng quên (The Big Necessity) nghiên cứu sâu về những vấn đề xung quanh chất thải sinh học của con người. Việc mọi người cố lảng tránh nó sẽ dẫn đến sự bùng nổ bệnh dịch trên thế giới. Hàng năm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo đã khiến hàng ngàn người tử vong một cách vô cùng đáng tiếc. Hãy cùng tìm giải pháp cho vấn đề nhức nhối này trong bản tóm tắt dưới đây.
Cuốn sách này là sự lựa chọn tuyệt vời với
- Bất kỳ ai đã từng đi đại tiện;
- Những nhà nhân chủng học hứng thú với việc quy hoạch và thiết kế đô thị;
- Những nhà hoạt động xã hội quan tâm đến sức khỏe nhân loại và chất lượng cuộc sống.
Người mang đến những thông tin hữu ích này là
Rose George, một nhà báo kiêm nhà văn nổi tiếng người Anh. Bên cạnh những bài báo trên tờ The New York Times, Slate, The Guardian, bà còn là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng như 90% Vạn Vật hay Sống Một Cuộc Đời Thanh Thản.
Giá trị lớn nhất cuốn sách đem lại: Kiến thức về đặc điểm và kết quả cuối cùng của chất thải sinh học.
Rất nhiều bậc phụ huynh đã đọc cho con cái nghe những cuốn sách nói về sự thật thú vị đằng sau hành động đi vệ sinh của con người. Tuy nhiên, sự thờ ơ của mọi người với vấn đề này đã dẫn đến rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Điều kiện vệ sinh tồi tệ là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hàng loạt cái chết thương tâm và tình trạng bùng nổ bệnh dịch trên toàn thế giới. Ngoài ra, cách con người đi vệ sinh hàng ngày hầu hết đều sai lầm; người ta có thể tận dụng phân để làm nên những thứ không tưởng. Bản tóm tắt sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về những sự thật ít người biết và công dụng của phân người.
Trong những chương tiếp theo, bạn sẽ tìm được thông tin về
- Số lượng trẻ em tử vong hàng năm do sự thiếu thốn công trình vệ sinh đảm bảo;
- Tại sao nguồn vốn 1 đô la đầu tư vào hệ thống vệ sinh lại có thể mang về hiệu quả hết sức to lớn;
- Cách người Trung Quốc tận dụng phân của họ.
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe con người.
Hầu hết mọi người đều không hứng thú nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra với chất thải dưới toilet. Như câu nói nổi tiếng: “Không nhìn thấy, không quan tâm” .
Thực tế, 2.6 triệu người trên thế giới không được sống trong môi trường vệ sinh đảm bảo. Chưa bàn đến nhà vệ sinh công cộng hay cơ sở vật chất tồi tàn bên ngoài nhà riêng, họ thậm chí không có công trình phụ. Họ phải “giải quyết” tại bất cứ nơi nào có thể, ở nơi công cộng, trong rừng hay thậm chí là trong núi nilon và vứt nó bên vệ đường của những khu ổ chuột tồi tàn.
Trong môi trường như vậy, họ thường xuyên phải tiếp xúc với phân, chúng dính vào quần áo và dần dần xâm nhập vào thức ăn và nguồn nước. Đáng buồn hơn nữa, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lẽ cứ 19 người lại có 4 người phải sống giữa chất thải sinh học của con người.
Vấn đề vệ sinh toàn cầu đang là một vấn nạn khi nó làm bùng phát 9/10 căn bệnh nguy hiểm trên thế giới. Thực tế, số trẻ em tử vong do tiêu chảy trong thập kỷ qua thậm chí còn cao hơn tổng số nạn nhân trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Lý do rất đơn giản, 1 gram phân chứa 10 triệu virut, 1 triệu vi khuẩn, 1000 ký sinh trùng và 100 trứng sán. Đáng sợ hơn, chuyên gia vệ sinh ước tính rằng một người sống trong môi trường ô nhiễm có thể hấp thụ phải 10 gram phân mỗi ngày.
Kết quả là, cứ 15 giây qua đi lại có 1 đứa trẻ tử vong do bệnh tiêu chảy. Tổ chức UNICEF cho rằng nguồn nước hay thức ăn nhiễm chất thải, nguyên nhân chủ yếu gây ra tiêu chảy, là rào cản lớn nhất trong công cuộc bảo vệ trẻ em ở các nước phát triển, vượt qua cả AIDS, bệnh lao hay sốt rét.
Điều kiện vệ sinh đảm bảo có thể cứu được hàng triệu mạng người và tiết kiệm hàng tỉ đô la.
Có rất nhiều thành tựu y học nổi bật trong suốt 200 năm qua, từ thuốc kháng sinh và penicilin đến việc kiểm soát sinh nở và thuốc cân bằng insulin. Nhưng khi phóng viên từ báo British Medical yêu cầu độc giả chọn ra phát minh quan trọng nhất, đa số đều trả lời rằng: đó chính là sự cải thiện điều kiện vệ sinh.
Trong thời gian trước, cứ 2 đứa trẻ ở London lại có 1 người tử vong do điều kiện vệ sinh kém. Mãi cho đến khi những nhà vệ sinh hiện đại được xây dựng với hệ thống cống thoát và nước rửa tay đảm bảo, tỷ lệ này mới giảm đi 1/5, một cú giảm tỉ lệ tử vong ngoạn mục trong lịch sử nước Anh.
Đáng buồn hơn, không phải chỉ UNICEF mới đưa ra tỉ lệ tử vong cao như vậy, thực tế mỗi năm có tới 2,2 triệu ca tiêu chảy được ghi nhận. Tuy nhiên, cách tốt nhất để giảm tới 40% tỉ lệ bệnh nhân tiêu chảy ở các nước phát triển là xử lý chất thải sinh học một cách cẩn thận. Gary Ruvkun, nhà di truyền học của đại học Harvard, cho rằng việc sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ có thể tăng tuổi thọ con người thêm 20 năm.
Điều kiện vệ sinh tốt mang lại những ảnh hưởng tích cực về cả sức khỏe và kinh tế. Từ việc có một sức khỏe dồi dào, những người công nhân sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn dùng cho việc chữa bệnh. Con người chỉ mất trung bình 1 đô la cải thiện hệ thống vệ sinh để tiết kiệm được 7 đô la từ chi phí chăm sóc sức khỏe và việc tăng năng suất lao động. Nếu tính với quy mô lớn hơn, 95 tỉ đô la đầu tư vào điều kiện vệ sinh sẽ tiết kiệm được số tiền lên tới 660 đô.
Để có một cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng kinh tế, hãy cùng phân tích sự bùng nổ bệnh tả ở Peru vào năm 1991. Nếu Peru bỏ ra 100 triệu đô la cho hệ thống vệ sinh đảm bảo hơn, họ đã không mất tới 1 tỉ đô la để kiểm soát khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, trong 10 tuần đầu tiên từ khi bệnh dịch xuất hiện, doanh thu từ nông nghiệp và du lịch đã giảm gấp 3 lần so với số tiền đầu tư vào vệ sinh hàng năm.
Với vai trò là yếu tố mang lại sức khỏe và sự thịnh vượng, điều kiện vệ sinh xứng đáng trở thành vấn đề chính trị đáng quan tâm hàng đầu.
Việc luôn lảng tránh vấn đề vệ sinh khiến chúng càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Giống như việc không thích suy nghĩ về giai đoạn tiếp theo của nước thải dưới bồn cầu, con người cũng không muốn bàn luận về vấn đề vệ sinh. Mặc dù việc tìm từ ngữ để diễn đạt chính xác khá khó khăn, nhưng từ khi nào nó lại trở thành một rào cản quá lớn như vậy?
Đó có thể là do giới hạn của ngôn ngữ. Trong những bối cảnh trò chuyện đa dạng từ đời thường, y khoa hay trang trọng ta lại có cách gọi “chất thải sinh học” theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, không có từ ngữ nào đủ dễ hiểu và tế nhị để dùng trong những cuộc trò chuyện văn minh thông thường.
Nhà nhân chủng học Robert Elias đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình về sự bài tiết của con người thông qua cuốn sách Quá Trình Khai Hóa. Ví dụ, thời xưa việc mời vua ngồi vào chậu đựng nước tiểu là một vinh dự, trong khi ngày nay mọi người đều thích làm việc đó ở nơi riêng tư.
Ngoài ra, ngôn ngữ cũng phản ánh quan điểm hiện đại hơn của con người về vấn đề vệ sinh. Để “vệ sinh hóa” khu vực toilet, mọi người thường gọi nó là “phòng vệ sinh” hoặc “phòng tắm”. Xu hướng này còn ảnh hưởng tới cả ngôn ngữ trong các văn bản chính sách quốc tế. Để đề cập tới những bệnh dịch liên quan tới phân, người ta thường dùng cụm từ “bệnh liên quan tới nguồn nước”.
Tuy nhiên, dù biệt ngữ cho khía cạnh này ngày càng sáng tạo, đây vẫn là vấn đề ít được chính phủ quan tâm. Ở Pakistan, số tiền chi cho quân đội gấp 47 lần số tiền cải thiện hệ thống vệ sinh bất chấp việc hàng năm có tới 120.000 người tử vong do bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chi 90% ngân sách cho việc cung cấp nước sạch, mặc dù nguồn nước có sạch hơn cũng chỉ có thể giảm tỉ lệ người chết xuống 16-20%. Nếu số tiền đó được đầu tư vào hệ thống vệ sinh, tỉ lệ đó có thể giảm tới 40%.
“Không thể bàn luận về HIV/AIDS nếu không đề cập tới tình dục. Tương tự như vậy, không thể thảo luận về vấn đề vệ sinh nếu không đề cập đến phân”
Để mọi nỗ lực đem lại hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên là thay đổi thói quen và quan điểm của con người về vấn đề vệ sinh.
Mỗi ngày ở Ấn Độ, khối lượng chất thải tương đương với trọng lượng của 155.000 chiếc xe tải được đổ ra những khu vực công cộng và lộ thiên. Điều đó đồng nghĩa với việc con người phải sống chung với 200.000 tấn nước thải chưa qua xử lý. Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, vấn đề “vệ sinh lộ thiên” cũng chưa hoàn toàn bị bỏ qua. Từ năm 1986 đến 1999, 9,45 triệu nhà vệ sinh đã được xây dựng thông qua chương trình “Vệ sinh nông thôn” ở Ấn Độ, từ đó tăng số lượng nhà vệ sinh lên 15%. Tuy nhiên, việc giúp mọi người quen với việc sử dụng toilet mới là vấn đề thực sự khi hàng triệu nhà vệ sinh đã rơi vào tình trạng bị bỏ không.
Rất nhiều nơi thiếu nước, vì vậy thay vì mang một xô nước đến nhà vệ sinh, họ thà “giải quyết” ở một nơi lộ thiên nào đó. Thay vì tham khảo ý kiến người dân, chính phủ lại hành động theo cái nhìn từ phía ngoài cuộc của họ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội lại sử dụng phương pháp tâm lý sáng tạo như truyền đạt với mọi người về những nguy hại đến sức khỏe của việc vệ sinh lộ thiên hay tác dụng của toilet, từ đó giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Karmal Kar, cố vấn của tổ chức phi lợi nhuận WaterAid, đã đến thăm làng Bangladeshi ở Mosmoil để thuyết phục họ ngừng sử dụng hình thức vệ sinh lộ thiên. Mặc dù WaterAid đã xây dựng rất nhiều nhà vệ sinh khép kín ở Mosmoil, nhưng 40% bệnh dịch tại đây vẫn bắt nguồn từ phân.
Trong khi đi dạo cùng Kar, dân làng đã ước tính số lượng chất thải lên tới 120.000 tấn. Một vài người đã kinh hãi nhận ra mức độ xâm phạm nghiêm trọng của chúng tới đồ ăn và nguồn nước của họ. Chuyến thăm của Kar đã thức tỉnh dân làng và khiến họ cùng chung tay cải thiện tình trạng vệ sinh tại môi trường sống của mình.
Phương pháp thay đổi nhận thức của người dân nhanh chóng thu hút được sự chú ý. Sau đó nó được áp dụng rộng rãi ở Ấn Độ và các quốc gia khác. Thậm chí người ta đã gọi nó bằng một tên riêng: Cách tiếp cận vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ.
Vệ sinh là một vấn đề toàn cầu mà không cá nhân nào được bỏ qua.
Đọc đến chương này, có thể bạn nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề của các nước kém phát triển. Tuy nhiên, sự thật lại nghiêm trọng hơn thế rất nhiều. Những đất nước hay đô thị phát triển thịnh vượng cũng đang phải đối mặt với vấn đề nước thải. Ví dụ, 1,7 triệu người ở Mỹ, một cường quốc hàng đầu thế giới, đang phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn hệ thống vệ sinh đảm bảo.
Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ đánh giá cơ sở hạ tầng của nước này theo thang điểm từ A đến F. Vào năm 2000, hệ thống nước thải của Mỹ bị xếp ở hạng D. Tuy nhiên, tình hình tiếp tục tệ đi cho đến năm 2005, thậm chí mức điểm này còn tụt xuống D-. Không chỉ ở nước thải, hệ thống đường ống thoát nước của Mỹ còn bị Hiệp hội Bảo vệ môi trường xếp ở mức tệ và rất tệ. Họ cũng dự đoán rằng, đến năm 2020, một nửa số đường ống thoát nước của Mỹ sẽ đồng loạt hỏng hóc.
Thậm chí thành phố New York hào nhoáng cũng không phải ngoại lệ. Hệ thống cống thoát dẫn nguồn nước ở mọi nơi, từ phòng tắm đến hè phố hay bất cứ nơi nào, chảy qua chung một những đường ống nhỏ. Bình thường sẽ không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi trời mưa hệ thống đó rất dễ gặp vấn đề.
“Vấn đề” đó đã thực sự xảy ra vào ngày 8 tháng 8 năm 2007, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, lượng mưa tới 900 mm lần lượt đổ xuống Manhattan và Brooklyn. Thiết kế sai lầm trên đã khiến hệ thống tàu điện ngầm phải dừng hoạt động khi máy bơm không thể hút kịp khối lượng nước khổng lồ ở đường ray.
Không chỉ giao thông công cộng bị ảnh hưởng, việc lượng nước ứ đọng quá lớn cũng gây ra những hệ lụy lâu dài khác. Bởi lẽ, hệ thống cống thoát được thiết kế để tự động đổ toàn bộ khối lượng nước thừa vào một vùng nước gần nhất. Theo nhóm hoạt động môi trường Riverkeeper, quá trình này diễn ra hàng tuần với 1.900 lít được thải ra. Khối lượng nước thải này thậm chí có thể đổ đầy 800 bể bơi Olympic.
Nếu mở rộng phạm vi ra toàn nước Anh, kết quả nhận được là ngành công nghiệp nước thải đã đổ 5,5 nghìn tỷ lít nước độc hại ra đại dương.
“Những công dân văn minh nên biết cách xả chất thải đúng cách thay vì đổ nó vào nguồn nước uống.” Teddy Roosevelt
Trung Quốc đã chứng minh rằng, “chất thải” của con người là nguồn tài nguyên có ích.
Thay vì xả nước thải ra nguồn nước, thì chúng ta nên xử lý nó thế nào?
Martin Luther, trưởng nhóm Cải Cách Kháng Cách ở thế kỷ thứ 16, thậm chí đã ăn 1 thìa phân của chính mình mỗi ngày và nói rằng không hiểu sao Thượng Đế lại hào phóng ban cho một nguồn tài nguyên quý giá đến thế. Mặc dù không thể làm theo lời khuyên này, nhưng chúng ta vẫn có thể rút ra được một vài bài học từ Luther: Phân cũng có thể trở nên có ích!
Vì vậy, thuật ngữ “chất thải” của con người không hoàn toàn chính xác, vì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nó để sản xuất gạch hay tận dụng chất photphat và ni tơ trong phân để bón cho cây trồng. Ngoài ra, không thể bỏ qua lợi ích về y tế khi 90% tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đã hồi phục sau khi sử dụng phương pháp ghép phân.
Đặc biệt, Trung Quốc còn tận dụng nó để sản xuất khí ga sinh học. Đây là nguồn năng lượng thu được bằng phương pháp lên men các chất hữu cơ như thực vật hay phân người. Theo thống kê mới nhất, 15,4 triệu hộ dân ở vùng nông thôn Trung Quốc thắp sáng và sưởi ấm bằng nguồn năng lượng lấy từ bể biogas nối với bồn cầu trong nhà.
Nhờ đó, chi phí sử dụng năng lượng hằng ngày đã giảm đi đáng kể vì mỗi mét khối biogas tương đương với 6 giờ thắp sáng bóng đèn công suất từ 60W đến 100W. Ngoài ra, họ có thể tiết kiệm chi phí mua phân bón bằng cách sử dụng chính sản phẩm còn lại từ quá trình sản xuất biogas. Theo Trung tâm Nghiên cứu Y học và Quân đội Trung Quốc, rau xanh tăng trưởng từ 50 đến 60% khi được bón bằng sản phẩm này.
Cuối cùng, ga sinh học còn giúp con người tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Người dân vùng nông thôn Trung Quốc sử dụng gỗ làm chất đốt nhiều đến mức, nghiên cứu năm 1991 chỉ ra rằng một gia đình 5 người ở vùng Quảng Tây sử dụng đến 2,3 tấn gỗ để đốt mỗi năm.
Việc dùng ga sinh học để thay thế gỗ không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn tiết kiệm thời gian. Nếu sử dụng bếp đốt bằng gỗ và cám gạo, con người sẽ mất tới 2 giờ đồng hồ để chuẩn bị cơm thay vì 20 phút như khi sử dụng biogas.
Giống như việc thay đổi quan điểm của con người về chất thải, việc tái chế chúng cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Dù biogas có rất nhiều tiềm năng, nhưng nó cũng không phải phát minh hoàn hảo. Dù là người đi đầu trong việc tái sử dụng chất thải con người, nhưng Trung Quốc đã cho thấy rất nhiều vấn đề đang nảy sinh từ quá trình này.
Rất nhiều nông dân Trung Quốc đã không còn sử dụng biogas. Trong khi nhà vệ sinh mới và hiện đại cần sự bảo trì cẩn thận, họ nhanh chóng quay trở lại với những hố “toilet” đào trên mặt đất thiếu vệ sinh. Kèm theo đó, họ cũng tiếp tục dùng gỗ làm chất đốt, điều này khiến cho tỉ lệ chặt phá rừng ở Bắc Kinh tăng lên mức báo động.
Việc sử dụng phân bón từ chất thừa trong quá trình sản xuất biogas cũng gây rất nhiều tranh cãi. Trong khi một số chuyên gia cho rằng mọi mầm bệnh đã bị tiêu diệt trong 4 tuần lên men các chất hữu cơ, số khác lại nói chúng vẫn có thể tồn tại và gây hại.
Như chúng ta đã thấy, không thể có một giải pháp nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả cho vấn đề vệ sinh toàn cầu. Tuy nhiên, bước đầu tiên là phải thoải mái và cởi mở khi bàn luận về nó. Thực tế là: mọi người đều đi đại tiện. Thậm chí, trung bình mỗi người dành 3 năm cuộc đời mình trong nhà vệ sinh. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta ngại ngùng và lảng tránh khi nhắc đến nó.
Thậm chí kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier tin rằng: toilet mà một trong những phát minh vĩ đại nhất của nền công nghiệp. Bên cạnh đó là quan điểm cho rằng đường ống thoát nước còn thu hút hơn văn chương của nhà văn Rudyard Kipling.
Vì vậy, hãy cùng thảo luận về nó, bắt đầu hành động để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh.
“Chúng ta cần những hành động vừa dũng cảm vừa có ích để đưa tầm quan trọng của chất thải đến gần hơn với con người”
Kết luận
Mặc dù thường xuyên bị lảng tránh, nhưng vấn đề vệ sinh rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự thịnh vượng toàn cầu, đặc biệt với những nước đang phát triển. Nếu phớt lờ nó, không chỉ làm bùng phát dịch bệnh mà chúng ta còn bỏ qua vấn đề quyền con người. Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, bước khởi đầu và quan trọng nhất là thay đổi quan điểm của con người.
Bài học rút ra:
Lần tới khi vào phòng vệ sinh, hãy đóng nắp bồn cầu khi xả nước.
Nghe có vẻ lố bịch, nhưng việc xả nước khi nắp bồn cầu mở sẽ khiến vi trùng bắn ra khu vực xung quanh toilet.
Tóm tắt sách Điều quan trọng bị lãng quên
Dịch từ Blinkist