Giới thiệu
Quyển sách này nói về điều gì?
“Điểm Bùng Phát” giải thích vì sao những ý tưởng, sản phẩm hay một hành vi nào đó có thể bùng nổ và lan tỏa như một loại bệnh truyền nhiễm; và bằng cách nào chúng ta có thể điều khiển, kiểm soát những điều này xảy ra theo đúng ý muốn.
Quyển sách này dành cho ai?
- Những ai quan tâm đến việc lan tỏa ý tưởng
- Những ai muốn tìm hiểu điều gì khiến một ý tưởng trở nên bùng nổ và phổ biến một cách mạnh mẽ
- Những ai làm việc trong ngành quảng cáo, truyền thông hay những lĩnh vực liên quan
Về tác giả
Malcolm Gladwell là nhà báo và cũng là tác giá của 5 quyển sách bán chạy, trong đó có quyển “Trong Chớp Mắt” và “Những kẻ xuất chúng”.
1
Ý tưởng lan truyền như một loại dịch bệnh
Có những ý tưởng, sản phẩm hoặc một hành vi nào đó có thể lan truyền như một loại dịch bệnh. Tức là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng có thể trở nên phổ biến với quy mô lớn.
Ví dụ như câu chuyện về những đôi giày da độn của Hush Puppies, ban đầu chúng chỉ là đồ dùng giữ nhiệt nhưng đến giữa những năm 1990, chúng đã trở thành vật dụng bắt buộc phải có. Chỉ trong vòng 1 năm, doanh số của Hush Puppies tăng vọt từ 30.000 đến 430.000 đôi, và trong năm tiếp theo, có đến khoảng 2 triệu đôi Hush Puppies đã được bán ra.
Bản thân công ty vốn không làm gì để sản phẩm của mình trở nên nổi tiếng đến như vậy. Mọi thứ bắt đầu khi một vài người sành điệu ở Manhattan mang những đôi giày này và chính điều đó đã khơi dậy trào lưu giày Hush Puppies.
Những ý tưởng có sức lan tỏa có nhiều đặc điểm giống như bệnh truyền nhiễm.
Ví dụ, những ý tưởng thay đổi về cách ăn mặc thường dễ trở nên phổ biến. Cũng như có nhiều bệnh truyền nhiễm sẽ dễ phát tán vào mùa đông khi hệ miễn dịch suy giảm.
Ngoài ra, cả ý tưởng và dịch bệnh cũng sẽ chạm đến một điểm được gọi là điểm bùng phát, tức là khi số người “nhiễm” đã quá lớn thì không thể nào dập tắt sự lan truyền này.
2
Chỉ khi chạm đến điểm bùng phát thì ý tưởng mới thực sự trở thành "bệnh truyền nhiễm"
Điểm Bùng Phát là thời điểm khi một xu hướng nào đó bùng nổ đạt tốc độ và qui mô lan truyền như “dịch bệnh”.
Ví dụ như bệnh cảm. Ban đầu, nó có thể lây nhiễm ở cộng đồng dân cư một cách chậm rãi, nhưng ngày qua ngày, càng nhiều người mắc bệnh, đến một mức độ nào đó, dịch cúm sẽ bùng phát và lây lan ngoài tầm kiểm soát.
Về mặt toán học, có thể ví sự lây lan này ban đầu chỉ là một đường cong nhẹ đi lên, nhưng sau đó tăng đột ngột đến mức gần như tạo thành một góc vuông trên đồ thị. Điểm ngoặt mạnh này chính là Điểm Bùng Phát.
Các đột phá về công nghệ thường dẫn đến những sự tăng trưởng đột ngột như vậy. Khi công ty điện tử Sharp sản xuất các loại máy fax với giá cả hợp lý vào năm 1984, công ty này đã bán được 80.000 chiếc trong năm đầu tiên, những năm tiếp theo, số lượng bán ra vẫn tiếp tục tăng lên. Đến năm 1987, doanh số chạm điểm Điểm Bùng Phát và tăng trưởng đột phá.
Tại Điểm Bùng Phát, nhiều người sở hữu máy fax đến mức máy fax trở thành một vật dụng bắt buộc phải có.
Nói cách khác, khi chạm Điểm Bùng Phát, sẽ có gì đó thay đổi khiến cho ý tưởng, sản phẩm hay một hành động nào đó lan truyền mạnh mẽ và không thể kiểm soát.
3
Một vài người quan trọng sẽ quyết định mức độ lan tỏa của ý tưởng
Quy luật 80-20 diễn tả một hiện tượng thường thấy ở nhiều nhóm người trong xã hội. Trong một tập thể sẽ có 20% thành viên ảnh hưởng đến 80% kết quả cuối cùng. Ví dụ như trong hầu hết các xã hội, sẽ có:
– 20% nhân viên sẽ thực hiện 80% công việc
– 20% tội phạm phạm thực hiện 80% tội ác
– 20% người lái xe gây ra 80% tai nạn
– 20% người uống bia tiêu thụ hết 80% lượng bia
Nhưng đối với bệnh truyền nhiễm thì tỉ lệ có thể sẽ ít hơn, chỉ cần một lượng nhỏ người bị nhiễm cũng đã là mối nguy hiểm cho cả xã hội.
Ví dụ nhiều ca nhiễm AIDS đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ đều có liên quan đến một tiếp viên hàng không, người đã quan hệ tình dục với 2.500 người ở Bắc Mỹ.
Tương tự như vậy, những ý tưởng, sản phẩm hay hành vi có thể lây lan với một tốc độ chóng mặt chỉ từ một vài người khởi xướng ban đầu. Những người này thường là những người có nhiều mối quan hệ hoặc có một tính cách nào đó thật sự nổi trội.
Chỉ có một vài người có sức ảnh hưởng mới có thể khiến một ý tưởng, sản phẩm hay một hành vi lan tỏa mạnh mẽ.
4
Ý tưởng sẽ được lan truyền một cách nhanh chóng nhờ những Người Kết Nối
Một ý tưởng thường bắt đầu lan tỏa từ những người có nhiều mối quan hệ xã hội. Điều đặc biệt ở những Người Kết Nối này là họ không chỉ có khả năng kết nối với những người thân cận mình mà còn với những người khác thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Những Người Kết Nối giống như những giao điểm và là điểm truyền ý tưởng trong mạng lưới mối quan hệ xã hội. Họ biết cách cũng như có khả năng giao tiếp với nhiều người khác nhau. Đối với họ, việc quen biết với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, có ý nghĩa nhiều hơn việc có những người bạn thật sự thân thiết.
Có nhiều mối quan hệ ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau chính là điểm mấu chốt để lan tỏa ý tưởng một cách mạnh mẽ. Vì virus hay ý tưởng sẽ không thể trở thành “dịch bệnh” nếu chỉ lan tỏa trong một vòng tròn khép kín.
Trong một thí nghiệm xã hội vào những năm 1960, những nhà khoa học đã chỉ ra rằng mỗi người trên thế giới đều có mối liên hệ với nhau thông qua một vài người khác. Nhưng chỉ một vài người mới có khả năng tạo được sự kết nối với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, thế hệ.
Nếu muốn một ý tưởng lan toả mạnh mẽ bằng hình thức truyền miệng thì bạn nên tập trung vào nhóm Những Người Kết Nối, vì chính họ là những người có khả năng khiến những ý tưởng này bùng nổ như dịch bệnh truyền nhiễm.
5
Người Bán Hàng cũng là mắt xích để lan tỏa ý tưởng
Thật sự có những người sinh ra đã là những Người Bán Hàng tài năng.
Thường thì họ là những người có lối suy nghĩ tích cực, có nhiều năng lượng và nhiệt huyết, những phẩm chất này là yếu tố giúp họ thuyết phục những người khác về ý tưởng hay sản phẩm nào đó.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những Người Bán Hàng tài năng thường có khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ xuất sắc hơn những người khác. Họ có thể cảm nhận được tiết tấu, tạo nên nhịp điệu của buổi trò chuyện và xây dựng lòng tin cũng như sự thân mật trong thời gian ngắn.
Nói một cách ngắn gọn, những Người Bán Hàng tài năng có khả năng đặc biệt để thấu hiểu cảm giác của người đối diện và biết cách dùng cử chỉ để tạo nên nhịp điệu của buổi nói chuyện.
Người Bán Hàng thiên tài cũng có cách riêng để thể hiện cảm xúc của họ. Họ thể hiện những cảm xúc này rõ ràng đến mức khiến người đối diện cảm thấy đồng cảm ngay lập tức và thay đổi thái độ của mình.
Rõ ràng, những Người Bán Hàng có khả năng ảnh hưởng đến người khác từ bên trong lẫn bên ngoài, vì vậy, có thể nói họ là những người lý tưởng để lan tỏa ý tưởng, sản phẩm hay hành vi.
6
Trong một mạng lưới xã hội, luôn có những Người Thông Thái nhận và lan truyền thông tin đến cộng đồng
Nhóm người cuối cùng có vai trò quan trọng quyết định một ý tưởng có trở nên phổ biến hay không là nhóm Người Thông Thái. Họ sở hữu những đặc điểm như:
– Họ biết nhiều lĩnh vực khác nhau và có khả năng tổng hợp kiến thức, thường thì họ khá nhạy với xu hướng mới, có kiến thức về một loại sản phẩm nhất định và biết rõ giá trị của chúng…
– Họ có nhiều kỹ năng xã hội và luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình với mọi người
Người Thông Thái không có mạng lưới mối quan hệ rộng lớn, nhưng họ là người có ảnh hưởng đến nhóm cộng đồng của mình. Những người khác tin tưởng Người Thông Thái vì họ tin những người này có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực của họ.
Nhóm Người Thông Thái thích được giao tiếp và chia sẻ những gì họ biết với người khác. Nếu có một sản phẩm hoặc dịch vụ khiến họ hài lòng, họ sẽ không ngần ngại chia sẻ thông tin này với những người quen, và những người quen này thường sẽ nghe theo lời khuyên của những Người Thông Thái.
Đó chính là sức mạnh của Người Thông Thái.
7
Một ý tưởng phải thực sự độc đáo thì mới có sức lan tỏa
Nếu bạn muốn ý tưởng của mình được lan truyền nhanh chóng, bạn phải chắc chắn rằng ý tưởng đó phải thực sự độc đáo trước đã.
Nó phải là cái gì đó bắt tai, bắt mắt và khác biệt với những điều đang tràn lan ngoài kia mới đủ sức thu hút nhiều người chú ý đến.
Thông điệp truyền tải phải thực sự hấp dẫn. Thường thì chỉ cần thay đổi một điều gì đó, thậm chí là một chi tiết nhỏ về cách trình bày cũng sẽ có thể tạo nên điểm khác biệt.
Ví dụ, năm 1954, thương hiệu thuốc lá Winston đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo thuốc lá có đầu lọc với khẩu hiệu: “Winston mang đến mùi vị đúng nghĩa của điếu thuốc lá” (Winston tastes good like a cigarette should). Họ đã cố tình viết sai lỗi ngữ pháp cơ bản, thay vì dùng “as”, họ đã dùng từ “like”. Và chính điều này đã khiến Winston trở thành thương hiệu thuốc lá nổi tiếng nhất nước Mỹ chỉ trong vài năm.
Một ví dụ khác là chương trình Sesame Street. Những người thực hiện chương trình đã điều chỉnh lại cách quay một chút và kết quả là chương trình đã thành công vang dội. Trong những tập đầu tiên, họ luôn tuân thủ quy tắc: những cảnh có nhân vật ảo sẽ hoàn toàn tách biệt với những cảnh có người thực được quay trên đường phố.
Nhưng những người làm chương trình nhận ra cách quay này khiến cho bọn trẻ thấy không hứng thú, vì vậy, họ quyết định mang Muppets vào cảnh thực. Và sự đột phá này đã khiến cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với đông đảo khán giả.
8
Những yếu tố bên ngoài có khả năng tác động đến hành vi nhiều hơn chúng ta nghĩ
Hành vi của con người vốn phụ thuộc rất nhiều vào ngoại cảnh. Thậm chí chỉ cần những thay đổi nhỏ cũng có thể tác động đến cách chúng ta hành động.
Ví dụ, một nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh thời gian sẽ tác động thế nào đến sự sẵn lòng giúp đỡ của chúng ta. Một nhóm sinh viên được yêu cầu đến hội trường để nghe giảng, một nửa trong số đó được thông báo là không bắt buộc đến đúng giờ, nhóm còn lại được thông báo là bắt buộc phải đến đúng giờ. Trên đường đi, cả 2 nhóm đều gặp một người đàn ông bị ngã và cần giúp đỡ. Kết quả, 63% sinh viên không được yêu cầu đến đúng giờ đã dừng lại để giúp người đàn ông đó, nhưng chưa đến 10% sinh viên nhóm thứ 2 thực hiện hành động này.
Trong nghiên cứu khác về nhà tù được Đại học Stanford thực hiện, 24 người đàn ông khỏe mạnh được chọn để thực hiện một thí nghiệm ở một trại giam giả, ở đây, họ được bổ nhiệm làm một quản ngục hoặc đóng vai một tù nhân.
Nhưng dần dần càng có nhiều yếu tố khiến cho cuộc thí nghiệm diễn ra theo hướng ngoài kiểm soát. Những người tham gia ngày càng trở nên hung hãn, bạo lực và khiến nhiều tù nhân bị suy sụp. Chính vì vậy, thí nghiệm đã kết thúc chỉ sau 6 ngày thực hiện.
Dù trong một nhà tù giả, với một vai trò giả, nhưng những người tham gia gần như đã thay đổi thành con người khác. Rõ ràng, hoàn cảnh có tác động đáng kể đối với hành vi của chúng ta.
9
Thậm chí những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể quyết định một ý tưởng có bùng phát được hay không
Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát thường là do hoàn cảnh bên ngoài thay đổi.
Những năm 1990, tội phạm ở thành phố New York gia tăng mất kiểm soát mà nguyên nhân là vì một vài hành vi nhỏ không được điều chỉnh kịp thời. Những người vi phạm cho là vẽ lên tường hay trốn vé là không hề vi phạm quy định nào, điều này khiến những người khác cũng cho là như vậy, và dần dần, họ cứ làm theo những gì họ muốn mà không quan tâm đến quy định chung.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền bắt đầu tập trung thiết lập lại luật lệ, tập trung đến những chi tiết nhỏ nhất. Chỉ sau một đêm, những hình vẽ lên tường bị xóa, người trốn vé cũng sẽ chịu hình phạt tương ứng. Chính sự không khoan nhượng dù là những hành vi sai phạm nhỏ đã khiến toàn thể những người dân ý thức được rằng không phải hành động liều lĩnh nào cũng được chấp nhận và trong những năm tiếp theo, tỉ lệ tội phạm cũng giảm đi nhanh chóng.
Quy mô nhóm cũng quyết định một dịch bệnh có thể được kiểm soát hay không. Quy tắc 150 nói rằng chỉ nên duy trì nhóm, câu lạc bộ, cộng đồng, trường học hoặc công ty ở mức không quá 150 thành viên để quản lý tối ưu và hiệu quả.
Tổng kết
Thông điệp chính từ quyển sách:
Có một vài yếu tố quan trọng quyết định một dịch bệnh có khả năng bùng phát thành đại dịch hay không. Những yếu tố này khá dễ nhận biết và bạn có thể áp dụng chúng để thúc đẩy lan tỏa ý tưởng, sản phẩm hay hành vi một cách rộng rãi.
Quyển sách này là lời đáp cho những câu hỏi:
Một ý tưởng có thể được lan truyền như thế nào, và Điểm Bùng Phát có vai trò gì? Câu trả lời là: Ý tưởng được lan truyền như cách một dịch bệnh trở thành đại dịch và đại dịch chỉ có thể xảy ra khi vượt qua Điểm Bùng Phát.
Những nhóm người nào sẽ tác động đến việc lan truyền ý tưởng? Đó là Người Kết Nối – những người có mối quan hệ rộng rãi, Người Bán Hàng – những người biết cách thuyết phục và luôn dồi dào ý tưởng bán hàng và Người Thông Thái – những người hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực của họ, đồng thời mong muốn được chia sẻ những gì họ biết với cộng đồng.
Câu hỏi cuối cùng là Điều gì khác cũng có ảnh hưởng đến việc lan truyền ý tưởng? Đầu tiên, một ý tưởng cần phải thực sự độc đáo. Ngoài ra, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến yếu tố ngoại cảnh vì chúng tác động đến hành vi nhiều hơn chúng ta nghĩ. Thậm chí, chỉ cần những thay đổi nhỏ cũng đủ làm cho một ý tưởng bùng phát như dịch bệnh.
Tóm tắt sách Điểm Bùng Phát
Wiki Sách Tóm Tắt