Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Đi tìm lẽ sống (Man’s Search for Meaning) ghi lại trải nghiệm khắc nghiệt của tác giả khi là tù nhân ở trại tập trung của Đức Quốc xã trong thời gian cuộc Chiến tranh Thế giới II diễn ra khốc liệt. Thông qua đó, cuốn sách mang lại cái nhìn sâu sắc về cách con người vượt qua hoàn cảnh tưởng chừng không thể sống sót, khẳng định tầm quan trọng của việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống.

Cuốn sách này là sự lựa chọn tuyệt vời nếu bạn:

  • Hứng thú với tâm lý học trị liệu;
  • Tò mò muốn biết làm thế nào những con người bình thường có thể đương đầu với hoàn cảnh phi thường; 
  • Đang trên con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình.

Đôi nét về tác giả

Viktor Frankl là một nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần gốc Áo, đồng thời là người sáng lập liệu pháp ý nghĩa, một dạng tâm lý trị liệu. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới II, ông bị giam giữ tại Auschwitz, Dachau và nhiều trại tập trung khác suốt ba năm trời. Sau khi sống sót thoát khỏi “địa ngục” của Đức Quốc xã, ông đã bắt tay viết nhiều cuốn sách về lẽ sống.

Giới thiệu chung

“Đây đúng là một trong những cuốn sách kinh điển của thời đại.”  – Harold S.Kusher

Đi tìm lẽ sống xuất bản lần đầu năm 1946, chỉ một năm sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Cuốn sách được Viktor Frankl viết trong chuyến trở về quê hương Vienna, Áo sau cuộc giải phóng khỏi trại tập trung của Đức Quốc xã và được hoàn thiện chỉ trong vòng chín ngày. Năm 1959, tác phẩm lần đầu được dịch sang tiếng Anh và trở thành một trong mười cuốn sách có sức ảnh hướng lớn nhất do Thư viện Quốc hội Hoa Kì bình chọn. Tính đến nay, Đi tìm lẽ sống đã bán hơn 12 triệu bản trên toàn thế giới, được dịch sang 24 ngôn ngữ khác nhau. 

Bên cạnh đó, công trình của Frankl còn tác động mạnh mẽ đến nhiều nhà tư tưởng và đa phần các tác giả thể loại self-help. Ví dụ, tầm quan trọng của trách nhiệm mà ta nhận thấy trong tác phẩm Bảy thói quan để thành đạt (Stephen Covey) được trực tiếp truyền cảm hứng từ Frankl.

Ấn bản hiện tại gồm có ba phần chính:

  • Phần thứ nhất – “Những trải nghiệm trong trại tập trung” – thuật lại khoảng thời gian tác giả bị giam giữ tại nhiều trại khác nhau, tập trung chủ yếu về cách tìm kiếm ý nghĩa ngay cả trong hoàn cảnh khốc kiệt nhất đã giúp ông và nhiều người khác sống sót như thế nào;
  • Phần thứ hai là một bài luận lý thuyết “Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa” (1962) mô tả những nguyên lý cơ bản trong phương pháp trị liệu tập trung vào ý nghĩa của Frankl;
  • Thứ ba là một phần tái bút mang tên “Sự lạc quan trong bi kịch” (1984) khám phá ý nghĩa câu nói “Hãy nói có với cuộc sống, bất kể mọi việc có như thế nào chăng nữa” (Saying yes to life in spite of everything).

1

Khám phá cách mà trải nghiệm tồi tệ giúp con người tìm thấy lẽ sống.

Có lẽ không ai có thể hiểu cuộc sống trong trại tập trung của Đức Quốc xã bằng những người sống sót. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng họ sống ngày qua ngày ra sao, cố gắng giữ sự tỉnh táo như thế nào khi bạo lực, sự tàn nhẫn chỉ muốn hạ gục họ.

Là một trong những người sống sót, Viktor Frankl đã giải thích làm thế nào những người tù nhân có thể chống chọi mỗi ngày. Chính những trải nghiệm tại trại tập trung đã cung cấp cho Frankl chứng cứ để hình thành “liệu pháp ý nghĩa”, một thuyết tâm lý học chỉ ra rằng động lực sống không phải là sự thoả mãn mà là việc theo đuổi những gì ta thấy có ý nghĩa.

Không mang tính giáo điều, thuyết giảng, không có những tuyên bố hùng hồn hay chỉ lý thuyết khô khan, cuốn sách truyền tải giá trị triết lý một cách nhẹ nhàng, gần gũi cùng những bài học ý nghĩa nhằm khơi dậy niềm tin yêu vào cuộc sống. Đi tìm lẽ sống sẽ luôn là phương thuốc hữu hiệu nâng đỡ tinh thần con người, nhất là con người trong thế giới hiện đại. Dù có chuyện gì xảy ra, cuộc sống vẫn tồn tại những ý nghĩa đáng để trân trọng, nâng niu.

Bản tóm tắt sau sẽ mang đến cho bạn những phát hiện của Frankl khi ở trại tập trung và quá trình hình thành liệu pháp ý nghĩa.

Thông qua bản tóm tắt này, bạn sẽ được khám phá:

  • Trại tập trung đã vùi dập hi vọng sống của tù nhân ra sao;
  • Trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, con người vẫn tìm thấy sự hài hước;
  • Một cách thú vị để kiểm soát nỗi sợ.

2

Những cú sốc – khi hi vọng chuyển thành tuyệt vọng

Ngày nay, có lẽ ai trong chúng ta ít nhất cũng một lần nghe đến những hành động tàn bạo, vô nhân tính diễn ra tại các trại tập trung dưới sự cai trị của Đức Quốc xã. Holocaust – cuộc diệt chủng người Do Thái cũng phần nào gợi mở số phận đau thương của họ. Do vậy, bạn sẽ nghĩ rằng khi bước chân vào trại, chắc hẳn những tù nhân sẽ sợ hãi. Tuy nhiên, phản ứng của họ được chia làm ba giai đoạn: khi vừa nhập trại, khi đã quen với cuộc sống trong trại và sau khi được thả tự do.

Giai đoạn đầu diễn ra khi nhập trại. Triệu chứng đặc trưng cho giai đoạn này là việc bị sốc – tù nhân bị sốc đến nỗi họ tìm cách tự thuyết phục bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Đa số đều loáng thoáng biết về những chuyện ghê rợn đồn đại về trại tập trung. Nhưng khi chính mình sắp rơi vào địa ngục trần gian đó, họ – những người tù nhân tội nghiệp vẫn tự nhủ chuyện xảy ra với mình sẽ khác.

Tác giả đưa ra ví dụ thông qua việc nhập trại Auschwitz của chính mình. Sau quãng đường dài trên xe lửa, những vị khách xấu số bị khám xét và chia tách thành hai nhóm: một nhóm phải đi lao động, nhóm còn lại bị xử tử ngay tức khắc. Không ai trong số họ biết về điều này.

Trong giai đoạn đầu, người tù mới đến còn trải qua những đau đớn, căng thẳng về cảm xúc, tất cả cảm xúc mà anh ta cố làm dịu đi, từ nỗi nhớ nhung vô tận về tổ ấm gia đình của mình đến cảm giác ghê tởm, ghê tởm tất cả những điều xấu xa xung quanh, từ cách con người cư xử với nhau cho đến hình thù gớm ghiếc của tất cả mọi vật trong tù. Người tù mới đến không chịu nổi cảnh nhìn những người bạn tù bị trừng phạt theo những cách dã man nhất, mọi sự phản kháng dường như vô ích.

Phải chịu đựng những trò đùa tàn bạo, lố bịch, chẳng mấy chốc họ mất hi vọng và bắt đầu xem cái chết như sự giải thoát. Thực tế, đa số chọn cách tự tử và “đâm đầu vào hàng rào kẽm gai” là cách “giải thoát” phổ biến nhất ở trại. 

3

Sau vài ngày ở trại, tù nhân rơi vào trạng thái vô cảm – cơ chế thúc đẩy sự tập trung vào sinh tồn

Trải qua những cú sốc ban đầu, tù nhân sớm trở nên “quen thuộc” với những cảnh tượng trước mắt: kẻ thì hấp hối, người thì chết lúc nào không hay, mùi hôi thối bốc lên, cảnh đánh đập man rợ diễn ra liên miên… Những cảm giác của họ đã bị chai sạn – đó chính là biểu hiện của giai đoạn hai.

Lúc này, mọi suy nghĩ đều hướng về sự sinh tồn. Thay vì hứng thú với những cảm xúc như yêu, dục vọng, họ trò chuyện với nhau và mơ về thức ăn hay những thứ đơn giản thiết yếu cho sự sống còn – những thứ vốn bị hạn chế nghiêm ngặt trong trại.

Trong khi tù nhân luôn tìm cách trốn tránh sự ghê tởm ở giai đoạn đầu thì ở giai đoạn hai này, sự vô cảm hoạt động như một cơ chế tự bảo vệ cần thiết khiến họ có thể chịu đựng những hành động tàn bạo mỗi ngày, đồng thời tập trung tất cả nỗ lực vào một nhiệm vụ duy nhất: duy trì cuộc sống của mình và bạn tù, nắm bắt mọi cơ hội nâng cao khả năng sống sót.

Ví dụ, trong giai đoạn hai này, những tù nhân không cảm thấy kinh tởm hay thương xót khi nhìn những cái xác – họ chỉ nhìn thấy cơ hội được nhặt nhạnh thức ăn thừa, giày dép, quần áo… từ người tù đã chết kia.

Không bao giờ có thể biết khi nào quãng thời gian kinh khủng ở trại kết thúc, và điều này khiến tù nhân không thể hình dung cuộc đời mình còn ý nghĩa gì. 

Thông thường, chúng ta sống cho tương lai mai sau: vạch ra những kế hoạch lớn rồi chứng kiến cuộc đời thăng hoa trong niềm vui sướng, hào hứng. Tuy nhiên, những tù nhân trong trại có cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Đối với họ, tương lai không còn chỗ cho sự vui sướng hay hào hứng. Thậm chí tương lai có khi không tồn tại – ai biết được khi nào cuộc đời tù đày này mới chấm dứt.

Phần lớn tù nhân cho rằng cuộc sống của mình đã kết thúc. Họ đơn thuần chỉ “tồn tại” trong trại – họ đã từ bỏ việc “sống” vì không có mục đích để hướng tới.

4

Cuộc sống sau khi được tự do là sự hoài nghi, cay đắng

Những tù nhân đủ may mắn sống sót đến ngày được giải phóng khỏi trại lại phải đối mặt với một thử thách mới. Họ đã sống trong trại quá lâu đến nỗi việc sống một cuộc đời bình thường trở thành một thử thách khó nhọc.

Ngay sau khi được tự do, do trải qua trạng thái vô cảm quá lâu, họ không thể lập tức thay đổi góc nhìn nhận, họ không cảm nhận được niềm vui sướng, hân hoan. Không biết bao nhiêu lần những tù nhân đã nằm mơ về ngày tự do này, nhưng khi ngày đó thực sự đến, mọi thứ xuất hiện không thật. Họ không thể tin đó là sự thật, hoài nghi về “sự tự do”.

Nhiều tù nhân, sau khi phải chịu đựng quá nhiều, lại chuyển sang gây hại cho người khác. Giờ đây, họ không còn là kẻ bị áp bức nữa mà là người đàn áp. Họ trở thành chủ thể chứ không phải là đối tượng của sự ngang trái và bất công. Họ bào chữa cho hành vi của mình bằng những trải nghiệm tồi tệ của họ. 

Bên cạnh đó, những tù nhân được tự do không phải lúc nào cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt nơi quê nhà mà họ vẫn tưởng tượng. Đau đớn hơn, có những người về nhà để rồi biết gia đình không còn ai sống sót, quê hương thành tàn tích chiến tranh.

Nhưng sự cay đắng không chỉ về sự mất mát người thân, bạn bè. Họ hi vọng nhận được sự đồng cảm, khích lệ. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những người mà họ gặp gỡ sau ngày giải phóng – những người chưa từng chứng kiến một cái trại tập trung nào – chỉ nhún vai và bảo mình cũng đau khổ, chẳng hạn như phải trải qua những trận bom, sự phân chia, cắt giảm lương thực.

Mặc dù trở về cuộc sống trước kia không phải là việc dễ dàng đối với những tù nhân được tự do nhưng sau cùng, đa số họ đã tìm ra cách tận hưởng cuộc sống trở lại và cảm thấy vui vì mình đã sống sót đến bây giờ.

5

Tù nhân tập trung vào đời sống nội tâm để quên đi hiện thực tàn nhẫn

Chúng ta ít nhiều đã hình dung được những gì tù nhân phải trải qua trong trại. Nhưng sao họ có thể duy trì sự tỉnh táo và sống sót trong chốn kinh hoàng ấy? Thực chất, mọi thứ bắt nguồn ở nơi họ đặt sự tập trung.

Đối với một số người, nhớ về người thân yêu, hồi tưởng một thời quá khứ khiến tâm trí họ thoát khỏi thực tại đau đớn. Thực tế, những ai có thể tìm thấy một chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong tâm trí thường có sức sống cao hơn những người còn lại.

Tại trại tập trung, án giảm nhẹ là điều không tưởng. Những tù nhân, với bộ quần áo rách nát, vẫn phải lao động nặng nhọc giữa trời giá lạnh thấu xương. Nhưng tình yêu vẫn mang lại sự thoả mãn trong tâm hồn. Một cuộc trò chuyện thoáng qua với người thân thương, dù chỉ là tưởng tượng thôi nhưng cũng là một thứ tuyệt đẹp không thể bị tước đoạt bởi những người lính canh.

Một số tù nhân khác tìm thấy sự an ủi nhờ đắm mình trong thiên nhiên, trong sự hóm hỉnh. Một buổi chiều hoàng hôn bình dị, những tiếng chim hót trong veo, dù chỉ thoáng qua cũng khiến họ xao xuyến. 

Tù nhân còn có thể tụ tập một nhóm nhỏ tận dụng nửa tiếng nghỉ trưa để biểu diễn các tiết mục như ca hát, kể chuyện cười… nhằm giúp mọi người tạm quên đi hoàn cảnh của mình.

Việc khám phá ra rằng bên trong trại tập trung cũng có bóng dáng của nghệ thuật có lẽ sẽ khiến người bên ngoài ngạc nhiên. Và họ sẽ càng kinh ngạc khi biết người tù lại còn có thể tìm thấy sự hài hước trong hoàn cảnh khủng khiếp ấy, dĩ nhiên tâm trạng vui vẻ ấy chỉ xuất hiện trong giây lát rồi tất cả lại chìm trong bóng đêm vô vọng.

“Một người buông xuôi vì không thể nhìn thấy tương lai và mục đích thường hay hồi tưởng về quá khứ.”

6

Đa số tù nhân chấp nhận số phận, một số vẫn cố gắng đưa ra quyết định khi còn có thể

Quyết định sẽ đem lại sự sống hoặc cái chết, và phần lớn tù nhân rất sợ hãi khi phải đưa ra quyết định. 

Ví dụ, vào một lúc nào đó, tù nhân được yêu cầu chuyển sang trại khác. Tuy nhiên, họ đều nghi vấn về điểm đến thực sự và mục đích đằng sau cuộc vận chuyển này. Lính canh thông báo rằng họ sẽ đến “trại an dưỡng”, nhưng không ai chắc chắn rằng mình sẽ không đi đến lò hơi ngạt.

Một khi nhận ra mình bị chuyển trại, một số tù nhân sẵn sàng làm mọi thứ để thay đổi quyết định đó, kể cả việc tự nguyện xin làm thêm ca.

Nhưng cũng có khả năng trại mới sẽ mang lại cơ hội tốt hơn. Không có cách nào biết được đâu là sự lựa chọn tối ưu. Do đó, nhiều người quyết định không can thiệp vào số phận, cứ để nó tự diễn ra.

Có những tù nhân quyết định duy trì sự tự do dù chỉ là nhỏ nhất, nắm bắt bất kì cơ hội để đưa quyết định.

Dù hoàn cảnh có éo le, khác nghiệt, những tù nhân đó cố gắng sống đúng với giá trị bản thân. Ví dụ, họ sẵn sàng dành khẩu phần bánh mì của mình cho những người khó khăn hơn dù chính họ cũng rất đói.

“Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình […] Chính sự tự do về tinh thần này đã khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.”

7

Theo Liệu pháp ý nghĩa, động lực hành động xuất phát từ ý nghĩa cuộc sống

Viktor Frankl đã chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh hoàng trong trại tập trung. Suốt quãng thời gian đó, hết lần này đến lần khác, ông đều nhận ra rằng con người cần lẽ sống, cần “một thứ gì đó” để hướng tới. Quả thực, những tù nhân có thể giữ vững lẽ sống thường mạnh mẽ hơn, có sức chịu đựng tốt hơn những người đã đánh mất nó.

Kết quả giám sát này đã chứng thực nhiều ý tưởng trong thuyết tâm lý học liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) của tác giả. Theo liệu pháp ý nghĩa, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống chính là động lực thúc đẩy con người.

Có khá nhiều nghiên cứu đã góp phần chứng minh ý tưởng này. Ví du, trong một nghiên cứu ở trường Đại học Johns Hopkins, khi được hỏi điều gì là “quan trọng nhất” ở hiện tại, có tới 78% sinh viên cho rằng mục tiêu đầu tiên của họ là “tìm được mục đích và ý nghĩa của cuộc sống”.

Khi ta không thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống, ta bị mắc kẹt trong tình huống mà Frankl gọi là “trạng thái tồn tại chân không”. Những người không thể sống theo giá trị của mình, hoặc cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa sẽ nhận thấy một cảm giác trống rỗng trong tâm hồn, một vết khuyết bên trong.

Bạn không cần phải trải qua chấn thương nghiêm trọng mới rơi vào trạng thái tồn tại chân không. Hãy xem xét ví dụ về tình trạng “rối loạn tinh thần vào ngày chủ nhật”, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm vào ngày nghỉ cuối tuần, khi những ngày bận rộn trong tuần trôi qua và đến chủ nhật, họ nhận ra cuộc sống của mình thật trống trải, vô vị. Một số trường hợp đã dẫn đến tự sát.

Liệu pháp ý nghĩa hướng đến mục đích giúp con người tim ra lẽ sống để có thể ngăn chặn những hậu quả tiêu cực từ trạng thái tồn tại chân không.

8

Không hề có ý nghĩa chung – mỗi cuộc đời có ý nghĩa cụ thể vào từng thời điểm riêng biệt.

Hiểu được tầm quan trọng của việc tìm ra mục đích trong cuộc đời nhưng làm thế nào để làm được điều này? Thực vậy, nhiều người tin rằng để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn, trước hết phải khám phá mục đích sống của bản thân.

Tuy nhiên, liệu pháp ý nghĩa chỉ ra rằng điều ngược lại mới đúng: chính cách ta hành động, chính trách nhiệm ta phải gánh vác trước sự lựa chọn sẽ định đoạt ý nghĩa.

Ví dụ, những tù nhân trong trại tập trung có khả năng duy trì mục đích sống bởi họ dựa trên các sự lựa chọn của mình. Quyết định ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hay giúp đỡ người khác mang lại cho họ mục đích, giác ngộ rằng mình không thể bị đánh bại, mình có thể tiếp tục tiến lên phía trước.

Ý nghĩa cuộc sống không cần phải như nhau, mỗi người có lẽ sống riêng.

Câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” cũng giống như câu hỏi được đặt ra cho người thắng giải quán quân trong một trận cờ: “Thưa Kỳ sư, xin hãy nói cho tôi biết nước cờ nào là hay nhất trên đời?”. Đơn giản là chẳng có nước cờ nào như thế cả, bởi vì nước cờ hoàn hảo nhất hoặc hay nhất xuất phát từ một tình huống cụ thể trong trận đấu và cá tính cụ thể của đối thủ. 

Ý nghĩa về sự tồn tại của con người cũng vậy: không hề có ý nghĩa chung và ý nghĩa cuộc sống phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhiệm vụ và quyết định riêng biệt của mỗi người. 

9

Muốn kiểm soát nỗi sợ, hãy tích cực theo đuổi nó

Mục tiêu tối thượng của liệu pháp ý nghĩa là giúp đỡ các bệnh nhân tìm ra ý nghĩa cuộc sống, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất. Liệu pháp ý nghĩa còn phát triển nhiều kĩ thuật giúp ích cho bệnh nhân rối loạn thần kinh, chẳng hạn như sau khi trải qua trạng thái tồn tại chân không.

Để có thể làm được điều này, liệu pháp ý nghĩa tập trung vào các yếu tố nội tại thay vì bên ngoài tác động lên bệnh nhân.

Trong tâm lý học thông thường, sau khi được phân tích, chứng lo âu trước kỳ hạn của bệnh nhân được giải thích là do ảnh hưởng của môi trường, các sự kiện, hoàn cảnh bên ngoài. Ngược lại, liệu pháp ý nghĩa cho rằng con người có thể đưa ra quyết định và định nghĩa mục đích sống của mình mà không phụ thuộc vào môi trường.

Điều này giúp con người nhận ra họ thực sự có thể làm chủ sự sợ hãi, lo lắng, nhờ đó mang lại kết quả lâu dài. Nhưng bằng cách nào?

Liệu pháp ý nghĩa tận dụng hiện tượng kỳ lạ sau: khi bạn lo sợ một điều nào đó, nó thường sẽ xảy ra, nhưng khi bạn cố gắng và ép buộc một điều gì đó phải xảy ra, nó lại không thành hiện thực!

Tưởng tượng bạn có một người bạn rất sợ bị đỏ mặt khi đứng trước nhiều người. Vì luôn luôn nghĩ về điều đó nên anh ta cứ ngay lập tức đỏ mặt bất cứ khi nào anh ta ở trong đám đông.

Trong trường hợp này, liệu pháp ý nghĩa sử dụng suy nghĩ đảo nghịch, nghĩa là yêu cầu bệnh nhân làm đúng những gì mình lo sợ.

Và anh bạn kia có thể thử đỏ mặt càng thường xuyên càng tốt khi bị vây quanh bởi nhiều người. Chẳng lâu sau, anh ấy sẽ nhận ra khi mình cố gắng ép buộc điều đó, không có gì xảy ra cả, và nhờ vậy anh đã không còn sợ đỏ mặt nữa.

Một lần, mọi người yêu cầu Viktor Frankl tóm gọn ý nghĩa cuộc sống của ông trong chỉ một câu. Ông đã viết câu trả lời trên giấy và hỏi lại các sinh viên xem họ đoán ông đã viết gì.

Sau một hồi im lặng, một sinh viên phát biểu: “Ý nghĩa cuộc sống của thầy là giúp người khác tìm ra ý nghĩa cuộc sống của họ”.

“Chính xác” – Frankl nói. – “Đó chính là những lời mà tôi đã viết”.

Tóm lại, thông điệp chính của cuốn sách là:

Cuộc sống này có một ý nghĩa tối hậu và chúng ta phải học cách nhìn cuộc sống theo hướng có ý nghĩa bất kể hoàn cảnh nào đi nữa.

Tóm tắt sách Đi Tìm Lẽ Sống