Giới thiệu
Thông qua Đánh thức con người phi thường trong bạn (Awaken the Giant Within), Anthony Robbins đã chia sẻ những bí quyết cụ thể, giúp bạn khám phá mục đích đúng đắn của bản thân, khai thác khả năng tiềm ẩn để định hình số phận, làm chủ cuộc đời.
Cuốn sách này là một sự lựa chọn tuyệt vời nếu bạn:
- Muốn thay đổi cuộc sống hiện tại;
- Muốn tìm cách đưa ra những quyết định tốt hơn;
- Muốn làm chủ số phận của chính mình.
Người đã viết nên cuốn sách “phi thường” này
Anthony Robbins (tên gọi thân mật là Tony Robbins) lớn lên ở một vùng ngoại ô Los Angeles. Trở thành triệu phú vào năm 24 tuổi rồi mất tất cả, chạm tới đáy của cuộc sống, ông đã vực dậy để rồi hiện nay, ông là một trong những “chuyên gia” nổi tiếng nhất và thành công nhất trong lĩnh vực phát triển con người. Robbins còn là một diễn giả truyền cảm và cực kỳ lôi cuốn.
Tôi viết quyển sách này chỉ với một nguyện vọng: mong sao nó sẽ trở thành một tiếng gọi lay tỉnh, thách thức những ai vẫn còn nhiệt tâm với cuộc sống, giúp họ khai thác nguồn sức mạnh mà Tạo hóa đã ban tặng.
Cuốn sách này có gì cho tôi? – Tìm ra cách làm chủ cuộc đời và làm sống dậy tiềm năng trong con người bạn.
“Tôi thực sự tin tưởng trong mỗi chúng ta có một con người phi thường đang say ngủ. Mỗi người đều có thực tài, có năng khiếu và có cả một chút khí chất thiên tài chỉ đang chờ được đánh thức…”
Bạn muốn thay đổi cuộc sống hiện tại nhưng cảm thấy thật khó để thực hiện theo những cam kết?
Thông qua cuốn sách này, bạn sẽ biết những quyết định và niềm tin của bạn có vai trò quan trọng như thế nào đến việc hình thành những thay đổi tích cực, giúp bạn trở thành con người mà mình mong muốn. Bằng nhận thức sắc bén, quan điểm rõ ràng và riêng biệt, Anthony Robbins đã viết nên một cuốn sách đầy cảm hứng giúp chúng ta khám phá ra:
- Những tác nhân xui khiến ta hành động theo thói quen cũ;
- Tác nhân gây ra những cảm xúc phổ biến như: sợ hãi, giận dữ, cô đơn…;
- Sức mạnh của ngôn từ ta thường sử dụng.
Thông qua cuốn sách, Robbins tiết lộ rằng những giới hạn đa phần chỉ là viển vông, từ đó giúp ta thay đổi niềm tin về bản thân, xác định những giá trị cốt lõi, nhận ra sức mạnh tiềm tàng có thể thay đổi cộng đồng, xã hội hay thậm chí cả thế giới đang ẩn giấu trong mỗi người.
Bản tóm tắt sau sẽ mang đến cho bạn một vài chủ đề đặc sắc trong cuốn sách kinh điển này.
“Trên đời có rất nhiều người biết phải làm gì, nhưng ít người thực sự làm điều họ biết. Biết thôi không đủ. Bạn cần phải có hành động.”
Muốn thay đổi cuộc sống, hãy tập trung vào việc đưa ra những quyết định đúng và cam kết thực hiện theo chúng.
Lần cuối bạn nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống là lúc nào?
Có lẽ đó là ngày đầu tiên của năm mới và bạn quyết định sẽ từ bỏ chuyện chơi điện tử hay bắt đầu công cuộc giảm cân.
Nhưng bạn đã thực sự mang những thay đổi đó đến với cuộc đời mình chưa?
Nếu chưa, có vẻ như vấn đề là ở chính cách bạn xây dựng khao khát muốn thay đổi: “Tôi không muốn ăn đồ ăn nhanh nữa” thay vì “Tôi sẽ ăn uống khỏe mạnh hơn”.
Muốn thay đổi một thứ gì đó trong đời, trước tiên, hãy đưa ra một quyết định rõ ràng, dứt khoát. Bất kể thử thách nào xuất hiện, bạn phải sẵn sàng tâm lý đối mặt và thực hiện quyết định đó đến cùng.
Soichiro Honda – nhà sáng lập tập đoàn Honda là một ví dụ điển hình. Khi còn đi học, ông dồn toàn bộ tâm trí để phát triển ý tưởng về vòng găng piston cho xe ô tô. Lịch sử đã chứng minh cho thành công của ông, và trên con đường ấy ông đã chạm trán không ít khó khăn, cản trở. Một trong số đó là cuộc Thế chiến II. Chính phủ Nhật bấy giờ đang chuẩn bị cho chiến tranh nên từ chối cung cấp cho ông vật liệu xây dựng nhà máy sản xuất.
Vậy làm thế nào ông vượt qua trở ngại lớn lao này?
Honda giải quyết bằng cách cùng các đồng nghiệp sáng chế ra quy trình sản xuất bê tông riêng để có thể xây dựng xưởng, bắt đầu thực hiện niềm mơ ước để rồi ngày nay, tập đoàn Honda trở thành một trong những hãng chế tạo xe hơi lớn nhất thế giới.
Việc cam kết thực hiện theo quyết định lớn lao có thể thử thách nhưng bạn càng làm theo, mục tiêu đó càng dễ dàng trở thành hiện thực. Do đó nếu chẳng may bạn gặp thất bại không thể tránh khỏi khi đang cố gắng làm nên một sự đổi thay trong cuộc đời, đừng nản lòng. Thay vào đó, hãy nghĩ về những thứ bạn có thể học được từ sai lầm.
“Hãy nhớ rằng chính những quyết định chứ không phải hoàn cảnh là cái định đoạt số phận của bạn.”
Hình thành thói quen mới nhờ liên tưởng những điều không mong muốn với nỗi khổ và những điều khao khát với niềm vui sướng.
Để hoàn thành mục tiêu, mang lại sự thay đổi, chúng ta phải thực sự toàn tâm toàn ý theo quyết định đó. Những kể cả với một ý định mạnh mẽ nhất, thay đổi những thói quen cũ đôi lúc lại thật khó khăn.
Tại sao lại như vậy? Vì mọi thứ ta làm chưa có trải nghiệm đau khổ hay vui sướng.
Một khi nhận thức được động lực này, hãy tận dụng chúng. Nếu bạn muốn dỡ bỏ một thói quen cũ, một cách hiệu quả chính là liên kết nó với nỗi khổ.
Trong cuốn sách đề cập đến trường hợp một người đàn ông nghiện sô-cô-la. Anh ta muốn bỏ thói thèm ăn sô-cô-la, tuy nhiên trong anh vẫn tồn tại nhiều “lợi ích thứ cấp” khác, chẳng hạn như muốn được nhiều người chú ý đến, khiến anh vẫn duy trì thói quen đó.
Làm thế nào để anh ấy thực sự từ bỏ?
Bạn biết không, Robbins đã yêu cầu anh ta trong vòng chín ngày tới không được ăn gì khác ngoài sô-cô-la, dĩ nhiên là được uống bốn ly nước mỗi ngày. Và chỉ đến ngày thứ ba thôi, anh ta đã có một trải nghiệm kinh khủng đến nỗi không còn dám động vào một thanh sô-cô-la nào. Robbins đã giúp anh ấy nhanh chóng liên kết cảm giác khổ sở với ý tưởng “ăn sô-cô-la”, hình thành một chuỗi phản ứng thần kinh mới; toàn bộ “lãnh địa sô-cô-la” của anh bị phá hủy mà anh không hề hay biết.
Và để chắc chắn việc thiết lập sự thay đổi này là lâu bền, bạn cần tìm kiếm một giải pháp thay thế – một thói quen mới mang đến những niềm vui tương tự mà không kèm theo tác dụng phụ tiêu cực.
Trong trường hợp trên, người đàn ông nghiện sô-cô-la có thể tìm đến những hành vi thay thế có lợi cho sức khỏe như: tập thể dục, phối hợp nhiều loại thực phẩm hay ăn nhiều trái cây…
“Bí quyết thành công là sử dụng niềm vui và nỗi đau thay vì để chúng chi phối bạn. Nếu làm được vậy, bạn đang làm chủ cuộc đời mình; còn nếu không, cuộc đời sẽ chi phối bạn.”
Để thay đổi bản thân, hãy thay đổi niềm tin.
Hai người phụ nữ vừa bước qua tuổi 70. Một người nghĩ cuộc đời mình đã xế bóng, những năm tháng tuyệt đẹp nhất đã không còn nữa. Bà cảm thấy buồn chán và nghĩ nên chuẩn bị tâm lý cho cái chết đến bất cứ lúc nào. Ngược lại, người kia vẫn rất hứng thú với những trải nghiệm mới, cảm thấy con người ở độ tuổi này vẫn còn làm được nhiều thứ. Bà tiếp tục hành trình leo núi. Và khi ở tuổi 91, Hulda Crooks trở thành người phụ nữ già nhất leo đến đỉnh núi Phú Sĩ, Nhật Bản.
Điều gì làm nên sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm mỗi người?
Chính niềm tin đã hình thành cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và về chính con người mình.
Niềm tin là gì? Đó là cảm xúc chắc chắn về một điều gì đó. Mỗi niềm tin đều có xuất phát điểm từ một ý niệm. Những tham chiếu hoặc những kinh nghiệm từ cuộc sống giúp cho ý niệm có cơ sở trở thành niềm tin chắc chắn.
Để mang lại sự thay đổi trong cuộc sống, bạn cần phải thay đổi niềm tin.
Có một vấn đề không hề nhỏ: nhiều người vẫn giữ những niềm tin cản trở họ như bản thân mình thật yếu kém, mình không thể thành công… Duy trì những niềm tin hạn hẹp chẳng khác nào tự đầu độc mình từ từ, khiến ta “chết dần chết mòn” trong tầm thường.
Những niềm tin ấy, cũng như thói quen, có thể chuyển đổi. Bạn có thể liên kết chúng với khổ sở cùng cực và liên kết sự hoan hỉ vô bờ với ý tưởng nuôi dưỡng niềm tin mới.
Hoặc bạn hãy tạo sự ngờ vực, khi những trải nghiệm mới khiến chúng ta nghi vấn, công kích vào cơ sở tham chiếu của niềm tin cũ. Sau đó củng cố niềm tin mới bằng những tham chiếu vững chắc hơn.
“Mọi bứt phá cá nhân đều bắt đầu từ sự thay đổi niềm tin.”
Thay đổi ngôn từ có thể dẫn đến sự thay đổi trong thái độ, cảm xúc.
Bạn biết không, việc chú ý hơn về cách dùng từ ngữ trong đời sống hàng ngày thật sự rất quan trọng bởi chính những ngôn từ ấy sẽ định hình suy nghĩ, nhận thức của bạn.
Để nghĩ khác đi về một hoàn cảnh, hãy miêu tả nó khác đi.
Tưởng tượng bạn đang đi trên đường và đột nhiên xe bạn bị hỏng. Sau một hồi loay hoay, bạn có thể “nổi khùng” lên và bắt đầu kêu ca rằng bạn đang “tức giận”, “khó chịu” như thế nào. Tuy nhiên, hãy thử nói: “Chà, việc này bất tiện nhỉ?”. Miêu tả những gì bạn trải nghiệm bằng những từ ngữ trung lập như vậy có thể ngăn bạn tiến đến trạng thái cảm xúc tiêu cực hơn.
Đây chính là điểm cốt lõi trong Ngôn từ chuyển đổi tâm trạng: từ ngữ mà bạn lựa chọn để mô tả trải nghiệm định nghĩa nên trải nghiệm đó.
Vậy sử dụng ngôn từ như thế nào để quản lý trạng thái cảm xúc?
Bí quyết là: hãy sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ, mãnh liệt cho cảm xúc tích cực và những từ nhẹ nhàng, trung lập, ít căng thẳng hơn cho cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, thay vì nói “Tôi rất vui”, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy thật tuyệt vời”; khi cảm thấy thất vọng, đừng cho rằng bản thân “thật ngu ngốc”, hãy nghĩ rằng “mình chưa khám phá hết khả năng của bản thân”.
Một mẹo nho nhỏ: thử dùng từ ngữ lạ để bộc lộ cảm xúc tiêu cực. Làm như vậy khiến bạn “nguội” đi, giảm cường độ cảm xúc tức thì, hay thậm chí khiến người xung quanh thích thú. Chẳng hạn như khi đang nóng giận tột độ, hãy thử nói: “Tôi phải nói là tôi cảm thấy khó chịu một tí.” Lối diễn đạt này tuy kì lạ nhưng có thể phần nào cải thiện tâm trạng của bạn đó.
Để tìm ra giải pháp tốt nhất, hãy đặt đúng câu hỏi.
Qua các phần trên, bạn biết rằng thay đổi cuộc sống nghĩa là phải thay đổi cách nghĩ. Vậy chính xác suy nghĩ là gì?
Theo quan niệm cơ bản, các ý nghĩ của ta là chuỗi các câu hỏi và câu trả lời. Do đó, những câu hỏi ta đặt ra định hình cách ta tư duy, nghĩa là chúng nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Những câu hỏi chất lượng sẽ tạo ra một cuộc sống chất lượng. Nếu bạn đặt ra câu hỏi tiêu cực, bạn sẽ nhận được câu trả lời tiêu cực và ngược lại.
Khi bị xô đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, ta thường tìm đến những câu hỏi sai lầm như “Tại sao lại là tôi?”, và rồi trở nên nản chí bởi câu trả lời.
Giải pháp là: hãy tạo nên danh sách câu hỏi tự động. Hãy hình thành thói quen đặt những câu hỏi như: “Hoàn cảnh này có những lợi ích gì?” hay “Làm thế nào để tạo ra giải pháp thú vị?”. Những câu hỏi như vậy xuất hiện giữa tình thế khó khăn sẽ cải thiện tâm trạng của bạn, giúp bạn nhanh chóng tìm ra cách giải quyết hợp lý, hoặc ít nhất đối phó với kết quả dễ dàng hơn.
Nếu bạn mong muốn hình thành thái độ tích cực với đời, hãy duy trì thực hiện phương pháp trên, và mỗi sáng hãy tự hỏi những câu khích lệ, củng cố tinh thần như “thành tích nào khiến tôi tự hào nhất?” hoặc là “cuộc đời tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời nào?”
Bằng việc chuẩn bị tâm trạng thật tốt khi bắt đầu một ngày mới, bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi có thể duy trì tâm lý tích cực trong cả ngày, từ đó mang lại kết quả tốt đẹp hơn, đem đến một cuộc đời thành đạt hơn.
“Những câu hỏi chúng ta đặt ra cho bản thân cũng có thể định hình nhận thức: tôi là ai, tôi có năng lực gì, và tôi sẵn sàng làm gì để đạt được ước mơ.”
Khám phá những giá trị sống để thổi bùng khả năng tiềm ẩn trong bạn.
Bạn có thể nói một cách chắc chắn rằng thứ gì là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn không? Đó là tình yêu? Hay là sức khỏe?
Nếu không, hãy cố gắng tìm ra bởi những ai thành công nhất, hạnh phúc nhất là những người thấu hiểu và sống đúng với các giá trị của họ.
Do vậy, nếu bạn cảm thấy cuộc sống chưa trọn vẹn nhưng chưa rõ nguyên nhân, đó có thể do bạn chưa sống hòa hợp với niềm tin.
Tưởng tượng bạn được đề xuất một công việc mới vô cùng hứng thú ở nơi đất khách. Chấp nhận lời đề nghị này có nghĩ là bạn sẽ phải tạo nên sự biến động trong cuộc sống, di dời gia đình đến nơi cách xa hàng nghìn dặm. Liệu bạn có sẵn lòng?
Bạn cảm thấy thật khó để đưa ra quyết định? Gốc rễ vấn đề chính là bạn vẫn chưa chắc chắn về giá trị bản thân. Trong trường hợp này, để tìm ra quyết định đúng đắn mang lại hạnh phúc cho mình, trước hết hãy xác định điều gì quan trọng hơn cả: cơ hội phiêu lưu, phát triển bản thân hay sự an toàn, thoải mái.
Hãy dành chút thời gian để soi chiếu bản thân, liệt kê những giá trị quan trọng nhất, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, rồi tìm ra lí do dựa trên những giá trị đó. Trong qua trình tạo danh sách, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy một vài giá trị bạn đang đề cao lại không thực sự phù hợp với mục tiêu bản thân.
Chẳng hạn như giá trị tối cao của bạn là đam mê – làm mọi thứ mình đam mê, khao khát. Nhưng khi đối chiếu với những giá trị bản thân và mục tiêu, bạn nhận ra tiếp cận mọi thứ bằng niềm đam mêcháy bỏng có thể khiến sức khỏe bị tổn hại. Đây quả là giá trị chưa thực sự phù hợp bởi nếu bạn không khỏe mạnh thì làm sao có thể thực hiện niềm đam mê. Giải pháp ở đây chính là thay đổi giá trị ưu tiên. Bạn có thể quyết định từ giờ trở đi sẽ ưu tiên sức khỏe hơn là đam mê, để nhờ đó bạn có thể duy trì nhiệt huyết mà không gặp cản trở nào.
Và một điều nữa, hãy nhớ những gì John Wooden đã nói:
“Hãy quan tâm đến tính cách của bạn hơn là danh tiếng bởi vì tính cách thể hiện chính con người thực của bạn, trong khi danh tiếng đơn thuần là những gì người khác nghĩ về bạn.”
Hình thành những quy tắc cho một cuộc sống hạnh phúc.
Ở phần trước, bạn đã xây dựng một hệ thống thứ bậc các giá trị để xác định và hoàn thiện hướng đi cho cuộc đời mình. Nhưng có đạt được các giá trị đó hay không còn phụ thuộc và quy tắc sống của bạn – niềm tin về việc gì phải xảy ra để bạn thấy mình thành công, hạnh phúc hoặc có những trải nghiệm yêu thương.
Nếu mỗi người đặt cho mình những quy tắc quá khắt khe, họ sẽ sớm nhận ra rằng dù có làm tốt thế nào họ cũng không thể chiến thắng và bắt đầu cảm thấy vô dụng. Hãy để cho những quy tắc thúc đẩy bạn, chứ đừng kìm hãm bạn. Làm thế nào để biết quy tắc đó đang thúc đẩy hay kìm hãm? Muốn thế, bạn cần căn cứ vào đặc điểm sau:
- Quy tắc kìm hãm là những quy tắc phức tạp không thể đáp ứng.
- Quy tắc kìm hãm khi nó bắt buộc người khác, môi trường thỏa mãn nhu cầu của bạn.
- Quy tắc kìm hãm chỉ gợi mở vài cách để bạn cảm thấy vui vẻ nhưng có rất nhiều cách để cảm thấy tệ hại.
Và một mẹo nho nhỏ nữa: Nếu bạn muốn kiểm soát đời mình, muốn làm ăn thuận lợi, muốn gần gũi hơn với người bạn đời hay muốn có sức ảnh hưởng đến lũ nhóc nhà bạn, thì chắc chắn rằng bạn đã khám phá ra quy tắc của họ cũng như truyền đạt các quy tắc của bạn cho họ.
Giống như các giá trị, chúng ta cũng có hệ thống thứ bậc những quy tắc. Các quy tắc “phải làm”, “không bao giờ được làm” là quy tắc ngưỡng giới hạn. Còn các quy tắc “nên” và “không nên” là những tiêu chuẩn cá nhân. Đề ra các quy tắc sao cho mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn, để ngoại cảnh không phải là yếu tố quyết định bạn vui hay buồn.
Thấu hiểu những gì ẩn giấu sau cảm xúc để giành quyền kiểm soát chúng.
Nhiều người nhận thức sai lầm rằng ta không có khả năng điều khiển cảm xúc, cảm xúc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng thật sự, chính ta đã tạo ra cảm xúc. Bạn không thể chạy trốn cảm xúc, không thể lờ đi, không thể coi thường hoặc lừa dối bản thân về ý nghĩa của chúng. Ta phải rút ra bài học từ cảm xúc để làm giàu chất lượng cuộc sống, kể cả những cảm xúc gọi là tiêu cực ta cũng xem chúng là những “tín hiệu” hành động.
Để làm chủ cảm xúc bạn hãy xác định rõ bạn đang thật sự cảm thấy thế nào.
Chúng ta có xu hướng dễ dàng bị áp đảo bởi cảm xúc tiêu cực, nguyên nhân thường là do chúng ta nhìn nhận chúng quá chung chung hoặc nhìn nhận cảm xúc sai lệch. Chẳng hạn như bạn cảm thấy tức giận, khó chịu, nhưng nếu suy ngẫm về căn nguyên của cảm xúc này, bạn nhận ra có một thứ khác ẩn mình sau cơn giận dữ, đó có thể là sự kiệt sức.
Khi tìm ra nguyên nhân, hãy sử dung hệ thống Ngôn từ chuyển đổi cảm xúc để bày tỏ sự mệt mỏi: “Tôi nghĩ mình cần ‘sạc’ lại năng lượng.” Điều này sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực, khiến bạn dễ dàng vượt qua cảm xúc hiện tại hơn.
Thấu hiểu thông điệp mà cảm xúc gửi gắm chỉ là bước đầu, bước tiếp theo có phần thử thách hơn: hành động – xử lý cảm xúc này.
Ví dụ, nếu cảm thấy cô đơn và bạn đã tìm ra lí do, chẳng hạn như gần đây bạn chưa gặp gỡ bất kì người bạn nào. Vậy thì giải pháp quá rõ ràng rồi: gọi ngay đám bạn đến rồi “quẩy” thôi nào!
Đôi lúc có những cảm xúc bạn cảm thấy rằng không thể đối phó. Hãy cố gắng gợi nhớ về một lần nào đó bạn đã chiến thắng nó. Làm như vậy sẽ đem lại sự tự tin vào khả năng giải quyết những cảm xúc “khó nhằn” bởi bạn đã từng xử lý được chúng thì đương nhiên bây giờ bạn vẫn sẽ làm được.
Hãy áp dụng những gì bạn nghiệm ra được vào cuộc sống hàng ngày. Đấy là bước quan trọng nhất cần thực hiện để đạt được kết quả như mong muốn”
Cống hiến cho xã hội để khám phá bản thân có thể làm những gì.
Bạn nghĩ rằng dù mình có tạo ra bao nhiêu thay đổi trong đời sống cá nhân đi chăng nữa thì mình vẫn không thể có sức mạnh thay đổi cả xã hội được.
Thật không may rằng đó là quan niệm sai lầm! Ngay cả những quyết định nhỏ nhất bạn đưa ra trong cuộc sống lại có thể tạo nên tác động xã hội cực lớn. Chính những quyết định là chìa khóa thay đổi cuộc sống của bạn, và cũng là chìa khóa thay đổi toàn xã hội.
Thử ví dụ về một quyết định bạn vẫn đưa ra thường ngày: lựa chọn thực phẩm cho bữa tối. Giả sử vì vấn đề sức khỏe, bạn quyết định cắt bỏ khẩu phần thịt bò trong bữa ăn.
Sự thay đổi này có vẻ như chỉ mang lại lợi ích cho bạn. Nhưng sự thật là việc ngừng ăn thịt bò lại tạo nên sự biến đổi mang tầm cỡ lớn.
Để sản xuất ra 110 kg thịt bò cần một diện tích đất tương đương với sản xuất ra 18 tấn khoai tây. Hay nói cách khác, với diện tích đất để chăn nuôi ấy, chúng ta có thể sử dụng một cách hiệu quả hơn, nhờ đó giảm thiểu đáng kể nạn đói đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Quyết định dừng ăn thịt bò của bạn góp phần làm giảm nhu cầu dùng sản phẩm này và gia tăng khả năng sử dụng đất cho mục đích tốt hơn.
Ngoài ra còn nhiều cách khác mà bạn có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho xã hội. Bây giờ, bạn đã học được cách làm chủ cảm xúc, hãy vận dụng điều đó để giúp đỡ mọi người.
Tưởng tượng bạn bước vào siêu thị và bắt gặp một người thân quen cũng đang mua hàng. Cô ấy trông thật buồn. Thay vì quan tâm đến vấn đề cá nhân, hãy dành cho cô ấy những lời khen chân thành, ví dụ như bạn ngưỡng mộ cách cô ấy chọn mặt hàng như thế nào.
Có nhiều cách đơn giản để tạo sự khác biệt. Đôi khi trao đi một nụ cười cũng có thể cứu được cả một mạng sống, hoặc ít nhất cũng giúp họ tận hưởng cuộc sống họ đang có.
Trong sâu thẳm, mỗi người chúng ta đều muốn làm những gì mình tin là đúng đắn, không gì khiến ta cảm thấy mãn nguyện bằng sự cống hiến, như Robbins đã viết:
“Cho đi mà không mong cầu được nhận lại chính là nền tảng của cảm giác đầy đủ, trọn vẹn. Hãy khởi đầu con đường trở thành anh hùng của mình từ đây.”
Tóm tắt sách Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn