Giới thiệu
Quyển sách này nói về điều gì?
Được Napoleon Hill viết lần đầu vào năm 1938, cuốn sách “Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn” (xuất bản năm 2011) vẫn là một bản thảo chưa bao giờ xuất bản trong hơn 70 năm. Được chỉnh sửa và chú thích nội dung bởi Sharon Lechter, người góp phần đưa tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc, cuốn sách là một bản tóm tắt các lời khuyên chân thành về các phương pháp thành công trong cuộc sống. Giờ đây, độc giả có thể hiểu hơn về niềm tin cá nhân của Hill, những sức mạnh đang kìm hãm chúng ta có được một cuộc sống thành công và các nguyên tắc sẽ cho phép chúng ta vượt qua những sức mạnh đó.
Quyển sách này dành cho ai?
- Những doanh nhân đang tìm kiếm bí quyết thành công
- Bất cứ ai muốn chinh phục nỗi sợ hãi trong họ
- Độc giả quan tâm đến những kiến thức thông thái, tài ba và sống mãi với thời gian của một cuốn sách self – help có tuổi đời hơn 70 năm.
Về tác giả
Napoleon Hill (1883 – 1970) là một doanh nhân và tác giả người Mỹ. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho dòng sách phát triển bản thân nổi tiếng nhất mọi thời đại, tác giả của những cuốn sách ăn khách như: “Nghĩ giàu, làm giàu”; “Kế hoạch làm giàu 365 ngày”,… Trong đó cuốn sách “Nghĩ giàu làm giàu” – một công trình nghiên cứu hơn 20 năm của ông đã trở thành top 10 cuốn sách self help bán chạy nhất mọi thời đại.
Sharon Lechter là một nữ doanh nhân và nhà lãnh đạo người Mỹ dành cả cuộc đời của bà để hoàn thành sứ mệnh cải thiện nền giáo dục tài chính cho thanh thiếu niên. Bà là người phát ngôn của Ủy ban kiến thức tài chính CPA quốc gia, người sáng lập tổ chức giáo dục tài chính Pay Your Family First, Thrive Time for Teens, …
1
Cuốn sách này mang lại cho bạn điều gì? Chìa khoá chiến thắng "con quỷ" trong cuộc sống riêng của mình
Các công trình của Napoleon Hill được xuất bản trong thời kỳ Đại Suy thoái đã giúp hàng triệu người tìm thấy sự tích cực trong những ngày đen tối này. Nhưng đã có lúc giọng nói đó từng bị bóp nghẹt. Mặc dù được viết vào năm 1938, “Chiến thắng con quỷ trong bạn” mãi vẫn không được xuất bản cho đến năm 2011 bởi vì trong tác phẩm này, Hill đã có một số suy nghĩ gây tranh cãi về vai trò của nhà thờ và trường học. Theo suy nghĩ của ông, hai lực lượng này đã ngăn cản tính cách cá nhân và khiến mọi người rơi vào tình trạng sợ hãi.
Vì vậy, 70 năm sau chúng ta mới có cơ hội được tiếp cận với cuốn sách của ông. Như bạn sẽ thấy, các lời khuyên của cuốn sách tập trung vào sức mạnh của suy nghĩ tích cực, tìm ra cách vực dậy cho mọi thất bại tạm thời và cách tiếp xúc với những người đem lại cho bạn sự ảnh hưởng tốt đẹp.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ học được cách:
- Làm thế nào để không trở thành một kẻ vô định trong cuộc sống?
- Tầm quan trọng của việc ý thức và thay đổi các thói quen xấu?
- Một tay đua ngựa có thể dạy chúng ta những gì về sự kiên trì?
2
Bị dẫn dắt bởi nỗi sợ thay vì đức tin là nguyên nhân chính của thất bại
Chúng ta ai cũng có một giấc mơ chỉ dám giữ ở trong lòng và sợ phải theo đuổi? Có lẽ trong ước tính của tác giả, 98% chúng ta đang để tâm trí của mình bị kiểm soát bởi nỗi sợ hãi. Kết quả là, chúng ta có xu hướng trôi dạt không đích đến trong cuộc sống hoặc không thể sống đúng theo mong muốn của chính mình.
Nỗi sợ hãi này đã được gieo vào đầu óc con người ngay từ rất sớm. Đầu tiên, những nhà thờ dạy trẻ em hãy cẩn thận với “Quỷ dữ”. Rồi sau đó, nhà trường cung cấp rất ít sự chuẩn bị cho trẻ em để trở nên thành công trong thế giới thực, và thay vào đó, họ tập trung vào việc bắt học sinh ghi nhớ những sự kiện và số liệu vô tận.
Tác giả đã trải nghiệm trực tiếp về nỗi sợ hãi và sự thiếu bản sắc cá nhân trong quá trình hướng tới mục tiêu cuộc đời của mình, từ đó, ông tạo ra triết lý đầu tiên về thành tích cá nhân. Trong nhiều năm, ông đã nghiên cứu rất nhiều người về thành công và thất bại của họ. Nhưng ông cảm thấy rằng những điều ông rút ra không có một mục đích rõ ràng và tạo nên một triết lý cụ thể nào. Ông rơi vào tình trạng bế tắc và mù mịt bởi sự sợ hãi và do dự.
Khi đang ra ngoài đi dạo và hít thở không khí trong lành, ông đột nhiên phải đối mặt với một giọng nói giống như “con người khác” đang nói chuyện với ông vậy. Giọng nói như ra lệnh, nó nói rằng ông hãy hoàn thành bản thảo của mình, tất cả những gì ông phải làm là ngừng nhượng bộ sự sợ hãi và nghi ngờ.
Hill tin rằng giọng nói này đại diện cho một cái gì đó mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Ông gọi nó là Trí thông minh vô hạn – sự phong phú của niềm tin và năng lượng tích cực mà chúng ta luôn có thể khai thác, miễn là chúng ta thoát khỏi sự nghi ngờ, sợ hãi và lo lắng.
Nhờ giọng nói này, Hill đã có thể để nỗi sợ hãi của mình sang một bên, tận tâm hoàn thiện những công việc cần thiết và hoàn thành cuốn sách của mình. Nhờ đó, Hill trở thành nhà văn vĩ đại đầu tiên của thể loại sách self – help, các tác phẩm của ông tiếp tục giữ được giá trị trên toàn thế giới. Chìa khóa thành công là hãy trở thành chủ nhân của chính tâm trí bạn.
3
Suy nghĩ tích cực và một mục đích rõ ràng sẽ giúp bạn có được những điều bạn muốn
Sự thành công của Hill một phần đến từ mục tiêu rất rõ ràng trong cuộc sống. Nếu bạn muốn tăng cơ hội thành công, bạn sẽ phải tìm ra mục tiêu sống của riêng mình. Thật vậy, việc xác định mục tiêu của bạn là vô cùng quan trọng, vì một người thành công thường xoay quanh việc anh ta có biết mình muốn gì hay không.
Không ai có thể làm việc này cho bạn, không một trường học hay nhà thờ nào có thể quyết định con đường của bạn trong cuộc sống. Vì vậy, chính bạn (và mọi người khác trên Trái đất) có một đặc quyền vô giá: Chúng ta có quyền tự quyết định tất cả cho cuộc đời mình.
Ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất, chúng ta sẽ luôn có một lựa chọn: lấp đầy tâm trí bằng những suy nghĩ tích cực hay tiêu cực? Ví dụ, rất nhiều người đã có một giai đoạn hết sức khó khăn khi cuộc Đại khủng hoảng xảy ra, nhưng trên hết, có một số người đã quyết định cho mình lối sống tích cực và đạt được sự vĩ đại.
Henry Ford cũng từng trải qua thời kỳ suy thoái giống như bao người trong giai đoạn này nhưng ông không để những suy nghĩ tiêu cực cản trở việc phát triển một trong những công ty ô tô lớn nhất nước Mỹ của mình. Cuối cùng, chính sự quyết tâm và suy nghĩ tích cực đã giúp ông tạo ra dây chuyền sản xuất và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất một chiếc ô tô giá cả phải chăng mà mọi tầng lớp trung lưu Mỹ đều có thể mua.
Vì vậy, hãy nhớ rằng, yếu tố quyết định quan trọng nhất để thành công là việc bạn chọn suy nghĩ tiêu cực hay tích cực. Và khi bạn kết hợp suy nghĩ tích cực cùng với một mục tiêu xác định trong cuộc sống, bạn đang đi đúng hướng đến thành công.
Franklin D. Roosevelt là một ví dụ tuyệt vời khác. Ông có một mục đích rất rõ ràng khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, như lời ông nói: quét sạch nỗi sợ hãi vẫn tồn tại kể từ khi cuộc Đại suy thoái bắt đầu và chuyển trọng tâm của quốc gia khỏi sự suy thoái và hướng tới phục hồi. Khi được hỏi về vấn đề lớn mà Hoa Kỳ phải đối mặt, Roosevelt trả lời: “Chúng ta có một vấn đề, đó là ngăn chặn nỗi sợ hãi và thay thế nó bằng niềm tin”. Điều này cho phép Roosevelt ngay lập tức nắm quyền kiểm soát và đưa nước Mỹ lên đường hồi phục.
Giống như câu thành ngữ: “Gieo nhân nào, gặt quả đó”, kết quả của bạn sẽ phản ánh nỗ lực của bạn. Và một khi bạn bắt đầu suy nghĩ tích cực, theo đuổi mục tiêu của mình, bạn sẽ sớm thấy được sự hiệu quả như thế nào.
4
Phát triển những thói quen tích cực và làm bạn với những người có cùng thói quen này là chìa khóa của thành công
Con người có rất nhiều lí do để biện hộ cho một thói quen xấu và không hiệu quả của mình như ăn uống không lành mạnh hay ngủ không đủ giấc. Mối nguy hiểm thực sự là khi những thói quen đó bắt đầu trở thành một lối sống thường xuyên của bạn. Khi uống rượu không còn là một hoạt động hàng tháng và bắt đầu trở thành thói quen hàng ngày, thì bạn có thể trở thành nạn nhân của “nhịp điệu thôi miên”.
Quy luật này áp dụng cho cả thói quen xấu và tốt. Tuy nhiên, bạn nên đặc biệt cảnh giác với những thói quen tiêu cực vì chúng có thể nhanh chóng tác động và tàn phá cuộc sống của bạn. Ví dụ, hầu hết căn bệnh béo phì và các bệnh khác về đường tiêu hoá, tim mạch là do chúng ta ăn quá nhiều các loại thực phẩm không lành mạnh. Và khi mọi người hình thành thói quen ăn uống như vậy, khả năng hoạt động của cơ thể dần trở nên xấu đi, họ sẽ không còn có đủ sức khoẻ để thực hiện mục tiêu nào khác. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các thói quen khác, chẳng hạn như tình dục, nó có thể trở thành một sự ham muốn mạnh mẽ đến mức tất cả các mục tiêu khác đều bị mất đi.
Để tránh những thói quen như vậy, những người thành công thường có xu hướng vây quanh mình bởi những người có thói quen tích cực. Xét cho cùng, những thói quen của những người xung quanh sẽ ảnh hưởng đến bạn. Đây có vẻ như là một chiến lược khá đơn giản, nhưng hầu hết mọi người đều chấp nhận hoàn cảnh của mình thay vì theo đuổi những điều tốt hơn.
Một ví dụ điển hình của việc không chấp nhận hoàn cảnh của mình và luôn vươn lên trong cuộc sống là Andrew Carnegie, người đã từng là người cố vấn cho tác giả. Ông là một nhà từ thiện và một doanh nhân vĩ đại luôn vây quanh mình bởi những người thành công.
Vì vậy, nếu bạn thấy mình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tâm trạng đen tối của bạn bè hoặc đồng nghiệp, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm những người đồng trang lứa tích cực hơn.
5
Những người thành công luôn hiểu được tầm quan trọng của việc học hỏi từ thất bại
Nếu bạn đã từng theo đuổi một dự án và cuối cùng gặp thất bại, bạn có thể đã coi đây là một dấu hiệu để từ bỏ. Nhưng những người thành công biết rằng thất bại chỉ là một tảng đá thô sơ trên con đường đạt được mục tiêu của họ.
Lấy Thomas Edison là một ví dụ điển hình – cha đẻ của bóng đèn, máy ghi âm và một danh sách dài các phát minh mang tính cách mạng khác cũng đã phải trải qua hàng tá thất bại trước khi chạm đến được sự thành công. Có khả năng trên thế giới này vẫn tồn tại hàng ngàn người thông minh hơn Edison. Nhưng điều thực sự khiến ông ấy khác biệt là sự kiên trì của ông trước vô số thất bại.
Trong cuộc Đại khủng hoảng, tác giả đã cho ra đời cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” (1937), giúp mọi người có cái nhìn xa hơn và vượt qua được thời kỳ khó khăn và thất vọng của thập kỷ đó. Những lời khuyên trong cuốn sách vẫn có giá trị cho đến ngày hôm nay. Chúng ta luôn tìm cách tạo ra các mục tiêu, động lực bất chấp hoàn cảnh mà chúng ta có thể gặp phải. Cho đến ngày nay, cuốn sách của tác giả vẫn nằm trong số 10 cuốn sách self – help bán chạy nhất mọi thời đại.
Một thói quen khác mà nhiều người thành công có được là nhận ra rằng bất kỳ thất bại nào cũng có thể là hạt giống để phát triển thành công. Mọi vấn đề bạn gặp phải sẽ luôn có một giải pháp, vì vậy, không có lý do gì để phải hoảng sợ vì thất bại, hãy xem nó là sự thất bại tạm thời.
Chẳng hạn như Julie Krone đã bị mọi người ngăn cản và cho rằng bà không thể trở thành một tay đua ngựa chuyên nghiệp. Rất nhiều chủ ngựa không muốn thuê một nữ vận động viên đua ngựa như bà. Nhưng Krone có một phương châm: “Tiếp tục xuất hiện!”, và bà đã không làm người chủ ngựa đó thất vọng khi họ cho bà cưỡi con ngựa của mình. Julie Krone đã trở thành một tay đua vô địch. Nhiều năm sau, tờ USA Today đã liệt bà vào danh sách những vận động viên cố gắng nhất trong lịch sử.
Nếu bạn có ước mơ của mình, đừng để cho thái độ tiêu cực, sự thất bại khiến bạn nghĩ rằng điều đó không thể được thực hiện.
Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách:
Tất cả chúng ta đều mang trong mình những suy nghĩ tốt và xấu. Đôi khi có một giọng nói bên trong bảo chúng ta phải tiếp tục chiến đấu nhưng có những lần nó lại bảo chúng ta phải bỏ cuộc. May mắn thay, chúng ta có cách để lựa chọn tiếng nói tích cực và làm theo nó. Hãy bỏ qua tiếng nói tiêu cực và gạt bỏ nỗi sợ hãi khiến rất nhiều người không thể biến giấc mơ trở thành hiện thực. Bằng cách nhận ra nỗi sợ hãi, tận dụng sức mạnh của suy nghĩ tích cực và tuân theo một kế hoạch rõ ràng, tất cả chúng ta có thể vượt qua thất bại và đạt được sự thành công của mình.
Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Khoa học làm giàu” của Wallace D. Wattles
“Khoa học làm giàu” (xuất bản năm 1910) là một tác phẩm self-help kinh điển sẽ đem đến cho bạn sự thịnh vượng mà bạn khát khao lâu nay, một cuộc sống giàu có và phong phú. Cuốn sách này sẽ giải thích một cách đơn giản, ngắn gọn để thu hút cơ hội và sự giàu có để hoàn thành bất cứ điều gì bạn mong muốn.
Tóm tắt sách Chiến Thắng Con Qủy Trong Bạn
Wiki Sách tóm tắt