Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

Tại sao cùng ở châu Á, nhưng một số quốc gia lại phát triển vượt bậc, một số thì không? Dưới góc độ vĩ mô kết hợp với vi mô, cuốn sách “Châu Á vận hành như thế nào” chỉ ra lý do tại sao lại có sự phân hoá như thế. Đồng thời, tác giả cũng cung cấp thêm nhiều lời khuyên thiết thực để những quốc gia này có thể tận dụng tài nguyên tốt hơn, phân bổ nguồn lực phù hợp hơn và phát huy mạnh hơn những đường lối kinh tế sẵn có. 

Quyển sách này dành cho ai? 

  • Những nhà kinh tế học 
  • Những người hoạch định chính sách 
  • Những người đam mê lịch sử châu Á 

Về tác giả 

Joe Studwell là một nhà báo, một blogger và một nhà diễn giả. Hiện ông ấy là Tiến sĩ lâu năm tại đại học Cambridge. 

 

1

Những chính sách bảo hộ là cần thiết đối với mỗi quốc gia

Chắc bạn sẽ nghĩ rằng một nền kinh tế thành công không thể chỉ dựa vào nông nghiệp. Điều này không sai! Tuy nhiên, nông nghiệp là nền móng, là xuất phát điểm của sự phát triển. Bởi khi một khu vực nào đó đã có nền tảng nông nghiệp vững mạnh, họ sẽ dễ dàng chuyển dịch sang những ngành công nghiệp khác có giá trị hơn. 

Trên thực tế, bước hợp lý tiếp theo để phát triển nền kinh tế là thúc đẩy những ngành sản xuất như ô tô, thép, dệt may, chứ không phải ngành dịch vụ. Tại sao lại vậy? Chúng ta có hai lý do chính như sau. 

Thứ nhất, ngành sản xuất không cần lực lượng lao động có trình độ học vấn cao vì nó phụ thuộc rất nhiều vào máy móc. Và để điều khiển được máy móc thì nhân công chỉ cần được đào tạo ở mức độ tối thiểu. 

Thứ hai, hàng hoá được giao dịch dễ dàng hơn trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, dịch vụ là ngành ít cố định. Nó phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chuyển dịch tự do của nhân lực. 

Thế nhưng, ta cũng dễ nhận thấy rằng ngành sản xuất không thể phát triển tốt nếu không được trợ lực. Tức là, một ngành sản xuất địa phương cần được chính phủ bảo vệ trước khi nó phải chịu áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài. 

Ở những nước phát triển, nhiều người tin rằng để tạo ra của cải, điều duy nhất chúng ta cần là yếu tố cạnh tranh. Và để thúc đẩy nó, chúng ta có thể sử dụng những chính sách như thương mại tự do. Nhưng sự thật là, ngoài những trung tâm tài chính như Hong Kong hay Singapore thì không có quốc gia nào trở thành cường quốc nếu chỉ dựa vào chính sách này. 

Những ông lớn như Đức, Hoa Kỳ và Anh đều từng sử dụng nhiều biện pháp chống cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, ví dụ như hạn chế nhập khẩu, đánh thuế chống bán phá phá,… Qua đó, họ có thể nuôi dưỡng những doanh nghiệp trong nước cho đến khi bản thân chúng đủ mạnh để đối mặt với cạnh tranh toàn cầu. 

Rõ ràng, họ làm điều này vì những lý do rất chính đáng. Thứ nhất, dĩ nhiên đó là động thái để bảo vệ người nhà. Một khi những công ty này phát triển, nền kinh tế toàn quốc gia mới có thể mở rộng và tăng trưởng bền vững. Thứ hai, nếu không có các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước, thì rất có thể, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ lập tức “bóp chết” những doanh nghiệp mới hình thành. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” ắt hẳn phải xảy ra. Từ đó, thế độc quyền sẽ hình thành và quyền lực gần như tập trung hết vào tay những doanh nghiệp lớn. 

Điều này đúng với tất cả những quốc gia đang phát triển. Dĩ nhiên, thương mại tự do sẽ là mục tiêu cuối cùng của mọi người. Nhưng nó chỉ khả thi khi mà bản thân quốc gia đó đã đủ mạnh và ngành sản xuất đủ vững chắc để bước chân vào sàn đấu quốc tế.

2

Đôi khi, chính phủ cần hy sinh lợi ích của một bộ phận nhỏ để đạt được những lợi ích lớn hơn

Không có nền kinh tế nào phát triển mạnh chỉ trong một sớm một chiều. Thông thường, chúng ta phải mất hàng thập kỷ, nếu không muốn nói là thế kỷ, để lập kế hoạch và hành động. Vậy, hành trình này sẽ bắt đầu từ đâu? 

Đầu tiên, các chính phủ phải tích cực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Ví dụ, Nhật Bản bắt đầu công nghiệp hóa vào năm 1870. Khi ấy, chính phủ bắt đầu thí điểm một số nhà máy trong những ngành sản xuất cơ bản như ươm tơ, khai thác mỏ và xi măng. Trong đó, cả máy móc và công nhân chuyên nghiệp đều được nhập khẩu để giúp những công ty này có thể đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Ban đầu, hàng hoá của họ hầu hết là hàng nhái và kém chất lượng hơn so với phương Tây. Nhưng chúng vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Vào năm 1880, sau khi được bán cho các doanh nhân tư nhân thì hầu hết doanh nghiệp thí điểm đều tạo ra lợi nhuận. 

Bước thứ hai, khi các ngành phát triển đến một mức độ nhất định và có thể tự “đứng trên đôi chân của mình” thì chính phủ sẽ hỗ trợ thông qua một số chính sách khác. Và sự hy sinh, đánh đổi lúc này là cần thiết. Ví dụ, khi cần đảm bảo nguyên liệu thô cho một ngành nào đó, chính phủ cần nới lỏng hàng rào bảo hộ để thúc đẩy nhập khẩu. Điều này cần thiết ngay cả khi nó gây thiệt hại tới một ngành khác. Ở Nhật Bản, nước đi tương tự cũng từng được thực hiện khi Shibusawa mở một nhà máy sản xuất bông khổng lồ chạy bằng hơi nước vào năm 1882. 

Đây là khoản đầu tư lớn nhất từng được đưa vào ngành công nghiệp bông Nhật Bản. Nó cũng là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của những nền kinh tế quy mô lớn tại quốc gia này. Cụ thể, chính phủ đã hỗ trợ Shibusawa bằng cách dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với bông thô. Dù điều này gây ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân trồng bông nội địa, nhưng nhìn chung, nó đã thực sự thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Đến năm 1914, hàng dệt bông đã chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Và nhà máy này cũng chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của xứ sở hoa anh đào. 

3

Để công nghiệp hoá thành công, chúng ta buộc phải thúc đẩy xuất khẩu và cạnh tranh trong nước

Việc bảo vệ những công ty non trẻ, mới thành lập là điều quan trọng. Nhưng cuối cùng thì những doanh nghiệp này cũng phải tự trưởng thành và tự đứng trên đôi chân của mình. Quá trình này mất nhiều thời gian và đòi hỏi chính phủ phải sao sát thúc đẩy họ phát triển. Có hai biện pháp chính được đưa ra trong vấn đề này, đó là: thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng cạnh tranh trong nước. 

Ví dụ, những quốc gia như Đài Loan, Nhật Bản đã thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tăng cường trợ cấp. Nhưng Hàn Quốc lại có cách tiếp cận khác. Họ cho phép những công ty này tiếp cận với tín dụng ngân hàng dựa trên số lượng xuất khẩu. Trước động thái này, những doanh nghiệp nào không tham gia hoạt động xuất khẩu gần như sẽ không được hỗ trợ. Vì vậy, họ buộc phải chuyển ngành, hợp nhất với doanh nghiệp khác hoặc thậm chí, ngừng kinh doanh. 

Hàn Quốc cũng biết rằng, họ cần cạnh tranh trong nước để doanh nghiệp có cơ hội cọ xát, phát triển nhanh hơn, vững hơn trước khi bước ra thị trường quốc tế. Vì thế, khi ngành công nghiệp bắt đầu được quan tâm vào năm 1973, chính phủ nước này đã lập tới ba công ty để cạnh tranh trong một thị trường nội địa chỉ sản xuất ra 30.000 xe mỗi năm. 

Trong khi đó, nhiều chính phủ thuộc khu vực châu Á lại phớt lờ tầm quan trọng của cạnh tranh. Ví dụ, Malaysia đã biến ngành sản xuất ô tô thành một ngành độc quyền nhà nước dù thị trường của họ lớn hơn Hàn Quốc với 90.000 xe mỗi năm. Ban đầu, mọi thứ có vẻ ổn. Nhưng chẳng bao lâu sau, khoảng cách giữa những quốc gia có cạnh tranh và không có cạnh tranh ngày một rõ ràng. 

Trong thập niên 80 và 90, Châu Á đã trải qua thời kỳ bùng nổ với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nếu xét toàn khu vực, sẽ rất khó để bạn nhìn vào một quốc gia cụ thể nào đó. Nhưng khi khủng hoảng hoảng tài chính xảy ra vào năm 1997, sự chênh lệch mới hiện ra rõ ràng. Những nước thúc đẩy xuất khẩu và cạnh tranh ở phía Bắc đã hồi phục nhanh hơn rất nhiều so với phần còn lại ở phía Nam, như Malaysia và Thái Lan. Dù có mức GDP tương đương vào cuối Thế chiến thứ hai nhưng ngày nay, Hàn Quốc và Đài Loan có GDP bình quân đầu người gấp 4 lần so với Thái Lan và Indonesia. 

4

Việc sớm bãi bỏ quy định tài chính có thể kìm hãm sự phát triển của một số quốc gia

Chúng ta thường nghe đâu đó về việc các nhà kinh tế đang vận động hành lang để bãi bỏ những chế định về tài chính. Nhưng liệu, đây có phải một nước đi đúng đắn? Trên thực tế, nếu bãi bỏ hàng rào quy định về tài chính quá sớm, nó không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn làm suy yếu tầm ảnh hưởng của chính phủ trong việc thúc đẩy cạnh 

tranh. 

Hãy xem xét trường hợp của Malaysia, quốc gia đã bãi bỏ quy định về sàn giao dịch chứng khoán vào năm 1989. Kết quả là, thay vì đổ vào nền kinh tế thuần tuý, tiền lại chảy vào lĩnh vực đầu cơ. Hệ thống ngân hàng càng khiến mọi thứ tệ hơn khi họ chủ yếu cho những nhà đầu cơ thu nhập cao vay tiền. Còn những doanh nhân chân chính thì ít có cơ hội tiếp cận vay vốn. 

Thật vậy, một nghiên cứu vào những năm 1990 của ngân hàng trung ương cho thấy, các công ty Malaysia chỉ được ngân hàng hỗ trợ một phần rất nhỏ. Và thông thường, những khoản hỗ trợ này chẳng bao giờ đáp ứng được nhu cầu thực sự của họ. Cũng vì vậy mà ước muốn phát triển công nghệ và vươn lên đẳng cấp thế giới của doanh nghiệp trở nên xa vời. 

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác lại khôn ngoan hơn. Họ dùng chính sách để điều tiết nguồn lực từ khu vực tài chính hướng đến nền kinh tế thuần tuý. Ví dụ, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nhà nước sẽ hạn chế đầu cơ và duy trì quyền kiểm soát hệ thống tài chính trong những giai đoạn phát triển quan trọng. Tiếp đó, ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ, cho vay chiết khấu để khuyến khích các ngân hàng khác trong hệ thống đầu tư theo ý chí của chính phủ. 

Dù thực tế là hiện nay, các hệ thống tài chính còn chưa hiệu quả nhưng nó vẫn đóng một vai trò nhất định trong nền kinh tế. Nhờ có nguồn tiền từ lĩnh vực này mà nhiều doanh nghiệp và dự án quan trọng mới được tài trợ. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc sớm bãi bỏ quy định tài chính cũng tạo ra những tác động tích cực. Chẳng hạn, Singapore và Hong Kong có lượng dân cư nhỏ, tập trung. Hai quốc gia này không cần quá nhiều việc làm và có vị trí thuận lợi để trở thành những trung tâm vận chuyển hoàn hảo. Vì vậy, họ có thể tập trung vào việc xây dựng dịch vụ tài chính và thương mại ngay từ đầu. 

5

Cải cách chính sách đã giúp nền kinh tế của Trung Quốc vươn lên và phát triển vượt bậc như hiện nay

Trong một thời gian dài, nền kinh tế Trung Quốc đã bị đình trệ vì hai sai lầm trong chính sách của đảng. Thứ nhất, những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu cho rằng nông nghiệp chỉ hiệu quả ở quy mô đại trà. Vì vậy, thời gian đầu khi mới độc lập, đất nước này đã xây dựng nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, như chúng ta thường biết đến với tên gọi quen thuộc hơn: nền kinh tế bao cấp. Kết quả là, sai lầm này đã khiến 30 triệu người chết vì nạn đói. 

Thứ hai, Trung Quốc muốn tự cấp. Họ không hiểu rằng thương mại là điều cần thiết để phát triển ngành sản xuất. Vì vậy, khi hạn chế thương mại quốc tế, quốc gia này đã tự tách mình khỏi cơ hội tiếp cận công nghệ tân tiến nước ngoài. 

Nhưng tất cả đã thay đổi khi Đặng Tiểu Bình khởi động kế hoạch cải cách Trung Quốc. Ông ấy đặt ra ba chiến lược chính mà những quốc gia khu vực Đông Bắc Á đã sử dụng. Thứ nhất, Đặng Tiểu Bình trao cho nông dân quyền tự chủ bằng cách khôi phục hoạt động canh tác hộ gia đình. 

Dưới thời Mao Trạch Đông, nông dân được nhận tiền khi đáp ứng đủ hạn ngạch hàng hóa sản xuất. Nhưng kỳ lạ là không có phần thưởng nào nếu họ vượt qua hạn ngạch này. Vì vậy, Tiểu Bình đã thực hiện cải cách thông qua cái gọi là “Hệ thống trách nhiệm hộ gia đình” (Household responsibility system). Trong hệ thống này, hạn ngạch sẽ được giảm xuống. Nếu có sản lượng dư thừa, nông dân sẽ được quyền bán chúng trên một thị trường tự do. Kết quả, chính sách mới đã thúc đẩy sản lượng nông nghiệp tăng mạnh. Và ngày nay, năng suất lúa gạo của Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới. 

Thứ hai, ông ấy thúc đẩy sản phẩm cạnh tranh bằng cách mở cửa cho Trung Quốc tiếp cận với thương mại và công nghệ quốc tế. Từ đầu những năm 1980, quốc gia này đã thực hiện một thoả thuận với công ty điện lực Westinghouse ở Mỹ. Theo đó, công ty này sẽ chia sẻ những công nghệ cần thiết để Trung Quốc có thể sản xuất tuabin cơ bản. Kết quả là ngày nay, ba nhà sản xuất tuabin nhiệt lớn nhất trên thế giới đều là doanh nghiệp Trung Quốc. 

Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình giữ quyền kiểm soát những tổ chức tài chính và đầu tư vào phát triển. Điều này thể hiện trong việc hầu hết tài sản ngân hàng ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu của ngân hàng nhà nước. 

Năm 1994, có ba ngân hàng chính sách được thành lập là ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (the Export-Import Bank of China), ngân hàng Phát triển nông nghiệp Trung Quốc (the Agricultural Development Bank of China) và ngân hàng Phát triển Trung Quốc (the China Development Bank). Đó là ba lực lượng chính đã thúc đẩy những chính sách phát triển như quy định về xuất khẩu và sản lượng nông nghiệp thông qua các khoản đầu tư của mình. 

6

Dù đã đạt được những bước tiến nhất định nhưng Trung Quốc vẫn còn đối mặt với rất nhiều vấn đề

Sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc có đồng nghĩa với việc nước này sắp trở thành một nước công nghiệp giàu có hay không? Không hẳn! Quốc gia này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. 

Thứ nhất, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào những doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát. Chúng ta không phủ nhận rằng, các doanh nghiệp nhà nước đã phát triển tốt trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như tuabin nhiệt. Nhưng với thị trường tiêu dùng hiện đại, họ cần mức độ linh hoạt cao hơn. 

Ví dụ, nhà nước điều hành nhiều công ty ô tô lớn. Tuy nhiên, thay vì phát triển ô tô của riêng mình, họ lại dựa vào liên doanh nước ngoài để đạt được những công nghệ và thiết kế phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này khiến những nhà sản xuất nhỏ hơn trong nước như Geely và Chery phải chật vật vô cùng. Trong khi đó, như chúng ta đã bàn bạc với nhau ở những chương đầu, chính phủ nên bảo hộ doanh nghiệp trong nước trước khi họ có thể đương đầu với những đối thủ mạnh trên trường quốc tế. 

Chưa kể, mức độ phân hoá giàu, nghèo cao cũng đang cản trở nước này rất nhiều. Trung bình, thu nhập của một người ở thành thị cao gấp ba lần so với thu nhập của một người ở nông thôn. Trong khi đó, tại Đông Bắc Á, thu nhập ở hai khu vực này là gần bằng nhau. 

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách sau đây. Năm 2006, chính quyền địa phương không được áp thuế đối với nông dân. Trợ cấp cho nông dân cũng được tăng lên. Chưa kể, chính phủ còn đưa ra một chương trình kích thích kinh tế. Trong đó, họ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và nông nghiệp ở vùng nông thôn. 

Có vẻ, đây là những nước đi đúng đắn. Tuy nhiên, sự thật là Trung Quốc vẫn chưa thể thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo sau hàng loạt chính sách trên. Vì vậy, người ta bắt đầu viện dẫn cho lý do sở hữu đất đai. 

Có thể, vì nông dân không sở hữu đất đai nên họ mất động lực đầu tư và phát triển trang trại cho riêng mình. Điều này kéo thu nhập của toàn vùng đi xuống. Thêm nữa, nông dân cũng không thể bán đất để kiếm lời bởi chính phủ mới là lực lượng sở hữu. Nếu cần, chính phủ còn có thể chấm dứt hợp đồng và thu hồi đất đai. Vấn đề này khiến người dân rất nhức nhối. 

Vì vậy, nếu thực sự muốn thu hẹp ranh giới giàu nghèo, Trung Quốc sẽ phải thực hiện cải cách ruộng đất ở một cấp độ cao hơn. Cụ thể là để người dân có quyền sở hữu đất đai như Nhật Bản và Đài Loan đã làm. 

Tổng kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này: 

Châu Á là một khu vực quan trọng và có vị thế cao trên toàn thế giới. Chúng ta tự hào về bề dày lịch sử và những gì người châu Á đã và đang làm được. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối mà chúng ta không thể phủ nhận ở đây đó là sự chênh lệch kinh tế giữa những quốc gia trong khu vực. Sau khi định hình thế giới mới, nhiều nước đã phục hồi và vươn lên thành cường quốc. Nhưng trong đó, cũng không ít quốc gia còn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo không lối thoát. 

Vì vậy, để có thể vươn lên, những cải cách đến từ chính phủ là cần thiết. Cuốn sách này đề cao vai trò của nhà nước trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà. Cụ thể, những yếu tố chính mà chính phủ cần lưu tâm đó là tập trung vào thế mạnh quốc gia, bảo hộ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tự do thương mại và khai thác sức mạnh của lĩnh vực tài chính. 

Bạn nên đọc thêm cuốn sách: “Ứng xử với Trung Quốc” của Henry M. Paulson 

“Ứng xử với Trung Quốc” là cuốn sách tiết lộ hành trình vươn lên thành siêu cường kinh tế của quốc gia này. Trong đó, nó giải thích, phân tích chuyên sâu về những lợi thế và bất lợi của việc tăng trưởng quá nhanh chóng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra quan điểm về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc nên bắt tay cùng nhau để đối mặt với những thách thức toàn cầu đang diễn ra. 

Playlist liên quan