Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

Trong nhiều năm, thế giới đã luôn chào đón iPhone như một sản phẩm công nghệ vượt trội và đáng mong đợi. Nhưng ít ai biết rằng, iPhone không phải là sản phẩm sáng tạo của riêng một người nào cả. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất iPhone ngày một tăng cao còn để lại nhiều hệ luỵ khủng khiếp cho thế giới. Vậy rốt cuộc, những mặt trái này là gì và nó đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của con người? Tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách “Câu chuyện iPhone”. 

Quyển sách này dành cho ai? 
  • Những người đam mê công nghệ Người dùng iPhone 
Về tác giả 

Brian Merchant là một nhà báo chuyên viết về khoa học và công nghệ. Bài viết của ông thường xuất hiện trên tạp chí Guardian, Slate, Fortune và Los Angeles Times. Bên cạnh đó, ông cũng là biên tập viên cho Motherboard – bộ phận khoa học và công nghệ của VICE.

 

1

Cuốn sách này sẽ giúp bạn khám phá những câu chuyện đằng sau chiếc điện thoại được chào đón nhất thế giới: iPhone

iPhone của Apple thường được xem là một biểu tượng của giới công nghệ. Nó sở hữu nhiều tính năng vượt trội và có thể thay thế máy nghe nhạc, máy ảnh, làm trợ lý ảo cho người dùng. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng đó là biết bao câu chuyện thương tâm do việc sản xuất iPhone gây nên. 

Qua đây, bạn cũng sẽ biết được: 

  • Steve Jobs không hẳn là người đầu tiên phát minh ra iPhone. 
  • iPhone tích hợp những công nghệ đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học trên thế giới. 
  • Việc sản xuất iPhone đang gây ra những vấn nạn to lớn cho con người. 

 

2

Trước thời của Steve Jobs, iPhone đã được phát triển bởi một đội ngũ nhân viên tài năng

Bước sang thế kỷ 21, chúng ta đã được chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường điện thoại thông minh (smartphone). Và dẫn đầu trong số đó là iPhone của Apple. Quả thực, nó đã thành công đến mức vào năm 2016, chuyên gia công nghệ Horace Dediu đã liệt iPhone vào danh sách những sản phẩm hàng đầu thế giới với doanh số bán ra tính đến nay là hơn 1 tỷ chiếc. 

Không chỉ thế, khi những nhà phân tích phố Wall đưa ra danh sách về loạt sản phẩm sinh lời cao nhất trên thế giới, iPhone cũng nằm trong top đầu. Nó thậm chí còn đứng cao hơn thuốc lá Marlboro một bậc trong bảng xếp hạng. 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công này? Hầu hết mọi người đều cho rằng đó là nhờ vào bộ óc sáng tạo của Steve Jobs – người đàn ông duy nhất được ghi nhận công lao cho phát minh iPhone. Nhưng trên thực tế, chiếc điện thoại này không chỉ là sản phẩm sáng tạo của một người. 

Trước đó, iPhone là ý tưởng đến từ một nhóm những nhà thiết kế phần mềm, kỹ sư và nhà thiết kế công nghiệp. Những con người tài năng gặp nhau để thử nghiệm giao diện người dùng độc đáo mà họ vừa nghĩ ra. 

Trong số đó có Joshua Strickon, người vừa nhận bằng tiến sĩ từ MIT Media Lab và được xem là một phù thuỷ trong việc nghiên cứu tương tác giữa con người với máy tính. Tiếp theo là Greg Christie, người dẫn đầu nhóm Giao diện con người và Thiết bị di động cầm tay của Apple. Những người còn lại là nhà thiết kế Imran Chaudhri và Bas Ording. 

Tất cả họ đều có điểm chung là tin tưởng vào tiềm năng của việc tương tác trực tiếp với máy tính. Trong cảm nhận của họ, bàn phím và chuột truyền thống đã lỗi thời, còn tương lai chính là hành trình khám phá những cảm biến chuyển động và công nghệ cảm ứng đa điểm. Sau nhiều tháng nghiên cứu, nhóm đã sản xuất ra nguyên mẫu đầu tiên, cũng chính là tiền thân của iPhone.

3

Điện thoại di động đã sớm được tạo ra nhưng mãi đến những năm 1990, nó mới phát triển rầm rộ

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, tiền thân của iPhone xuất hiện cách đây khá lâu, chính xác là hơn một thế kỷ trước. Vào năm 1910, chiếc điện thoại di động đầu tiên được sản xuất bởi nhà phát minh người Thuỵ Điển Lars Magnus Ericsson. Ông cũng là người đã lập nên gã khổng lồ công nghệ Ericsson thời bấy giờ. 

Ban đầu, chiếc điện thoại này được thiết kế để hoạt động trên ô tô với những chiếc dây nối trực tiếp. Nhưng sau này, vào năm 1927, nhà phát minh người Phần Lan tên là Eric Tigerstedt đã cải tiến nó thành điện thoại không dây. Nguyên mẫu của nó là một thiết bị nắp gập, thiết kế mỏng, phong cách tối giản và có nhiều nét tương đồng với phiên bản ở hiện tại. 

Dù xuất hiện sớm nhưng phải tới những năm 1990, “điện thoại thông minh” mới được sản xuất thương mại và dần trở nên phổ biến. Ở thời điểm đó, Simon Personal Communicator (gọi tắt là Simon) là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên có tích hợp chức năng như một chiếc máy tính. Nó là đứa con tinh thần của Frank Canova Jr., khi đó là kỹ sư của IBM. Chiếc điện thoại này có màn hình cảm ứng, các ứng dụng và những tính năng khiến nó trở nên “thông minh”. 

Trên thực tế, mục tiêu ban đầu của Canova là tích hợp GPS hay mã chứng khoán vào Simon. Nhưng cuối cùng, ổ cứng lại không hỗ trợ được toàn bộ ý tưởng này. Bởi chỉ với một vài ứng dụng như trò chơi đi kèm thôi mà chiếc điện thoại đã có kích cỡ ngang với một viên gạch. 

Đây quả thực là một vấn đề lớn! Ở thời điểm đó, công nghệ vẫn chưa đủ phát triển để giải quyết những vấn đề về kích cỡ cũng như tối ưu thiết kế thẩm mỹ. Đây cũng chính là lý do tại sao Simon, hay thậm chí là “kẻ kế nhiệm” Neon đều không được đưa ra thị trường. Nhưng trên hết, tất cả chúng đều là nguồn cảm hứng quan trọng để iPhone ra đời. 

4

Pin mà iPhone sử dụng là thành quả nghiên cứu của nhiều nhà phát minh

Một trong những điều đáng chú ý nhất về iPhone là dung lượng pin của nó. Và công nghệ đằng sau siêu pin này bắt nguồn từ năm 1970. Ở thời điểm đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đang diễn ra khiến giá dầu bị đẩy lên cao một cách bất thường. Điều này khiến công chúng phản ứng vô cùng dữ dội. Do đó, nhiều nhà khoa học bắt đầu đặt ra câu hỏi: liệu chúng ta có thể bớt phụ thuộc vào dầu mỏ hay không? 

Đây chính là động lực thúc đẩy nhân loại tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế. Trong đó, người tiên phong cho phong trào này là Stan Whittingham. Ông là nhà khoa học, nhà phát minh đã đặt nền móng cho việc chế tạo pin lithium. 

Trong những thử nghiệm ban đầu, Whittingham đã gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể, vì sử dụng titan làm thành phần chính cho pin nên nó liên tục bị nóng và bốc cháy. May mắn thay, vấn đề này đã được John Goodenough hỗ trợ giải quyết. Ông ấy nhận ra rằng, nếu sử dụng oxit coban thay cho titan thì pin sẽ ổn định hơn. Và quả thực, John đã thành công. Nhưng nhược điểm chính của nó là không thể sạc lại được. 

Đến nay, pin lithium dùng cho iPhone có nhiều đặc điểm vượt trội. Khi sử dụng, dòng điện ở dạng electron đi qua chất điện phân từ cực dương sang cực âm. Nếu sạc pin bằng một nguồn năng lượng đến từ nơi khác, chẳng hạn như ổ cắm trên tường, thì nó sẽ đảo chiều dòng điện. Tức là, năng lượng sẽ trở về nơi xuất phát và khiến pin có thể tái sử dụng. 

Tới năm 2015, thị trường pin lithium-ion đã đạt giá trị 30 tỷ đô la và con số này vẫn có xu hướng tăng lên. Theo dự báo, vào năm 2024, nó sẽ chạm mức 77 tỷ đô la. Một con số đáng kinh ngạc! 

Sự gia tăng nhanh chóng này xuất phát từ mối quan tâm sâu sắc dành cho ô tô điện. Bằng chứng là, Tesla đã cho khai trương Gigafactory, nhà máy sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới.

5

Chụp ảnh tự sướng là một trào lưu cũ được iPhone mang trở lại thế giới hiện đại

Vào năm 2007, sự thật là những chiếc điện thoại “kém cạnh” đến từ Nokia còn có camera tốt hơn iPhone đời đầu. Hơn nữa, khi Apple bắt đầu xem xét việc tích hợp máy ảnh vào điện thoại, họ chỉ coi đó là tính năng phụ. 

Còn ngày nay, camera lại là một tính năng không thể thiếu trong mỗi chiếc iPhone. Vì vậy, nó cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với đời đầu. Cụ thể, mô đun camera hiện nay có hơn 200 bộ phận và được coi là thiết yếu. Nó có 1 cảm biến, 1 mô đun ổn định hình ảnh và 1 bộ xử lý tín hiệu để làm sắc nét hình ảnh. 

Dù phức tạp như vậy nhưng nó mới chỉ là camera của mặt sau mà thôi. Trong iPhone còn có camera selfie hoặc camera Factime ở mặt trước của điện thoại. Nói chung, công nghệ của nó phức tạp đến mức Apple cần có hẳn một bộ phận thiết kế camera riêng biệt với số lượng nhân viên lên tới 800 người. 

Vậy điều gì đã khiến Apple phải chú trọng vào camera như vậy? Thực tế là, việc chụp ảnh “tự sướng” đã có từ hơn một thế kỷ trước. Cụ thể, vào năm 1839, Robert Cornelius đã tự chụp ảnh cho chính mình. Về mặt kỹ thuật, đây không hẳn là một bức ảnh. Thay vào đó, nó được tạo ra bởi một phương thức tạo ảnh gọi là daguerreotype, một hình thức mô phỏng ảnh đời đầu, cũng chính là nguồn cảm hứng cho phát minh máy ảnh sau này. 

Sau đó, vào năm 1914, một nữ công tước người Nga tên là Anastasia Nikolaevna đã chụp ảnh của mình trong gương và chia sẻ nó với bạn bè của mình. Đó cũng chính là một trong những bức ảnh tự sướng đầu tiên được nhiều người biết đến. 

Tuy nhiên, thuật ngữ “selfie” chỉ trở nên phổ biến sau khi camera selfie được Apple sử dụng vào năm 2010. Nhờ vậy, trào lưu chụp ảnh tự sướng đã được mang trở lại và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Đây cũng là lý do khiến những chiếc camera của iPhone có tầm quan trọng đến vậy.

6

Những phiên bản đầu tiên của trợ lý ảo trong iPhone đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước

Với giới hạn về kiến thức và trí nhớ, chúng ta không thể ghi nhớ chính xác nhiều thông tin trong đầu. Nhưng với trợ lý ảo Siri, một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, thì điều này lại hoàn toàn có thể xảy ra. Năm 2015, Siri đã đưa ra 1 tỷ câu trả lời mỗi tuần. Và con số này tăng gấp đôi vào năm 2016. 

Nhờ những công nghệ phức tạp đằng sau Siri, những người dùng iPhone được hỗ trợ rất nhiều trong đời sống. Nhưng cụ thể, trợ lý ảo này hoạt động như thế nào? 

Trên thực tế, Siri là một phần của trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận dạng giọng nói và giao diện ngôn ngữ-người dùng. Kết hợp chúng lại với nhau, giọng nói của con người sẽ được chuyển đổi sang ngôn ngữ kỹ thuật số trước khi nó được gửi đến máy chủ của Apple. Tại đây, một phần mềm khác sẽ hiểu được bài phát biểu và chuyển nó thành dạng văn bản. Từ đó, giao diện người dùng ngôn ngữ tự nhiên sẽ phân tích nó. 

Khi được hỏi, Siri sẽ tìm kiếm câu trả lời từ dữ liệu nội bộ của điện thoại. Nhưng nếu không có câu trả lời, trợ lý ảo sẽ kết nối với internet. Rất thông minh phải không nào? 

Ban đầu, tiền thân của Siri là Hearsay II, một công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu trẻ người Ấn Độ tại Đại học Stanford có tên là Dabbala Rajagopal Reddy. Cũng tại Stanford vào năm 1956, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” lần đầu tiên được John McCarthy và các đồng nghiệp của ông đặt ra. Reddy đã bị thu hút bởi những nghiên cứu của họ. Vì vậy, ông ấy đã tận dụng nguồn cảm hứng này để thúc đẩy công nghệ nhận dạng giọng nói. 

Tới những năm 1960, Reddy và nhóm của ông đã thiết kế một hệ thống cho phép máy tính hiểu từ ngữ. Đây là loại máy tính lớn nhất thời điểm đó và nó hiểu được khoảng 560 từ với độ chính xác lên đến 92%. 

Sau đó, trong suốt những năm 1970, Reddy tiếp tục cải tiến dựa trên hệ thống này. Cuối cùng, ông đã lần lượt phát triển nó thành những giao diện giọng nói có tên là Hearsay và Hearsay II. Hệ thống này sau đó có thể hiểu được 1.000 từ tiếng Anh trước khi nó được hoàn thiện hơn nữa với phiên bản mà ngày nay chúng ta biết đến với tên gọi trợ lý ảo Siri. 

7

Những nguyên liệu thô tạo thành iPhone đã gây ra đau khổ cho con người

iPhone được cấu thành với một danh sách dài gồm ít nhất 30 nguyên vật liệu. Trong đó, có những vật liệu phổ biến như nhôm, sắt, đồng, thiếc. 

Và mặt trái lớn nhất của chiếc điện thoại thời thượng này đến từ việc khai thác thiếc. Cụ thể, thiếc được Apple lựa chọn đến từ mỏ Cerro Rico, ngay bên ngoài thành phố Potosí của Bolivia. Sau khi khai thác, nó sẽ được gửi đến các lò luyện, thường là EM Vinto hoặc Operaciones Metalúrgicas. Cuối cùng, thành phẩm sẽ được đưa đến những công ty sản xuất linh kiện cho Apple. 

Điều đáng nói là, kể từ khi việc khai thác mỏ diễn ra ở Cerro Rico từ giữa thế kỷ 16, đã có 4 đến 8 triệu người chết vì đói, bị lạc hoặc bị đóng băng. Vì vậy, Cerro Rico còn được biết đến với biệt danh “Ngọn núi ăn thịt người”. 

Cho đến nay, còn khoảng 15.000 người, bao gồm cả trẻ em làm việc ở đó. Gần đây, có một sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Cụ thể, có hai đứa trẻ đã chết khi làm việc trong hầm mỏ. Chúng đã uống rượu để đối phó với những điều kiện khắc nghiệt của công việc. Sau đó, vì say xỉn, hai đứa trẻ đã lạc đường trong hầm và chết cóng. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi những nhà địa chất hiện đang cảnh báo rằng, ngọn núi này có nguy cơ bị đào rỗng và sụp đổ sau hàng thế kỷ khai thác. 

Nhưng nó không phải là vấn nạn duy nhất mà những chiếc iPhone gây ra cho con người. Bên cạnh đó, hơn một nửa số lò luyện thiếc trên hòn đảo Bangka ở Indonesia đang khai thác một cách ngẫu nhiên và bất hợp pháp. Cụ thể, họ đào hố bằng máy kéo, tạo thành những thành địa chất không vững chắc. Nó thường xuyên sụp xuống và vùi lấp thợ mỏ. Kết quả là, vào năm 2014, mỗi tuần đều có một thợ mỏ chết trong đó.

8

Công nhân thường xuyên bị bóc lột trong những nhà máy sản xuất linh kiện cho iPhone

Ngay bên ngoài thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc có một nhà máy Foxconn khổng lồ chuyên sản xuất và lắp ráp iPhone. Foxconn là nơi sử dụng nguồn nhân lực lớn nhất Trung Quốc với khoảng 1.3 triệu người trên toàn cầu, con số này chỉ đứng sau McDonald’s và Walmart. 

Nhà máy Longhua của công ty này ở Thâm Quyến có diện tích khoảng 2.2km2. Từng có thời điểm, nó chứa tới 450.000 công nhân. Ngày nay, mặc dù không còn nhiều công nhân làm việc như trước nhưng nó vẫn là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. 

Dẫu vậy, nhà máy này lại nổi tiếng với điều kiện làm việc tồi tệ. Chỉ trong năm 2010, có 14 công nhân nhảy lầu tự vẫn, 4 người nỗ lực tự tử nhưng không thành công và 20 trường hợp khác được quan chức ngăn chặn kịp thời. 

Nguyên nhân của hành động đó được cho là xuất phát từ áp lực khi làm việc tại nhà máy. Cụ thể, nhân công ở đây phải làm việc liên tục trong thời gian dài, bị quản lý đàn áp, bị phạt tiền vô cớ và bị lăng mạ bởi những sai lầm dù là nhỏ nhất. 

Vậy trước vấn đề trên, giám đốc điều hành Foxconn, Terry Gou đã làm gì? Trên thực tế, thay vì cải thiện điều kiện làm việc, Gou đã dựng lưới xung quanh tòa nhà để ngăn chặn ý định nhảy lầu tự vẫn của công nhân. 

Nói cách khác, cả Apple và những đối tác của họ dường như không quan tâm đến người lao động. Nhưng kỳ lạ là, họ lại đặc biệt chú trọng đến an ninh của những nhà máy. Một lần, khi tác giả đến thăm nhà máy cung ứng linh kiện cho Apple ở Thượng Hải, ông nhận thấy rằng nó được bảo mật rất cao. Ông ấy không được phép vào trong và thậm chí bị cấm chụp ảnh nó từ phía bên ngoài. Bên cạnh đó, nó được bao bọc bởi hàng rào bảo vệ, camera giám sát và hàng rào thép gai. 

Pegatron, một trong những nhà cung cấp linh kiện cho Apple có trụ sở tại Thượng Hải, thậm chí còn yêu cầu công nhân quẹt thẻ và đi qua máy nhận dạng khuôn mặt trước khi vào các toà nhà. Mặc dù công ty tuyên bố hành động là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng nhiều người lại cho rằng, mục đích chính của nó là ngăn chặn nhà báo, phóng viên và bảo vệ danh tiếng của công ty.

Tổng kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này 

iPhone được xem là một trong những sản phẩm thành công và được săn đón nhiều nhất thế kỷ 21. Nhưng nó không thực sự “mới” như chúng ta nghĩ. Bởi trên thực tế, iPhone được tạo ra dựa trên nền tảng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học khác. Và dù không thể phủ nhận những đóng góp mà nó mang lại cho cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng không thể xem nhẹ mặt trái mà nó đã và đang tạo ra suốt hơn một thập kỷ qua. 

Bạn nên đọc thêm cuốn sách: “Steve Jobs” của Walter Isaacson 

Cuốn sách này kể về cuộc đời đầy phiêu lưu của Steve Jobs, doanh nhân sáng tạo và cũng là người sáng lập “lập dị” của Apple. Trong đó, tác giả mô tả những trải nghiệm của Jobs về tâm linh và LSD – thứ đã giúp ông trở thành biểu tượng công nghệ của toàn thế giới. Đồng thời, bạn cũng sẽ được khám phá những dự án thành công, những trận chiến và hành trình vươn đến đỉnh cao của người sáng lập Apple.