Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

“Câu chuyện đời tôi” (1903) là cuốn tự truyện của Helen Keller – người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên đạt được học vị Cử nhân Nghệ thuật, được tạp chí Time xếp vào danh sách “100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20”. Với nhiều người, Keller là biểu tượng của nghị lực phi thường và câu chuyện cuộc đời bà đã trở thành huyền thoại. Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc hoặc mệt mỏi, hãy đọc cuốn sách này. Nó sẽ giúp bạn nhận ra: “Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn nếu chúng ta kiên trì với nó đủ lâu”. 

Quyển sách này dành cho ai? 
  • Những người yêu thích thể loại sách truyền cảm hứng 
  • Những người khuyết tật muốn vươn lên trong cuộc sống 
  • Phụ huynh, giáo viên của những trẻ em khuyết tật 
Về tác giả 

Helen Keller (1880 – 1968) là một tác giả, diễn giả, nhà hoạt động chính trị – xã hội người Mỹ. Dù mang trên mình nhiều khiếm khuyết nhưng Keller luôn lạc quan, tự tin và luôn sống vì người khác. Bà đã đi đến hàng chục quốc gia để truyền cảm hứng cho hàng triệu người kém may mắn thông qua câu chuyện của chính mình. Năm 1954, bộ phim “The Unconquored” (Người không bị khuất phục) nói về cuộc đời Helen Keller đã giành được Giải thưởng Viện hàn lâm hạng mục Phim tài liệu hay nhất.

 

1

Helen Keller - biểu tượng của nghị lực phi thường

“Hướng về phía Mặt trời, bạn sẽ không còn thấy bóng tối. Đó là điều mà hoa hướng dương đang làm”. Đây là một trong những câu nói truyền cảm hứng nổi tiếng của Helen Keller – người phụ nữ được tạp chí Time xếp vào danh sách “100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20”. 

Mới 19 tháng tuổi, Helen Keller đã mất khả năng nghe, nhìn sau khi trải qua một cơn sốt. Nhưng biến cố kinh hoàng này không thể quật ngã bà. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, Keller đã chiến thắng số phận – đầu tiên là tốt nghiệp đại học, sau đó trở thành một tác giả, diễn giả kiêm nhà hoạt động chính trị – xã hội. Quan trọng hơn, bà đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người kém may mắn trên khắp thế giới thông qua câu chuyện của chính mình. 

Trong suốt cuộc đời, Keller đã viết tổng cộng 12 cuốn sách – 12 “bài ca” huy hoàng nhất về sự vươn lên của con người. Và “Câu chuyện đời tôi” chính là “bài ca” đầu tiên – ẩn chứa những thanh âm trong trẻo nhất nhưng cũng ám ảnh nhất. Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua, giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Nếu bạn đang mệt mỏi, chán chường và bế tắc, hãy đọc cuốn tự truyện này, biết đâu bạn sẽ tìm được lối thoát cho tâm hồn mình.

2

Mới 19 tháng tuổi, cuộc đời Helen Keller đã lâm vào bế tắc

Helen Keller là người Mỹ gốc Đức, sinh năm 1880 tại Tuscumbia (thuộc vùng Tây Bắc bang Alabama, Hoa Kỳ). 19 tháng đầu tiên của cuộc đời bà trôi qua một cách êm đềm như bao đứa trẻ khác. Cô bé Keller khi ấy vô cùng bụ bẫm, xinh xắn, thậm chí còn biết đi, biết nói từ khá sớm và có khả năng học hỏi rất nhanh. 

Nhưng sóng gió đã bất ngờ ập đến! 

Tròn 19 tháng tuổi, Keller trải qua một trận sốt kinh hoàng. Nó không lấy đi tính mạng của bà, nhưng di chứng nó để lại thật sự khủng khiếp. Sau khi khỏi bệnh, thị giác và thính giác của Keller đã bị tổn thương nghiêm trọng. Kể từ đó, bà không còn cơ hội nhìn thấy ánh nắng Mặt trời, cũng không thể nghe được tiếng chim hót ngoài vườn như trước nữa. 

Phải rất lâu sau khi Keller bình phục, cha mẹ bà mới nhận thấy những dấu hiệu bất thường của con gái. Họ đã trải qua tất cả các nấc thang tâm lý – từ hoảng sợ, bế tắc đến đau đớn, tuyệt vọng. Khó khăn lắm hai người mới có thể lấy lại bình tĩnh. Họ ý thức được rằng: mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con gái. 

Cha mẹ Keller đã làm mọi cách để bà có thể sống như một đứa trẻ bình thường. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản! Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động, nay đột nhiên phải sống trong cảnh không thể nhìn, không thể nghe, Keller đã bị sốc nặng. Bà giống như một con ngựa bất kham, thường xuyên lồng lên giận dữ vì bất lực. Có lần, Keller ném thẳng tạp dề của mẹ vào bếp lửa đang cháy. Một lần khác, bà nhốt mẹ trong nhà kho suốt 3 giờ đồng hồ và giấu nhẹm chìa khóa, không để ai tìm thấy. 

Chính vào thời điểm này, cha mẹ Keller nhận ra con gái mình cần được đi học. Trong hoàn cảnh y học chưa phát triển, họ chỉ có thể trông đợi vào giáo dục. Họ hi vọng kiến thức sẽ cứu vớt đứa con tội nghiệp của mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một giáo viên có đủ năng lực và sự kiên nhẫn để dạy dỗ Keller không phải là chuyện dễ dàng. 

Thật may mắn, cuối cùng người giáo viên đó đã xuất hiện. Và chính người này đã đưa cuộc đời Helen Keller bước sang một trang mới – tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn.

3

Cô Sullivan - "vị cứu tinh" của Helen Keller

“Vị cứu tinh” đầu tiên của Helen Keller là Alexander Graham Bell. Lúc bấy giờ, Bell đang làm việc tại trường dành cho trẻ em khiếm thính. Chính ông đã gợi ý cha mẹ Keller nên đưa con gái đến gặp Anagnos – Hiệu trưởng Học viện Y khoa Perkins kiêm Giám đốc Bệnh viện tâm thần Massachusetts. Thầy Anagnos là một chiếc cầu nối, giúp Keller gặp được “vị cứu tinh” thứ hai – cô giáo 20 tuổi Anne Sullivan. 

Anne Sullivan là một người có hoàn cảnh đặc biệt chẳng kém Keller – mồ côi cả cha lẫn mẹ, từng sống trong cảnh mù lòa suốt 15 năm. Cô tốt nghiệp Học viện Y khoa Perkins và lấy lại được một phần thị lực sau 2 lần phẫu thuật mắt. Hơn ai hết, Sullivan hiểu rất rõ cảm giác bất lực, đau đớn mà Keller đã và đang chịu. 

Thật khó để kể hết những gian nan, vất vả mà hai cô trò đã phải trải qua trên hành trình tìm lại “ánh sáng cuộc đời”. Thật may mắn, họ đã không bỏ cuộc! 

Ban đầu, Keller học chữ bằng… bàn tay. Cụ thể, bà sẽ chạm vào một thứ bất kỳ, tập hình dung về nó, sau đó cô Sullivan sẽ viết từ diễn tả nó vào lòng bàn tay để bà cảm nhận và ghi nhớ. “Doll” (búp bê) chính là từ đầu tiên Keller học được. Bà nhớ rất rõ hôm đó là ngày 5/4/1887 – ngày kỳ diệu nhất trong số những ngày kỳ diệu! 

Từ thứ hai Keller học được là “water” (nước). Và khi nhận ra mọi thứ trên đời đều có tên, bà vô cùng phấn khích, muốn học tất cả, khám phá tất cả. Đã rất lâu rồi Keller mới có cảm giác háo hức chờ đợi ngày mai đến – vì bà biết rằng mình sẽ được học thêm nhiều từ mới, được dạy thêm nhiều điều mới. 

Sau một thời gian, Keller phát hiện: có những thứ bà không thể chạm vào nhưng chúng vẫn có tên. Lúc này, cô Sullivan bắt đầu hướng dẫn Keller cách xâu chuỗi các dữ kiện để ghi nhớ những khái niệm trừu tượng, chẳng hạn như từ “tình yêu”, “suy nghĩ”. Bằng sự quyết tâm và kiên trì, mỗi ngày trôi qua, khả năng giao tiếp của Keller lại được cải thiện một cách rõ rệt, vượt xa những gì cha mẹ và cô giáo mong đợi. 

Khi nhận thấy học trò đã hoàn toàn chìm đắm trong thế giới của ngôn từ, cô Sullivan bắt đầu dạy Keller chữ nổi Braille, dạy cả cách sử dụng chiếc máy chữ dành cho người khiếm thị. Keller đã chính thức bước ra khỏi vùng tăm tối và tìm được “ánh sáng” thực sự của cuộc đời mình. 

Song song với việc học chữ, Keller còn được khuyến khích giao lưu với thế giới thông qua lời nói. Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi nghe được tin này: sau cơn sốt kinh hoàng lúc 19 tháng tuổi, ngoài việc mất khả năng nghe – nhìn, Keller cũng đã dần đánh mất khả năng nói. Mãi đến năm 10 tuổi, bà mới chính thức học nói với sự hướng dẫn của một cô giáo khác tên là Sarah Fuller. 

Cô Fuller đã cho phép Keller chạm vào mặt mình, yêu cầu học trò hình dung cách cơ mặt và khuôn miệng chuyển động mỗi khi cô thốt ra một từ nào đó. Cuối cùng, sau gần 9 năm im lặng, Keller đã có thể dõng dạc nói một câu hoàn chỉnh trước mặt nhiều người: “Bây giờ tôi không còn câm nữa”. 

Kể từ đây, Keller bắt đầu sống cuộc đời của một đứa trẻ bình thường. Bà có những người bạn thân, có cả những trải nghiệm tuổi thơ quý giá. Bà cũng học được cách mặc kệ những lời đàm tiếu xung quanh. Với bà, việc không thể nhìn thấy hay nghe thấy hoàn toàn không ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận cuộc sống, bởi lẽ mọi cảm xúc trên đời này đều bắt nguồn từ trái tim.

4

Giấc mơ học đại học của Keller đã trở thành hiện thực

Bên cạnh khả năng đọc thành thạo tiếng Anh, Helen Keller còn đọc được tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille. Chưa kể, bà còn tỏ ra vượt trội trong các môn toán, địa lý, sinh học. 

Năm 16 tuổi, Helen Keller thi vào trường nữ sinh Cambridge. Ngôi trường này hoàn toàn không có chế độ hỗ trợ đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật. Nhưng với Keller, việc được hỗ trợ hay không vốn dĩ không còn quan trọng nữa. Bà đã học được cách “tự lực cánh sinh”. 

4 năm sau, Keller trở thành sinh viên khiếm thị – khiếm thính đầu tiên của trường Đại học Radcliffe. Khỏi phải nói cha mẹ và cô giáo Sullivan vui sướng đến mức nào. Tất nhiên, chương trình đại học khó nhằn hơn chương trình phổ thông rất nhiều. Để có thể theo kịp các bạn, Keller phải nỗ lực rất nhiều. Thời gian này, cô Sullivan vẫn đồng hành cùng học trò cưng. 

Song song với việc học kiến thức trên lớp, Keller không quên rèn giũa ngòi bút mỗi ngày. Khi viết, bà cảm thấy bản thân được tự do hơn bao giờ hết. 

Không ai có thể ngờ Keller đã hoàn thành cuốn sách đầu tiên của mình ngay trong thời gian học đại học – chính là cuốn tự truyện “The Story of My Life” (Câu chuyện đời tôi) mà bạn đang đọc. Nó được xuất bản lần đầu vào năm 1903 – một năm trước khi Keller nhận bằng cử nhân. “Câu chuyện đời tôi” gây xôn xao dư luận nước Mỹ, giúp Helen Keller trở thành nhà văn nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Nó đã nhận được giải thưởng Văn học Mỹ, trở thành một trong những cuốn sách kinh điển và sau đó được chuyển thể thành kịch bản “Người sáng tạo kỳ tích”. 

Cuốn tự truyện khép lại ở đây, nhưng cuộc đời của Helen Keller vẫn tiếp diễn theo cách rực rỡ nhất, tử tế nhất có thể. Ngày 28/6/1904, bà trở thành người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên tốt nghiệp đại học. 2 năm sau, bà trở thành chủ tịch Hội người mù tiểu bang Massachusetts. Keller đã đi khắp thế giới để gửi đến những người cùng cảnh ngộ một thông điệp giản dị: “Khuyết tật không phải là bất hạnh tột cùng của con người. Thay vì so sánh mình với những người may mắn hơn, bạn nên so sánh mình với số đông con người. Và rồi bạn sẽ thấy: có vẻ như mình là người may mắn”. 

Tổng kết

Thông điệp chính của cuốn sách: 

Sự tăm tối không thể ngăn cản Helen Keller trở thành một vĩ nhân của thời đại. Không chỉ chiến thắng số phận của chính mình, bà còn tích cực giúp đỡ những người bất hạnh xung quanh, khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục. Câu chuyện về người phụ nữ “thiếu đôi mắt nhưng nhìn đời bằng cả con tim” đã trở thành bài học truyền cảm hứng kinh điển, giúp nhiều người vượt qua nghịch cảnh, tìm được lối thoát cho chính bản thân mình. 

Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Tôi có thể nghe bạn thì thầm” của Lydia Denworth 

“Tôi có thể nghe bạn thì thầm” (2014) nói về văn hoá giao tiếp với người khiếm thính. Khả năng nghe của họ gặp vấn đề, nhưng họ hoàn toàn có khả năng giao tiếp. Với sự phát triển của khoa học – công nghệ, rất nhiều thiết bị hỗ trợ người khiếm thính đã được phát minh, giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, chúng ta nên ghi nhớ một điều: ngoài việc dùng tai để lắng nghe, con người cũng nên học cách lắng nghe bằng trái tim mình.