Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

“Nếu bạn đang quản lí con người hay đang là những bậc cha mẹ, hãy quên mọi thứ đi và đọc Mindset”

Mindset bàn về sự khác biệt giữa những người có cách tư duy cố định (Fixed mindset) và những người với cách tư duy tiến bộ (Growth mindset). Cách tư duy của chúng ta quyết định cách chúng ta đối mặt cũng như ảnh hướng tới sự sẵn lòng để giải quyết những tình huống khó khăn và sự đình trệ để phát triển bản thân. 

Cuốn sách này sẽ thật sự hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu về những cách tư duy khác nhau và cách chúng ảnh hưởng lên hành vi của con người và đặc biệt hữu ích nếu bạn muốn học cách khai phá tiềm năng của bản thân một cách hiệu quả nhất. Cuốn sách đã khiến Scott Forstall, phó chủ tịch tập đoàn Apple, phụ trách mảng phần mềm Iphone liên lạc ngay với tác giả để nói chuyện về trải nghiệm của ông khi điều hành đội ngũ phát triển Iphone. Đây là minh chứng cho thấy tính thực tế cuốn sách mang lại. 

“Một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng nhất về động lực” – Po Bronson, tác giả của NurtureShock

Về tác giả

Carol Dweck là một giáo sư tâm lí học tại trường Đại học Stanford. Đóng góp lớn nhất của bà trong ngành tâm lí học xã hội là lí thuyết ngầm về trí thông minh của loài người. Ngoài Mindset, bà còn xuất bản những cuốn sách khác như: “Their role in motivation”, “Personality and Development” và “Handbook of Competence and Motivation”

 

1

Cách tư duy của chúng ta quyết định niềm tin rằng chúng ta có thể học hỏi, thay đổi và phát triển hay không.

Từ hình dáng của bộ não cho đến kích thước của bàn chân, đặc điểm cơ thể của bạn dường như đã được định sẵn ngay từ ban đầu. Dĩ nhiên là bạn có thể phẫu thuật thẩm mỹ hay làm gãy một đoạn xương, nhưng con người nhìn chung hầu như không thể thay đổi đặc điểm cơ thể của mình.

Nhưng những khả năng trí tuệ và thể chất của chúng ta, như chơi bóng rổ, vẽ hay giải toán thì sao? Ngày nay, hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng, nếu bạn muốn trở thành một nghệ sỹ vi-ô-lông, bạn không chỉ cần khả năng âm nhạc thiên bẩm mà còn phải dành nhiều năm trời luyện tập.

Vẫn có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này nhưng nhiều người tin rằng cách tư duy của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác. Nói một cách đơn giản, cách tư duy của chúng ta hình thành niềm tin khiến chúng ta đạt được mọi thứ.

Hai khái niệm này tạo nên nền tảng cho khái niệm fixed mindset và growth mindset (cách tư duy cố định và tư duy tiến bộ). Những người với tư duy cố định tin rằng họ sinh ra vốn đã giỏi việc này và hoàn toàn không có khả năng làm việc kia, trong khi những người có tư duy tiến bộ cho rằng họ có thể trở thành bậc thầy trong bất cứ lĩnh vực gì nếu họ cố gắng đủ.

Vậy nên những người trong nhóm thứ hai tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời họ, đạt được những kĩ năng mới mà không có sự hạn chế nào và chủ động bắt đầu những mối quan hệ. Với họ, cuộc sống tron mọi khía cạnh chính là sự thay đổi liên tục.

Ngược lại, nhưng người có tư duy cố định thường để lối suy nghĩ đen-và-trắng cản trở sự phát triển của họ. Nếu họ thất bại trong việc gì đó, họ thường trốn tránh hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ thường hy vọng những mối quan hệ lâu dài thay vì thực sự chủ động dành thời gian và công sức cải thiện chúng.

2

Với cách tư duy cố định, khả năng của một người không thể thay đổi.

Những người có cách tư duy cố định thường tin rằng tài năng là vua. Trong quan điểm của họ, khả năng của một người là không đổi; một người có thể sinh ra đã thông minh và tài năng hoặc ngu ngốc và bất tài và sẽ vẫn mãi như thế.

“Chúng ta thường nghĩ về những nhà vô địch và những ngôi sao như những anh hùng vốn sinh ra đã khác biệt với chúng ta. Chúng ta không nghĩ về họ như những người bình thường tự khiến bản thân trở nên xuất chúng.”

Những công ty lớn như Enron và Mckinsey – nơi mà phòng nhân sự đầu tư rất nhiều vào việc tìm kiếm những người có tài năng thiên bẩm ở các trường Đại học – là minh chứng cho cách nghĩ này. Những sinh viên tốt nghiệp mà họ thuê được kì vọng sẽ liên tục tăng hiệu suất của công ty với những khả năng nổi trội của họ. Nhưng bởi vì những sinh viên đó quá tài năng, họ không nhận được nhiều sự đào tạo và không có kì vọng phát triển trong công việc hay thăng tiến lên vị trí mới. 

Kết quả là, cấp trên liên tục đánh giá họ: Liệu những sinh viên này có thực sự thông minh như chúng ta nghĩ hay những lỗi của họ tiết lộ rằng họ thiếu tài năng để hoàn thành công việc?

Những người với tư duy cố định thường nghĩ rằng những nhân viên không hoàn hảo từ ngày đầu tiên sẽ không bao giờ thay đổi được, vậy nên tốt nhất là để họ đi.

Hơn thế nữa, những người với tư duy cố định tin rằng họ chỉ có thể làm những việc họ có năng khiếu – luyện tập chắc chắn không thể khiến bạn trở nên hoàn hảo. Bởi vì họ vội vàng đánh giá người khác giỏi hay tệ ở khoản nào đó, họ nghĩ rằng người khác cũng đang liên tục đánh giá mình. Bởi vậy, họ cảm thấy cần phải thể hiện mình tài năng và thông minh như thế nào bất cứ khi nào có cơ hội.

Họ tin rằng tính cách của họ đang bị đe dọa : Họ tin rằng một sai lầm đã đủ để xếp họ vào loại ngu ngốc, bất tài trong cả cuộc đời. Họ liên tục tìm kiếm sự đồng tình từ người khác để bảo vệ cái tôi của họ và xác nhận rằng họ thực sự tuyệt vời như họ nghĩ.

3

Sự phát triển là có thể với người có tư duy tiến bộ

“Tôi không màng đến thất bại miễn là tôi nhìn thấy sự tiến bộ hoặc tôi cảm thấy tôi đã làm tốt nhất có thể rồi” 

Khi những đứa trẻ với tư duy tiến bộ được đưa cho một đề toán khó để giải ở trường, chúng sẽ hào hứng nhảy vào thử thách và muốn làm nhiều bài tương tự ở nhà. Chúng nhận ra càng giải nhiều bài thì chúng càng học hỏi được nhiều hơn.

Bầu trời chính là giới hạn khi nói về những khả năng trong cuộc đời những đứa trẻ có tư duy tiến bộ. Rất khó để định nghĩa được chính xác mức độ thông minh của chúng ngày nay. Dù là âm nhạc hay thể thao, viết hay vẽ, chúng luyện tập không ngừng nghỉ và nhận thức được rằng chỉ có qua luyện tập và một vài lần thất bại chúng mới có thể cải thiện những kĩ năng của mình.

Những người với tư duy tiến bộ thích thú với mọi cơ hội để học hỏi những điều tốt nhất (crème de la crème) trong một lĩnh vực. Họ xem xét lại và loại bỏ những chiến lược đã sử dụng trong quá khứ, và luôn luôn nghĩ về việc làm thế nào để trừ tận gốc những sai sót và điểm yếu của mình. 

Trong các mối quan hệ, họ khuyến khích nửa kia tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân. Khi họ chơi thể thao, họ nhận thức được rằng họ đang phục vụ đội của mình. Khi họ tự kinh doanh, họ thể hiện sự tôn trọng đối với nhân viên, biết ơn đối với việc họ làm, và hỏi ý kiến của nhân viên một cách trung thực dù nó có khó chịu đến mức nào. Những người với tư duy tiến bộ chào đón các vấn đề và xem chúng như thử thách, không phải là những chướng ngại không thể giải quyết được. Họ sẵn sàng dồn hết năng lượng vào việc phát triển bản thân và thế giới xung quanh theo hướng tốt đẹp hơn. 

4

Những người có tư duy cố định tìm kiếm sự chấp thuận, những người có tư duy tiến bộ tìm kiếm sự phát triển.

Lee Iacocca trở thành CEO của Chrysler Motors khi thương hiệu này đang trên đà sụp đổ. Nhờ vào những quyết định nhanh chóng và cảm nhận tốt của ông đối với nhân viên giỏi, ông đã cứu sống công ty của mình. 

Nhưng ngay sau đó, hành động của ông đột ngột thay đổi. Ông bắt đầu ngủ quên trên chiếc vòng nguyệt quế, phô trương thế mạnh của mình và dồn năng lượng vào hình ảnh của bản thân hơn là sự lớn mạnh của công ty. Mục tiêu duy nhất của ông là đạt được sự đồng thuận từ người khác.

Lacocca rõ ràng đã bộc lộ cách tư duy cố định. Ông phân loại mọi thứ thành tốt hoặc xấu và cảm thấy người khác đang suy xét mình cũng theo cách đó, gán cho ông cái mác người chiến thắng hoặc kẻ thua cuộc. Và bởi vì ông muốn trở thành người thắng cuộc, ông cố gắng tỏ ra thông minh và tài năng nhất có thể thay vì tìm cách phát triển công ty.

Tình huống này trái ngược với Lou Gerstner, người tiếp quản IBM (viết tắt của International Business Machines, một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ) ngay thời điểm nó đang thất bại. Bị ảnh hưởng xấu bởi môi trường làm việc với cách tư duy cứng nhắc, công ty đó đã lãng phí năng lượng vào những cuộc tranh cãi nội bộ thay vì tập trung vào dịch vụ và làm việc theo nhóm. Tất cả mọi người đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho bản thân họ; kết quả là, công ty không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Để thay đổi điều này, Gerstner đã chia nhỏ hệ thống cấp bậc của công ty và nhấn mạnh việc làm việc nhóm, khen thưởng cho những nhân viên giúp đỡ đồng nghiệp của họ. Ông cũng thành lập cách thức liên lạc chung cho cả công ty, tự đặt mình vào vị thế ngang hàng với nhân viên của mình. Điều này cho phép ông thiết lập được mối liên hệ cá nhân với nhiều nhân viên nhất có thể chỉ trong một thời gian ngắn. 

Cách tư duy của Gerstner cho phép ông tạo ra một môi trường làm việc mới dựa trên tinh thần đồng đội và sự phát triển, tập trung dịch chuyển từ thành công của cá nhân đến sự phát triển chung của tập thể. Dựa trên mô hình này, ông đã mang đến sự thành công dài hạn cho IBM.

5

Người có tư duy cố định nhìn thất bại như thảm họa, người có tư duy tiến bộ thì nhìn chúng như những cơ hội

Thất bại gây ảnh hưởng tồi tệ đến những người có tư duy cố định. Hãy xem xét trường hợp của tay golf Sergio Garcia. Khi đang trong thời kì đen đủi, anh ta đã sa thải lần lượt những người phục vụ ở sân golf trong cơn tức giận. Có lúc, anh ta còn đổ lỗi cho đôi giày của mình, tháo chúng ra và ném vào một người vô tội cạnh đó với đầy phẫn nộ. 

Những người với tư duy cố định không tin rằng họ có thể học hỏi từ những lỗi lầm. Họ nhìn từng thất bại như thể minh chứng rằng họ có thể mãi mãi là kẻ thua cuộc: một lần thất bại thôi cũng đã phủ nhận và làm mất giá trị của tất cả những thành công trước đó. 

Để bảo vệ chút ít tự tôn còn lại của họ, những người có tư duy cố định đưa ra những lí do biện hộ, gian lận hoặc mất hứng thú và lảng sang hướng khác. Họ không tìm kiếm sự giúp đỡ hay phân tích điểm yếu của mình, và chắc chắn còn không cố gắng để cải thiện bằng việc luyện tập. Họ xem bản thân như một sản phẩm đã hoàn thiện, không phải là một quá trình liên tục.

Ngay cả cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan đã có những thời kì trong sự nghiệp khi anh không thể đưa bóng vào rổ với mỗi quả bóng anh chạm vào. Anh đã để trượt mất cơ hội thắng đến 26 bàn. Tuy nhiên, thay vì lờ đi tình huống xấu đó, anh đã tập đi tập lại những lần ném trượt. Khi kết thúc sự nghiệp của mình, anh đã có được kĩ thuật ném bóng tốt hơn bất kì ai trên sân. 

Michael Jordan rõ ràng là đã có một cách tư duy tiến bộ. Thay vì tìm lỗi ở đồng đội hay nền sân bóng, anh tìm cách để cải thiện kĩ năng của mình và cuộc chơi.

Anh phân tích những lỗi mình mắc, luyện tập chăm chỉ hơn và nhận lời khuyên từ những người khác. Anh tin tưởng chắc chắn rằng mình có thể biến những thất bại của mình thành thắng lợi – miễn là anh đủ cố gắng.

6

Những người có cách tư duy cố định né tránh khó khăn, những người với tư duy tiến bộ lại thích chúng.

Có rất nhiều thứ trong cuộc sống chúng ta chỉ có thể đạt được nhờ nỗ lực. Tuy nhiên khi những người có tư duy cố định đối mặt với những tình huống khó khăn, tất cả những gì họ nhìn thấy là sự mạo hiểm, bởi vì họ càng dành nhiều thời gian và công sức vào thứ gì, họ càng có ít lí do để biện hộ nếu họ thất bại. Hơn thế nữa, họ tin vào sức mạnh lớn lao của tài năng thiên bẩm: Những người tài giỏi thì không cần cố gắng quá nhiều.

Cách nghĩ này khiến người có tư duy cố định không thể tiến bộ mà không tự vấn về tài năng của bản thân – và thế là họ trốn tránh những tình huống khó khăn. Họ không muốn tự biến mình thành kẻ ngốc dù đó là tình huống tiềm tàng. 

Nhạc sĩ Vi-ô-lông Nadja Salerno đã thể hiện hành vi kiểu này. Lúc lên 10 tuổi, cô đã được tung hô; năm 18 tuổi, cô cầm vi-ô-lông sai cách và các ngón tay cô bị cứng đơ. Mỗi lần cô cố gắng học cái gì mới, cô trở nên quá sợ hãi thất bại đến nỗi cô dừng việc mang đàn đến lớp học và tránh cả việc chơi đàn.

Nếu như diễn viên Christopher Reeve cũng cùng tư duy như vậy, anh đã bị tê liệt toàn thân trong suốt phần đời còn lại, như bác sĩ đã chẩn đoán sau vụ tai nạn của anh. Tuy nhiên, với tư duy tiến bộ, thay vì chấp nhận số phận một cách thụ động, anh làm chủ tình huống của mình.

Thế là anh đã trải qua một chương trình luyện tập với cường độ cao – và điều dường như không thể đã xảy ra: Trái ngược với những chẩn đoán, anh đã có thể di chuyển bàn tay, sau đó là đôi chân và cuối cùng là toàn bộ cơ thể.

Những thử thách mang lại cho những người với tư duy tiến bộ cơ hội để theo đuổi những hành động có mục đích. Họ càng bị làm nản chí thì họ càng dồn nhiều năng lượng vào việc chiến đấu – và viết lại – số phận của họ. Giống như Reeve, anh đã biến điều không thể thành có thể. 

7

Cách tư duy của chúng ta thường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những hình mẫu chúng ta có thời thơ ấu

Những nhân tố nào quyết định việc một người có một lối tư duy tiến bộ hay cố định? Những nhân tố nào quyết định liệu một người nhận thức được tiềm năng của mình hay chỉ đang dành cả cuộc đời lạc trôi vô định?

Sự phát triển tư duy bắt đầu từ khi người ta sinh ra. Những đứa bé chào đời với cách tư duy tiến bộ: Chúng muốn học và phát triển nhiều nhất có thể mỗi ngày.

Những người lớn trong môi trường của đứa trẻ – thường là bố mẹ nó – có một vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu đứa trẻ có thể duy trì khao khát được phát triển  hay cuối cùng đi theo lối tư duy cố định. Nói một cách đơn giản, bố mẹ là người tạo ra cách tư duy mẫu cho con cái. Những bố mẹ có tư duy tiến bộ thường khuyến khích và thúc giục con cái tiếp tục học hỏi, trong khi những ông bố bà mẹ với lối tư duy cố định thường phán xét con cái, nói với chúng điều gì là sai hay đúng, tốt hay xấu.

Những đứa trẻ trong độ tuổi từ một đến ba đã cư xử theo cách khác nhau: Những đứa trẻ có tư duy tiến bộ sẽ giúp đỡ một đứa bé đang khóc; ngược lại đứa trẻ với tư duy cố định sẽ cảm thấy khó chịu vì điều đó.

Giáo viên cũng là những hình mẫu rất quan trọng và ảnh hưởng cách tư duy của những đứa trẻ. Có rất nhiều giáo viên tin tưởng rằng khả năng của một học sinh là không thể thay đổi – những học sinh giỏi sẽ tiếp tục giỏi và những học sinh yếu hơn thì sẽ luôn luôn đạt điểm C, D. Kết quả là những học sinh yếu sẽ phát triển một lối tư duy cố định. 

Nhưng những giáo viên tốt – người luôn tin tưởng rằng học sinh của mình có thể học được bất cứ thứ gì – xử lí tình huống rất khác. Họ chỉ cho học sinh những cách khác nhau để giải quyết những bài toán hay hiểu về Shakespeare. Những học sinh yếu hơn đi theo lối tư duy tiến bộ và bắt đầu đạt được điểm số tốt hơn. Chúng sẽ không còn bị buộc phải nghĩ về bản thân như những kẻ ngốc bẩm sinh.

8

Bất kì ai cũng có thể theo lối tư duy tiến bộ và biến điều không thể thành có thể

Không ai bị buộc phải trở thành nạn nhân của môi trường xung quanh khi phát triển cách tư duy của bản thân. Bộ não có thể được luyện tập như bất kì cơ bắp nào: nếu chúng ta muốn cách tư duy tiến bộ, chúng ta có thể dạy bản thân nghĩ theo cách đó theo từng bước một.

Đây là một ví dụ: bạn vô tình làm rơi chiếc đĩa lên sàn nhà. Ý nghĩ đầu tiên theo lối tư duy cố định sẽ là “tôi thật là vụng về!”. Nhưng những người ý thức được cách phản ứng này và muốn thay đổi nó có thể buộc bản thân đi theo lối tư duy tiến bộ bằng cách nghĩ rằng: “Ồ, mấy việc này cứ luôn xảy ra. Mình sẽ dọn dẹp nó và cẩn thận hơn lần tới.”

Cố gắng để vươn tới lối tư duy tiến bộ, mang đến một cơ hội tuyệt vời để có được sự hỗ trợ từ người khác, để nói về những sai sót và lỗi lầm của chúng ta và để tạo ra những kế hoạch khả thi, cụ thể để đạt được những mục tiêu của chúng ta. 

Có một điều rất quan trọng phải hiểu là không dễ dàng để loại bỏ cách tư duy cố định. Nó dường như đã trở thành một vật chống đỡ cảm xúc trong nhiều năm: nó bảo vệ ta khỏi thất bại, tạo ra sự công nhận trong con mắt của bố mẹ và bạn đời của ta, tăng sự tự tin của chúng ta. Nó làm ta thoải mái hết lần này qua lần khác, vậy nên loại bỏ nó có thể khá khó chịu.

Thực sự thì không cần thiết phải từ bỏ hoàn toàn cách tư duy cố định. Miễn là chúng ta đi theo hướng phát triển trong một vài tình huống cụ thể, thế đã là đủ rồi. Ngay cả khi một người tin rằng anh ta là kẻ thất bại trong thể thao, anh ta vẫn có thể nhanh chóng tiến bộ trong công việc mỗi ngày. 

Theo đuổi lối tư duy tiến bộ trong bất kì lĩnh vực nào cho phép ta biến điều không thể thành có thể (Christopher Reeve) và tiếp tục phát triển tài năng và khả năng của chúng ta (Michael Jordan). Nói như vậy, tư duy tiến bộ chính là chìa khóa dẫn đến cảm giác tự thỏa mãn.

“Không cần biết khả năng của bạn là gì, nỗ lực là thứ sẽ kích thích khả năng đó và biến nó thành kì tích”

Tổng kết

Những người với tư duy cố định cản trở sự phát triển của bản thân họ bằng niềm tin vào tài năng thiên bẩm và nỗi sợ hãi thất bại. Ngược lại, những người với tư duy tiến bộ làm việc và luyện tập chăm chỉ để khai phá được tiềm năng của mình nhiều nhất có thể. Bằng việc đối mặt với những thái độ và ý tưởng của chính mình, chúng ta có thể phát triển được lối tư duy tiến bộ. 

Tóm tắt sách Tâm Lí Học Thành Công