Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

Nếu muốn sống một cuộc đời viên mãn, trước hết bạn phải được tự do. Tự do không chỉ dừng lại ở giới hạn không gian, tự do là được sống thanh thản, tự chủ, giải thoát bản thân khỏi những niềm tin hữu hạn và âu lo vô ích. 

Nhưng làm thế nào để được tự do? Cuốn sách “Bốn thỏa ước” của tác giả Don Miguel Ruiz sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này. Đọc tác phẩm, bạn sẽ có cảm giác mình đang “lắng nghe những tiếng vọng từ ngàn xưa”, sẽ học được cách ứng dụng những trí tuệ đơn giản mà vĩ đại” để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của mình. 

Quyển sách này dành cho ai? 

  • Những người có cảm giác mình đang bị “mắc kẹt” trong cuộc sống của chính mình 
  • Những bậc cha mẹ muốn tìm hiểu phương pháp giáo dục con cái 
  • Bất kỳ ai cảm thấy bản thân đang sống trong sự giả tạo, dối trá 

Về tác giả 

Nhà văn Mexico Don Miguel Ruiz được mệnh danh là “người đứng giữa những vẻ đẹp của nhiều nền văn minh tinh thần khác nhau”. Lúc nhỏ, ông được kỳ vọng sẽ tiếp bước gia đình, trở thành một bậc thầy tâm linh (nagual) chuyên truyền bá trí tuệ Toltec cổ đại. Tuy nhiên khi lớn lên, Ruiz lại theo học ngành Y. Chỉ khi trải qua thời khắc cận kề cái chết, ông mới tìm về với cội nguồn dân tộc, hiểu được giá trị của sức mạnh tinh thần và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp tâm linh. 

Janet Mills là người sáng lập kiêm chủ tịch của Nhà xuất bản Amber-Allen. Bà là đồng tác giả của bộ sách “Toltec Wisdom” (Trí tuệ Toltec). 

 

1

Cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn cách ứng dụng những trí tuệ "đơn giản mà vĩ đại" để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của mình

Toltec là một đế chế tồn tại trong khu vực Mesoamerica (Trung Bộ châu Mỹ cổ đại) thời kỳ cổ điển và hậu cổ điển. Sau khi nền văn minh Teotihuacan sụp đổ và lụi tàn, nền văn minh Toltec với thủ phủ là thành Tula đã nổi lên, ảnh hưởng tới gần như toàn bộ vùng Trung Mỹ, từ cao nguyên Mexico đến tận bán đảo Yucatan. 

Đế chế Toltec phát triển đến đỉnh cao vào những năm 900 – 1150. Cư dân Toltec là những nhà điêu khắc và nghệ sĩ vĩ đại, cũng là những nhà khoa học đích thực. Họ đạt được nhiều thành tựu đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật và giáo dục. Đặc biệt, họ đã khám phá, lưu giữ những kiến thức tâm linh quý báu từ đời tổ tiên và truyền lại cho thế hệ hậu bối. 

Những kiến thức từ thời xa xưa đó có thể giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta? Cuốn sách “Bốn thoả ước” sẽ cho bạn câu trả lời. Bốn thỏa ước mà tác giả Don Miguel Ruiz đề cập là những chân lý rất đơn giản của cuộc đời nhưng không phải ai cũng thực hiện được ở thời điểm hiện tại. Hãy luyện tập những nguyên tắc sống này để tiến gần hơn tới sự tự do trong tâm hồn, bạn nhé! 

2

Chúng ta bị áp đặt từ khi mới được sinh ra cho đến lúc trưởng thành

Không ai có quyền lựa chọn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nếu cha mẹ bạn là người Pháp, bạn sẽ được dạy nói tiếng Pháp từ bé. Tương tự, những đứa bé có cha mẹ là người Việt Nam sẽ được dạy tiếng Việt. Nghe có vẻ bình thường, nhưng có khi nào bạn cảm thấy mình đang bị áp đặt không? 

Ngoài ngôn ngữ, chúng ta còn bị áp đặt rất nhiều thứ khác. Có lẽ bạn không còn xa lạ gì với những cụm từ “chuẩn mực đạo đức” hay “chuẩn mực cái đẹp” đúng không? Bạn là một cô gái Á đông và nếu muốn được người khác công nhận mình đẹp, bạn phải có một mái tóc đen dài, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, phải có dáng người “thắt đáy lưng ong”. 

Đáng sợ hơn, cả ước mơ của chúng ta cũng bị áp đặt. Một đứa trẻ khao khát trở thành hoạ sĩ vì thấy mình có năng khiếu hội hoạ, nhưng gia đình kiên quyết ép nó trở thành bác sĩ vì nghề này kiếm được nhiều tiền hơn. 

Suy cho cùng, mỗi chúng ta đều bị áp đặt ngay từ khi được sinh ra. Gia đình, trường học, tôn giáo là những “thế lực” sở hữu sức mạnh vô cùng đáng sợ. Những “thế lực” này đặt ra các chuẩn mực, phân định tốt – xấu, đúng – sai rất rõ ràng. Nhiệm vụ chính của bạn là tuân theo những chuẩn mực đó. Nếu làm tốt, bạn sẽ được khen thưởng, còn nếu làm không tốt, bạn sẽ bị trách phạt, thậm chí bị lên án. 

Tất nhiên, vẫn có những đứa trẻ nổi loạn. Chúng thích phá vỡ nguyên tắc, chuẩn mực và làm theo ý mình. Nhưng đáng tiếc, đa phần chúng không đủ sức chống lại cha mẹ, thầy cô và cả tín ngưỡng của mình. Hãy thử tưởng tượng tình huống: một gia đình có 2 đứa con, một đứa “ngoan” và một đứa “không ngoan”. Như một lẽ tự nhiên, cha mẹ sẽ tỏ ra quan tâm, chiều chuộng đứa trẻ ngoan hơn. Và sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ chính là “phần thưởng”, vừa kích thích, vừa áp đặt đứa trẻ còn lại phải biết nghe lời. Nó sẽ tự nhủ: “Nếu mình ngoan, mình cũng sẽ được thương như vậy!”. 

Cứ thế, từ ngày này qua ngày khác, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi đứa trẻ. Đến khi lớn lên, chúng vẫn tự nhủ: “Nếu muốn thành công, nếu muốn được yêu thương, mình phải tuân theo những quy tắc, chuẩn mực nhất định”. 

Rõ ràng, con người đã tự “thuần hóa” mình. Chúng ta cố tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo – ngoan hiền, lễ phép, chăm chỉ, tốt bụng. Chúng ta nhất nhất tuân theo những quy tắc, chuẩn mực do gia đình, xã hội hay tôn giáo đặt ra. Và mỗi khi phạm phải sai lầm, chúng ta sẽ tự trách móc, dằn vặt bản thân. 

Nghe có vẻ bế tắc quá, phải không!? Thật ra, bạn có thể thoát khỏi sự áp đặt của các “thế lực” đáng sợ bằng cách “tự thiết lập các thỏa ước với chính bản thân mình”, từ đó hướng đến sự tự do cá nhân. Và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu điều này trong những chương tiếp theo. 

3

Thoả ước thứ nhất: Không phạm tội với lời nói của mình

Bạn có biết từ “hoàn hảo” (impeccable) bắt nguồn từ tiếng Latinh, có nghĩa là “không phạm tội” (without sin) không? Theo nghĩa đó, “không phạm tội với lời nói” chính là luôn “giữ cho lời nói ở trạng thái hoàn hảo nhất có thể”. Dễ hiểu hơn, bạn đừng dùng lời nói để chống lại chính mình hay gây tổn thương cho bất cứ ai. 

Thế nào là dùng lời nói để chống lại chính mình? Đó là khi bạn tự phán xét hoặc đổ lỗi cho bản thân, chẳng hạn như: “Tôi quá béo”, “Tôi quá ngu ngốc”, “Mọi chuyện xảy ra là lỗi của tôi”… Còn nếu bạn thường xuyên nói những câu: “Cô ấy thật xấu xí”, “Anh ấy quá tệ hại”… thì bạn đang dùng lời nói để làm tổn thương người khác đấy! 

Lời nói không phải là chuỗi âm thanh phát ra một cách vô nghĩa. Nó có sức mạnh vô cùng đáng sợ. Nó cho phép bạn giao tiếp, thể hiện thái độ, quan điểm của bản thân, đồng thời có khả năng định hình cách người khác nghĩ về bạn. Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc thi liên quan đến hùng biện hay dẫn chương trình đều có phần thi “60 giây giới thiệu bản thân”. Đó không phải là 60 giây bình thường, đó là 60 giây “xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua lời nói”. 

Quan trọng hơn, lời nói có khả năng cứu sống hoặc giết chết một con người. Những người đang ở hố sâu tuyệt vọng vẫn có khả năng vực dậy chỉ vì một câu nói. Những người đang sống bình thường, vui vẻ vẫn có khả năng gục ngã, suy sụp cũng chỉ vì một câu nói. Vì vậy, mỗi khi có ý định nặng lời với người nào đó, bạn nên tự nhủ: “Không phải súng đạn hay đao gươm, lời nói chính là thứ vũ khí có khả năng gây sát thương cao nhất”. Bạn cũng nên hạn chế nặng lời với chính bản thân mình. Mỗi khi thốt ra những điều tiêu cực, bạn đang tự ám thị bản thân, dần dần bạn sẽ “trở thành con người tiêu cực giống như những gì mình nói”. 

Hãy cùng nghe qua câu chuyện dưới đây. 

Có một bà mẹ đơn thân sống cùng cô con gái. Bà ấy thông minh, nhân hậu và rất yêu thương con của mình. Một ngày nọ, bà trở về nhà với tâm trạng không vui và chỉ muốn được nghỉ ngơi trong yên tĩnh. Nhưng vấn đề là con gái bà không ý thức được điều này. Cô ấy vẫn luyên thuyên cười nói và hát hò ầm ĩ như mọi khi. Trong một phút giây mất kiểm soát, người phụ nữ đã hét vào mặt con: “Giọng hát con nghe tệ lắm! Im lặng đi!”. Cô con gái lặng thinh, không nói gì. Cô không giận mẹ, nhưng cô tin những gì mẹ nói. Suốt một thời gian dài sau đó, cô không hát, thậm chí còn gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người. 

Bạn thấy đấy, lời nói có sức mạnh đáng sợ hơn chúng ta nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ liên quan đến vấn đề ăn nói, chẳng hạn như: “Lời nói, đọi thóc”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Đất xấu trồng cây khẳng khiu/ Những người thô tục nói điều phàm phu”… 

Lần tới, mỗi khi muốn nói gì đó với bản thân hay với người khác, bạn hãy nghĩ mình đang đưa ra một thoả ước và mình bắt buộc phải tuân theo thoả ước đó. Để không hối hận về sau, bạn nên cân nhắc kỹ càng, đánh giá thiệt hơn trước khi quyết định hành ngôn nhé! 

4

Thoả ước thứ hai: Không quy mọi chuyện về mình

Bạn có nhớ lần cuối cùng mình bị ai đó cư xử thô lỗ đã diễn ra cách đây bao lâu không? Và khi bị ai đó cư xử thô lỗ (chẳng hạn như nói nặng lời, thậm chí động tay động chân), bạn sẽ xử sự như thế nào? 

Nhiều người, nhất là những người “thấp cổ bé họng”, coi việc mình bị đối xử thô lỗ là chuyện bình thường. Một nhân viên chấp nhận để sếp mắng nhiếc, xúc phạm dù anh ấy không làm gì có lỗi. Một người vợ mặc định mình sẽ bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi anh ấy uống say. 

Tại sao lại như vậy? Đây là kết quả của quá trình tự thuần hóa. Con người có thói quen “quy mọi chuyện về mình”, kể cả những chuyện không liên quan. Người nhân viên tự nhủ sếp nổi giận vì mình đã làm sai (chỉ là anh ấy chưa kịp nhận ra cái sai đó nằm ở đâu mà thôi!). Người vợ luôn nhắc nhở bản thân “xuất giá tòng phu”, mình bị chồng hành hạ có thể là do mình chưa làm tròn phận vợ! 

Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt kiểu suy nghĩ này! Những gì người khác nói hay làm với bạn không hề xuất phát từ bản thân bạn. Một người nào đó chê bạn béo không đồng nghĩa với việc cơ thể bạn đang có vấn đề. Họ chê bạn vì quan điểm và niềm tin cá nhân của họ mà thôi. Hãy thử nghĩ đến trường hợp: Bạn nặng 60kg. Trong mắt những người nặng 45kg, bạn khá béo. Nhưng trong mắt những người nặng 80kg, bạn vẫn còn gầy chán! Tóm lại, khi một người nào đó đang vui vẻ, hạnh phúc, anh ta sẵn lòng khen bạn là thiên thần. Nhưng nếu anh ta đang bực mình hay bất hạnh, bạn sẽ tự động biến thành ác quỷ! 

Để thoát khỏi trình trạng “quy mọi chuyện về mình”, bạn phải tự trả lời 2 câu hỏi: “Mình là ai?”, “Mình có giá trị gì?”. Nếu trả lời được, bạn không cần đi tìm “đáp án” từ người khác, cũng không cần chấp nhận đáp án mà người khác mặc định cho mình. Hãy nhớ rằng: tất cả mọi người đều nhìn thế giới bằng con mắt cá nhân và bạn cũng có quan điểm của riêng mình. Không ai có quyền phán xét cuộc đời người khác hay sống thay người khác cả! 

Còn một trường hợp nữa bạn nên lưu ý. Nếu có ai đó nói rằng “lời nói của bạn khiến họ tổn thương”, bạn phải hành động theo hai bước. Trước tiên, hãy xem xét lại cách hành ngôn của bản thân (tức là thực hiện thoả ước đầu tiên). Sau đó, hãy xem xét cả đối tượng vừa phàn nàn với mình. Họ có thật sự bị tổn thương do lời nói của bạn không? Hay họ đang đau đớn do những vết thương mà họ tự tạo ra (tức là người đó chưa học được cách thiết lập thoả ước đầu tiên)? Ai cũng cần phải đối mặt với cảm xúc của chính mình. 

5

Thoả ước thứ ba: Không suy diễn, phỏng đoán

Bạn là một cô gái, phải lòng một chàng trai, nhưng bạn lại ngại nhắn tin trước. Từ sáng đến tối, bạn chỉ âm thầm vào trang cá nhân của anh ấy, xem kỹ từng bài đăng, từng bình luận. Sau khi trổ tài phân tích, bạn đưa ra kết quả: anh ấy độc thân, yêu thiên nhiên và đam mê công nghệ. 

Một ngày nọ, theo thói quen, bạn vào Facebook của anh ấy để “kiểm tra”. Nhưng thật bất ngờ, ập vào mắt bạn là ảnh của một cô gái xinh đẹp. Anh ấy đã có bạn gái rồi sao? Ngay lập tức, bạn có cảm giác mình “bị phản bội” và… bạn phát điên. 

Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy: con người rất thích suy diễn, phỏng đoán. Chúng ta tự lừa dối bản thân rằng những giả định mình đưa ra là sự thật và khi mọi thứ diễn ra chệch hướng, chúng ta sẽ có cảm giác… mình bị lừa. Thực tế, bạn đang tự huyễn hoặc mình, không ai lừa bạn cả! 

Hãy tưởng tượng bạn đang đi bộ trên đường và vô tình chạm mặt một anh chàng. Anh ấy nhìn bạn rồi nở một nụ cười thật tươi. Bạn có thể ngay lập tức cho rằng chàng trai này thích mình, thậm chí tối đến, bạn còn mơ thấy mình và anh ấy kết hôn. Nhưng thật trớ trêu, đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng hai người chạm mặt nhau. Rốt cuộc, anh ấy chỉ vô tình lướt qua đời bạn mà thôi. 

Giả định có thể đẩy bạn rơi vào ngõ cụt. Bạn cho rằng mình hiểu đối phương và đối phương cũng biết bạn đang nghĩ gì. Đến khi mọi chuyện diễn ra không như giả định, bạn sẽ thất vọng, suy sụp hoàn toàn. Có những người thậm chí còn tự giả định về bản thân. Họ nghĩ rằng mình giỏi, mình có tài, mình sẽ khởi nghiệp thành công. Đến khi thất bại, họ lại cảm thấy bản thân thật tồi tệ. 

Nếu muốn thành công trong cả công việc và cuộc sống, bạn hãy ngừng suy diễn, phỏng đoán. Thay vào đó, hãy học cách đặt câu hỏi. 

Một người bạn thân bỗng nhiên không nhắn tin cho bạn nữa. Thay vì tự cho rằng có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ này, bạn hãy nhắn tin cho họ và hỏi thẳng: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ ở đây là “giao tiếp rõ ràng”, nghĩa là hãy hỏi những câu thật sự cần thiết để giải quyết vấn đề, đừng vòng vo, lan 

man. 

Tương tự, thay vì nghĩ rằng mình giỏi, mình tài năng và mình sẽ khởi nghiệp thành công, bạn hãy thẳng thắn tự vấn bản thân: Điểm mạnh, điểm yếu của mình nằm ở đâu? Mình nên hợp tác với ai? Mình có cần đợi thêm một thời gian nữa không? 

Nói chung, việc chủ động hỏi người khác hay tự hỏi bản thân mình khó khăn hơn việc suy diễn, phỏng đoán rất nhiều. Nhưng đó là cách duy nhất giúp bạn đến gần sự thật, cũng là cách giúp bạn đi đến thành công. 

 

6

Thoả ước thứ tư: Luôn làm hết khả năng của mình

Ngày bé, khi bạn chuẩn bị làm điều gì đó, cha mẹ và thầy cô thường bảo: “Hãy cố gắng hết sức nhé!”. Đó là một lời khuyên đúng đắn – đúng trong mọi hoàn cảnh và tình huống. 

Làm hết khả năng không có nghĩa là hướng tới sự hoàn hảo tột cùng. Nó chỉ đơn giản là làm hết sức mình, không hơn không kém. Nếu đặt ra kỳ vọng quá cao, chúng ta dễ bị quá sức và mệt mỏi. Còn nếu làm dưới khả năng, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng với chính bản thân mình. 

Cụ thể, khi dồn toàn bộ tâm huyết để làm một điều gì đó, bạn sẽ không bao giờ rơi vào tình huống tự đổ lỗi, tự “lên án” bản thân, cũng sẽ không phải tiếc nuối thốt lên hai chữ “giá như…”. Có thể bạn sẽ thất bại, sẽ vấp ngã (dù đã làm hết sức), nhưng chắc chắn bạn sẽ trưởng thành hơn qua từng ngày, sẽ gom góp được nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu. Đến một ngày nào đó, thành công sẽ tìm đến bạn theo cách không thể tuyệt vời hơn. Nhưng có một điều bạn nên lưu ý: đừng ép bản thân cố gắng đến mức kiệt sức. Chúng ta cố gắng hết sức vì hạnh phúc và thành công của chính mình chứ không phải vì bất cứ ai khác. 

Chưa hết, nếu muốn cố gắng hết sức, bạn phải làm mọi việc bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết, chứ không phải sự đối phó. Đó chính là động lực giúp bạn tiến xa hơn trong công việc và mọi mối quan hệ. Nhân viên không thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho công ty nếu động lực duy nhất của họ là tiền. Họ sẽ cảm thấy sợ hãi khi phải rời khỏi giường vào buổi sáng, họ cạn kiệt năng lượng vào buổi trưa và gần như gục ngã khi chiều đến. Nói tóm lại, họ tồn tại trong công ty như thực thể vô hồn, chỉ chờ đến cuối tháng để… nhận lương. 

Có những người chuyên làm những công việc lặt vặt, chuyên phụ trách những vị trí “đằng sau cánh gà”, thế nhưng họ vẫn luôn cố gắng hết sức, đơn giản vì họ yêu những gì mình đang làm. Với những người này, công việc không phải là gánh nặng – công việc là thứ mang lại cho họ niềm vui, sự trải nghiệm, thậm chí là sự tự do. Và nếu bạn cảm thấy thoải mái, tự do khi làm việc, bạn sẽ dễ dàng “giải phóng” toàn bộ khả năng của mình để trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn. 

 

7

Phá vỡ những thỏa ước cũ trước khi bắt đầu thiết lập 4 thoả ước với chính mình

Trước khi muốn thiết lập 4 thoả ước với chính bản thân mình, bạn phải phá vỡ những thoả ước cũ – tức là những quy tắc, chuẩn mực mà gia đình, xã hội áp đặt lên bạn. 

Đầu tiên, hãy sống cho hiện tại, đừng chìm đắm trong những giấc mơ thời thơ ấu, vì chúng không phải của bạn. Bạn có quyền thay đổi ước mơ và theo đuổi nó, mặc kệ người khác nghĩ gì. Bên cạnh đó, hãy chấp nhận sự thật: những điều bạn được học lúc nhỏ đôi khi không phải là sự thật duy nhất. Do đó, bạn có quyền thay đổi góc nhìn, thay đổi quan điểm và thể hiện quan điểm đó. 

Tất nhiên, phá vỡ thoả ước cũ là một chuyện không hề dễ dàng. Có những chuẩn mực, những quy tắc đã ăn sâu vào lòng xã hội, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người đến mức “chặt không đứt, bứt không rời”. Vì vậy, bạn đừng vội vàng, hãy phá vỡ chúng từng chút một, song song với quá trình thực hiện 4 thoả ước mới. 

Thứ hai, hãy thực hành sự tha thứ. Theo quan niệm tâm linh của người Toltec, luôn có một loại “ký sinh trùng” kiểm soát tâm trí của chúng ta, khiến chúng ta trở nên tiêu cực. Và sự oán giận của bạn chính là nguồn thức ăn nuôi sống nó. Vì vậy, để thoát khỏi nó, để tâm trí được tự do, bạn phải học cách tha thứ – tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình và tha thứ cho chính bản thân mình. 

Hãy tưởng tượng vào buổi sáng, bạn thức dậy và được nạp đầy năng lượng tích cực. Sau đó, bạn đến công ty, tranh cãi với người đồng nghiệp. Cảm giác lúc đó thế nào? Bạn đột nhiên cảm thấy mình hoàn toàn kiệt sức, năng lượng tiêu cực bắt đầu bủa vây xung quanh. Chúng sẽ khiến năng lượng tích cực của bạn bị tiêu hao, thậm chí chúng còn tác động xấu đến những người xung quanh bạn. Nếu bạn không dừng lại và thực hành sự tha thứ, mọi chuyện sẽ trở nên tệ hại hơn đấy! 

Cuối cùng, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu chỉ còn 1 ngày để sống, bạn sẽ làm gì? Sẽ về thăm gia đình, sẽ gặp gỡ bạn bè hay sẽ làm nốt công việc còn dang dở? Bạn có thực sự muốn dành khoảnh khắc quý báu này để băn khoăn “liệu người khác đang nghĩ gì về mình” không? 

Nói tóm lại, nếu bị dồn vào hoàn cảnh “chỉ còn 1 ngày”, bạn sẽ tự động nhận ra ai là người quan trọng với mình, đâu là việc mình cần làm ngay lập tức – đó cũng là lúc bạn sống hết mình cho hiện tại, không luyến tiếc quá khứ đã qua, cũng không lo lắng cho tương lai chưa đến.

Tổng kết

Thông điệp chính của cuốn sách: 

Con người bị áp đặt từ khi mới sinh ra. Gia đình, xã hội, trường học, tôn giáo đã ép chúng ta vào khuôn khổ, khiến chúng ta mắc kẹt trong vòng xoáy của những quy tắc, chuẩn mực và khó lòng sống thật với bản thân mình. 

Đã đến lúc chúng ta tìm lại sự tự do. Và con đường dẫn đến tự do nằm ngay trong trái tim mỗi người. Hãy thử thực hành 4 thoả ước để giải phóng bản thân, bạn nhé! 

Lời khuyên hành động: 

Bắt đầu phá vỡ các thỏa ước cũ ngay bây giờ! 

Hầu hết chúng ta đang mắc kẹt trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thoả ước cũ. Hãy phá vỡ chúng ngay bây giờ, từ từ, từng chút một. 

Bạn nghĩ rằng mình không thể hát? Để phá vỡ thỏa ước này, bạn chỉ cần can đảm hát một lần, hát bằng cả tâm huyết và tưởng tượng có ai đó đang tán thưởng màn trình diễn của mình. Dần dần bạn sẽ nhận ra: trên đời này, không gì là không thể! 

Bạn nên đọc thêm quyển sách: “Thoả ước thứ năm” của tác giả Don Miguel Ruiz and Don Jose Ruiz 

Bạn vừa tìm hiểu về 4 thoả ước giúp mỗi người tự giải phóng bản thân, tìm lại sự tự do. Bây giờ, hãy bước thêm một bậc nữa – đến với thoả ước thứ năm. Tác giả Don Miguel Ruiz và con trai Don Jose Ruiz sẽ đưa chúng ta đến với một mức độ nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh của bản ngã, từ đó tìm về với con người thật của mình. 

 

Tóm tắt sách Bốn Thỏa Ước
Wiki Sách Tóm Tắt