Wiki Sách Tóm Tắt

Mục lục bài viết

Giới thiệu

Quyển sách này nói về điều gì? 

“Bạn đang nghịch gì với đời mình?” (2001) sẽ giúp bạn trả lời một số câu hỏi hóc búa nhất về cuộc sống. Từ việc xem xét tác động của hạnh phúc đến mỗi cá nhân, tác giả Jiddu Krishnamurti sẽ cho ta biết và hiểu thêm về những triết lý sâu xa để bạn có thể tự mình vượt qua những giai đoạn khó khăn và mông lung nhất của cuộc đời. 

Quyển sách này dành cho ai? 
  • Những người chưa biết được mục đích sống của bản thân 
  • Những người hiểu biết về triết học 
  • Những nhà giáo dục đang tìm hướng tiếp cận mới về cuộc sống 
Về tác giả 

Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) ở miền nam Ấn Độ. Ông là một triết gia, diễn giả và nhà văn nổi tiếng thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã dành phần lớn thời gian để gặp gỡ và chia sẻ những bài học, triết lý nhân sinh của bản thân tới nhiều người và nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì những cống hiến tích cực đó mà Hội Thông Thiên Học, một tổ chức triết học toàn cầu đã gọi Jiddu Krishnamurti là “Người thầy của thế giới

 

1

Tìm lời giải cho những câu hỏi khó của cuộc sống

Chắc hẳn, vào một khoảnh khắc nào đó trong đời mình, bạn đã tự hỏi mục đích của cuộc sống là gì? Và làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc dài lâu? 

Trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. 

Tuy nhiên, một số câu trả lời sẽ thật mông lung nếu bạn chỉ mới lướt qua. Vì thế để thực sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó thì bạn hãy dành thêm nhiều thời gian để nghiền ngẫm những câu trả lời đó nhé. 

Ngoài ra, từ cuốn sách này, bạn cũng sẽ biết được: 

  • Xuất phát điểm và điều kiện văn hóa – xã hội đã ảnh hưởng như thế nào đến góc nhìn của bạn? 
  • Tại sao một cuộc cách mạng quy mô lớn sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì? 
  • Trí huệ và trí tuệ khác nhau như thế nào? 

2

Xuất phát điểm và những giáo điều khắt khe đang ngăn cản góc nhìn của bạn về thế giới 

Hãy dừng lại một chút và xem xét cách bạn nhìn nhận thế giới. 

Bắt đầu với cách mà bạn nhìn nhận về tình yêu. Ngay từ khi mới sinh ra, có lẽ tâm trí bạn phần nào đã bị áp đặt bởi những quan niệm truyền thống, truyền từ đời này qua đời khác. Người ta nói với bạn rằng, tình yêu được bắt đầu bởi một cặp đôi, sau đó họ hạnh phúc bên nhau trong ngày cưới. Cứ thế, hình ảnh về cái gọi là tình yêu đó sẽ theo bạn đến suốt cuộc đời. 

Tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, nền tảng kinh tế và văn hóa, mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau về tình yêu. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu bạn đang nhìn tình yêu chỉ theo một hướng nhất định thì góc nhìn của bạn đang bị hạn chế, thậm chí là bị thiển cận. Bởi thực tế cho thấy, mỗi quốc gia, tôn giáo, vùng miền lại có những cách thể hiện và định nghĩa tình yêu khác nhau. 

Cuộc sống chúng ta luôn thay đổi, thế nhưng góc nhìn và quan niệm của bạn về thế giới lại có xu hướng cố định. Tâm trí của bạn thường bị ràng buộc bởi nền tảng văn hóa, hệ thống niềm tin, tôn giáo và những giáo điều cực kì khắt khe. Thế nên, để có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới, bạn phải thay đổi tư duy và quan điểm của chính mình. 

Để làm được điều này, trước hết bạn phải giải phóng tâm trí của bản thân khỏi tất cả những lý thuyết thuần túy, cổ hủ để nhìn nhận vấn để một cách tổng thể hơn. Ví dụ, khi xem xét một vấn đề, hãy đừng bó buộc mình ở một vị trí. Bạn có thể hóa thân thành những nhân vật khác nhau, chẳng hạn như một nhà xã hội chủ nghĩa, một nhà tư bản, một người theo đạo Cơ đốc hay một người theo đạo Hindu… để nhìn nhận một sự việc một cách khách quan, công tâm và rộng mở hơn. 

Nhưng làm thế nào để bản thân có thể hòa mình với thế giới? Bạn phải quan sát cẩn thận cách tâm trí của mình vận hành. Chỉ khi đó, bạn mới hiểu được thế giới quan của bản thân và từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Bằng cách này, bạn cũng sẽ bắt đầu hiểu được bản thân và biết được mối quan hệ của bạn với thế giới.

3

Để thay đổi thế giới, bạn phải tự thay đổi chính mình

Hãy tưởng tượng rằng có một cuộc cách mạng chống lại sự bất công đang diễn ra. Ở đó, mọi người tiến hành một cuộc tổng đình công, lật đổ chính phủ và giới tinh hoa để đòi lại công bằng. Họ đề xuất một hiến pháp mới, với một bộ luật hoàn toàn mới được thiết kế giúp cho xã hội bình đẳng hơn. Lúc này, thế giới không còn những người bị áp bức, bóc lột và sự xung đột sẽ không còn diễn ra nữa. 

Một thế giới hoàn hảo như vậy thường sẽ xuất hiện trong đầu những người mong muốn “thay đổi thế giới”. Tuy nhiên theo tác giả, mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thành sự thật nếu chúng ta chỉ mãi ước ao mà không đứng lên hành động. Và nếu khởi đầu công cuộc thay đổi thế giới bằng những cuộc cách mạng quy mô lớn là quá khó khăn, thì chúng ta có thể thực hiện bằng cách dễ dàng hơn rất nhiều đó là thay đổi bản thân. 

Bởi lẽ, thế giới được tạo thành từ nhiều cá nhân tương tác với nhau. Chính vì vậy, những điều gây rắc rối cho nhân loại không phải do chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản hay tôn giáo gây ra, mà đó là do sự rối loạn trong tâm trí của mỗi cá nhân. 

Và nguyên nhân sâu xa của sự rối loạn tâm trí này chính là do “cái tôi” cá nhân gây ra. Theo tác giả, khi cái tôi cá nhân quá lớn, chúng ta có xu hướng khát khao quyền lực, địa vị và tầm ảnh hưởng lên thế giới ở mọi lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, văn hóa, tôn giáo đến kinh tế… Chính vì vậy, khi nhiều cái tôi quá lớn gộp lại sẽ tạo ra tất cả sự hỗn loạn trên thế giới này. 

Theo ý kiến của tác giả, để thế giới không còn hỗn loạn nữa thì chỉ cần hạ thấp cái tôi của mỗi người xuống. Để làm điều này, bạn phải quan sát cách hoạt động của tâm trí, sau đó là quan sát bản thân. Từ đó, bạn sẽ hiểu hơn được con người mình và có những điều chỉnh cho cái tôi của mình ở mức phù hợp hơn.

4

Hạnh phúc chỉ là phù du. Càng sớm học được điều này, chúng ta sẽ càng hạnh phúc

Hạnh phúc là mục tiêu của cuộc sống, là đích đến của mọi hành trình nỗ lực của con người. Dù có được tình yêu, sự nghiệp hay sức khỏe thì cảm giác cuối cùng mà chúng ta muốn có vẫn là hạnh phúc. Nhưng có một điều thật tiếc rằng, hạnh phúc là thứ không dễ để có được. 

Mỗi người có một kiểu định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Khi còn là những đứa trẻ, hạnh phúc đến thật dễ dàng và đơn giản. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi chơi đùa, chạy bộ, bơi lội hoặc cảm giác tò mò khi khám phá tự nhiên… 

Nhưng càng lớn tuổi, cảm nhận về hạnh phúc của chúng ta thay đổi, trở nên phức tạp hơn. Chúng ta thoáng thấy hạnh phúc khi chiếm hữu được người khác hoặc khi đạt được đỉnh cao danh tiếng và quyền lực… Và khi già đi, niềm hạnh phúc của chúng ta là được quây quần bên những người thân quen và bạn bè. 

Nói vậy để thấy được, hạnh phúc luôn thay đổi và nó thường không lâu bền. Chẳng hạn, bạn đã cảm thấy vui sướng khi được tặng chiếc xe yêu thích vào đúng ngày sinh nhật. Thế nhưng theo thời gian, chiếc xe ấy không còn làm bạn hạnh phúc nữa, thay vào đó, bạn muốn một thứ gì đó lớn lao hơn, như một căn nhà chẳng hạn. 

Vậy chẳng lẽ không có cách nào để đạt được niềm hạnh phúc bền lâu sao? Có đấy, theo quan điểm của tác giả, cách mà chúng ta có được hạnh phúc lâu dài là sống trọn từng phút từng giây của cuộc sống. Hơn nữa, một khi hiểu rõ được chân lý rằng không có gì tồn tại mãi mãi (kể cả hạnh phúc) thì bạn sẽ thực sự được hạnh phúc.

5

Trí huệ khác với trí tuệ như thế nào? 

Theo bạn “trí tuệ” có nghĩa là gì? Có phải cụm từ này gợi lên hình ảnh của các sinh viên thường xuyên đạt điểm A hay các bác sĩ, nhà khoa học đang làm việc để giải quyết các vấn đề phức tạp của thế giới? 

Định nghĩa về trí tuệ thường là sự suy nghĩ độc lập với cảm xúc và trực giác. Nó thiên về khả năng suy luận hoặc phân tích chi tiết một vấn đề. Nói một cách đơn giản, trí tuệ là thứ có thể rèn luyện thông qua giáo dục để có thể hiểu biết hơn và nhạy bén hơn trong các lĩnh vực khác của trong đời sống, chẳng hạn như trong toán học, vật lý và kinh tế. 

Tuy nhiên theo tác giả, nếu chỉ sử dụng trí tuệ, bạn sẽ không thể hiểu biết đầy đủ về thế giới. Ông lập luận rằng, để hòa nhập với thế giới thì ngoài trí tuệ bạn còn cần phải sử dụng trí huệ của mình nữa. Vậy nếu trí huệ khác với trí tuệ, thì chính xác thì trí huệ là gì? 

Trong phật giáo, trí huệ còn được gọi là “bát nhã” hoặc “nhận thức”, là một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là sự thông tuệ nhưng không phải do suy luận hay kiến thức đem lại, mà là sự sáng suốt và hiểu biết một cách toàn triệt, không mâu thuẫn. 

Trí huệ là khi trực giác và lý trí tồn tại song song và hài hòa với nhau. Nhưng làm thế nào để có được trạng thái này? Theo tác giả, điều quan trọng nhất bạn cần làm là tu tập cho tâm mình tĩnh lặng. Bởi lẽ, khi tâm trí ồn ào thì bạn sẽ chẳng cảm nhận được điều gì một cách trọn vẹn. 

Vậy có cách nào để loại bỏ hoàn toàn mọi suy nghĩ không? Chắc chắn điều đó là không thể. Thế nhưng để trở nên tập trung hơn vào một vấn đề nào đó thì cũng như hai chương trước, bạn cần phải quan sát tâm trí của bản thân để hiểu biết sâu sắc hơn về nó, từ đó có những hiệu chỉnh phù hợp. 

6

Khi cảm thấy buồn chán thì hãy cứ buồn chán thay vì cố gắng thoát khỏi nó

Khi cảm thấy buồn và chán nản thì bạn sẽ làm gì? Có phải bạn sẽ xem phim hay chạy bộ quanh khu nhà để giải tỏa tinh thần không? Nhưng nếu bạn cảm thấy nhàm chán với cả cuộc đời của mình thì sao? Bạn sẽ thay đổi nó bằng cách tìm một công việc mới hay đi du lịch vòng quanh thế giới ư? 

Cho dù là làm gì đi nữa thì những hành động trên chứng tỏ bạn đang cố gắng trốn chạy khỏi sự chán nản. Thế nhưng theo tác giả, chúng ta không nên trốn chạy mà thay vào đó, hãy dũng cảm đối mặt với nó. Chỉ cần bạn bình tĩnh và dừng lại quan sát sự buồn chán. Sau đó tự nhìn vào chính mình và hỏi, tại sao tôi lại buồn chán thế này? 

Hãy cho phép tâm trí của bạn đối mặt với thực tế rằng, nó đang cảm thấy chán nản, mệt mỏi và kiệt sức. Bằng cách này, bạn sẽ có thể sống chung với những cảm xúc tiêu cực rồi từ từ có thể tự chữa lành bản thân. Còn nếu cứ mãi trốn chạy, bạn sẽ chỉ tự dối lừa bản thân mà vấn đề vẫn chưa bao giờ được giải quyết. Để rồi vào một thời điểm nào đó bạn nhận ra sự thật, thì bạn sẽ tiếp tục buồn chán nữa mà thôi. 

Cuối cùng, việc theo đuổi thứ gì đó chỉ để mong muốn thoát khỏi sự nhàm chán sẽ chỉ dẫn đến cảm giác buồn chán hơn. Ví dụ, bạn có một công việc lương cao hơn hay có được người mình yêu thì đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ cảm thấy chán nản với nó. Hãy hiểu được điều này để có thể thoải mái hơn với bản thân mình bạn nhé.

7

Mục đích của cuộc sống là chính cuộc sống 

Mục đích của cuộc sống là gì? Đã có nhiều người tự hỏi điều này trong suốt nhiều thế kỷ, trong đó có cả những nhà triết học và các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng. 

Nhiều người thường nghĩ rằng, chúng ta có thể tìm thấy mục đích sống thông qua sự dẫn dắt của các nhà tư tưởng nổi tiếng, các triết gia uyên bác hay là những người thành công về kinh tế. Chúng ta nhìn vào lối sống, thành tựu và kinh nghiệm của họ để làm kim chỉ nam dẫn đường với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. 

Thế nhưng, khi mải mê chạy theo những hình mẫu nhất định thì chúng ta lại vô tình quên đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Bởi lẽ, cuộc sống là một thứ gì đó luôn vận động xung quanh chúng ta, luôn bên ta một cách thân mật và gần gũi. Sẽ chẳng có ai có đủ năng lực hay thẩm quyền để giúp ta thay đổi cuộc sống của chính mình cả. 

Vì thế, thay vì coi cuộc sống là việc theo đuổi một mục tiêu xa vời, thì bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại. Nếu phát hiện ra điều gì đó không ổn trong cuộc sống của mình thì bạn nên tìm hiểu lý do tại sao nó lại xảy ra như thế. Bởi lẽ, chỉ có cách đối mặt với sự buồn phiền hay sợ hãi của bản thân thì bạn mới có thể thoát khỏi những cám dỗ và thất bại của cuộc đời. 

Cuộc sống vốn dĩ là vậy. Nó phong phú, bí ẩn và tươi đẹp. Chính vì vậy, mục đích sống của mỗi người chính là sự trân trọng và sống trọn vẹn từng phút giây của cuộc sống.

Tổng kết 

Thông điệp chính trong cuốn sách này: 

Không có một triết gia nổi tiếng hay chính trị gia vĩ đại nào có thể giải quyết được những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Chỉ bạn, và chính bạn mới có thể thay đổi bản thân mình. Nếu nhận ra góc nhìn của mình đang bị hạn chế bởi những quan niệm cổ hủ và giáo điều khắt khe thì bạn hãy thoát ra bằng cách tự đặt mình vào những vị trí khác nhau để cảm nhận được thế giới một cách khách quan hơn và rộng mở hơn. 

Lời khuyên hữu ích: 

Hãy dành thời gian để quan sát cách mà bản thân suy nghĩ 

Lần tới, khi chuẩn bị đưa ra ý kiến quan trọng về một điều gì đó thì bạn hãy cố gắng dừng lại một chút để suy xét xem, tại sao bạn lại hành động như vậy? Sau đó, hãy cố gắng hỏi thêm một số câu hỏi, chẳng hạn như, Điều đó có khiến bạn có cái nhìn khác không? Và người khác sẽ nghĩ như thế nào về ý kiến của bạn? 

Khi dừng lại để đặt câu hỏi, đó chính là lúc bạn tự quan sát tâm trí của mình, qua đó có những điều chỉnh phù hợp, nếu ý kiến đó là sai. Tập cho mình thói quen này để trở thành một con người cẩn thận, chỉn chu hơn bạn nhé.