Giới thiệu
Ăn trộm như một nghệ sĩ sẽ tiết lộ bí mật lớn nhất đằng sau sự sáng tạo, đó chính là sao chép. Không có nghệ sĩ nào sáng tạo một cách độc lập, mọi công trình nghệ thuật đều chịu ảnh hưởng từ những sản phẩm trước đó. Ăn trộm như một nghệ sĩ sẽ dạy bạn cách tạo ra sản phẩm của riêng mình qua việc học hỏi từ thành công của người khác. Bên cạnh đó cuốn sách cũng đưa ra một vài lời khuyên về việc sử dụng Internet để mang sản phẩm sáng tạo của bạn đến với cộng đồng.
Cuốn sách là sự lựa chọn tuyệt vời với
- Nghệ sĩ hoặc những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật;
- Những ai đang “chật vật” đi tìm cảm hứng;
- Những người nghệ sĩ cần lời khuyên để khởi nghiệp thành công.
Đôi dòng về tác giả
Austin Kleon là một nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ nổi tiếng. Bên cạnh những bài viết được đăng trên một số tờ báo nổi tiếng như Wall Street Journal và Morning Edition, gần đây anh đã cho xuất bản cuốn sách Newspaper Blackout.
Chương 1. Giá trị lớn nhất mà cuốn sách mang lại: Lý do tại sao tất cả những nghệ sĩ tài năng đều là “kẻ trộm”?
Bạn nghĩ ai là kẻ trộm ranh mãnh nhất mọi thời đại? John Dillinger hay những kẻ cướp tàu nổi tiếng? Và bạn nghĩ sao nếu câu trả lời là Picasso và Dali?
Đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật là tinh hoa từ một tác phẩm khác. Không có công trình sáng tạo nào xuất hiện từ hư vô một cách độc lập, tất cả đều được xây dựng từ sản phẩm của những thế hệ trước đó. Bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng đều cố gắng tận dụng hết những tinh túy này, hay nói cách khác, họ không hề ngần ngại “sao chép”.
Trong bản tóm tắt này, bạn sẽ tìm ra cách sáng tạo nên một tác phẩm của riêng mình từ những thành tựu của các nghệ sĩ nổi tiếng khác. Trong phần tiếp theo đây, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về:
- Điểm chung giữa Nick Cave và Conan O’Brien;
- Tại sao quan điểm về nghệ thuật nguyên gốc là hoàn toàn sai lầm;
- Tại sao đôi khi bạn nên rời khỏi thành phố mình đang sinh sống.
Chương 2. Nghệ thuật nguyên gốc hoàn toàn không tồn tại.
Rất nhiều người cho rằng sự nguyên gốc chính là yếu tố làm nên thành công cho một tác phẩm nghệ thuật. Nói cách khác, một tác phẩm chỉ được coi là xuất sắc khi nó chưa từng xuất hiện trước đó.
Quan điểm này đẩy người nghệ sĩ vào cuộc tìm kiếm ý tưởng miệt mài để tạo nên một sản phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới. Tuy nhiên, kết quả nhận lại sẽ luôn là sự thất bại cho dù họ có cố gắng đến đâu. Bởi lẽ, không tác phẩm nào là nguyên bản, cho dù nó có được tạo ra từ bàn tay thiên tài của Picasso, Dali hay W. B. Yeats.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm khác. Vì vậy, không nghệ sĩ nào là nguyên bản, họ thường xào nấu lại những gì người khác đã tạo ra. Ví dụ, ban đầu The Beatles là một ban nhạc hát lại những ca khúc nổi tiếng. Giai điệu tự sáng tác chỉ ra đời khi họ đã thực sự chinh phục được những ca khúc của nghệ sĩ họ hâm mộ.
Ảnh hưởng của nghệ thuật cũng tương tự như nguyên lý di truyền học. Mỗi đứa trẻ đều là sản phẩm của sự kết hợp gen giữa bố và mẹ. Dù DNA không phải là nguyên bản, nhưng nó lại đưa ra một kết quả hoàn toàn đặc biệt. Điều này có nghĩa rằng, nếu tìm ra những người nghệ sĩ tài giỏi để bắt chước theo, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những tác phẩm thành công.
Phương pháp “cây gia hệ” là một gợi ý lý tưởng giúp bạn làm được điều này. Đầu tiên, hãy tìm hiểu về tác giả của những tác phẩm bạn yêu thích. Sau đó hãy tiến dần vào thế giới của họ bằng cách treo tranh họ vẽ trên tường, tìm hiểu chiến thuật để họ làm nên những kiệt tác. Cuối cùng, hãy tiếp tục lặp lại quy trình trên với những người có ảnh hưởng lên thần tượng của bạn hoặc bất kỳ ai bạn ngưỡng mộ. Khi cây gia hệ càng nhiều nhánh, bạn càng có thể thu được nhiều ý tưởng thú vị để đưa vào tác phẩm của chính mình. Cuối cùng, hãy đặt bản thân mình lên ngọn cây như một điểm kết nối tất cả các nhánh “ý tưởng”, việc này sẽ mang lại cho bạn nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào.
Chương 3. Trước tiên, hãy cứ bắt chước thần tượng của bạn, sau đó thì biến nó thành sự mô phỏng.
Nghệ thuật nguyên bản không tồn tại không đồng nghĩa với việc nghệ sĩ chỉ đi sao chép tác phẩm. Chắc chắn bạn không thể ăn cắp thành quả của người khác và công bố nó như thành tựu của mình, nhưng việc bắt chước họ lại là một khởi đầu lý tưởng.
Ban đầu bạn sẽ không thể xác định được chính xác mong muốn và khả năng của mình, vì vậy hãy cứ làm theo người mà bạn hâm mộ. Không chỉ sao chép tác phẩm, mà hãy học theo cách họ sống và tìm kiếm động lực làm việc. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Nick Cave đều khởi nghiệp theo cách này.
Trong quá trình bắt chước thần tượng, bạn sẽ nhận ra một số điểm mà bạn khác biệt và không có khả năng làm theo họ. Hãy khai thác tối đa “điểm yếu” này vì nó sẽ dần hé lộ phương pháp sáng tạo của riêng bạn. Chúng ta gọi nó là sự mô phỏng.
Đây là cách nhà soạn kịch và dẫn chương trình nổi tiếng, Conan O’Brien khởi nghiệp. Ban đầu, mặc dù rất hâm mộ nhưng ông lại không sao chép hoàn toàn phong cách của David Letterman. Cuối cùng, chính những điểm khác biệt đó đã giúp ông trở nên nổi bật và độc lập với thần tượng của mình.
David Letterman hâm mộ Johnny Carson, còn Johnny Carson lại thần tượng Jack Benny! Nhìn chung, từ việc bắt chước theo tiền bối của mình, họ dần tìm ra điểm khác biệt của bản thân và phát triển sự nghiệp dựa trên những đặc điểm đó. Những khía cạnh kém hơn thần tượng lại chính là thứ sẽ tạo ra một sự nghiệp đặc biệt của riêng họ.
Chương 4. Dù có tập trung vào nghệ thuật cũng đừng bỏ qua sở thích cá nhân và những công việc ngoài lề khác.
Khi đã xác định ước mơ trở thành một nghệ sĩ, mọi người thường quyết định bỏ qua những sở thích cá nhân của mình để tập trung hoàn toàn vào nghệ thuật. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế điều này sẽ cản trở năng suất và hạnh phúc cá nhân của bạn. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho quan điểm này.
Đầu tiên, sở thích và những công việc bên lề chính là cách để bạn thư giãn khi sự sáng tạo đột nhiên cạn kiệt. Nếu chỉ tập trung vào nghệ thuật, hiệu quả công việc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cảm giác chán nản khi mọi nỗ lực để sáng tạo đều vô ích.
Cảm hứng và sự sáng tạo chỉ quay về khi bạn để cho bộ não mình được thoải mái. Vì vậy, một vài công việc ngoài lề sẽ tạo ra những khoảng lặng yên bình trong tâm hồn cho bạn kiếm tìm cảm hứng. Không bắt buộc đó phải là những công việc thú vị, thậm chí làm việc nhà hay sự trì hoãn bản thân tạm thời cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự.
Việc duy trì những sở thích cá nhân cũng rất quan trọng bởi nếu không có nó con người sẽ cảm thấy hoàn toàn trống rỗng. Cho dù có tận tâm và hứng thú với công việc đến thế nào thì tâm hồn bạn cũng sẽ dần xuất hiện lỗ hổng nếu nó không được thư giãn.
Tác giả đã nhận ra điều này khi ông từ bỏ ghi ta để tập trung toàn lực vào nghệ thuật. Tuy nhiên, cảm hứng chỉ quay lại khi ông dành ra một khoảng thời gian thư giãn nhất định bằng cách chơi ghi ta. Cảm giác hạnh phúc và sự tập trung sau đó đã giúp công việc của ông thuận lợi hơn rất nhiều.
Chương 5. Trước khi công bố rộng rãi tác phẩm của mình, hãy cứ tận hưởng lợi ích từ sự riêng tư đã.
Hầu hết mọi người đều muốn trở nên nổi tiếng. Đặc biệt trong giới nghệ sĩ, có những người luôn cố gắng để nổi tiếng nhanh nhất có thể. Về lâu về dài, đây là một mục tiêu tốt, nhưng sự riêng tư sẽ là lựa chọn có lợi và an toàn hơn ở thời điểm bắt đầu.
Sự riêng tư sẽ cho bạn cơ hội để sáng tạo và phạm sai lầm. Khi đã trở nên nổi tiếng, bạn sẽ luôn bị đặt dưới áp lực của sự phán xét. Việc thử nghiệm sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều bởi lẽ mọi người xung quanh sẽ cảm thấy thất vọng và chỉ trích khi ý tưởng mới lạ đó của bạn thất bại.
Bạn sẽ không phải đối mặt với những việc trên nếu mọi thứ vẫn ở mức riêng tư. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể thử nghiệm và phạm sai lầm bao nhiêu tùy thích.
Tuy nhiên, bạn phải làm gì nếu vẫn muốn nổi tiếng? Chia sẻ thành tựu của mình với mọi người xung quanh là phương pháp đơn giản nhất, đặc biệt là trong thời đại của Internet. Hãy chia sẻ bất cứ điều gì về đam mê của bạn, từ những phần đang thực hiện đến đã hoàn thành. Vấn đề chính là liệu rằng người nghe có nhận ra sự khác biệt trong công việc bạn đang làm hay không.
Những bài viết trên blog hay website cá nhân là một gợi ý tuyệt vời cho bạn chia sẻ về công việc của mình, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng làm nên những người nghệ sĩ tài năng.
Chương 6. Hãy tạo ra một không gian làm việc sáng tạo, nhưng cũng đừng quên đôi khi phải ra ngoài thay đổi không khí.
Vào thế kỷ thứ 19, mọi người phải tìm tới vùng Địa Trung Hải, nhìn ngắm những bức tượng và tranh vẽ tường thời Phục Hưng để tìm cảm hứng. Ngày nay, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là bật máy tính hay điện thoại của mình lên. Vì những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo giờ đây có thể xây dựng ở nhà, nên việc thiết kế không gian làm việc tại gia là rất quan trọng.
Thực tế, bạn chỉ cần để những vật truyền cảm hứng xung quanh mình, ví dụ như là những bức tranh của người họa sỹ bạn ngưỡng mộ. Ngoài ra, bạn cũng phải đảm bảo rằng mọi khía cạnh khác nhau của công việc đều có thể phát triển trong môi trường làm việc ấy.
Rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo bằng những phần mềm công nghệ như Photoshop hay Illustrator. Tuy nhiên, đây lại không phải là một phương pháp được khuyến khích. Những sản phẩm sáng tạo thường đến từ những bản phác thảo hay dòng chữ viết trên giấy.
Tác giả đã sáng tác cuốn sách Newspaper Blackout của mình bằng việc in các trang sách, cắt chúng thành nhiều mảnh nhỏ và dán khắp nhà. Điều này sẽ tạo ra không gian cho anh thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm nhiều cách viết mới mẻ, và tất nhiên nó sẽ hiệu quả hơn những màn hình máy tính vô tri. Vì vậy, bên cạnh những thiết bị công nghệ, đừng quên dành một khoảng không gian cho những phương pháp thủ công trong phòng làm việc.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng: dù có thể làm việc tại nhà, nhưng hãy đi đâu đó ít nhất một lần. Nếu luôn quá hài lòng với hiện tại, tác phẩm cũng sẽ dần bị nhàm chán theo tâm trạng của bạn. Những chuyến đi đến một thành phố hay quốc gia khác sẽ không chỉ tạo cảm hứng mà còn cho bạn những quan điểm mới lạ. Ví dụ, quê hương của tác giả ở Texas, nhưng khoảng thời gian sống ở Anh và Ý đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời và sự nghiệp của anh ấy.
Chương 7. Hãy dùng lời khen từ người khác để động viên và bảo vệ bản thân khỏi những bình luận tiêu cực.
Internet là một công cụ có ích cho bạn phát triển nguồn cảm hứng của mình, tuy nhiên nó cũng kéo theo một vài ảnh hưởng tiêu cực. Việc công khai tác phẩm của mình trên mạng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều lời phê bình ác ý từ người không hài lòng với sản phẩm đó.
Nếu có gặp phải trường hợp này, đừng để nó chặn nguồn sáng tạo đang dồi dào trong bạn. Cách tốt nhất là lờ những bình luận đó đi hoặc giấu nỗi tức giận vào trong và để nó tạo cảm cho bạn.
Nếu quá để tâm đến những lời phê bình tiêu cực, bạn sẽ chẳng còn thời gian để sáng tạo sản phẩm của mình nữa. Trong trường hợp không thể nén nỗi tức giận, ít nhất hãy biến nó thành điều gì có ích, ví dụ như là một nguồn cảm hứng mới. Đó là lý do tại sao tác giả thường đọc những email chê bai vào buổi sáng khi anh cần năng lượng để thức dậy và làm việc.
Bên cạnh những nhận xét chê bai, Internet cũng cho bạn rất nhiều lời khen ngợi quý giá. Hãy tận hưởng chúng và đừng quên dành lời khen cho những người khác. Đây cũng là một phương pháp hữu hiệu để sáng tạo hiệu quả.
Ví dụ, bạn có thể đăng những bài viết ca ngợi thần tượng của mình hay những tác phẩm được họ truyền cảm hứng lên blog cá nhân. Những lời khen bạn trao đi sẽ tương đương với những gì bạn nhận lại.
Để tận dụng triệt để những lời khen, hãy cho nó một file riêng trong máy tính. Trong file đó sẽ chứa những email, dòng nhận xét tích cực mà bạn nhận được. Khi cảm thấy chán nản, hãy ngồi đọc nó để nhắc nhở bản thân rằng, mọi người vẫn đang đánh giá cao những gì bạn làm.
Kết luận
Nghệ thuật nguyên bản không tồn tại, tất cả nghệ sĩ đều là kẻ ăn trộm. Để “ăn trộm” hiệu quả, hãy học hỏi từ thần tượng của bạn, mô phỏng theo họ và tạo ra một không gian làm việc sáng tạo cho riêng mình. Dù có tập trung vào công việc thì cũng đừng bỏ qua sở thích cá nhân, bước ra khỏi vùng an toàn của mình và chia sẻ công việc với mọi người xung quanh khi bạn đã tận hưởng đủ sự riêng tư chính là ba lời khuyên tiếp theo. Cuối cùng, bên cạnh việc sáng tạo tác phẩm của bản thân, đừng quên tạo cảm hứng cho những người khác nữa.
Bài học rút ra:
Đừng quá vùi đầu vào công việc
Tóm tắt sách Ăn Trộm Như Một Nghệ Sĩ
Dịch từ Blinkist